Ngân hàng “ào ào" chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng bước làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Vì thế, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các ngân hàng trong bối cảnh này.

Thời của “chíp hóa”

Mới đây, 7 ngân hàng gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank đã chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng. Việc chuyển đổi thẻ này được xem là xu thế tất yếu, phù hợp với các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng; ngoài ra, đây còn là giải pháp nâng cao công nghệ trong việc cung cấp sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng.

Hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM, trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.

Theo kế hoạch của Chính phủ, đến cuối năm 2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn về thẻ chip nội. Do đó, giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng thương mại cho biết, dự kiến đến cuối năm nay sẽ chính thức ra mắt sản phẩm thẻ đầu tiên ứng dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc theo chuẩn quốc tế (EMV contactless). Bước đầu, ngân hàng này sẽ triển khai máy POS đọc thẻ chip cho chuỗi rạp chiếu phim, siêu thị… trên toàn quốc, nhưng nếu máy POS chưa có công nghệ mới vẫn có thể cà thẻ để thanh toán bình thường.

Về vấn đề bảo mật, ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng HDBank cho biết, ngân hàng đang triển khai các công nghệ mới rất an toàn và luôn phối hợp với công ty thẻ, nhà mạng lớn cùng triển khai như hệ thống phòng chống hacker. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chú trọng việc truyền thông đến người sử dụng thẻ để tăng tính an toàn.

Hợp tác cùng chuyển đổi

Các ngân hàng đang tiến tới xây dựng hệ sinh thái, không chỉ có ngân hàng cung cấp giải pháp thanh toán mà ngân hàng cùng nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống DN và các tổ chức cùng hợp tác để cung cấp dịch vụ ngân hàng tốt nhất cho người dân và phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Sự liên kết giữa ngân hàng và các DN công nghệ, viễn thông đang bắt đầu bằng việc xây dựng ngân hàng số tích hợp cả hệ thống ví, thẻ vào một.

Tại Việt Nam, hiện chỉ có 30% dân số có tài khoản ngân hàng, trong đó 85% là giao dịch rút tiền mặt. Vì thế, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các ngân hàng là việc người dân tiếp cận dịch vụ thông tin tài chính rất hạn chế, thói quen dùng tiền mặt diễn ra thường xuyên. Nhưng đây cũng là cơ hội để các ngân hàng mở rộng dịch vụ phát triển tới tất cả người dân, tất cả các vùng từ thành thị đến nông thôn. Chính vì thế, bà Yến nhận định, việc hợp tác giữa ngân hàng và các DN viễn thông sẽ trở thành xu thế trong thời gian tới. Hiện Vietcombank cũng đã mở rộng và hợp tác, liên kết, song hành cùng các công ty viễn thông cung cấp dịch vụ tài chính tốt nhất, bao gồm từ những dịch vụ thanh toán đơn giản như thanh toán tiền điện, tiền nước… hay phức tạp hơn như đầu tư tài chính cho khách hàng.

Cũng là sự hợp tác để chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, mới đây, SunTec - công ty hàng đầu về quản trị doanh thu đã triển khai thành công Customer Centricity System (hệ thống khách hàng trung tâm - CCS) cho Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB). Theo MSB, hệ thống CCS có thể tự động phân khúc khách hàng cá nhân của ngân hàng dựa trên các thông số tài chính, giao dịch của họ. Qua đó, MSB sẽ đưa ra các sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt tùy chỉnh theo nhu cầu của từng nhóm khách hàng mục tiêu phù hợp với từng mốc thời gian thực tế. Khả năng định giá của hệ thống cũng là một chức năng quan trọng gia tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong việc xác định chi phí nhanh chóng cho từng nhóm khách hàng. Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB chia sẻ, việc tự động hoá các quy trình và dịch vụ khách hàng đã mang đến cho ngân hàng sự linh hoạt cần thiết trong việc cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ - yếu tố khiến MSB có lợi thế hơn các ngân hàng khác.

Có thể thấy, các ngân hàng đều đang nỗ lực, nhằm tăng cường khả năng đổi mới kỹ thuật số, đưa công tác quản trị quan hệ với khách hàng, cung cấp dịch vụ khách hàng lên một tầm cao mới. Điều này sẽ góp phần tạo cho hệ thống các tổ chức tín dụng sự phát triển bền vững, lành mạnh với khả năng chống chịu cao hơn trước những tác động bên ngoài.