Nguồn tiền lớn bắt đầu có xu hướng chảy mạnh

Trong khi GDP và vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2020 có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm thì nguồn tiền lớn từ đầu tư công bắt đầu có xu hướng chảy mạnh lên.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với cùng kỳ và thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

nguon tien chay manh

Tuy nhiên, trái với sự sụt giảm mạnh của tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước quý I/2020 đã đạt mức tăng khá 13,2% kế hoạch năm, suýt soát mức 13,3% của cùng kỳ 2019 mặc dù kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cao hơn tới 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP.

Trong đó bao gồm: Vốn khu vực nhà nước đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng vốn và tăng 5,8%; khu vực ngoài nhà nước đạt 166,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% và giảm 5,4%.

Với diễn biến trên, vốn khu vực nhà nước đã có mức tăng trưởng cao hơn các cấu phần khác, đặc biệt là cùng góp vào bù đắp sự sụt giảm của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hiện tại, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đang chiếm 30,5% trong vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới, cơ cấu này sẽ có nhiều sự thay đổi khi dự kiến sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng (tương ứng với khoảng 30 tỷ USD) vốn đầu tư công đang được thúc đẩy mạnh giải ngân trong năm nay.

Như trên, sau hai tháng đầu năm có chuyển biến hơn so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý I/2020 giải ngân đầu tư công với tiềm năng nguồn tiền lớn đó đã có xu hướng mạnh lên. Đây cũng là xu hướng được xem là trọng tâm để bù đắp tăng trưởng kinh tế năm nay trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh Việt Nam hiện có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm. Số tiền này bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn vay.

Theo Thủ tướng, 3 tháng đầu năm dù có cố gắng, nhưng khối lượng vốn vay và vốn ngân sách nhà nước đều còn rất lớn; yêu cầu và quyết tâm đặt ra là làm sao phải giải ngân hết số vốn này, coi đó là phần quan trọng để giải quyết việc làm, góp phần tăng trưởng, tiêu dùng các sản phẩm trong nước.