Nghiên cứu về báo cáo hạnh phúc - Bài học kinh nghiệm từ những quốc gia trên thế giới

DƯƠNG NGỌC HỒNG (Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Ngày 20 tháng 3, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (United Nations) công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) năm 2019 bao gồm bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc của 156 quốc gia dựa trên các yếu tố, như: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, sự hào phóng, kỳ vọng sống lành mạnh, quyền tự do lựa chọn cuộc sống và nhận thức về tham nhũng. Đây là báo cáo thường niên của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc lần đầu được công bố vào ngày 20 tháng 3 năm 2012. Ngày này cũng được Liên Hiệp Quốc đặt là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Trong nghiên cứu này, tác giả tập trung phân tích về phương pháp đánh giá chỉ số hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc, trên cơ sở đó bình luận về sự hoàn chỉnhvà  chưa hoàn chỉnh về các tiêu chí đánh giá, đồng thời đưa ra bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới.

Từ khóa: Chỉ số hạnh phúc thế giới, Liên Hiệp Quốc, phương pháp đánh giá, mức độ hạnh phúc.

1. Tổng quan về Báo cáo Hạnh phúc

Vào tháng 7 năm 2011, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 65/309 về Hạnh phúc: Hướng tới một định nghĩa toàn diện về sự phát triển. Liên Hiệp Quốc mời các nước thành viên đo lường hạnh phúc của người dân tại các quốc gia, đồng thời sử dụng những dữ liệu thu nhập được để hướng dẫn chính sách công. Sau đó, vào ngày 01 tháng 4 năm 2012, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới lần đầu tiên được phát hành dưới dạng văn bản dựa theo nền tảng của Hội nghị Cấp cao Liên Hiêp Quốc - Thịnh vượng và Hạnh phúc, định nghĩa mô hình kinh tế mới đã thu hút được sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới[1]. Báo cáo này được viết bởi các Giáo sư John F. Helliwell, thuộc Trường Đại học British Columbia và Viện Nghiên cứu tiến bộ Canada; Lord Richard Layard, Giám đốc của Chương trình Well-Being tại Trung tâm về Hiệu suất kinh tế của LSE; Giáo sư Jeffrey Sachs, giám đốc Viện Trái đất tại Đại học Columbia, Giám đốc SDSN và là Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019 đã xếp hạng chỉ số hạnh phúc tại 156 quốc gia. Một số điểm đáng chú ý sau: Phần Lan đã vượt qua Đan Mạch, Na Uy và Iceland đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu năm thứ hai liên tiếp[2]. Viện Nghiên cứu Hạnh phúc có trụ sở tại Copenhagen chỉ ra rằng Phần Lan đứng đầu danh sách hạnh phúc mặc dù không có GDP cao nhất trong số các quốc gia Bắc Âu nhưng là nơi có thiên nhiên đẹp, dịch vụ trông trẻ giá cả phải chăng, giáo dục miễn phí, y tế được trợ cấp nhiều, mạng lưới an toàn xã hội kết hợp với tự do cá nhân, cân bằng cuộc sống và công việc[3]. Kế đến là các quốc gia láng giềng như Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Hà Lan cũng nằm trong top 10. Trong khi đó, Nam Sudan là quốc gia đứng cuối cùng với vị trí thứ 156. Liên Hiệp Quốc cho biết 60% người dân ở đây phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực sau cuộc nội chiến đẫm máu cướp đi sinh mạng khoảng 400.000 người. Các quốc gia có xung đột như Yemen, Afghanistan và Cộng hòa Trung Phi cũng nằm ở cuối bảng. (Bảng 1)

Bảng 1. Top 10 Quốc gia trên bảng xếp hạng

Chỉ số Hạnh phúc Thế giới 2019

top_10_quoc_gia_tren_bang_xep_hang_chi_so_hanh_phuc_the_gioi_2019

Nguồn: Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, 2019

Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng, tăng 1 bậc so với năm ngoái, sau các nước Đông Nam Á như Singapore (34), Thái Lan (52), Philippines (69), Malaysia (80), Indonesia (92) và láng giềng Trung Quốc (93). Trong 11 nước Đông Nam Á, Đông Timor, Brunei không được xếp hạng, Lào được xếp hạng từ năm 2018. Báo cáo xếp hạng các quốc gia năm nay dựa trên 6 biến số chính để đánh giá hạnh phúc: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, sự hào phóng, kỳ vọng sống lành mạnh, quyền tự do lựa chọn cuộc sống và nhận thức về tham nhũng[4]. Báo cáo cho thấy, nếu xếp hạng theo các chỉ tiêu thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, đứng thứ 105 trong bảng tổng sắp. Tuy nhiên, Việt Nam có thứ hạng tương đối cao ở quyền tự do lựa chọn cuộc sống (25) và kỳ vọng sống lành mạnh (49). Trong khi đó, bảo trợ xã hội chỉ ở mức trung bình, đứng thứ 64 trong bảng xếp hạng[5]. (Bảng 2, Hình 1)

Bảng 2. Xếp hạng Chỉ số Hạnh phúc tại khu vực Đông Nam Á

xep_hang_chi_so_hanh_phuc_tai_khu_vuc_dong_nam_aNguồn: Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, 2019

 

Hình 1: Bảng xếp hạng Chỉ số Hạnh phúc của Việt Nam từ năm 2013 – 2019

bang_xep_hang_chi_so_hanh_phuc_cua_viet_nam_tu_nam_2013_-_2019 Nguồn: Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, 2019

2. Phương pháp đánh giá Chỉ số Hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc đã dựa vào thanh biểu đồ để hiển thị Chỉ số Hạnh phúc của toàn thế giới nói chung và cho 10 khu vực toàn cầu nói riêng, sự phân phối của câu trả lời dựa vào thang câu hỏi Cantril và dữ liệu được sử dụng từ Cuộc thăm dò Thế giới hằng năm của Gallup. Người trả lời sẽ đánh giá cuộc sống của họ hằng ngày theo thang đo từ 0 đến 10, với cuộc sống tồi tệ nhất sẽ là 0 và cuộc sống tốt nhất sẽ là 10. Điều này cho phép báo cáo so sánh mức độ hạnh phúc và bất bình đẳng ở những nơi khác nhau trên thế giới. Đánh giá cuộc sống trung bình của người dân khác nhau đáng kể giữa các khu vực, cao nhất là Bắc Mỹ và Châu Đại Dương (1); tiếp theo lần lượt xếp theo thứ tự: Châu Âu (2), Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê (3), Trung và Đông Âu (4), Khối thịnh vượng chung của các quốc gia độc lập (5), Đông Á (6), Đông Nam Á (7), Trung Đông và Bắc Phi (8), Cận Sahara (9) và Nam Á (10). Trong báo cáo, các chuyên gia từ tất cả các lĩnh vực, bao gồm: kinh tế, tâm lý học, phân tích khảo sát và thống kê quốc gia, sẽ mô tả cách đo lường hạnh phúc được sử dụng hiệu quả nhất nhằm đánh giá quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Báo cáo được chia ra làm nhiều chương khác nhau, đi sâu vào các vấn đề liên quan đến hạnh phúc, bao gồm: những bệnh lý liên quan đến thần kinh, lợi ích khách quan của hạnh phúc, tầm quan trọng của đạo đức, ý nghĩa của chính sách,...

Các thang đo được tổng hợp từ tổng quan nghiên cứu, sau đó chúng được phân tích và so sánh để lựa chọn những thang đo phù hợp nhất với mục tiêu và bối cảnh nghiên cứu. Vì hầu hết các thang đo đều có tính trừu tượng cao nên thang đo 10 mức độ (từ 1 đến 10) được sử dụng trong nghiên cứu này để tăng sự lựa chọn đối với đối tượng được điều tra. Độ tin cậy của thang đo được đánh giá bằng hệ số Cronbach’s Alpha, qua đó các biến không phù hợp sẽ bị loại nếu hệ số tương quan biến - tổng hiệu chỉnh (Correctd Item - Total Correlation) nhỏ hơn 0.3 và thang đo được chấp nhận khi hệ số Cronbach’s Alpha đạt yêu cầu từ 0.7 trở lên. Giá trị thang đo được kiểm định thông qua kỹ thuật phân tích nhân tố (EFA - exploratory factor analysis): kiểm định sự hội tụ của các biến quan sát (observable variables) của các nhân tố tương ứng (factors). Sự hội tụ của các biến quan sát sẽ kiểm định qua hệ số tương quan đơn giữa biến đó và nhân tố, giá trị hội tụ của các biến (factor loandings) lớn hơn 0.5. Phân tích kết quả hồi quy căn cứ vào các thống kê chủ yếu như là các tổng bình phương (R2, R2 đã điều chỉnh và R2 thay đổi) và các hệ số hồi quy (Bi và ßi). Giá trị P của thống kê F được sử dụng để kiểm định sự phù hợp của R2. R2 là phù hợp nếu giá trị nhỏ hơn .05 tại α = .05[6].

3. Bình luận về sự hoàn chỉnh và chưa hoàn chỉnh của các tiêu chí đánh giá

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2019 dựa trên 6 biến số chính có mối tương quan nhiều nhất để đánh giá chỉ số hạnh phúc tại 156 quốc gia, bao gồm: (1) GDP bình quân đầu người, (2) hỗ trợ xã hội, (3) sự hào phóng, (4) kỳ vọng sống lành mạnh, (5) quyền tự do lựa chọn cuộc sống và (6) nhận thức về tham nhũng. Các biến được sử dụng là những biến được chọn lọc bằng phương pháp nghiên cứu định tính qua phỏng vấn bảng câu hỏi, sau đó sử dụng phương pháp định lượng để lựa chọn lại các biến phù hợp cho báo cáo. Bên cạnh đó, các biến nghiên cứu được chọn lọc, phân tích và thay đổi hằng năm để phù hợp với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, sự khác biệt ở cấp quốc gia trong đánh giá cuộc sống. Tuy nhiên, một số biến quan trọng, chẳng hạn như thất nghiệp hoặc sự bất bình đẳng về giới tính/giai cấp, không xuất hiện trong báo cáo vì dữ liệu quốc tế chưa có sẵn mẫu đầy đủ từ các quốc gia.

  • GDP bình quân đầu người (GDP per capita)

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia sản xuất hàng năm. Con số này thường được tính bởi một cơ quan thống kê của chính phủ. Mỗi quốc gia tính toán GDP một cách độc lập vì rất nhiều thông tin được phân loại bắt buộc khi tính toán con số này. Chia GDP cho tổng dân số của một quốc gia, chúng ta sẽ có GDP bình quân đầu người. Đây được cho là phương pháp chính xác nhất để xác định mức độ giàu có của một quốc gia. Hầu hết chúng ta đều biết, sự giàu có của một quốc gia có mối tương quan cao với hạnh phúc của nó. GDP bình quân đầu người cao cho phép sự phát triển, tăng trưởng, thuận tiện và rất nhiều thứ khác dẫn đến mức độ hạnh phúc cao hơn.

Bên cạnh đó, vẫn có một vài ngoại lệ, ví dụ như Costa Rica. Mặc dù GDP của quốc gia này tương đối thấp so với nhiều nước phương Tây, nhưng Costa Rica vẫn xếp hạng rất cao về Chỉ số Hạnh phúc trên thế giới năm 2019 (đứng thứ 12 trên 156 quốc gia). Theo nghiên cứu, tất cả người Costa Rico dường như rất hạnh phúc, mặc dù đất nước đang gặp rắc rối bởi tội phạm, cơ sở hạ tầng kém phát triển và bạo lực, nhưng điều đó vẫn không ngăn được người dân cảm thấy hạnh phúc. Điều này chứng minh GDP không phải là yếu tố chính và quan trọng nhất để đánh giá Chỉ số Hạnh phúc tại một vài quốc gia.

Ở chiều ngược lại, Mỹ và Trung Quốc là 2 cường quốc có nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, theo Báo cáo Hạnh phúc năm 2019, xếp hạng của Mỹ là 19 và xếp hạng của Trung Quốc là 95 (thấp hơn cả Việt Nam, hạng 94). Điều này chứng minh rằng sự giàu có chưa chắc mua được hạnh phúc. GDP của Mỹ cao nhất thế giới trong năm 2019, nhưng nhà kinh tế học Jeffrey Sachs, một trong những tác giả của báo cáo, đã chỉ ra rằng tình trạng sức khỏe của người dân ngày càng tồi tệ, sự suy giảm niềm tin vào xã hội cũng như niềm tin vào chính phủ đang khiến nhiều người Mỹ không hài lòng, dẫn đến chỉ số hạnh phúc của họ không cao. Bên cạnh đó, những lợi ích từ thu nhập bình quân đầu người cao ở Mỹ đều được người dân phần lớn sử dụng vào cờ bạc, phương tiện truyền thông xã hội, chơi game, mua sắm và tiêu dùng không lành mạnh.

  • Hỗ trợ xã hội (Social support)

Yếu tố quan trọng tiếp theo được xác định bởi Báo cáo Hạnh phúc Thế giới là “Hỗ trợ xã hội”. Yếu tố này được xác định bởi kết quả khảo sát dữ liệu của Gallup World Poll. Trong bảng khảo sát, những người phỏng vấn đã được hỏi như sau: “Nếu bạn gặp rắc rối, bạn có người thân hoặc bạn bè mà bạn có thể tin tưởng để giúp bạn bất cứ khi nào bạn cần hay không?” Mọi người chỉ có thể trả lời “Có” hoặc “Không”, “Có” sẽ bằng “1” và “Không” sẽ bằng “0”. Trung bình của tất cả các câu trả lời dẫn đến một giá trị duy nhất đại diện cho số lượng hỗ trợ xã hội có mặt ở một quốc gia.

Các nước nghèo có khả năng đạt điểm thấp hơn trong câu hỏi hỗ trợ xã hội. Trong số 156 nước được khảo sát, Cộng hòa Trung Phi (hạng 155/156) đạt điểm thấp nhất về hỗ trợ xã hội. Điều này dễ dàng được giải thích bởi cuộc xung đột liên tục tại quốc gia này. Tuy nhiên, Chỉ số Hạnh phúc nói chung của quốc gia này không phải là thấp nhất. Điều này chỉ ra rằng mối tương quan giữa Chỉ số Hạnh phúc và mức độ Hỗ trợ xã hội không phải là tuyến tính, mà là theo cấp số nhân. Việc thiếu Hỗ trợ xã hội ảnh hưởng đến Chỉ số Hạnh phúc ở một mức độ nhất định.

  • Sự hào phóng (Generosity)

Sự hào phóng cũng được xác định bởi kết quả khảo sát của Gallup World Poll. Những người phỏng vấn đã được hỏi như sau: “Bạn đã quyên góp tiền cho một tổ chức từ thiện trong tháng qua?”. Trung bình của tất cả các phản hồi (“Có” là “1” và “Không” là “0”) sẽ xác định đầu ra của yếu tố này. Dựa vào kết quả của báo cáo, tác giả đưa ra kết luận rằng bạn sẽ hạnh phúc hơn khi bạn cố gắng và vui vẻ chia sẻ hạnh phúc của riêng bạn đến những người khác. Đây là một bài học quý giá và thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn khi nhiều người tập trung vào việc chia sẻ hạnh phúc, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là ta biết cho đi.

  • Kỳ vọng sống lành mạnh (Healthy life expectancy)

Ước tính về kỳ vọng sống lành mạnh dựa trên số năm “khỏe mạnh” trung bình từ khi một đứa trẻ khi sinh ra đến khi già đi và được Liên Hiệp Quốc tính toán dựa trên hơn 100 yếu tố sức khỏe khác nhau. Mối tương quan giữa kỳ vọng sống lành mạnh và Chỉ số Hạnh phúc cao có thể thấy rõ dựa vào những kết quả được hiển thị trên báo cáo.

  • Quyền tự do lựa chọn cuộc sống (Freedom)

Quyền tự do lựa chọn cuộc sống là một yếu tố quan trọng khác trong Báo cáo Hạnh phúc. Cũng giống như Hỗ trợ xã hội, yếu tố này được xác định dựa trên kết quả khảo sát của Gallup World Poll. Những người phỏng vấn đã được hỏi như sau: “Bạn có hài lòng hoặc không hài lòng với sự tự do của mình trong việc chọn lựa những việc bạn có thể làm trong cuộc sống của bạn hay không?”.  Mọi người chỉ có thể trả lời “Có” hoặc “Không”, “Có” sẽ bằng “1” và “Không” sẽ bằng “0”. Trung bình của tất cả các câu trả lời dẫn đến một giá trị duy nhất đại diện cho quyền tự do lựa chọn cuộc sống có mặt ở một quốc gia.

Một ngoại lệ đáng chú ý ở đây là Algeria (hạng 88/156), nơi đạt được điểm tương đối tốt trên Báo cáo Hạnh phúc mặc dù điểm về Quyền tự do lựa chọn cuộc sống khá thấp. Điều này cho thấy kích thước mẫu của Gallup là “chỉ” mang tính tương đối “trung bình”. Do đó, mức độ tin cậy và tỷ lệ sai sót của các kết quả có thể dao động ở mỗi quốc gia. Theo phương pháp khảo sát này, các quốc gia có dân số lớn nhiều khả năng sẽ kém chính xác hơn trong kết quả nghiên cứu.

  • Nhận thức về tham nhũng (Corruption)

Nhận thức về tham nhũng cũng được xác định là yếu tố chính trong Báo cáo Hạnh phúc năm 2019. Yếu tố này được xác định bằng cách tính trung bình dựa vào kết quả từ hai câu hỏi sau đây: (1) “Tham nhũng có lan rộng khắp Chính phủ tại quốc gia của bạn hay không?”, và (2) “Tham nhũng có phổ biến trong các doanh nghiệp tại quốc gia của bạn hay không?”

Điểm mấu chốt ở đây có thể thấy trên thế giới, yếu tố tham nhũng vẫn còn phổ biến tại một số quốc gia. Dựa vào kết quả khảo sát, hơn một nửa số người được phỏng vấn trên toàn thế giới trả lời rằng tham nhũng là việc khá phổ biến. Đây cũng là yếu tố quan trọng cuối cùng được xác định trong Báo cáo Hạnh phúc. Tuy nhiên, yếu tố này có mối tương quan nhỏ nhất với chỉ số hạnh phúc. Rất nhiều quốc gia có chỉ số tham nhũng cao vẫn duy trì chỉ số hạnh phúc cao.

4. Bài học từ một số quốc gia trên thế giới

    • Đan Mạch

Năm 2019, Đan Mạch xếp hạng 02 trên tổng số 156 quốc gia theo Báo cáo Hạnh phúc (đứng nhất vào năm 2013 và 2016). Không phải ngẫu nhiên mà quốc gia này có thứ hạng cao trong Báo cáo Hạnh phúc. Tại nước này, giáo dục và y tế được miễn phí cho toàn dân, tỷ lệ tội phạm thấp, mạng lưới an sinh xã hội đảm bảo, dân số có trình độ tương đồng và cuộc sống tương đối sung túc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là những nước này luôn ưu tiên sự cân bằng - được xem là “công thức của hạnh phúc” (theo CNBC).

Tại Đan Mạch, một tuần làm việc thường kéo dài 37 tiếng, trong 5 ngày. Trong khi đó, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, một tuần làm việc trung bình của người Mỹ là 44 giờ, tương đương 8,8 tiếng một ngày. Điều bất ngờ hơn nữa là thái độ của người Đan Mạch đối với việc lao động trong thời gian dài. Trong khi nhiều người Mỹ xem làm việc muộn như một điều đáng tự hào và là cách để thăng tiến, người Đan Mạch lại xem đó là một yếu điểm. Để đạt được hiệu quả làm việc tốt nhất, người Đan Mạch thường không giao lưu hay giải lao giữa giờ để làm những việc vặt. Ngoài ra, tại Đan Mạch, nhân viên toàn thời gian tại các công ty thường được nghỉ phép hưởng lương 5 tuần liền để đi du lịch, bất kể vị trí hay lĩnh vực họ đảm nhận. Trong khi đó, nhân viên Mỹ với thâm niên 5 năm mới được cho nghỉ phép du lịch 15 ngày[7].  

  • New Zealand

New Zealand xếp hạng 08 trên tổng số 156 quốc gia theo Báo cáo Hạnh phúc năm 2019 của Liên Hiệp Quốc. Hỗ trợ xã hội là một trong những yếu tố chính giúp xếp hạng hạnh phúc của người dân New Zealand cao. Vào tháng 5 năm 2019, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã giới thiệu “Ngân sách hạnh phúc quốc gia” đầu tiên trên thế giới. Ngân sách này sẽ cung cấp cho các dự án để giải quyết các vấn đề về: biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số, nâng cao sức khỏe người dân, hỗ trợ nhà ở và ngăn chặn bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, cảm giác kết nối và gần gũi đã được người dân New Zealand thể hiện rõ sau vụ xả súng nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch vào ngày 15 tháng 03 năm 2019. Người dân tại New Zealand đã cùng nhau hỗ trợ chi phí tang lễ cho gia đình nạn nhân và đeo khăn trùm đầu nhằm bày tỏ sự đồng cảm và tôn trọng với cộng đồng Hồi giáo tại quốc gia này. Ngoài ra, người dân New Zealand đã cùng nhau an ủi và hỗ trợ hết mình cho những nạn nhân trong vụ thảm sát. Nói cách khác, khi đối mặt với bi kịch, người dân New Zealand sẽ trở nên kiên cường hơn. Sau trận động đất năm 2011 và cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Christchurch - với sự Hỗ trợ xã hội cao, nơi mọi người được kết nối, đồng cảm và chia sẻ đã làm tăng thứ hạng trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới.

  • Tây Ban Nha

Theo Báo cáo Hạnh phúc năm 2019, Tây Ban Nha xếp thứ 30 trên tổng số 156 quốc gia, trong đó thứ 30 về GDP bình quân đầu người, thứ 26 về hỗ trợ xã hội, thứ 3 thời gian sống khỏe mạnh, thứ 95 về tự do lựa chọn cuộc sống, thứ 50 về sự hào phóng, thứ 78 về nhận thức về tham nhũng.

Người Tây Ban Nha rất coi trọng các mối quan hệ trong xã hội, người già thường được chăm sóc và quan tâm, cũng như các ưu đãi dành cho trẻ em. Các cuộc điều tra riêng của Tây Ban Nha cho thấy mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao và tình hình chính trị ngày càng tồi tệ, nhưng người dân nói chung là hài lòng về tình hình đất nước. Điều tương tự cũng xảy ra với hơn năm triệu người dân nhập cư tại Tây Ban Nha. Nghiên cứu cho thấy các quốc gia hạnh phúc nhất thường có xu hướng những người nhập cư sẽ cảm thấy hạnh phúc khi ở đây.

  • Buhtan

Bhutan xếp hạng 95 trên tổng số 156 quốc gia (sau Việt Nam xếp hạng 94) theo Báo cáo Hạnh phúc năm 2019 của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá của riêng Buhtan, Chỉ số Hạnh phúc của quốc gia này khá cao. Lý do là Buhtan sử dụng khảo sát Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH - Gross National Happiness)[8] khác với các tiêu chí được sử dụng cho Báo cáo Hạnh phúc thế giới. Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mặc dù nền kinh tế của họ không mấy phát triển. Để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển. Quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng. 

Kể từ khi quốc gia Buhtan được thành lập, tâm linh và lòng trắc ẩn đã được tích hợp chung với quản trị đất nước. Hơn nữa, sự tích hợp này đã xảy ra ở cả cấp độ cá nhân và thể chế. Tổng Hạnh phúc Quốc gia và Chỉ số tổng Hạnh phúc Quốc gia được thiết kế để hướng dẫn các hoạt động của người dân nhằm nâng cao hạnh phúc trên khắp đất nước Bhutan. Các tiêu chí được sử dụng trong Báo cáo Chỉ số tổng Hạnh phúc Quốc gia thuộc 9 lĩnh vực sau đây: (1) sức khỏe tâm lý, (2) sức khỏe, (3) giáo dục, (4) sử dụng thời gian, (5) đa dạng văn hóa và khả năng phục hồi, ( 6) quản trị tốt, (7) đa dạng sinh thái và khả năng phục hồi, (8) sức sống cộng đồng, và cuối cùng (9) là mức sống.

5. Kết luận

Hạnh phúc là một khái niệm khó có thể định lượng nhưng có cả một khoa học về hạnh phúc. Theo Jeff Sachs, giáo sư Đại học Columbia, đồng sáng lập Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, “Hạnh phúc là trạng thái thỏa mãn với cuộc sống, về cơ bản đó không phải là một thước đo rằng ai đó cười lớn hay mỉm cười ngày hôm qua, mà là cách họ cảm nhận về cuộc sống của mình”. Bên cạnh đó, hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của con người, là sự thỏa mãn của con người trong các mối quan hệ với môi trường sống xung quanh, bao gồm: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nội tâm của chính bản thân mỗi người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chỉ số về Hạnh phúc là một khái niệm mang tính trừu tượng và khác nhau đối với hoàn cảnh mỗi người. Việt Nam hiện đang đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng 156 quốc gia về Chỉ số Hạnh phúc - thứ hạng tương cao đối với một đất nước có mức thu nhập trung bình - thấp và người Việt Nam cũng tương đối lạc quan và hài lòng với những gì họ đang có như công ăn việc làm, đời sống gia đình - xã hội, phúc lợi - bảo hiểm từ Nhà nước và cuộc sống thoải mái hiện tại.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] United Nations - Sustainable Development Solutions Network ( 2012), Defining a New Economic Paradigm: The Report of the High-Level Meeting on Wellbeing and Happiness.

[2] John F. Helliwell (2019), Richard Layard and Jeffrey D. Sachs, 2019. World Happiness Report 2019

[3] Astor Maggie ( 2018). Want to Be Happy? Try Moving to Finland

[4] John F. Helliwell (2019), Richard Layard and Jeffrey D. Sachs, 2019. World Happiness Report 2019

[5] Phương Vũ ( 2019). Việt Nam xếp 94 trong bảng xếp hạng hạnh phúc gồm 156 quốc gia, http://kyluc.vn/tin-tuc/thong-tin/viet-nam-xep-94-trong-bang-xep-hang-hanh-phuc-gom-156-quoc-gia

[6] World Poll - Gallup ( 2020). How Does the Gallup World Poll Work

[7] Ngọc Trang (2020). Vì sao Đan Mạch, Phần Lan hạnh phúc nhất thế giới?

[8] Adler Braun & Alejandro ( 2009). Gross National Happiness in Bhutan: A Living Example of an Alternative.

 

A STUDY ON THE WORLD HAPPINESS REPORT - LESSONS FROM SUCCESSFUL COUNTRIES

DUONG NGOC HONG

School of International Business - Marketing,

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The World Happiness Report is an annual publication of the United Nations Sustainable Development Solutions Network since 2012 until now. On 20th March 2019, the World Happiness Report 2019 ranks 156 countries by their happiness levels, and 117 countries by the happiness of their immigrants. As a result, the International Day of Happiness is celebrated worldwide every year on 20th March. All the top countries tend to have high values for all six of the key variables that have been found to support well-being: income, healthy life expectancy, social support, freedom, trust and generosity. Among the top countries, differences are small enough that year-to-year changes in the rankings are to be expected. This article is to analyze the evaluation criteria of the World Happiness Report in order to perfect these criteria and also introduces lessons from some countries.

Keywords: World Happiness Index, United Nations, methods and philosophy, happiness level.