Nhận diện thuế tài sản tại Việt Nam

ThS. PHAN THỴ TƯỜNG VI (Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:
Thuế Tài sản là loại thuế được Nhà nước ban hành nhằm điều tiết thu thuế lên các loại tài sản nhất định thuộc sở hữu hợp pháp của các chủ thể, để thực hiện nhiều mục tiêu của Nhà nước. Hệ thống thuế hiện nay ở Việt Nam gồm có 10 loại thuế1. Nội dung trong bài viết này là câu trả lời cho câu hỏi “có hay không sự hiện diện Thuế Tài sản trong hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam?”.
Từ khóa: Thuế Tài sản, đối tượng chịu thuế, mục tiêu của thuế.

1. Đặt vấn đề

Thuế Tài sản (property tax) là cách gọi một hoặc những loại thuế mà các quốc gia điều tiết thu thuế trên tài sản của một chủ thể. Căn cứ vào đối tượng chịu thuế thì theo thông lệ trên thế giới hệ thống thuế tại mỗi quốc gia sẽ bao gồm các nhóm thuế: (i) Thuế Thu vào hàng hóa, dịch vụ; (ii) Thuế Thu nhập; (iii) Thuế Tài sản. Cho dù các quốc gia có nhiều loại thuế nhưng đều là thuế thì mục đích trước tiên là tạo lập nguồn thu chính của ngân sách nhà nước. Bên cạnh mục đích bất biến đó của thuế từ ngàn xưa đến giờ thì mỗi loại thuế đều có những đặc trưng riêng biểu thị qua những yếu tố sau: mục tiêu riêng của từng loại thuế, đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế. Nếu không xác lập được đặc thù của một loại thuế sẽ dẫn đến hiện tượng trùng thuế (cùng một loại thuế nhưng điều tiết hai lần trên cùng đối tượng chịu thuế); hoặc chồng thuế (nhiều loại thuế cùng mục tiêu điều tiết lên cùng một đối tượng chịu thuế), gây tác động tiêu cực đến phần lớn người dân; vì chung quy tiền thuế cuối cùng đến tay Nhà nước đều là nguồn của cải vật chất của người dân. Vì vậy, ngày 17/4/2018, Bộ Tài chính công bố Dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Tài sản2 (sau đây gọi là Dự thảo Luật Thuế Tài sản) đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội trong bối cảnh người dân cho rằng ở Việt Nam có quá nhiều loại thuế tận thu lên nguồn lực tài chính của người dân. Dự thảo luật thuế mới này của Bộ Tài chính nếu được Quốc hội thông qua thì Việt Nam sẽ có thêm một loại thuế mới hoàn toàn gọi là Thuế Tài sản khác với các loại thuế trong hệ thống thuế hiện hành ở Việt Nam hay không? Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả hy vọng góp phần làm sáng tỏ về “Thuế Tài sản” có hay chưa có trong hệ thống thuế của Việt Nam trên các căn cứ đối tượng chịu thuế và mục tiêu của thuế.

2. Căn cứ nhận diện Thuế Tài sản tại Việt Nam

2.1. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế là “vật” mà Nhà nước điều tiết lên nó để thu thuế, đó là: hàng hóa, dịch vụ, thu nhập, tài sản. Như vậy, tài sản trở thành đối tượng chịu sự điều tiết của thuế thì trước hết nó phải thuộc sở hữu hợp pháp của một chủ thể. Tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm bất động sản và động sản3. Bất động sản được liệt kê bao gồm: (i) đất đai; (ii) nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; (iii) tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; (iv) tài sản khác theo quy định của pháp luật4. Theo Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Như vậy, đất đai và tài nguyên thiên nhiên là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân thông qua hình ảnh người đại diện cho chủ sở hữu là nhà nước. Với hình ảnh đất đai, tài nguyên thiên nhiên được xác lập là tài sản có chủ sở hữu thì sự tồn tại của thuế sử dụng đất nông nghiệp5, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp6 và thuế tài nguyên7 là hình ảnh của Thuế Tài sản vì đối tượng chịu thuế của các sắc thuế này là đất đai (đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp) và tài nguyên thiên nhiên các loại. Xét trên tiêu chí về đối tượng chịu thuế đang bị điều tiết thu thuế theo 3 loại thuế này thì Nhà nước đang điều tiết thu thuế trên chính tài sản quốc gia8 thông qua hành vi khai thác, sử dụng hợp pháp của các chủ thể là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được trao quyền sử dụng các loại tài sản quốc gia này. Người nộp thuế của 3 loại thuế này thực chất cũng chính là một trong những chủ sở hữu (sở hữu toàn dân) đối với các loại tài sản quốc gia. Hình ảnh chủ sở hữu “toàn dân” thật ra khá trừu tượng, vì về mặt pháp lý chủ sở hữu của một loại tài sản sẽ hoàn toàn nhân danh chính mình để tham gia vào các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản hợp pháp của mình. Với khái niệm “sở hữu toàn dân mà nhà nước là người đại diện” thì người chủ sở hữu đối với tài sản quốc gia chỉ có thể xác định cụ thể thông qua hình ảnh “nhà nước”, còn hình ảnh “toàn dân” thật sự rất khó xác định. Từ đó, có thể thấy rằng, tài sản quốc gia ở đây là đất đai, tài nguyên thiên nhiên có chủ sở hữu (thông qua người đại diện cụ thể là Nhà nước) thì việc điều tiết thu thuế lên đất đai và tài nguyên thiên nhiên là điều tiết thuế lên các loại tài sản “đặc biệt”. Với những lập luận như trên, tác giả cho rằng sự tồn tại của 3 loại thuế hiện nay là thuế tài nguyên và thuế đất đai (bao gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) ở Việt Nam là một trong những hình ảnh về Thuế Tài sản.

Trở lại với Dự thảo Luật Thuế Tài sản của Bộ Tài chính, đối tượng chịu thuế của Luật Thuế Tài sản này bao gồm các đối tượng sau đây:

- Đất phi nông nghiệp, bao gồm: (i) Đất ở, gồm: ở tại đô thị và đất ở tại nông thôn; (ii) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; (iii) Các loại đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế sử dụng vào mục đích kinh doanh.

- Nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ.

- Tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Với đối tượng chịu thuế đầu tiên, chúng ta dễ nhận ra rằng hình ảnh đất phi nông nghiệp chính là tài sản quốc gia, đang là đối tượng chịu thuế trong Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010. Như vậy, tài sản quốc gia ở đây, lại bị tiếp tục điều tiết thêm một lần nữa trong Luật Thuế Tài sản sắp tới. Theo tác giả, nếu xác lập đất phi nông nghiệp là đối tượng chịu thuế thì chỉ nên tồn tại một trong hai loại thuế. Có nghĩa là, nếu Nhà nước ban hành Thuế Tài sản sắp tới, trong đó xác lập đất phi nông nghiệp bị điều tiết thuế thì cần xem lại có tiếp tục duy trì loại thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay không; còn nếu duy trì thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì cần loại bỏ đất phi nông nghiệp ra khỏi đối tượng chịu thuế của Thuế Tài sản trong tương lai.

Đối tượng tàu bay, du thuyền, ô tô bị xác lập thành đối tượng chịu thuế của Thuế Tài sản cho dù trong Dự thảo có dựa vào trị giá của những loại tài sản này là từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì xét về bản chất những phương tiện giao thông này là tài sản của một chủ thể nhất định (cá nhân, tổ chức) đã bị điều tiết trong Thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện nay9, như vậy lại thêm lần nữa xuất hiện hiện tượng thuế chồng thuế. Có lẽ cũng nhận ra được điều này nên trong Dự thảo đã đưa ra 2 phương án là đánh thuế hay không đánh thuế lên những phương tiện giao thông này.

Đối tượng còn lại là nhà ở, nhà và công trình thương mại, dịch vụ nếu không biết rõ thì chúng ta sẽ nghĩ rằng đây là một hình ảnh tài sản hết sức mới được nêu ra trong Dự thảo của một luật thuế mới. Song thật ra, Dự án Luật Thuế Tài sản không phải là một dự án luật mới. Vào cuối năm 2009 đầu năm 2010, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được đưa ra lấy ý kiến công luận. Dự án này dự kiến được Chính phủ xem xét, cho ý kiến trong phiên họp tháng 8/2009, trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 11/2009, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, nhưng thực tế là dự án đã không được thông qua. Như vậy, với đối tượng chịu thuế này thì đây đúng là loại tài sản này chưa tồn tại trong các loại thuế hiện hành tại Việt Nam nên có thể xem xét việc thực thi điều tiết thuế lên loại bất động sản này sẽ hợp lý hơn so với hai đối tượng chịu thuế như đã đề cập ở trên.

2.2. Mục tiêu của thuế

Trong Dự thảo Tờ trình xác định rõ vai trò và mục tiêu của Thuế Tài sản, cụ thể như sau: Mục tiêu thứ nhất, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; mục tiêu thứ hai là thực hiện công bằng xã hội; mục tiêu thứ ba là điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Với mục tiêu đầu tiên, trong phạm vi bài viết này tác giả không đề cập đến vì tác giả cho rằng đây là mục tiêu bất biến của thuế, đó chính là “sứ mệnh” của thuế khi nó ra đời. Cho nên phải hiểu rằng, có nhiều loại thuế trong một quốc gia thì thuế ra đời luôn luôn thực hiện sứ mệnh của mình trước hết, có chăng mức độ của vai trò tạo nguồn thu ngân sách ở mỗi loại thuế có thể tăng giảm tùy vào tình hình kinh tế - xã hội và những mục đích khác mà Nhà nước muốn thực thi loại thuế đó.

Với mục tiêu thứ ba là điều tiết vĩ mô nền kinh tế cụ thể là theo Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính, Thuế Tài sản “sẽ góp phần điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà, đất, từ đó góp phần giảm giá nhà, đất, đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán thực tế của người dân”, “thuế không phải là công cụ duy nhất ngăn chặn các hoạt động đầu cơ về nhà đất nhưng thuế là một công cụ tài chính hữu hiệu góp phần hạn chế hành vi đầu cơ của các nhà đầu tư”, thì tác giả cho rằng đây là mục tiêu thể hiện đặc trưng riêng của Thuế Tài sản sắp tới mà các loại thuế hiện hành không có mục tiêu này; vì vậy đây chính là nét riêng biệt của Thuế Tài sản sắp tới.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích sâu hơn về mục tiêu thứ hai trong Dự thảo Luật Thuế Tài sản xác định là thực hiện công bằng xã hội. Nếu Thuế Tài sản này ra đời thì đó sẽ là loại thuế mang tính trực thu, vì đây là loại thuế điều tiết nguồn của cải vật chất của các chủ thể trong xã hội thông qua việc đánh thuế trực tiếp lên chính tài sản của chủ sở hữu có tài sản là đối tượng chịu thuế, do đó người nộp thuế và người chịu thuế là cùng một chủ thể. Qua đó có thể nhận ra rằng, Nhà nước muốn lấy đi một phần của cải vật chất của các chủ thể trong xã hội nên có tài sản cùng là đối tượng chịu thuế thì chủ thể nào có nhiều tài sản có thể phải nộp thuế nhiều hơn người có ít tài sản. Tính chất của một sắc thuế trực thu là nhằm điều tiết của cải vật chất giữa những ngưởi nộp thuế với nhau. Có nghĩa là nguồn của cải vật chất trong xã hội sẽ bị Nhà nước lấy bớt đi thông qua thuế dựa trên nguyên lý: người càng có nhiều của cải vật chất sẽ phải nộp thuế nhiều hơn so với người có ít của cải vật chất, nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Với mục tiêu này thì Thuế Thu nhập cá nhân hiện nay10 (là sắc thuế mang tính trực thu) đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, đối với Thuế Thu nhập cá nhân thì đối tượng chịu thuế là các nguồn thu nhập11 hợp pháp của cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú. Thu nhập và tài sản vừa có thể là một12 nhưng cũng là hai phạm trù khác nhau, vì thu nhập có thể chuyển hóa thành tài sản và ngược lại13, nên phải xem xét kỹ giữa thu nhập chịu thuế của Thuế Thu nhập cá nhân hiện nay với đối tượng chịu thuế trong Dự thảo Luật Thuế Tài sản có trùng nhau không. Bởi vì, nếu đối tượng chịu thuế (thu nhập chịu thuế) của Thuế Thu nhập cá nhân cũng là đối tượng chịu thuế của Thuế Tài sản sắp tới sẽ dẫn đến hiện tượng thuế chồng thuế, vì cùng đối tượng chịu thuế bị điều tiết ở 2 loại thuế cho cùng một mục tiêu là góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, nhằm tạo công bằng cho xã hội.

Đối chiếu đối tượng chịu thuế trong Dự thảo của Luật Thuế Tài sản với các nguồn thu nhập chịu thuế trong sắc Thuế Thu nhập cá nhân hiện nay ở Việt Nam, chúng ta nhận ra rằng thu nhập là bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở) mà cá nhân có được từ việc được tặng, cho, nhận thừa kế là thu nhập chịu thuế của Thuế Thu nhập cá nhân, như vậy khi một cá nhân có được nguồn thu nhập này thì họ trở thành người nộp thuế của Thuế Thu nhập cá nhân. Đây được xem là một lần thực thi nghĩa vụ thuế trực thu với Nhà nước, rồi sau đó với thu nhập đó mà họ có được lại một lần nữa trở thành tài sản bị đánh thuế trong Thuế Tài sản,do họ là chủ sỡ hữu các loại tài sản này nên thêm một lần nữa họ thực hiện nghĩa vụ Thuế Tài sản với Nhà nước (tức là thực hiện thêm lần thứ hai nghĩa vụ thuế trực thu). Cả 2 lần thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước (cho dù là 2 loại thuế) đều nhằm để thực hiện mục tiêu mà Nhà nước muốn là điều tiết của cải vật chất của các chủ thể nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo. Tiếp nữa, đối với nguồn thu nhập từ được tặng, cho hay nhận thừa kế là vật phải tiến hành đăng ký quyền sở hữu thì phương tiện giao thông cụ thể như tàu bay, du thuyền, ô tô cũng sẽ gặp tình trạng như đề cập ở trên với bất động sản, (tức là vừa là thu nhập chịu thuế trong Thuế Thu nhập cá nhân, vừa là đối tượng chịu thuế trong Thuế Tài sản, nhưng chỉ để thỏa mãn cùng mục tiêu điều tiết thuế của Nhà nước là góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội).

Với những nội dung trình bày ở trên, tác giả cho rằng xét về mục tiêu thứ hai của Thuế Tài sản như trong Dự thảo mà Bộ Tài chính đã nêu thì cũng với mục tiêu này trong Thuế Thu nhập cá nhân thông qua những thu nhập chịu thuế như trình bày ở trên thì hình ảnh Thuế Tài sản thật sự có lồng vào trong Thuế Thu nhập cá nhân hiện nay ở Việt Nam. Vì vậy, tác giả cho rằng, nếu Nhà nước sẽ ban hành Thuế Tài sản thì cần rà soát lại đối tượng chịu thuế trong sắc thuế này với một số nguồn thu nhập chịu thuế (những thu nhập phải tiến hành đăng ký quyền sở hữu là nhà ở, phương tiện giao thông hoặc đăng ký quyền sử dụng như quyền sử dụng đất) trong Thuế Thu nhập cá nhân để tránh hiện tượng thuế chồng thuế.

3. Kết luận

Mỗi một sắc thuế khi ra đời trước hết luôn xuất phát từ ý chí của Nhà nước và mục tiêu hàng đầu bất biến của thuế là tạo nguồn thu chính cho ngân sách nhà nước. Thuế là nghĩa vụ cơ bản của công dân với Nhà nước được Hiến pháp quy định nên có sự tác động trực tiếp lên nguồn của cải vật chất của người dân, từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân một cách sâu sắc. Vì vậy, thuế không chỉ thực hiện “sứ mệnh” của mình đối với Nhà nước mà phải làm sao thực hiện được một trong những nhiệm vụ khác của thuế là “nuôi dưỡng nguồn thu”, tức là sắc thuế đó phải kích thích người nộp thuế tích cực sản xuất kinh doanh hoặc lao động để có lợi nhuận, có thu nhập vừa gia tăng giá trị tài sản/ lợi ích cho chính mình vừa động viên một phần vào ngân sách, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh xã hội - kinh tế hiện nay ở Việt Nam, khi người dân ngày càng cố gắng lao động nhằm tích cóp của cải vật chất với mong muốn thoát ra khỏi hình ảnh là “người dân của một nước thuộc nhóm nước thứ ba”; hay như mục tiêu của chính nhà nước Việt Nam xác lập là “thoát khỏi hình quốc gia có thu nhập trung bình” so với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành thêm một loại thuế mới như Thuế Tài sản chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực tài chính của cả xã hội. Hơn nữa, với những nội dung trình bày ở trên, hình ảnh Thuế Tài sản thật sự đã xuất hiện trong một số sắc thuế khác trong hệ thống thuế Việt Nam.

Tác giả cho rằng, Nhà nước vẫn có thể xem xét ban hành Thuế Tài sản nhưng phạm vi tác động của loại thuế này chỉ nên ảnh hưởng đến một nhóm đối tượng chủ thể trong xã hội Việt Nam ngày nay chính là những người giàu với những khối tài sản lớn, nhưng so với mặt bằng xã hội thì họ chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với phần lớn người dân Việt Nam vẫn chỉ đang loanh quanh với mức thu nhập trung bình và cần xác lập mục tiêu then chốt của loại thuế này là công cụ điều tiết xã hội thông qua việc góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo (đang phân hóa ngày càng sâu sắc) tại Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam gồm các loại thuế sau đây: Thuế Xuất khẩu; Thuế Nhập khẩu; Thuế Tiêu thụ đặc biệt; Thuế Giá trị giá tăng; Thuế Bảo vệ môi trường; Thuế Thu nhập cá nhân; Thuế Thu nhập doanh nghiệp; Thuế Tài nguyên; Thuế Sử dụng đất nông nghiệp; Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp.
2 Xem Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Tài sản tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=detail&_piref135_27935_135_27927_27927.id=2236
3 Theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.
4 Theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015.
5 Xem Luật Thuế Sử dụng đất nông nghiệp 1993. 
6 Xem Luật Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp 2010.
7 Xem Luật Thuế Tài nguyên 2009.
8 Khoản 1 Điều 54 Hiến pháp 2013 quy định “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.”
9 Xem Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008.
10 Thuế Thu nhập cá nhân hiện hành có tiền thân là thuế thu nhập dành cho người có thu nhập cao, đến năm 2007 thì Luật Thuế Thu nhập cá nhân được ban hành thay thế cho Pháp lệnh thuế thu nhập cao, mở rộng người nộp thuế và các nguồn thu nhập chịu thuế, khắc phục nhược điểm của thuế thu nhập cao khi không có tính đến yếu tố giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
11 Xem Điều 3 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007.
12 Ví dụ một cá nhân có thu nhập là tiền lương, tiền công hoặc từ kinh doanh hay từ cổ tức là tiền thì họ tích lũy thành tài sản của mình.
13 Ví dụ một cá nhân với nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc từ kinh doanh sau quá trình tích lũy nên tạo lập được một căn nhà hay một miếng đất thì từ nguồn thu nhập họ đã tạo dựng nên khối tài sản cho mình; hoặc ngược lại từ việc bán nhà hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ hình thành nên nguồn thu nhập cho cá nhân đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hiến pháp nước CHXHCN 2013.
2. Luật Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp 2010.
3. Luật Thuế Tài nguyên 2009.
4. Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007.
5. Luật Thuế Sử dụng đất nông nghiệp 1993.
6. Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Tài sản tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

DETERMINING THE PRESENCE OF THE PROPERTY TAX IN VIETNAM’S CURRENT TAX SYSTEM

Master. Phan Thy Tuong Vi
Ho Chi Minh City University of Foreign Languages
Information Technology

ABSTRACT:
Property tax is levied on legal property owned by individuals, households and organizations. The tax system of Vietnam consists of 10 different types of tax. This article is to determine the presence of the property tax in Vietnam’s current tax system.
Keywords: Property tax, taxable objects, objectives of taxation.