Nguyễn Trọng Thái, Công ty CP Than Hà Lầm: Luôn là người đi tiên phong

Công ty CP Than Hà Lầm là đơn vị khai thác than hầm lò thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam, với trên 4.200 lao động, sản lượng khai thác hàng năm trên, dưới 2 triệu tấn.

Là một người thợ lò, đã gắn bó nhiều năm với mỏ, được chứng kiến những bước thăng trầm của Công ty nói riêng và ngành Than nói chung, song ngày nay thợ mỏ đã được quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện đảm bảo an toàn lao động, điều kiện ăn ở, đi lại, điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể thao và môi trường khu dân cư mỏ đã tốt hơn rất nhiều. Công nghệ, kỹ thuật khai thác, đào lò đã và đang được Công ty tích cực đầu tư theo hướng cơ giới hóa - hiện đại hóa. Bản thân tôi cũng như nhiều thợ lò đã không còn dao động mà yên tâm với công việc của mình, gắn bó cùng đồng đội xây dựng tập thể công trường và Công ty như một gia đình lớn của những người thợ mỏ.

Từ một người thợ học nghề, được các bậc đàn anh, các đồng chí lãnh đạo, kèm cặp, dạy dỗ để trở thành người thợ bậc cao, tự tin trước đồng nghiệp như ngày hôm nay, tôi rất thấu hiểu rằng: công việc trong lòng đất đòi hỏi một sự hiệp đồng chặt chẽ, sản phẩm làm ra không phải của riêng ai, chỉ một sơ suất thì không phải chỉ ảnh hưởng đến năng suất làm việc cũng như thu nhập chung của tổ mà nguy hiểm hơn là đe dọa cả đến tính mạng của đồng đội. Giờ đây, với cương vị của một người thợ bậc cao, tôi luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, phải là nòng cốt, là người tiên phong, là người anh để quy tụ anh em đồng nghiệp.

Trước hết mình phải là người làm tốt công việc của cá nhân được giao, rồi đến việc kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp cùng làm tốt vì sản phẩm là kết quả làm việc của cả tập thể, cả dây chuyền, không phải là phép cộng số học đơn thuần. Do đó, những kinh nghiệm, bài học được đúc rút trong lao động sản xuất của bản thân cũng như của đồng đội đều phải được tập thể trao đổi cặn kẽ để chuyển thành kỹ năng của mỗi thành viên trong tổ, để tạo được ê kíp làm việc nhịp nhàng, trách nhiệm và hiệu quả. Tập thể anh em tổ tôi nhận thức sâu sắc rằng làm gì cũng phải do đơn vị, vì đơn vị, phải tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua trong đơn vị, phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ được giao; song làm như thế nào thì lại phải do mình. Đã đi làm thì phải làm có năng suất, việc hôm nay không để đến ngày mai, phải đảm bảo an toàn cho mình và cho đồng đội, phải có thu nhập cao, không thể thua kém bạn bè, đồng nghiệp.

Và như vậy, hàng ngày đi làm, tôi và anh em trong tổ luôn trăn trở nghiên cứu, tìm tòi để có biện pháp, có cách làm an toàn hơn, giảm nhẹ sức lao động hơn nhưng năng suất cao hơn, tiết kiệm hơn, thu nhập cao hơn. Tôi thiết nghĩ ai cũng vậy, tổ nào cũng vậy, công trường nào cũng vậy thì chắc chắn Công ty sẽ phát triển; đó chính là hành động thi đua của chúng tôi.

Bằng cách nghĩ, cách làm và tinh thần trách nhiệm như vậy, những năm qua tôi và tập thể Công trường kiến thiết cơ bản 1 đã được Hội đồng thi đua, khen thưởng Công ty đánh giá cao, được tặng thưởng các danh hiệu thi đua và được khen thưởng thỏa đáng trong những kỳ sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua của công ty. Nhiều năm liên tục cá nhân tôi được xét tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; được xét tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Tập đoàn, Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương; đã nhiều lần được Giám đốc Công ty cổ phần Than Hà Lầm tặng Giấy khen; được Tổng giám đốc Tập đoàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Thật vinh dự và tự hào khi tôi được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.

Tôi xin chia sẻ một công việc đã để lại trong tôi cùng anh em trong tổ nhiều kỷ niệm đẹp và đã giúp chúng tôi trưởng thành vượt bậc. Đó là trong dự án khai thác xuống sâu mỏ Than Hà Lầm, tổ sản xuất của tôi đã được chọn là tổ tiên phong xuống đào lò ở độ sâu mức -300, mức sâu nhất trong các mỏ than hầm lò đến thời điểm hiện nay của Tập đoàn. Càng xuống sâu, tính chất địa chất càng phức tạp, nước và khí CH4 nhiều, nguy cơ mất an toàn cao; công nghệ và thiết bị lại rất mới mẻ.

Đây là một công việc hết sức khó khăn, tôi đã cùng anh em trong tổ nghiên cứu, trao đổi và tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi các chuyên gia, các kỹ thuật viên để nhanh chóng làm chủ thiết bị, công nghệ; đề xuất với Quản đốc đơn vị để thực hiện các giải pháp, biện pháp tổ chức thi công một cách hợp lý về các mặt, từ khâu khoan nổ mìn đến bốc xúc vận chuyển đất đá. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhiều sáng kiến đã nảy sinh được áp dụng kịp thời, và thật vui mừng, kết quả chúng tôi đạt được vượt lên trên cả mức mong đợi. Tổ sản xuất của tôi đã đào lò đạt năng suất bình quân dẫn đầu Tập đoàn, có tháng đào được 100m lò đá với tiết diện 22,5m2, đảm bảo an toàn tuyệt đối; thu nhập của anh em trong tổ đạt ở mức cao và ổn định từ 15 đến 25 triệu đồng/người/tháng. Những kinh nghiệm của anh em tổ tôi đã được phổ biến rộng rãi trong toàn đơn vị để các tổ, công trường khác cùng tham khảo, học tập.

Trong vụ cứu hộ sự cố sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng năm 2014 vừa qua, tôi là 1 trong số 5 công nhân của Công ty được chọn cử đi cùng đoàn cứu hộ của Tập đoàn và đã rất tích cực, sáng tạo cùng lực lượng Công binh cứu 12 công nhân bị mắc kẹt đưa ra ngoài an toàn trong điều kiện hết sức khó khăn phức tạp. Là thợ lò lâu năm tôi hiểu sâu sắc rằng làm được việc trên không chỉ đem lại cuộc sống cho 12 con người, hạnh phúc cho 12 gia đình mà lớn lao hơn là đem lại lòng tin, là sự cổ vũ đối với những người thợ lò chúng tôi nói riêng và xã hội nói chung.

Chúng tôi, những người thợ mỏ hiểu được rằng, sản xuất than cũng như các khoáng sản khác đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn thách thức, rất cần những người thợ trung kiên, đủ tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp và sức khỏe. Tôi nhận thức được trách nhiệm của mình phải tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn nữa để góp sức nhỏ bé của mình cùng tập thể người lao động chung sức xây dựng mỏ Hà Lầm nói riêng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nói chung ngày càng phát triển.