Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với thị trường và sự phát triển bền vững của ngành Than

Tiền thân của Viện KHCN Mỏ là phân Viện Nghiên cứu KHKT Than, được thành lập ngày 24/10/1972 theo Quyết định số 469/ĐT-CBTC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đ

 

 

Từ khi thành lập đến nay và đặc biệt trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), Viện KHCN Mỏ đã luôn đổi mới, phát triển toàn diện trên các mặt về hoàn thiện cơ cấu tổ chức cán bộ, đẩy mạnh hoạt động KHCN và sản xuất kinh doanh, gắn nghiên cứu với sản xuất, kết hợp hài hoà nghiên cứu tiến trước, nghiên cứu triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh sản phẩm KHCN, tăng cường tiềm lực khoa học và đào tạo nguồn nhân lực. Viện đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, góp phần giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình khai thác, thu hồi và nâng cao chất lượng than, mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao sản lượng. Được sự chỉ đạo của Tập đoàn TKV,  căn cứ vào tình hình đặc điểm và chiến lược phát triển của ngành Than, Viện KHCN Mỏ đã tập trung chỉ đạo, nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ có tầm quan trọng góp phần tăng tốc và phát triển ngành Than một cách bền vững:

* Công nghệ khai thác xuống sâu dưới mức nước tự chảy ở các mỏ lộ thiên, bao gồm các vấn đề thoát nước, vét bùn và đào sâu đáy mỏ, công nghệ khai thác với góc nghiêng bờ công tác lớn, khấu theo lớp đứng, công nghệ khai thác chọn lọc, ổn định bờ mỏ, hiện đại hóa thiết bị theo hướng nâng cao công suất, sử dụng máy xúc thủy lực, công nghệ vận tải liên tục, công nghệ khoan nổ mìn, v.v. nhằm nâng cao sản lượng và duy trì một cách có hiệu quả các mỏ lộ thiên hiện có so với thiết kế ban đầu.

* Đổi mới công nghệ và tăng cường cơ giới hóa khai thác hầm lò như công nghệ khai thác vỉa dày, dốc; công nghệ khấu gương lò ngắn; áp dụng các loại vì chống thủy lực gồm cột thủy lực đơn, giá thủy lực, dàn chống thủy lực di động; áp dụng máy khai thác liên hợp, v.v. nhằm nâng cao công suất lò chợ, NSLĐ, giảm tổn thất than, giảm tiêu hao gỗ, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn lao động.

* Đổi mới công nghệ và tăng cường cơ giới hóa đào lò và áp dụng các loại vật liệu mới chống lò như các công nghệ đào lò nhanh; áp dụng các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cômpôzít, lưới cômpôzít nhằm đẩy nhanh tốc độ đào lò, tiết kiệm vật tư và chi phí, đảm bảo an toàn lao động.

* Nghiên cứu nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tổng hợp tài nguyên khoáng sản bao gồm các vấn đề như thu hồi than từ các bãi thải bã sàng ở các mỏ; thu hồi khí mê tan trong các mỏ than phục vụ sản xuất và đời sống; sản xuất manhetít từ quặng thải mỏ đồng Sinh Quyền; sản xuất cốc định hình từ than antraxít; chế biến các loại than dùng cho sinh hoạt và công nghiệp; xử lý phế liệu, phế thải,v.v… Viện đã xây dựng khu sản xuất thực nghiệm tại Uông Bí với các xưởng sản xuất bột manhetít, xưởng đóng bánh than, xưởng tuyển than từ bã sàng. Riêng sản xuất bột manhetít, hiện nay Viện sản xuất và tiêu thụ gần 4 ngàn tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy tuyển than trong ngành với giá chỉ bằng một nửa giá nhập khẩu.

* Nghiên cứu nâng cao trình độ tự động hóa và tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở khai thác và sàng tuyển than như tự thiết kế và chế tạo, đưa vào sử dụng trong sản xuất các bộ giảm áp một chiều, chiếu sáng tàu điện mỏ, các rơ le bảo vệ động cơ, các thiết bị bảo vệ trạm đất 6 kV, bộ tự động điều chỉnh huyền phù, hệ thống điều khiển sản xuất tự động ở mỏ hầm lò, đóng ngắt điện tự động hệ thống chiếu sáng, bộ đàm thoại trong hầm lò, v.v. góp phần giảm chi phí nhập khẩu và nâng cao hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp mỏ.

Về lĩnh vực an toàn mỏ, Viện đã lập qui hoạch tổng thể phân loại mỏ theo cấp khí nổ để phát triển vùng than vùng Quảng Ninh đến năm 2010, phục vụ cho việc xây dựng chiến lược đầu tư và an toàn mỏ.

Nghiên cứu áp dụng các phương pháp mới, công nghệ và thiết bị mới vào công tác thăm dò, khảo sát và nghiên cứu các điều kiện tự nhiên mỏ và quản trị tài nguyên.

* Nghiên cứu bảo vệ môi trường trong khai thác than bao gồm các vấn đề: lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc môi trường, xử lý bụi, nước thải, phục hồi bãi thải, sản xuất sạch hơn, để lại trong lòng đất đất đá của quá trình đào lò ở các mỏ hầm lò, v.v…

Liên kết với các công ty, các mỏ chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Cùng với sự phát triển bền vững của ngành Than, thị trường về nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ trong ngành Than nói riêng và ngành Mỏ nói chung đang có nhiều thuận lợi và mở rộng hơn. Mặt khác, qua nhiều năm đổi mới, đến nay Viện cơ bản đã có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ nghiên cứu có năng lực, trình độ, nhiệt tình, hăng say với công tác nghiên cứu.

Kết quả hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh đạt được của Viện KHCN Mỏ trong một số năm gần đây cho thấy công tác nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của Viện đã có nhiều chuyển biến về mặt quản lý. Trước đây, Viện thực hiện các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ là chính. Đến nay, Viện thực hiện các đề tài, dự án cấp cơ sở là chính, tức là hoạt động nghiên cứu và triển khai của Viện đã gắn liền với sản xuất. Các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề thuộc tầm vĩ mô, khởi động, nghiên cứu tiến trước, đề xuất cơ hội, còn đề tài cấp TVN và cấp cơ sở có nhiệm vụ biến các cơ hội đó thành hiện thực trong sản xuất.

Các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ (đề tài trong kế hoạch) có tỷ trọng chỉ chiếm khoảng 15 - 20%, còn lại các hợp đồng dịch vụ KHKT (hoạt động KHCN có thu) chiếm từ 80 - 85%, đó là chưa kể đến các hoạt động KHCN khác cũng là nguồn thu quan trọng, đáng kể của Viện như thực hiện các dự án liên doanh, liên kết v.v...

Kinh phí đề tài các cấp trong kế hoạch so với tổng doanh thu của Viện hàng năm chỉ chiếm khoảng 7- 8%. Qua đó cho thấy, trong những năm qua, mặc dù trên danh nghĩa là đơn vị sự nghiệp, nhưng Viện đã chuyển sang hoạt động như một doanh nghiệp tự hạch toán, tự trang trải do không còn nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách. Trong quá trình hoạt động, Viện đã rất cố gắng phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để Viện thực sự lớn mạnh thì còn một số khó khăn cần tháo gỡ, đó là:

Là một đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng trên thực tế, Viện đã chuyển sang hoạt động như một doanh nghiệp tự chủ về tài chính, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế và tự trang trải mọi chi phí. Song đến nay Viện vẫn chưa có đủ điều kịên để tự chủ như một doanh nghiệp: không được cấp vốn lưu động để thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh, không được chủ động vay vốn ngân hàng để đầu tư thực hiện các dự án liên kết chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, không được chủ động quyết định các dự án đầu tư theo phân cấp của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam v.v. Hơn nữa, vì danh nghĩa là đơn vị sự nghiệp, CBCNVC còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào bao cấp của Nhà nước.

Cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện tuy đã được đầu tư xây dựng trong thời gian qua, nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng của Tập đoàn thời kỳ CNH, HĐH, nhất là các trang thiết bị trong phòng thí nghiệm và thiết bị nghiên cứu ở hiện trường. Mặt khác, với tư cách là đơn vị sự nghiệp thì nhiều nguồn lực về nhà xưởng, đất đai, thiết bị chưa được khai thác tối đa vào hoạt động sản xuất kinh doanh

Cơ cấu tổ chức của Viện tuy đã qua nhiều lần đổi mới, nhưng để phù hợp với hoạt động trong cơ chế thị trường và đặc biệt là khi Viện chuyển thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì tổ chức của Viện hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp.

Doanh nghiệp trong Viện (Công ty phát triển Công nghệ và thiết bị Mỏ) bước đầu hoạt động đã có hiệu quả, nhưng về cơ bản chưa đủ mạnh để chủ động trong sản xuất kinh doanh dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu ứng dụng do Viện tạo ra. Còn lực lượng khoa học trong các phòng nghiên cứu của Viện có tiềm lực để chủ động đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất lại không có đủ điều kiện pháp lý hoạt động nên phải thông qua Công ty, tạo ra một tình huống là: cấp trên thì có tiềm lực công nghệ nhưng bị ràng buộc bởi chế độ sự nghiệp, cấp dưới thì có cơ chế rộng rãi nhưng chưa có đủ tiềm lực, trong khi chưa có mô hình quản lý  thích hợp để gắn kết lợi ích và trách nhiệm, nên mối quan hệ hiện nay vẫn là mối quan hệ cấp trên - cấp dưới, chưa tạo được động lực phát triển và sự chủ động trong nghiên cứu và sản xuất. Về cơ bản, mô hình: “Viện sự nghiệp - trong Viện có Công ty doanh nghiệp” đã thể hiện sự bất cập, không còn phù hợp, đòi hỏi có sự chuyển đổi đồng bộ.

Một số vấn đề cần quan tâm khi thực hiện chuyển đổi

1- Khi thực hiện việc chuyển đổi mô hình đối với các viện trước hết cần quan tâm đến đặc thù của các viện nghiên cứu, đó là:

- Chuyển đổi viện thành doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ hiện nay đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có tiền lệ. Trên thực tế, mới chỉ có Viện IMI được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đúc rút kinh nghiệm.

- Các viện nghiên cứu khi chuyển đổi đa phần đang hoạt động theo chế độ sự nghiệp có thu nên không có vốn, tài sản, trang thiết bị hạn chế nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sau khi chuyển đổi v.v...

Một số kiến nghị

Đề nghị Nhà nước sớm ban hành Nghị định về Doanh nghiệp KH&CN và các văn bản hướng dẫn làm căn cứ thực hiện; trong đó quan tâm tạo điều kiện thông thoáng, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các viện.

Tạo vốn lưu động và tiếp tục hỗ trợ các viện trong vấn đề đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học.

Có cơ chế khuyến khích đối với các đơn vị doanh nghiệp KHCN về vay vốn, về phát triển áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ chế phân phối hiệu quả làm lợi từ áp dụng KHCN v.v...
  • Tags: