Người công nhân mong ước gì trong năm 2019?

Đặt niềm tin vào tổ chức công đoàn vững mạnh sẽ chăm lo bảo vệ quyền lợi cho mình, các công nhân đặc biệt mong muốn sớm xây dựng thiết chế công đoàn để dù hạn chế nhưng họ vẫn có thể mua nhà với thu nhập của mình.

Mong tổ chức công đoàn luôn là chỗ dựa vững chắc

Công nhân Nguyễn Văn Hiệp - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, trong năm vừa qua, anh cũng như những công nhân khác đã nỗ lực hết mình thi đua lao động sản xuất. Mỗi công nhân tại TDT đều yên tâm cống hiến bởi quyền, phúc lợi của người lao động đã có tổ chức công đoàn đứng ra lo liệu.

Đặc biệt, hoàn cảnh của vợ chồng anh Hiệp phải nuôi hai con nhỏ trong đó một cháu bị bệnh mãn tính phải điều trị dài ngày nên các cấp công đoàn, chính quyền cũng như người sử dụng lao động hết sức quan tâm, hỗ trợ để gia đình anh vượt qua khó khăn.

Bởi vậy, năm 2019, anh Hiệp mong rằng tổ chức công đoàn tiếp tục hỗ trợ những công nhân khó khăn, mang tới nhiều phúc lợi hơn và nâng cao tay nghề người lao động. Qua đó, người lao động có thể tăng năng suất lao động và tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống gia đình.

Còn công nhân Đặng Thị Phương - Cty TNHH Creative Source Việt Nam (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) ấn tượng với hoạt động trong Tháng Công nhân của Công đoàn Công ty khi người lao động được thăm khám, cấp phát thuốc, tư vấn về chế độ bảo hiểm. Đồng thời, công đoàn có các hoạt động giám sát, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh cho người lao động.

Chị Phương mong muốn tổ chức công đoàn tiếp tục duy trì các hoạt động Tháng Công nhân trong năm 2019, đồng thời quan tâm hơn nữa đến đời sống và việc làm của công nhân lao động, đặc biệt về thời gian làm việc, định mức lao động. Ngoài ra, chị Phương cũng mong tổ chức công đoàn ngày càng phát triển vững mạnh để xứng đáng với niềm tin và là chỗ dựa vững chắc của đoàn viên, người lao động.

 

Ổn định chỗ ở để gắn bó lâu dài với công việc

Hiện nay, các khu công nghiệp đã giải quyết nhu cầu lớn về việc làm cho lao động trên địa bàn cũng như các tỉnh thành xung quanh.

Trong đó, không ít công nhân phải xa quê tới các khu công nghiệp này để làm việc do đó họ có nhu cầu rất lớn về nhà ở.

Công nhân Nguyễn Thị Hương quê ở Quảng Bình, hiện là đoàn viên Công ty CP ALK Vina (KCN Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: “Hai vợ chồng đều không phải người gốc gác Thái Nguyên nên khi lên đây làm việc phải ở nhà tập thể bên Công ty của chồng. Nhà tập thể không rộng rãi nhưng sạch sẽ hơn thuê trọ. Tuy nhiên, giờ hai con của tôi cũng đã lớn vì vậy tôi mong muốn có căn nhà riêng để ổn định cuộc sống, gắn bó với mảnh đất này. Do vậy, tôi mong rằng thiết chế công đoàn cho người lao động tại Thái Nguyên sẽ sớm được xây dựng để tạo điều kiện cho những người lao động như vợ chồng tôi có thể mua được”.

Công nhân Nguyễn Xuân Cảnh - Công ty TNHH HNT Vina (KCN Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết, anh khá hài lòng với công việc hiện tại khi có thu nhập ổn định và hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định pháp luật. Trong đó, người lao động được đóng BHXH, BHYT, BHTN, được cung cấp bữa ăn ca, được thưởng và có tháng lương thứ 13.

Cũng như những công nhân khác, anh Cảnh muốn gắn bó lâu dài với công việc và phát triển sự nghiệp tại đây. Tuy nhiên, cái khó của người công nhân đó là chỗ ở ổn định. Trong khi đó, việc này chỉ có tổ chức công đoàn mới có thể làm được. Vì vậy, anh Cảnh mong muốn tổ chức công đoàn xây dựng thiết chế công đoàn để với thu nhập hạn hẹp của công nhân vẫn có thể mua được nhà, ổn định cuộc sống.

Theo Công đoàn Công Thương Việt Nam