Nghị quyết số 124/NQ-CP - Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 22 tháng 3 năm 2018 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bám sát vào quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 23: “Chính sách công nghiệp quốc gia là một bộ phận hữu cơ của chiến lược, chính sách phát triển đất nước, gắn liền với chính sách phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là chính sách thương mại quốc gia, tài chính - tiền tệ, khoa học, công nghệ, đào tạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác để hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm”, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm triển khai, cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết đi vào công việc, đời sống. Ngày 03 tháng 9 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 124/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động được Chính phủ ban hành nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương “tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu, tổ chức xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý công nghiệp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tập trung, thông suốt, hiệu quả, có phân công, phân cấp rõ ràng. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp phù hợp với đặc trưng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Bên cạnh đó “phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp theo định hướng đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò và nội dung của chính sách công nghiệp quốc gia trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành và từng cấp”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm. Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Trong Chương trình hành động, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện 61 đề án, nhiệm vụ cụ thể để triển khai, cụ thể hóa việc xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW. Trong đó Bộ Công Thương được giao chủ trì thực hiện 13 nhiệm vụ, đề án gồm: Xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghiên cứu sự cần thiết xây dựng Nghị định về hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040; Đề án về quy hoạch và tổ chức các tổ hợp công nghiệp hóa chất có công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất, cung ứng các sản phẩm với khối lượng lớn, đa dạng, đảm bảo an toàn môi trường và hiệu quả kinh tế; Cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp; Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 – 2030; Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030; Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da - giày giai đoạn 2021 – 2030.

Trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án được giao, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương