Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất

Các đề tài nghiên cứu khoa học của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã đạt được các bước phát triển rõ rệt, chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá nguyên liệu và sản xuất thuốc lá điếu.

5 năm gần đây, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã ký hợp đồng với các đơn vị để thực hiện 39 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với kinh phí hơn 33 tỷ đồng. Trong tổng số 39 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu cấp Tổng Công ty thực hiện từ 2016-2020 có 3 đề tài đạt xuất sắc, 22 đề tài đạt loại khá, 5 đề tài nghiệm thu đạt loại trung bình, và 8 đề tài đang thực hiện trong năm 2020.

Giống Thuốc lá GL7 do Viện Thuốc lá lai tạo cho năng suất cao

Giống Thuốc lá GL7 do Viện Thuốc lá lai tạo cho năng suất cao

Đến nay đã có 30 kết quả khoa học công nghệ nổi bật đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá Việt Nam.

Đặc biệt, từ các kết quả nghiên cứu, nhiều đề tài đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Đơn cử, chọn tạo giống thuốc lá là một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của Viện trong những năm qua. Theo đó: Đã nghiên cứu lai tạo và chọn lọc được 3 giống thuốc lá được công nhận là giống mới đưa vào sản xuất tại các tỉnh phía Bắc gồm giống lai GL7 với đặc tính thích nghi với điều kiện rét ở các tỉnh phía Bắc, kháng bệnh khảm lá do TMV và cho năng suất cao được Bộ NN&PTNT công nhận là giống thuốc lá trồng mới cho các tỉnh phía Bắc năm 2016; Hoặc dòng thuốc lá D44 với khả năng kháng các bệnh hại chính như khảm lá do TMV, đen thân do nấm và héo rũ vi khuẩn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc năm 2019; Giống thuốc lá D65 với khả năng thích nghi với điều kiện hạn rét, kháng bệnh khảm lá do TMV, có hàm lượng Nicotin cao và đường khử thấp đã vượt qua các bước khảo nghiệm và sản xuất thử năm 2019, đạt yêu cầu để công bố để lưu hành tại các tỉnh phía Bắc.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu, Vinataba đã xây dựng 2 mô hình canh tác thuốc lá vàng sấy kèm theo hướng dẫn kỹ thuật để sản xuất nguyên liệu thuốc lá có hương thơm tốt, nổi trội tại Cao Bằng; xây dựng 1 mô hình canh tác thuốc lá vàng sấy kèm theo hướng dẫn kỹ thuật để sản xuất nguyên liệu thuốc lá có hương thơm tốt tại Bắc Kạn.

cây thuốc lá

Nhiều đề tài nghiên cứu được áp dụng và chuyển giao kịp thời vào sản xuất

Những đề tài nghiên cứu về sâu bệnh hại thuốc lá đã có những đóng góp thiết thực cho sản xuất. Từ kết quả nghiên cứu xác định thành phần và quy luật sinh trưởng, phát triển của một số loài sâu bệnh hại chính trên cây thuốc lá đã có những dự báo tư vấn kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho các vùng trồng thuốc lá trong cả nước; Đề tài nghiên cứu về bệnh ne ngọn gây hại nặng cho thuốc lá tại các tỉnh phía Nam đã xác định được chủng virus gây hại mới là Peper yellow leafcurl Indonesia virus lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.

Nghiên cứu về bệnh hại thuốc lá tại các tỉnh phía Bắc cũng lần đầu tiên ghi nhận tác nhân Tomato necrotic ringspot virus gây bệnh đốm vòng trên cây thuốc lá. Đề tài nghiên cứu về bệnh thối gân mạng lưới do vivus PVY (Potato vein Y) gây hại cây thuốc lá và đã xây dựng được quy luật phòng trừ khi áp dụng tại Bắc Giang ở thời vụ trồng sớm cho thu nhập trên 56 triệu đồng/ha với hiệu quả kinh tế vượt đối chứng 54,4%.

Trong lĩnh vực công nghệ thuốc lá, Vinataba đã thực hiện 15 đề tài và nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương và 9 đề tài cấp Tổng công ty. Đề tài “Nghiên cứu cải tiến lò sấy thuốc lá khu vực phía Bắc nhằm tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao chất lượng thuốc lá nguyên liệu” đã nghiên cứu thiết kế được lò sấy thuốc lá mới theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi đưa vào sử dụng đã tiết kiệm gần 40% lượng nhiên liệu tiêu hao; tỷ lệ nguyên liệu cấp 1+2 tăng hơn 24% so với lò sấy cũ.

Hiện nay mô hình lò sấy thuốc lá mới này đang được mở rộng chuyển giao cho các vùng nguyên liệu phía Bắc và được các hộ nông dân tại các vùng trồng nguyên liệu tin tưởng đón nhận. Theo đó, số lượng lò sấy mới được nông dân xây dựng tăng dần trong các năm, năm 2018 tại Vùng Cao Bằng có 34 lò sấy mới, năm 2019 có thêm 154 lò sấy và năm 2020 tiếp tục xây mới khoảng 150 lò sấy.

Mô hình lò sấy thuốc lá mới theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói cũng được chuyển giao cho Công ty cổ phần Ngân Sơn, sau 3 năm hơn 200 lò sấy mới được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động tại Bắc Kạn, Bắc Sơn và Chi Lăng. Dự báo trong các năm tới mô hình lò sấy mới tiếp tục được nhân rộng thay thế các lò sấy kiểu cũ.

 Đề tài “Theo dõi diễn biến chất lượng thuốc lá nguyên liệu ở các vùng trồng cây thuốc lá chính trong cả nước” thông qua khảo sát tại các vùng trồng, đánh giá thực trạng đầu tư của các đơn vị sản xuất nguyên liệu tại các vùng trồng thuốc lá chính trong cả nước, qua đó cung cấp thông tin về thực trạng đầu tư, chất lượng và diễn biến chất lượng thuốc lá nguyên liệu hằng năm tại các vùng trồng chính trong cả nước.

Kết quả của đề tài giúp các đơn vị, tổ chức liên quan xác định chất lượng thuốc lá nguyên liệu tại các vùng trồng, định hướng cho công tác sử dụng, sản xuất nguyên liệu thuốc lá, phối chế nguyên liệu và quy hoạch vùng trồng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị nói riêng và Vinataba nói chung.

Thanh Tú