Nhìn lại bức tranh tài khóa Việt Nam năm 2019 - Những thành tựu và hạn chế

NGUYỄN THANH SƠN  (Khoa Quản trị kinh doanh,Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Năm 2019, kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Đây là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Đây là những kết quả quan trọng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn nhiều thách thức. Bài viết nêu ra những điểm nhấn nổi bật của bức tranh kinh tế Việt Nam 2019, đồng thời đưa ra những tồn tại, hạn chế cần giải quyết trong thời gian tới để duy trì tốc độ tăng trưởng cao. 

Từ khóa: Xuất nhập khẩu, kinh tế, GDP, lạm phát, CPI.

1. Thành tựu kinh tế năm 2019

Trong khi nền kinh tế thế giới năm 2019 gặp phải muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn chứng tỏ sức hút của một nền kinh tế trẻ, năng động với nhiều thành tựu và kỷ lục mới. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.

1.1. Tốc độ tăng trưởng GDP giữ ở trên mức 7% và cơ cấu chuyển sang hướng công nghiệp hóa

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam ước tính đạt 7,02%, thuộc top các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và cả thế giới. (Biểu đồ 1)

Biểu đồ 1 cho thấy, năm 2019 có sự sụt giảm nhẹ về mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng nếu đặt chung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thì mức tăng trưởng này có ý nghĩa rất khả quan. Mức tăng trưởng 7,02% của Việt Nam chứng tỏ nền kinh tế nước ta dù có sụt giảm theo xu hướng sụt giảm chung của thế giới nhưng vẫn thể hiện tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, vượt qua khó khăn. Trong đó, ngành chế biến chế tạo và tiêu dùng là điểm sáng.

Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỉ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011 - 2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4791 USD/lao động), tăng 6,2% so với năm trước theo giá so sánh.

1.2. Chỉ số lạm phát tăng nhưng không vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra

Bên cạnh GDP đạt mức tăng trưởng cao, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định. Dù còn nhiều yếu tố, nguyên nhân gây tăng chỉ số lạm phát như tăng giá tiêu dùng đối với một số mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch, giá nhiên liệu… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng cũng như mức lạm phát cả năm 2019 là 2,01%. CPI năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây (2018 là 3,53% và năm 2017 là 3,54%), dưới cả mức dự báo của Ban chỉ đạo từ đầu năm là tăng từ 3,3 - 3,9%.

1.3. Xuất khẩu lần đầu tiên đạt mức 500 tỷ USD và nhập khẩu được giữ ổn định

Đối với lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 lần đầu tiên đạt mức 500 tỷ USD, đây là mức kỷ lục. Trong khi nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới không thể duy trì thế mạnh, suy giảm về xuất nhập khẩu, thì Việt Nam năm thứ tư liên tiếp là nước xuất siêu. Kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 36,69 tỷ USD) so với năm 2018. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD - tăng 8,4%, và nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD - tăng 6,8%. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong năm 2019 đạt con số kỉ lục là 11,12 tỷ USD. Thặng dư 4 năm liên tiếp góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế nước ta.

1.4. Tổng đầu tư xã hội thể hiện vai trò khu vực tư nhân và FDI

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2019 đạt mức tăng 2.046,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước và bằng 33,9% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 634,9 nghìn tỷ đồng - chiếm 31% tổng vốn và tăng 2,6% so với năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 942,5 nghìn tỷ đồng - chiếm 46% và tăng 17,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 469,4 nghìn tỷ đồng - chiếm 23% và tăng 7,9%.

2. Những hạn chế và nguyên nhân cần khắc phục

2.1. Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những hạn chế, thách thức, trong đó có những yếu tố ngắn hạn và cũng có những vấn đề trung và dài hạn cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới.

Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; trong đó có một số công trình hạ tầng trọng điểm theo Nghị quyết của Quốc hội. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là do thiên tai, dịch bệnh. Trình độ công nghệ còn hạn chế. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm, chi phí logistics còn cao. Cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm. Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém còn gặp nhiều khó khăn. Quản lý quy hoạch, đô thị còn bất cập. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường còn nhiều bất cập. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Khắc phục quá tải bệnh viện còn chậm; chất lượng y tế cơ sở chưa cao. Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… còn xảy ra ở một số địa phương. Sử dụng đất đai, tài nguyên vẫn còn lãng phí ở nhiều nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Duyên hải miền Trung. Nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập; thực thi pháp luật nhiều nơi còn chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa thực chất; còn tình trạng tham nhũng vặt. Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc ở một số địa phương.

Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Tình trạng tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội còn nhiều, chưa kịp thời xử lý nghiêm. Bảo vệ chủ quyền biển đảo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chưa tranh thủ tốt những cơ hội và lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do cho phát triển đất nước.

2.2. Nguyên nhân

Những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số Bộ, ngành, địa phương còn thiếu tinh thần quyết tâm, chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế. Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị.

3. Kết luận

Trong bối cảnh tình hình thế giới năm qua biến động phức tạp, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước nên bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, đây là năm thứ hai liên tiếp, trong giai đoạn chiến lược 10 năm nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu đề ra, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đây là tiền đề vững chắc, là hy vọng để nước ta tiếp tục đạt được những thành tựu mới trong các năm tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019.
  2. Chính phủ (2019), Báo cáo trình Quốc hội.
  3. VERP (2019), Báo cáo Kinh tế xã hội quý IV/2019.
  4. WEF (2019), Báo cáo Năng lực cạnh tranh 2019.

 An overview on Vietnam’s fiscal issues in 2019 - Achievements and shortcomings

Nguyen Thanh Son

Faculty of Business Administration

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Vietnam achieved impressive economic achievement in 2019. This is the second consecutive year that all 12 targets set by the National Assembly were achieved, even exceeded. In last year, the country’s macroeconomic was stable and the country’s major balances were improved. These are important results for Vietnam when the country in particular and the global economy in general are facing many challenges. This article presents the highlights of Vietnam's economy in 2019, and shortcomings and limitations that need to be addressed in the coming time to help the country maintain a high economic growth rate.

Keywords: Import-export, economy, GDP, inflation, CPI.