Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tại Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH)

ThS. Trần Nam Trung (Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh - HUTECH)

TÓM TẮT:

Chất lượng đào tạo là mong muốn của nhà trường và giảng viên nhằm đem đến sự hài lòng cho các khách hàng của mình như sinh viên và các tổ chức, doanh nghiệp. Khoa Tài chính-Thương mại, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị luôn đi đầu trong công tác bảo đảm chất lượng và nâng cao hiệu quả học tập. Bài viết này nghiên cứu các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trong Khoa Tài chính-Thương mại. Để có được kết quả nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng dưới sự trợ giúp của phần mềm SPSS 22.

Từ khóa: Chất lượng, đào tạo, hài lòng, kế toán, HUTECH.

1. Đặt vấn đề

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Tài chính-Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) luôn quan tâm đào tạo lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của nghề nghiệp, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ vào công việc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tại Khoa Tài chính - Thương mại và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo là việc làm hết sức có ý nghĩa.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Một số khái niệm cơ bản

Chất lượng đào tạo: Cheng và Tam (1997) cho rằng, chất lượng đào tạo là đặc trưng của một loạt yếu tố đầu vào, quá trình và đầu ra của hệ thống giáo dục đào tạo mà nó cung cấp các dịch vụ làm thỏa mãn nhu cầu người học và nhu cầu của xã hội về đào tạo. Đức (2003) chỉ ra rằng chất lượng đào tạo là kết quả tác động tích cực của tất cả các yếu tố cấu thành hệ thống đào tạo và quá trình đào tạo vận hành trong môi trường nhất định.

Các chỉ số đo lường chất lượng đào tạo: Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều chỉ số khác nhau để đo lường chất lượng đào tạo. Chúng bao gồm kết quả thi cử, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ sinh viên bỏ học, số sinh viên đăng ký nhập học, số tiền đầu tư cho mỗi sinh viên, tỷ lệ giảng viên so với sinh viên.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp định tính: Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp định tính như sau: Tìm hiểu tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu, tìm các công trình nghiên cứu trước để xem các tác giả trước xây dựng mô hình ra sao. Xây dựng bộ câu hỏi nghiên cứu sơ bộ, phỏng vấn ý kiến của 12 bạn sinh viên hệ đại học chính quy đang theo học tại Khoa để xây dựng những câu hỏi nghiên cứu thông qua việc phỏng vấn trực tiếp dạng câu hỏi mở. Tiến hành thảo luận nhóm sinh viên nhằm thu thập thông tin góp phần định hướng nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện mô hình và các thang đo của đề tài nghiên cứu.

Phương pháp định lượng: Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp định lượng như sau: Tiến hành khảo sát sinh viên của Khoa về đề tài nghiên cứu. Phân tích dữ liệu khảo sát thông qua phần mềm SPSS 22. Kiểm định mô hình, các giả thuyết nghiên cứu và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến hiệu quả học tập. Kiểm định T-Test và ANOVA để kiểm định sự khác biệt trung bình của từng nhóm đối tượng đánh giá.

3. Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu sơ bộ của tác giả gồm 10 biến độc lập tác động đến Chất lượng đào tạo, bao gồm: Chương trình đào tạo; Cơ sở vật chất; Đội ngũ giáo viên; Môi trường học tập; Dịch vụ hỗ trợ; Năng lực người học; Tổ chức quản lý đào tạo; Các đánh giá kết quả học; Văn hóa của sinh viên; Giới tính. Từ mô hình nghiên cứu ban đầu, tác giả xây dựng bảng câu hỏi, thảo luận, hoàn thiện và tiến hành điều tra thu thập số liệu.

4. Kết quả nghiên cứu

Tác giả phát ra 368 phiếu khảo sát và thu về 300 phiếu hợp lệ. Trong đó, có 76 sinh viên đang học năm 1 (chiếm tỷ lệ 25,3%), có 36 sinh viên đang học năm 2 (chiếm tỷ lệ 12%), có 110 sinh viên đang học năm thứ 3 (chiếm tỷ lệ 36,7%) và số sinh viên năm 4 được khảo sát là 78 (chiếm 26%) điều này cho thấy tỷ lệ sinh viên các năm phân bố phù hợp trong mẫu khảo sát.

Sau khi phân tích thống kê mô tả, tác giả thực hiện phương pháp làm sạch dữ liệu bằng phương pháp phân tích Cronbach Alpha cho tất cả các biến độc lập và biến phụ thuộc. Kết quả phân tích đối với 10 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc “Chất lượng đào tạo” cho thấy các quan sát CSVC01, CSVC02, CSVC03, CSVC04, CSVC05 không đạt yêu cầu, còn các biến còn lại đáp ứng yêu cầu và được đưa vào phân tích EFA kế tiếp. Cụ thể:

Sau khi loại bỏ các biến có Cronbach Alpha nhỏ hơn 0.6 ở trên gồm: CSVC 01,02,03,04,05, ta chạy mô hình để lấy hệ số KMO. Kết quả phân tích hệ số KMO = 0.952, cho ta thấy các biến đưa vào phân tích nhân tố là thích hợp. Tiếp theo tác giả thực hiện đặt tên và giải thích nhân tố. Cụ thể, giải thích các nhân tố được thực hiện trên cơ sở nhận ra các biến quan sát có hệ số truyền tải (factor loading) lớn ở cùng một nhân tố. Các nhân tố này có thể giải thích bằng các biến có hệ số lớn đối với bản thân nó.

Sau khi phân tích EFA, tác giả xây dựng được mô hình nghiên cứu hiệu chỉnh gồm 7 biến độc lập tác động đến Chất lượng đào tạo gồm: Chương trình đào tạo; Đội ngũ giáo viên; Môi trường học tập; Dịch vụ hỗ trợ; Năng lực người học; Tổ chức và quản lý đào tạo; Đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Phân tích hệ số tương quan Pearson: Một phương pháp chung để đánh giá giá trị phân biệt là kiểm nghiệm ma trận tương quan cho các biến độc lập và phụ thuộc. Kết quả hệ số tương quan nhỏ hơn 0,85 chỉ ra rằng giá trị phân biệt có khả năng tồn tại giữa 2 biến (John and Benet-Martinez, 2000). Đối với nghiên cứu kết quả cho thấy hệ số tương quan tuyệt đối giữa các biến dao động từ 0,168 đến 0,381, nghĩa là không vượt quá hệ số điều kiện 0,85. Điều đó chứng minh rằng giá trị phân biệt đã đạt yêu cầu. Hay nói cách khác, các thang đo trong nghiên cứu này đã đo lường được các khái niệm nghiên cứu khác nhau.

Phân tích hồi quy bội: Kết quả các thông số của từng biến trong phương trình hồi quy cho thấy giá trị Sig. của 7 biến độc lập đều nhỏ hơn 0,05. Do đó, có thể nói rằng, 7 biến độc lập này đều có ý nghĩa thống kê hay nói cách khác đều có ảnh hưởng nhất định đến “Chất lượng đào tạo”.

Từ kết quả của bảng hồi quy ta viết lại được phương trình hồi quy:

Chất lượng đào tạo = -0.071 + 0.318 * Đội ngũ giảng viên + 0.347 * Tổ chức và quản lý đào tạo + 0.273 * Môi trường học tập + 0.219 * Đánh giá kết quả học tập + 0.137 * Chương trình đào tạo + 0.126 * Chất lượng dịch vụ hỗ trợ + 0.128 * Năng lực người học + ε  

5. Kiến nghị

Về đội ngũ giảng viên: cần xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giảng viên. Dựa trên các tiêu chuẩn của giảng viên được quy định trong Luật Giáo dục, kết hợp với việc tham khảo các tiêu chuẩn này ở các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước, từ đó xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giảng viên phù hợp. Trên cơ sở đánh giá chất lượng giảng viên, Nhà trường có giải pháp để nâng cao chất lượng giảng viên.

Tổ chức và quản lý đào tạo: cần phát huy thế mạnh về tổ chức công tác quản lý hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác. Từng bước xây dựng công nghệ quản lý ngày càng hợp lý, khoa học và hiện đại. Chú trọng đến vấn đề tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin kịp thời đối với giảng viên và sinh viên, làm sao rút ngắn quy trình trao đổi và xử lý thông tin giữa các bộ phận trong nội bộ Trường và giữa các bộ phận với giảng viên, sinh viên nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác của thông tin được xử lý. Thường xuyên khảo sát giảng viên, nhân viên và sinh viên về chất lượng đào tạo của Nhà Trường.

Môi trường học tập: cần có đặc trưng văn hóa riêng được mọi thành viên trong và ngoài trường thừa nhận. Làm sao để sinh viên tự hào khi giới thiệu về Nhà trường, nơi họ đang được học tập, có nét văn hóa riêng biệt? Muốn vậy, Nhà Trường cần có tầm nhìn chiến lược xây dựng nề nếp văn hóa thân thiện, hữu ích và mang nét đặc trưng riêng của Trường. Từ logo, slogan có ý nghĩa cho đến việc tổ chức mọi hoạt động trong Nhà trường phải thống nhất với văn hóa đã xây dựng, hình thành và phát triển.

Môi trường học tập phải hiện đại. Làm sao để sinh viên phát triển những kỹ năng như tự học, tự nghiên cứu và xử lý thông tin để có được kiến thức nền tảng vững chắc, đồng hành với kiến thức chuyên môn luôn được cập nhật mới nhất, đáp ứng được yêu cầu việc làm khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Đánh giá kết quả học tập: cần đảm bảo chất lượng sinh viên đầu vào và công tác tổ chức kiểm tra tập trung trong quá trình học và thi hết học phần phải được thực hiện thật nghiêm túc, có biện pháp giáo dục sinh viên có ý thức và trách nhiệm trong thi cử, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết mọi trường hợp gian lận, tiêu cực trong mọi kỳ kiểm tra và thi hết học phần nhằm góp phần đảm bảo sự công bằng trong đánh giá chất lượng học tập của sinh viên.

Chương trình đào tạo: theo quan điểm mục tiêu đào tạo, có 3 mục tiêu là: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong việc giảng dạy các môn học, giảng viên thường tập trung nhiều vào mục tiêu kiến thức ở trên lớp và khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu để đạt mục tiêu kỹ năng, còn mục tiêu thái độ thường ít được quan tâm. Theo tác giả, trong quá trình giảng dạy, giảng viên nên tập trung vào mục tiêu thái độ, thông qua phương pháp sư phạm, khơi dậy trong sinh viên lòng tự trọng, lòng ham muốn chinh phục kiến thức, ý chí học tập bền bỉ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng của nội dung thực hành để giúp sinh viên khi ra Trường có thể làm việc được ngay.

Chất lượng dịch vụ: cần nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn học tập và nghề nghiệp cho người học. Công việc này yêu cầu đội ngũ tư vấn bên trong Trường phải am tường về các chuyên ngành đào tạo, các vị trí việc làm cụ thể trong từng doanh nghiệp, tổ chức; đồng thời cần mở rộng thành phần tham gia tư vấn bên ngoài Trường, là những người đang công tác thực tế về nhân sự tại các doanh nghiệp, tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên: “thực tế nghề nghiệp đòi hỏi bạn cần nỗ lực học tập”.

Năng lực người học: đối với yếu tố năng lực người học, cần tác động đến năng lực học tập của sinh viên, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học sinh viên hằng năm, định hướng các đề tài nghiên cứu phù hợp với năng lực sinh viên, tổ chức bộ máy phụ trách công tác nghiên cứu khoa học đồng bộ từ cấp Trường đến cấp Khoa. Tăng cường giao lưu về công tác nghiên cứu khoa học sinh viên với các tổ chức, đơn vị ngoài trường, thông qua các cuộc thi về học thuật tạo thành phong trào ngày càng rộng rãi trong sinh viên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trịnh Xuân Hưng, Trần Nam Trung (2018). Phương pháp giảng dạy các môn học thực hành ngành kế toán nhằm đạt được hiệu quả cao nhất tại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.
  2. Trần Văn Tùng (2017). Nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy các học phần chuyên ngành Kế toán tại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường.
  3. Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (2017). Nội dung và phương pháp giảng dạy lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và Kế toán - Kiểm toán trong xu thế hội nhập. Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp Thành phố.
  4. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Nhà xuất bản Hồng Đức.
  5. Lương Thị Thủy (2018). Nâng cao hiệu quả giảng dạy các học phần thực hành trong đào tạo cử nhân ngành kế toán. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.
  6. Trịnh Xuân Hưng, ThS Trần Nam Trung. Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập các môn thực hành tại Hutech. Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 9 năm 2018, trang 107.
  7. Dang, N. T. (2011). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng Nghề Đông Nam Bộ. Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
  8. Thành, T. (2011). Nghiên cứu các yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật miền Nam. Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
  9. Cheng, Y. C. and W. M. Tam. (1997). Multi-Models of Quality in Education. Assurance in Education, 5, 22-31.

 

A STUDY ON THE MAJOR FACTORS AFFECTING THE QUALITY

OF TRAINING PROGRAMS PROVIDED BY THE FACULTY OF FINANCE

AND COMMERCE UNDER THE HO CHI MINH CITY UNIVERSITY

OF TECHNOLOGY

Postgraduate student, Master. Tran Nam Trung

Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

Improving the quality of training activities is one of schools’ goals. High quality training programs could enhance the satisfaction of students, business and other related parties with schools. The Faculty of Finance and Commerce under the Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH) has always been at the forefront of ensuring and improving the quality of training programs. This study is to analyze the major factors affecting the quality of training programs provided by the Faculty of Finance and Commerce, HUTECH. This study used both qualitative and quantitative research methods with the SPSS Statisttics 22.0

Keywords: Quality, training, satisfaction, accountant.