Ngành thủy sản tìm cơ hội bứt phá sau đại dịch Covid-19

Theo VASEP, ngành thủy sản trong nước sẽ có sự bứt phá khi dịch bệnh đi qua nếu có những cơ chế hỗ trợ phù hợp cho nông-ngư dân, doanh nghiệp thủy sản.

Nửa số đơn hàng thủy sản bị hủy, hoãn

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Công Thương, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thủy sản trong nước bị tác động mạnh bởi sự lây lan của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong vận chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Khó khăn thứ nhất VASEP đưa ra liên quan đến vấn đề tài chính. Khi nhiều khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng khiến doanh nghiệp Việt thu hồi tiền hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.

Thứ hai, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp thủy sản chỉ hoàn thành được 50% số đơn hàng đã ký, còn lại, từ 35-50% các đơn hàng bị hủy hoặc hoãn trong khi việc đàm phán, ký kết các đơn hàng mới đang và sẽ rất khó.

xuất khẩu thủy sản
VASEP lo ngại, trong 1,2 tháng tới, nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ tôm, cá tra sẽ bị hạn chế do xâm nhập mặn và người nuôi trồng lo sợ giá thủy sản giảm sâu

Thứ ba, về nguồn cung nguyên liệu, đại diện VASEP lo ngại, trong 1,2 tháng tới, nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ tôm, cá tra sẽ bị hạn chế. Nguyên nhân chính đến từ tình hình ngập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng đến việc nuôi trồng nguyên liệu thủy sản cho chế biến và xuất khẩu.

Ngoài ra, người nuôi tôm/cá tra nguyên liệu lo sợ giá tiếp tục giảm sâu nên thu hoạch sớm và có xu hướng hạn chế nuôi hay bỏ ao vì khó trụ qua giai đoạn này.

Thứ tư, hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản đang thiếu kho lạnh trầm trọng, do vậy, phải hạn chế thu mua nguồn nguyên liệu tôm cá của bà con nông-ngư dân, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn, chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.

Thứ năm, về vấn đề vận chuyển hàng hoá, đây là tình trạng chung của tất cả các ngành trong bối cảnh hiện nay. Hoạt động xuất nhập khẩu bị gián đoạn do vậy phát sinh nhiều khoản chi phí mới như: chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu container tại cảng...

Chịu tác động từ Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn không tiêu thụ được hàng, phải trả lương cho cán bộ nhân viên bằng sản phẩm, VASEP thông tin.

Cơ hội bứt phá từ đại dịch

Tuy nhiên, đánh giá một cách lạc quan, VASEP cho rằng, trong nguy có cơ, ngành thủy sản trong nước sẽ có sự bứt phá mạnh khi dịch bệnh đi qua có những cơ chế hỗ trợ phù hợp cho nông-ngư dân, doanh nghiệp thủy sản.

Lý giải nhận định trên, đại diện VASEP phân tích, hiện nay, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã gia tăng đáng kể. Nhất là khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách chống dịch quyết liệt, quyết tâm, kịp thời ngăn chặn Covid-19 lây lan. Và đây là lợi thế đầu tiên, đại diện VASEP nhấn mạnh.

xuất khẩu thủy sản
Đối diện với những khó khăn do Covid-19 gây ra, VASEP vẫn lạc quan khi cho rằng, ngành thủy sản trong nước sẽ có sự bứt phá mạnh khi dịch bệnh đi qua nếu Chính phủ có những cơ chế hỗ trợ phù hợp cho nông-ngư dân, doanh nghiệp thủy sản

Cơ hội thứ hai được VASEP chỉ ra, đó là do các nước có thế mạnh sản xuất thủy sản cùng với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador... đều đã và đang bị phong tỏa do ảnh hưởng của Covid-19 nên sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng giảm.

“Nếu Chính phủ Việt Nam có sự hỗ trợ, khuyến khích kịp thời để nông-ngư dân có thể tiếp tục khai thác, thả nuôi, duy trì được nguồn nguyên liệu trong thời gian tới, thì chúng ta có sức cạnh tranh rất tốt đối với các quốc gia này”, VASEP lưu ý.

Thứ ba, hiện nay, trên thế giới đang có trào lưu chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra. Nếu chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất để đón nhận trào lưu này, chúng ta sẽ có cơ hội đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và xuất khẩu ngành thủy sản.

Thứ tư, nhu cầu sơ chế nguyên liệu từ Việt Nam cũng sẽ có xu hướng tăng, nhất là đối với các sản phẩm có tính tiện dụng để giao online. Bởi hiện nay, xu hướng mua hàng, giao hàng online đang phát triển mạnh ở thị trường Trung Quốc cũng như nhiều thị trường xuất khẩu khác, do đó, các doanh nghiệp thủy sản trong nước đang đẩy mạnh chế biến những sản phẩm tiện lợi, để thúc đẩy sự tăng trưởng của bán lẻ thủy sản trực tuyến.

Từ những phân tích trên, đại diện VASEP kỳ vọng, sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng, bứt phá khi đại dịch kết thúc. Tuy nhiên, góp phần vào kết quả này, các địa phương cần tăng cường liên kết sản xuất, từ nông-ngư dân đến doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ sản phẩm để cân đối cung - cầu.

Theo số liệu từ VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước Quý I năm nay ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với 31%, chủ yếu do giảm sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm sâu (cá ngừ giảm 13,5%, mực-bạch tuộc giảm 28%).

 

Hạ An