Khi các hình ảnh và tin tức về cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo đứng đầu hai miền Nam Bắc diễn ra tại Làng đình chiến Panmunjom (hay còn gọi là Khu phi quân sự DMZ nổi tiếng nằm trên đường biên giới của bán đảo Triều Tiên) đang được truyền đi khắp thế giới, từ báo chính thống tới mạng xã hội, tất nhiên là theo nhiều góc độ, cách nhìn khác nhau, đã khiến mình nhớ lại cảm giác từng may mắn được đặt chân tới khu vực thiêng liêng này.

Cách đây đúng 19 năm, mình cùng với các anh chị công tác tại một số tỉnh/thành đoàn được sang Hàn Quốc tham quan. Một trong những nơi cực kì đặc biệt và mình nhớ mãi là Làng đình chiến Panmunjom. Được biết sẽ tới thăm khu phi quân sự, mình rất háo hức và tò mò. Khi chiếc xe bắt đầu tiến vào Panmunjom thì một chị nhà báo theo phản xạ giơ máy ảnh ra chụp. Lập tức một vài anh lính Nam Hàn đứng bên ngoài hô dừng xe và mở cửa yêu cầu chị nhà báo giao nộp cuộn phim (lúc đó dùng máy cơ) và... rút phắt cuộc phim ra trước sự ngỡ ngàng của tất cả. Sau đó, đoàn được giải thích là phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn và không được chụp ảnh ở một số khu vực cấm. Thật đúng là không có đùa được ở khu Phi quân sự…

Lát sau thì các chị em được lệnh thay trang phục nếu đồ để hở... chân. Đặc biệt là hở tới trên đầu gối. Mình khi đó đang mặc chiếc “onepiece” ngắn trên đầu gối nên thuộc thành phần phải thay đồ bụng thầm nghĩ “chắc họ sợ các anh lính lâu lâu không thấy con gái dễ mất tập trung trong khi thi hành nhiệm vụ nên vậy chăng”. May thế nào có đem sơ cua một bộ áo dài nên mình cùng một vài chị lên xe dấm dấm dúi dúi thay.

Ông Kim Jong-un (áo đen) và ông Moon Jae-in gặp nhau ở Panmunjom. Ảnh: Yonhap.

Sau một vòng tham quan, cuối cùng đoàn được ghé vào một tòa nhà vô cùng đặc biệt. Tòa nhà này thực ra chỉ là cái nhà thôi, vì nó chỉ rộng chừng 30~40 m2 là cùng, được xây trên đường biên giới tượng trưng giữa hai miền Triều Tiên. Đứng ở ngoài tòa nhà này, có thể nhìn thấy một phần rất nhỏ của đất Bắc Hàn, thấy cả lính Bắc Hàn trong trang phục khá giống lính Trung Quốc. Ở bên trong, giữa tòa nhà có đặt một chiếc bàn hội đàm (có lẽ cũng là tượng trưng) được đặt ở giữa đường biên giới, một đầu do một anh lính Bắc Hàn trấn giữ, còn đầu kia là lính Nam Hàn. Hôm đó, không biết có phải được đặc cách hay khách tới tham quan đều như vậy, mà đoàn mình được phép đi qua đầu bàn bên phải do anh lính Bắc Hàn đứng (và như vậy là được tính đã đặt chân sang đất Bắc Hàn đấy ạ). Sau đó theo quán tính mình đi vòng qua anh lính Nam Hàn để trở lại Hàn Quốc (dù lúc này hai nước chỉ cách nhau một bước chân thì bị anh lính Nam Hàn giơ tay chặn lại. Họ nói rằng muốn quay lại Hàn Quốc thì đi qua lối nào trở về đúng theo lối đó, không được đi thành một vòng tròn. Cho đến giờ vẫn chưa hiểu tại sao lại ra luật như vậy nhưng khi đó thì cung cúc làm theo trong lòng vô cùng hoang mang.

Có một điều rất ấn tượng là lính Nam Hàn tại khu vực Phi quân sự đều rất rất cao to, toàn cỡ 1.8m trở lên. Và có cả lính Mĩ, có thể là sĩ quan chỉ huy.

Từ đó đến nay đã gần 20 năm, biết bao ngày trôi qua cho đến sự kiện diễn ra cuộc gặp gỡ liên Triều. Là một người dân của một đất nước đi qua nhiều cuộc chiến tranh nên mình càng thấu hiểu nỗi đau của một quốc gia, một dân tộc bị chia cắt. Và Hàn Quốc lại là nước duy nhất còn lại trên thể giới cho đến nay chưa thể thống nhất. Và tiến trình hòa bình trên bán đảo này còn rất rất dài, sẽ còn rất rất nhiều cuộc gặp nữa.

Hôm nay, cả một ngày dài thế giới được nhìn thấy nụ cười thường trực trên môi hai vị lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều, biết bao hi vọng, biết bao niềm tin được củng cố. Có thể đối với hai vị này đây chỉ là nụ cười ngoại giao, nhưng đối với nhân dân hai miền Nam Bắc và cả thế giới yêu chuộng hòa bình, họ lại bắt đầu nuôi hy vọng.