Nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong điều kiện Việt Nam gia nhập Asean của một số địa phương và bài học rút ra cho tỉnh Quảng Bình

THS. PHAN THỊ THU HÀ (Khoa Luật, Trường Đại học Quảng Bình)

TÓM TẮT:  

Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (AEC), tỉnh Quảng Bình đã rất quan tâm giải quyết vấn đề lao động, việc làm cho người dân. Nắm bắt xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, tính đến năm 2018, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn về việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động cho trên 36.000 lượt người, có 3.350 lao động được tuyển dụng đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hàng năm, lượng kiều hối của người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về hơn 200 tỷ đồng, đã góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc Việt Nam gia nhập AEC cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với vấn đề giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh Quảng Bình. Bài viết nghiên cứu tìm hiểu kinh nghiệm giải quyết lao động, việc làm của một số địa phương trong điều kiện Việt Nam gia nhập AEC và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Quảng Bình.

Từ khóa: Asean, lao động, việc làm, tỉnh Quảng Bình, kinh nghiệm.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, do có sự di chuyển lao động trong khu vực AEC, kinh tế người dân tỉnh Quảng Bình được cải thiện, lượng kiều hối của người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về góp phần giúp bà con nhân dân xây dựng, chỉnh trang nhà ở, mua sắm ngư cụ, đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình chăn nuôi. Đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình phát triển đúng hướng.

Tuy nhiên, việc Việt Nam gia nhập AEC cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với vấn đề giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh Quảng Bình. Tham gia AEC, người lao động của tỉnh có thể phải chịu những bất lợi do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí phá sản, dẫn đến lao động bị mất việc làm. Chất lượng nguồn nhân lực lao động của Quảng Bình chưa cao, quá trình đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động AEC và nhu cầu xã hội, sức hút lao động trong các doanh nghiệp khá khiêm tốn do quy mô nhỏ lại vừa thiếu. Tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động ở các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia ở lại bất hợp pháp còn cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động trong nước nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng khi muốn đi xuất khẩu lao động vào thị trường này.

Chính vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm ở tỉnh Quảng Bình trong điều kiện Việt Nam gia nhập AEC cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, khách quan và toàn diện về những tác động của việc gia nhập AEC.

2. Nội dung

2.1. Lao động, việc làm Việt Nam trước khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Ngày 10 tháng 11 năm 2014, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TCTK về Điều tra lao động việc làm năm 2015. Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập các thông tin về tình trạng tham gia thị trường lao động năm 2015 của những người từ 15 tuổi trở lên hiện đang sống tại Việt Nam làm cơ sở tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lao động, việc làm, thất nghiệp và thu nhập của người lao động. Qua đó giúp các cấp, các ngành đánh giá và so sánh sự biến động của thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng, hoạch địnhchính sách phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch hoạt động đầu tư, sản xuất, kinhdoanh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Đồng thời, có cáchtiếp cận và áp dụng khuyến nghị mới của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao độngvà việc làm, đặc biệt là “lao động chưa sử dụng hết” vào thực tiễn Việt Nam. Sốliệu được tổng hợp theo quý cho cấp toàn quốc; vùng và năm cho cấp tỉnh, thành phố.

2.2. Kinh nghiệm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong điều kiện Việt Nam gia nhập AEC của một số địa phương và bài học cho tỉnh Quảng Bình

2.2.1. Kinh nghiệm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong điều kiện Việt Nam gia nhập AEC của một số địa phương
2.2.1.1. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị là địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng trong giải quyết vấn đề lao động, việc làm sau khi Việt Nam gia nhập AEC. Năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Trường Trung cấp nghề Quảng Trị, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến các chính sách và tư vấn về việc làm, xuất khẩu lao động; hội nghị tập huấn về kỹ năng, phương pháp phân tích thông tin thị trường lao động ở một số cụm xã. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cũng tập trung thực hiện các nội dung, giải pháp để hỗ trợ người lao động các xã, vùng ven biển trong việc định hướng, chuyển đổi nghề và tạo việc làm, như: Tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; chỉ đạo tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các xã, cụm xã ven biển; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động tại các xã, đặc biệt là các xã ven biển.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã tổ chức điều tra, khảo sát thông tin về nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, chuyển đổi sinh kế của các hộ gia đình thuộc 16 xã vùng biển bị ảnh hưởng do môi trường sinh thái biển bị ô nhiễm. Kết quả là năm 2016, tỉnh Quảng Trị đã giải quyết việc làm cho khoảng 10.600 lượt lao động (đạt 112 % kế hoạch), trong đó có 6.312 lượt lao động làm việc trong tỉnh, 2.809 lượt lao động làm việc ngoài tỉnh và 1.479 lao động làm việc ở ngoài nước (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Lào và các thị trường khác), tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 3,6% (4). Năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã giải quyết việc làm mới cho 14.012 lao động (đạt 133,4% kế hoạch), trong đó xuất khẩu lao động 2.926 người.

2.2.1.2.Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương

Ở Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động tư vấn việc làm đã thu hút 1.276 doanh nghiệp và 42.378 lao động tham gia. Tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho 25.692 lao động. Các trường, cơ sở dạy nghề ở Bình Dương trong năm 2016 đã tuyển sinh gần 32.000 học viên và đào tạo nghề cho 1.481 lao động. Tính đến năm 2019, đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 123.622 người lao động; số người lao động được giới thiệu việc làm là 84.798 người; số người lao động nhận được việc làm là 45.342 người. Đến cuối năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng lao động của 3.905 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng 178.336 lao động; trong đó có 127.032 lao động phổ thông - chiếm tỷ lệ 71,2%; 51304 lao động chuyên môn và lao động kỹ thuật - chiếm tỷ lệ 28,8%. Tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp, sàn trực tuyến, sàn giao dịch việc làm online. Tính đến hết tháng 10/2019, Trung tâm tổ chức tổng cộng 39 sàn giao dịch việc làm, vượt 44,4% chỉ tiêu đăng ký đầu năm. Cụ thể, đã tổ chức 34 sàn trực tiếp tại trụ sở (24 sàn định kỳ từ lần thứ 202 đến 225 và 10 sàn mở rộng); 04 sàn tại các trường đại học, cao đẳng, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, 01 phiên giao dịch việc làm online.

Về công tác xuất khẩu lao động: Các doanh nghiệp tuyển chọn lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài, trên địa bàn tỉnh có 30 lao động đi làm việc ở nước ngoài (Đài Loan: 8 người, Nhật Bản: 21 người, Ma Cao: 1 người). Có 15 lao động đạt kết quả tuyển chọn, chờ xuất cảnh đi Hàn Quốc (IPS) theo chương trình phối hợp giữa 02 Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc; 01 lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình phối hợp giữa 02 Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Xác nhận cho Công ty CP Nhân Lực Hoàng Hà tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai việc tăng cường bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động khi đi làm việc cũng như các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan. Trong năm 2019, 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng qua Chương trình phi lợi nhuận và chương trình lợi nhuận (doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

2.2.2. Bài học giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong điều kiện Việt Nam gia nhập AEC cho tỉnh Quảng Bình

Một là, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình cần hoàn thiện thể chế về lao động- xã hội theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. 

Chủ động nghiên cứu Công ước cơ bản của ILO (đặc biệt là 3 Công ước cơ bản về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc). Nghiên cứu các điều ước, tiêu chuẩn và cam kết quốc tế về lao động - xã hội mà Việt Nam là thành viên, trên cơ sở đó tư vấn, xây dựng chính sách lao động, việc làm cho Quảng Bình phù hợp với khu vực và quốc tế. Áp dụng các phương pháp tiếp cận, tiêu chí đánh giá về lao động - xã hội theo thông lệ quốc tế và khu vực. Chủ động dự báo, xử lý kịp thời các vấn đề lao động - xã hội phát sinh trong quá trình phát triển, thực thi các cam kết quốc tế. Lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế về lao động - xã hội theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hai là, tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức.

Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương hội nhập AEC và quốc tế về lĩnh vực lao động- xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng cổng thông tin điện tử hội nhập quốc tế về lao động- xã hội. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức hội nhập AEC và quốc tế về lao động - xã hội trong các ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, người lao động của tỉnh Quảng Bình, nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu, nội dung, cơ hội và thách thức trong hội nhập AEC, trong việc thực hiện các cam kết với AEC, tạo đồng thuận và tăng cường trách nhiệm, có hành động thống nhất thực hiện các hoạt động và hợp tác quốc tế.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tập trung vào đổi mới giáo dục - đào tạo, dạy nghề địa phương, trong đó chú trọng việc xác định lại cơ cấu đào tạo; hoàn thiện thể chế, gắn kết đào tạo với nhu cầu thị trường lao động trong nước và AEC với tham gia của doanh nghiệp; tăng cường liên kết, tham gia vào “chuỗi giá trị đào tạo toàn cầu hoặc khu vực AEC”. Đào tạo theo đơn “đặt hàng” của doanh nghiệp, của thị trường theo các tiêu chuẩn năng lực trong AEC.

Bốn là, hoàn thiện và phát triển thị trường lao động trong tỉnh

Kết nối cung - cầu lao động hiệu quả. Tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động, bao gồm thị trường trong tỉnh Quảng Bình nói riêng và trong nước nói chung để giới thiệu và chắp nối việc làm với thị trường lao động AEC. Đặc biệt, tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động của thị trường AEC. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, đảm bảo phân luồng học sinh hiệu quả ngay từ cấp trung học cơ sơ và trung học phổ thông. Tổ chức lại và nâng cao năng lực của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong công tác cung ứng và tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp.

Năm là, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ

Xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Tôn trọng và bảo vệ quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện quyền thương lượng tập thể thực chất. Nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra lao động trong tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý tranh chấp lao động để đáp ứng các cam kết trong AEC.

Sáu là, thúc đẩy di cư lao động an toàn và hiệu quả. Hỗ trợ cho lao động di chuyển (dỡ bỏ các rào cản về hành chính, tạo liên thông các dịch vụ xã hội cơ bản, liên thông bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,...). Đối với lao động Quảng Bình làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, cần tiếp tục khắc phục; lao động bỏ trốn (bảo đảm cho người lao động về nước đúng hạn) và tái hòa nhập tốt vào thị trường lao động; liên kết và tạo dựng mạng lưới an sinh xã hội, chuyển tiền về nước an toàn và sử dụng hiệu quả, giảm các tiêu cực trong tuyển dụng.

3. Kết luận

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập mà Việt Nam là quốc gia thành viên đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc về kinh tế, khoa học và xã hội, cho phép nước ta tận hưởng được những điều kiện thuận lợi nhất để vươn mình lên một tầm cao mới.

Sự kiện này tạo ra cơ hội lớn cho tỉnh Quảng Bình trong việc giải quyết vấn đề lao động, việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang thị trường AEC. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội có được, lao động của tỉnh Quảng Bình cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn khi chất lượng nguồn lực lao động còn thấp. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng, đánh giá đúng chất lượng, đề xuất những giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động của tỉnh Quảng Bình đáp ứng yêu cầu các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động trong AEC hiện nay là hết sức cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2012). Bộ Luật Lao động.
  2. Quốc hội (2016). Bộ Luật Điều ước quốc tế.
  3. Quốc hội (2013). Bộ Luật việc làm số 38/2013/QH13.
  4. Quốc hội (2006). Bộ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật số 72/2006/QH11.
  5. Bộ Công Thương - Vụ Chính sách thương mại đa biên (2016), Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội và thách thức với Việt Nam, vn/tin-tuc.../cong-dong-kinh-te-asean--co-hoi-va-thach-thuc-voi-viet-na
  6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2013), Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc, Hà Nội.
  7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tổng cục Thống kê (2016), Báo cáo năng suất lao động của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Hà Nội.

Experience in resolving labour and employment issues of some localities in the context of Vietnam’s participation in ASEAN and some lessons for Quang Binh Province

Master. Phan Thi Thu Ha

Faculty of Law, Quang Binh Unviersity

ABSTRACT:

After Vietnam joined ASEAN, Quang Binh Province, like many other localities accross the country, has paid great attention to labor and employment issues. Grasping the trend of regional and international integration, as of 2018, employment service centers in Quang Binh Province have advised, trained and exported over 36,000 turns of workers and 3,350 employees are employed to work abroad under contracts with a definite period of time. Every year, Quang Binh Province’s workers living abroad sent home more than 200 billion VND, helping local people improve their quality of life. However, besides the advantages, Vietnam’s participation in ASEAN also poses many challenges and difficulties to employment issues of Quang Binh Province. This article presents the experience in resovling labour and employment issues of some localities in the context of Vietnam’s participation in ASEAN, thereby drawing some lessons for Quang Binh Province.

Keywords: ASEAN, labor, employment, Quang Binh Province, experience.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]