Ngày Xuân nghĩ về dòng chảy hàng hóa

Mặc dù dòng chảy hàng hóa đóng góp vào sự tăng trưởng rất lớn, nhưng đó chỉ là những cái hiển hiện, nhìn thấy được. Trên thực tế, khi giao dịch ngoại thương có dư, khi dòng chảy hàng hóa nội địa được quản lý tốt thì kinh tế vĩ mô ổn định chắc chắn hơn, kiềm chế lạm phát, giữ được giá trị tiền đồng… là nền tảng căn bản để người dân và doanh nghiệp tin tưởng bỏ vốn ra làm ăn.
rcep
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại lễ ký RCEP

Khơi thông dòng chảy

Ngày 6 tháng 1 năm 2017, tới dự Hội nghị tổng kết ngành Công Thương, thấy thiếu một lãnh đạo ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hỏi và được biết, vị lãnh đạo ấy đã bay sang Vương Quốc Anh để cài đặt chuyện đàm phán thương mại tự do Việt - Anh. 4 năm sau, chúng ta kịp có một UKVFTA, khi Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu và thời hạn chót của giai đoạn chuyển tiếp vừa mới kết thúc.

Tình huống này tiếp tục lặp lại lần nữa khi cuối năm 2019, Ấn Độ tuyên bố chưa vội gia nhập RCEP. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chèo lái để RCEP được ký kết với phần để ngỏ sẵn sàng tiếp nhận Ấn Độ trở lại vào thời điểm thích hợp.

EVFTA, UKVFTA, RCEP… chính là những dòng chảy hàng hóa. Ngành Công Thương bao quát đến 70% GDP cả nước, trải dài trên nhiều lĩnh vực hoạt động từ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đến thị trường trong nước, phòng vệ thương mại… Nhưng nếu cần 1 câu có thể thâu tóm mọi chức năng nhiệm vụ của ngành, thì hẳn đó sẽ là: Khơi thông dòng chảy hàng hóa.

Đã là hàng hóa, phải được luân chuyển, nếu không nền kinh tế sẽ hình thành những “cục máu đông”. Vì thế, ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc bị ùn ứ, Bộ Công Thương nhanh chóng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020. Công điện này cho phép xây dựng quy trình đảm bảo thông quan mà vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Cùng với đó là các cuộc điện đàm với lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương của Trung Quốc để tăng thời gian thông quan, bổ sung nhân lực bốc dỡ… giúp khơi thông luồng hàng hóa hai bên.

Nhìn lại giai đoạn này, có lẽ nhiều người sẽ bất giác giật mình. Nếu không có Công điện 224, không chỉ hàng nông sản nước ta bị ùn ứ, mà nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ chống dịch từ Trung Quốc sang cũng bị ách tắc. Và chắc chắn, các doanh nghiệp dệt may không thể kịp chuyển hướng ngoạn mục với con số xuất khẩu hơn 1,3 tỷ chiếc khẩu trang y tế!

Tiếp đến, khi dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, Nhật Bản và sau đó là khu vực EU, Hoa Kỳ, thì theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến được kích hoạt để kết nối bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước cũng như khơi thông thị trường xuất khẩu. Kết quả là, trong khi giao thương nhiều nước sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu nước ta vẫn tăng 7%, xuất siêu 19,95 tỷ USD.

Ở thị trường trong nước, với phương châm 4 tại chỗ “Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ”; và 3 sẵn sàng “Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương” không chỉ bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống mà tổng mức bán lẻ hàng hóa đã trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng với doanh thu xấp xỉ 4 triệu tỷ đồng, tăng 6,8%; gánh đỡ cho khu vực dịch vụ lưu trú, và du lịch lữ hành sụt giảm do thực hiện giãn cách xã hội.

che bien che tao
Dòng lưu chuyển của hàng hóa chế biến chế tạo đã phát triển đủ quy mô để dẫn dắt sự tăng trưởng chung

Đường dẫn đến thành công

Vì sao năm 2020 trải qua 2 đợt giãn cách xã hội, dòng hàng hóa nước ta vẫn tuôn chảy mạnh mẽ? Vẫn theo chân các con tàu đi khắp các đại dương? Vẫn hiện diện trong từng căn nhà, góc phố? Tại cuộc họp tổng kết ngành Công Thương đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm cả hội trường ngạc nhiên khi tự “thống kê” có 17 Ủy viên Trung ương Đảng đại diện cho các Ban, Bộ, Ngành đến dự. Thủ tướng kết luận: “Điều đó cho thấy sự phối hợp của Bộ Công Thương với các bên liên quan rất tốt. Theo kinh nghiệm chỉ đạo điều hành, phối hợp chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công”.

Trong phần phát biểu tham luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sự phối hợp giữa 2 bên: “Trong tháng 8 năm 2020, khi EVFTA có hiệu lực, Bộ trưởng Công Thương cùng tôi 4 lần triển khai Hiệp định tới các doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng. Ở cấp Sở, hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong các sự kiện hội chợ, triển lãm, OCOP…”.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin thêm: “Trong cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã nhận được sự phối hợp tích cực của Bộ Công Thương. Với cả rừng thủ tục, Bộ Công Thương đã góp phần cắt giảm 95% thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, cho phép doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn, cấp C/O cũng rất thuận tiện”.

luu chuyen hang hoa
Tổng mức bán lẻ hàng hóa đã trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng với doanh thu xấp xỉ 4 triệu tỷ đồng, tăng 6,8%.

Giữ trọng trách cho tăng trưởng

Hiển nhiên dòng chảy hàng hóa đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Trong khi một trụ cột cho tăng trưởng là đầu tư toàn xã hội thì năm 2020 tăng ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020; khiến cho 2 trụ cột còn lại gồm tiêu dùng và xuất khẩu gánh phần lớn trọng trách cho tăng trưởng. Mức tăng trưởng GDP 2,91% gần như nhờ cả vào dòng hàng hóa lưu chuyển trong nước (tiêu dùng) và đi ra nước ngoài (xuất khẩu).

Chất lượng lưu chuyển của dòng hàng hóa cũng được nâng lên đáng kể khi nhìn trên 4 khía cạnh. Thứ nhất, chúng ta xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD). Thứ hai, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang một số thị trường truyền thống. Thế nhưng, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn tăng trưởng dương, điều đó cho thấy dòng chảy hàng hóa nước ta đã tìm sang được các thị trường thay thế.

Thứ ba, xuất khẩu của khu vực nông sản, thủy sản giảm 2,5 %; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35%, nhưng nhờ nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7% nên tổng kim ngạch vẫn tăng. Như vậy, dòng lưu chuyển của hàng hóa chế biến chế tạo đã phát triển đủ quy mô để dẫn dắt sự tăng trưởng chung.

Thứ tư, nói về dòng chảy hàng hóa trong nước: Bán lẻ hàng hóa tăng 6,8%, nếu cộng thêm doanh thu dịch vụ thì mức tăng trưởng chỉ 2,6%, thấp hơn rất nhiều so mức tăng 2 con số 11,86% của năm 2019. Thế nhưng, thu NSNN vẫn chỉ hụt chút ít so với dự toán, trong đó thu nội địa đạt 98% dự toán. Thế có nghĩa là, giao dịch hàng hóa ngày càng được quản lý tốt hơn, các giao dịch “ngầm” đã thu hẹp lại đáng kể.

Mặc dù dòng chảy hàng hóa đóng góp vào sự tăng trưởng rất lớn, nhưng đó chỉ là những cái hiển hiện, nhìn thấy được. Trên thực tế, khi giao dịch ngoại thương có dư (xuất siêu 19,95 tỷ USD); khi dòng chảy hàng hóa nội địa được quản lý tốt thì kinh tế vĩ mô ổn định chắc chắn hơn, kiềm chế lạm phát, giữ được giá trị tiền đồng… là nền tảng căn bản để người dân và doanh nghiệp tin tưởng bỏ vốn ra làm ăn.

Dòng hàng hóa lưu chuyển mạnh mẽ, đúng hướng giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Bội chi ngân sách nhà nước giảm từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 3,5% GDP giai đoạn 2016 - 2019; riêng năm 2020, do phải huy động nguồn lực chống dịch, tỉ lệ bội chi có cao hơn, khoảng 4,99% GDP nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2011-2015.

Các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài giai đoạn 2016-2020 đều trong khung chỉ tiêu mang tính pháp lệnh của Quốc hội. Cụ thể, bội chi ngân sách nhà nước không quá 3,9% GDP, nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài không quá 50% GDP.

 

Ngọc Châu