Nghị định về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động

Ngày 22 tháng 5 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và

Theo quy định tại Nghị định, doanh nghiệp muốn được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng; duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định (2 tỷ đồng) trong suốt quá trình hoạt động; địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện phải ổn định và có thời hạn ít nhất từ 02 năm trở lên; đồng thời, người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải có lý lịch rõ ràng, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên.

Cũng theo Nghị định số 55/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định Danh mục các công việc được cho thuê lại lao động bao gồm: Phiên dịch, biên dịch, tốc ký; thư ký, trợ lý hành chính; lễ tân; hướng dẫn du lịch; hỗ trợ bán hàng; hỗ trợ dự án; lập trình hệ thống máy sản xuất; dọn dẹp vệ sinh toà nhà, nhà máy; vệ sĩ, bảo vệ; lái xe...

Việc cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong đó, không bao gồm các trường hợp sau: Doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công; thay thế người lao động bị thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp; cho thuê lao động để làm việc ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt...

Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng. Khi hết thời hạn này, doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động với bên thuê lại mà người lao động thuê lại vừa hết thời hạn cho thuê lại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 07 năm 2013.

Chi tiết Nghị định xem tại đây.