Nghiên cứu mức độ sử dụng các thước đo hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp sản xuất

NGÔ THỊ TRÀ (Khoa Kế toán  -  Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiệu quả hoạt động là vấn đề được quan tâm của mỗi nhà quản trị. Hiệu quả hoạt động thường được đánh giá bằng cách so sánh giữa kết quả thu được từ hoạt động của một cá nhân hoặc bộ phận cụ thể và so sánh nó với tiêu chuẩn, định mức hoặc thực tế tốt nhất. Để đánh giá được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, người ta phải đo lường được chúng. Do vậy, đo lường và đánh giá kết quả hoạt động gắn bó hữu cơ với nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Nếu không đo lường được kết quả hoạt động thì không thể đánh giá được hiệu quả hoạt động. Bài viết này nghiên cứu mức độ sử dụng các thước đo hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp sản xuất.

Từ khóa: Các thước đo hiệu quả hoạt động, hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp sản xuất.

1. Đặt vấn đề

Đo lường và đánh giá là một chức năng quan trọng của quản trị doanh nghiệp. Theo Needly (1999) "nếu không đo lường được thì không quản trị được". Đo lường bằng cái gì thì nhận được cái đó (Kaplan, 1991). Như vậy, có thể nói, đo lường và đánh giá ảnh hưởng đến hành vi của các nhà quản trị trong doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến HQHĐ ngắn hạn cũng như dài hạn của doanh nghiệp. Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá có vai trò quan trọng trong định hướng hoạt động của các nhà quản trị và các bộ phận trong doanh nghiệp. Các nhà quản trị thường bị tác động bởi các thước đo HQHĐ và thường tập trung vào những khía cạnh và hoạt động được đánh giá.

Trong điều kiện toàn cầu hóa và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như với các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tăng, nhu cầu nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp để có thể tồn tại và phát triển trên thị trường ngày càng trở nên cấp thiết. Muốn hoạt động kinh doanh hiệu quả và cạnh tranh thắng lợi, các doanh nghiệp phải được đầu tư về vốn, công nghệ hiện đại và được quản trị theo phương pháp hiện đại với sự hỗ trợ của hệ thống thước đo phù hợp phục vụ cho đánh giá hiệu quả hoạt động.

2. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu chính là mức độ sử dụng các thước đo hiệu quả hoạt động trong các doanh nghiệp sản xuất.

Phạm vi nghiên cứu: Bài báo lựa chọn các DNSX trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc để nghiên cứu thực trạng các chỉ tiêu đo lường, đánh giá hiệu quả kinh doanh trong các DN này. Các DNSX sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên với quy mô khác nhau.

3. Các loại thước đo hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp

Nhận thức được vai trò của các chỉ tiêu đo lường HQHĐ trong quản trị doanh nghiệp, hơn 30 năm qua, nhiều công trình nghiên cứu về hệ thống đo lường HQHĐ kinh doanh tại các doanh nghiệp đã được thực hiện. Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trước năm 1980, các thước đo HQHĐ được sử dụng chủ yếu là các thước đo tài chính. Các thước đo này dựa trên các dữ liệu do hệ thống kế toán cung cấp. Các nghiên cứu của tác giả  Kaplan & Norton (1992, 1996); Perera, Harrison & Poole (1997); Ittner, Larcker & Rajan (1997); Ittner & Larcker (1998); Otley, (1999) Banker, Potter & Srinivasan (2000) đều chỉ ra hạn chế của các thước đo tài chính. Đo lường HQHĐ kinh doanh dựa trên các thước đo tài chính được coi là không phù hợp với những thay đổi gần đây về môi trường kinh doanh, đặc biệt liên quan đến các công nghệ mới và cạnh tranh gia tăng.

Nhằm khắc phục những hạn chế của các thước đo HQHĐ dựa trên tài chính, từ sau năm 1980, nhiều thước đo phi tài chính đã được phát triển và sử dụng. Các thước đo phi tài chính là những chỉ số tốt hơn về hiệu quả tài chính trong tương lai so với các thước đo kế toán, chúng có giá trị trong việc đánh giá và thúc đẩy sự hoàn thiện của nhà quản trị (Banker và cộng sự, 2000). Ưu điểm và hạn chế của các thước đo tài chính và các thước đo phi tài chính được Ghalayini và Noble (1996) tổng kết trong Bảng 1

Bảng 1. So sánh các thước đo HQHĐ tài chính và phi tài chính

Các thước đo tài chính

Các thước đo phi tài chính

Dựa trên số liệu kế toán quá khứ

Dựa trên chiến lược công ty

Dành cho các nhà quản lý cấp trung và cấp cao

Dành cho tất cả nhân viên

Số liệu có độ trễ (hàng tuần hoặc hàng tháng)

Số liệu kịp thời (theo giờ hoặc ngày)

Khó khăn, khó hiểu và gây hiểu lầm

Đơn giản, chính xác và dễ sử dụng

Dẫn đến sự thất vọng của nhân viên

Dẫn đến sự hài lòng của nhân viên

Ít được sử dụng trong doanh nghiệp sản xuất

Thường xuyên được sử dụng trong doanh nghiệp sản xuất

Định dạng cố định

Định dạng linh hoạt (theo nhu cầu)

Không thay đổi giữa các địa điểm

Thay đổi giữa các địa điểm

Không thay đổi theo thời gian

Thay đổi theo thời gian và nhu cầu

Dự định chủ yếu để theo dõi hiệu suất

Dự định để cải thiện hiệu suất

Không áp dụng cho JIT, TQM, CIM, FMS, RPR, OPT,...

Áp dụng cho JIT, TQM, CIM, FMS, RPR, OPT,...

Cản trở cải thiện liên tục

Giúp đạt được cải thiện liên tục

                                                             Nguồn: Ghalayini và Noble, 1996

4. Thực trạng sử dụng các thước đo hiệu quả hoạt động trong các doanh nghiệp sản xuất

Số phiếu phát ra và gửi qua bưu điện, email (link và bản mềm phiếu khảo sát), thông qua các điều tra viên đến doanh nghiệp gặp kế toán trưởng, trưởng phòng hoặc nhân viên kế toán để phỏng vấn và điền vào phiếu khảo sát là gần 450 phiếu. Số phiếu thu về là 171 phiếu, số phiếu sử dụng được sau khi làm sạch là 153 phiếu. Tỷ lệ hồi đáp đạt gần 38,0%. Tỷ lệ phiếu sử dụng được trên tổng số phiếu thu về là 89,4%.

Sử dụng chức năng phân tích tần suất của phần mềm SPSS20 để thực hiện thống kê mô tả thực trạng áp dụng các thước đo HQHĐ trong các DNSXVN, đề tài thu được các kết quả phân tích thống kê tại Bảng 2.

         Bảng 2. Tình trạng sử dụng các thước đo hiệu quả hoạt động

TT

Thước đo

Không sử dụng

Có sử dụng

SL

%

SL

%

1

Năng suất lao động

18,0

11,8

135

88,2

2

Thời gian sản xuất

18,0

11,8

135

88,2

3

Tỷ lệ tăng doanh thu

21,0

13,7

132

86,3

4

Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận

22,0

14,4

131

85,6

5

Tỷ lệ hài lòng của khách hàng

25,0

16,3

128

83,7

6

Thời gian giao hàng đúng hạn

26,0

17,0

127

83,0

7

Dòng tiền

29,0

19,0

124

81,0

8

Số lượng khách hàng mới

29,0

19,0

124

81,0

9

Tỷ lệ lợi nhuận thực tế/dự toán

30,0

19,6

123

80,4

10

Chi phí sửa chữa, bảo hành

34,0

22,2

119

77,8

11

Chi phí chất lượng

35,0

22,9

118

77,1

12

Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn CSH (ROE)

37,0

24,2

116

75,8

13

Tỷ lệ doanh thu từ khách hàng mới

39,0

25,5

114

74,5

14

Sự hài lòng của nhân viên

39,0

25,5

114

74,5

15

Tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm mới

44,0

28,8

109

71,2

16

Tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản (ROA)

45,0

29,4

108

70,6

17

Số sản phẩm mới được giới thiệu

46,0

30,1

107

69,9

18

Thời gian sản phẩm mới ra thị trường

50,0

32,7

103

67,3

19

Chi phí đào tạo nhân viên

51,0

33,3

102

66,7

20

Tỷ lệ phế liệu

55,0

35,9

98

64,1

21

Lợi tức đầu tư (ROI)

56,0

36,6

97

63,4

22

Số lượng khiếu nại của khách hàng

64,0

41,8

89

58,2

23

Thời gian ngừng việc

69,0

45,1

84

54,9

24

Tỷ lệ sản phẩm hỏng

70,0

45,8

83

54,2

25

Tỷ lệ sản phẩm bị trả lại

71,0

46,4

82

53,6

26

Số tiền bồi thường, chữa trị tai nạn

72,0

47,1

81

52,9

27

Số giờ/số lần hỏng máy

72,0

47,1

81

52,9

28

Tỷ lệ nhân viên bỏ việc

82,0

53,6

71

46,4

29

Số vụ tai nạn

89,0

58,2

64

41,8

Hệ thống đánh giá kết quả hoạt động trong các doanh nghiệp bao gồm các chỉ tiêu tài chính và các chỉ tiêu phi tài chính. Kết quả khảo sát và sắp xếp tỷ lệ sử dụng các thước đo HQHĐ theo thứ tự giảm dần cho thấy 3 thước đo có tỷ lệ sử dụng cao trên 85% là: Năng suất lao động (88,2%); Thời gian sản xuất (88,2%); Tỷ lệ tăng doanh thu (86,3%); Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận (85,6%).

Nhóm có tỷ lệ sử dụng trên 80% là các thước đo: Tỷ lệ hài lòng của khách hàng (83,7%), Thời gian giao hàng đúng hạn (83,0%), Dòng tiền (81,0%), Số lượng khách hàng mới (81,0%), Tỷ lệ lợi nhuận thực tế/dự toán (80,4%).

Như vậy, ngoài quan tâm đến các thước đo tài chính như sự tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận, các DNSX Việt Nam cũng chú ý nhiều đến các thước đo phi tài chính như năng suất lao động, thời gian sản xuất, sự hài lòng của khách hàng, thời gian giao hàng và mở rộng thị phần qua thước đo số lượng khách hàng mới. Một số thước đo phi tài chính khác cũng được các doanh nghiệp sử dụng, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp.

Nghiên cứu sâu hơn mức độ sử dụng thường xuyên và rất thường xuyên các thước đo HQHĐ trong các doanh nghiệp trả lời khảo sát, kết quả như sau:

Các thước đo được trên 80% các doanh nghiệp sử dụng ở mức thường xuyên và rất thường xuyên bao gồm: Năng suất lao động; Thời gian sản xuất; Tỷ lệ tăng doanh thu; Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận; Tỷ lệ hài lòng của khách hàng, Thời gian giao hàng đúng hạn, dòng tiền, số lượng khách hàng mới và tỷ lệ lợi nhuận thực tế so với dự toán.

Ngược lại, một số thước đo có tỷ lệ sử dụng thấp trong các doanh nghiệp sản xuất (dưới 55% doanh nghiệp sử dụng): Tỷ lệ sản phẩm bị trả lại; Số tiền bồi thường, chữa trị tai nạn; Số giờ/số lần hỏng máy; Tỷ lệ nhân viên bỏ việc và Số vụ tai nạn. Trong đó, thước đo có tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất sử dụng thấp nhất là Số vụ tai nạn (41,8%).

Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất quan tâm nhiều hơn đến năng suất lao động, thời gian sản xuất, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận nhưng ít chú ý đến số lượng sản phẩm bị trả lại, số lần hỏng máy, tỷ lệ nhân viên bỏ việc và các thông tin liên quan đến tai nạn lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ghalayini, A. and J. Noble (1996), The Changing Basis of Performance Measurement, International Journal of Operations and Production Management 16(8): 63-80.
  2. Ittner, C. D., Larcker, D. F., & Rajan, M. V. (1997a), The choice of performance measures in annual bonus contracts, The Accounting Review, 72(2), 231-255.
  3. Ittner, C., Larcker, D., (1997b). Are non-financial measures leading indicators offmancial performance? An analysis of customer satisfaction, Journal of Accounting Research, 1-35.
  4. Kaplan, R.S. and Norton, D.P. (1996a), Linking the Balanced Scorecard to Strategy (Reprinted From the Balanced Scorecard), California Management Review, Vol. 39, No. 1, pp. 53- 79.

A study on the use of operational efficiency measures in manufacturing enterprises

Ngo Thi Tra

Faculty of Accounting - University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The operational efficiency is the concern of every manager and it is often assessed by comparing the performance of a specific individual or unit to the performance standard. It is necessary for measuring the operational efficiency in order to assess the business performance of an enterprise. Hence, there is a supporting and complementing relationship between the operational efficiency measurement and the business performance assessment. Without the business performance assessment, the operational efficiency of an enterprise cannot be measured. This article studies the extent of the operational efficiency measures which are used in manufacturing enterprises.

Keywords: Operational efficiency measures, operational efficiency, manufacturing enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]