Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG): Phát huy hiệu quả vai trò cầu nối chính sách

Chiều 10/3/2021, Ban chỉ đạo Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 6 nhằm tổng kết tình hình hoạt động năm 2020 và đưa ra một số định hướng mới cho năm 2021, chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao VEPG dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới.
Từ trái sang: Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti
Từ trái sang: Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti

VEPG được thành lập tháng 6/2017 bởi Chính phủ Việt Nam cùng các Đối tác phát triển quốc tế nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại và trao đổi kinh nghiệm cũng như kiến thức cho ngành năng lượng Việt Nam. Hiện, Ban chỉ đạo VEPG được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An với các đồng chủ trì là Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk.  

Thông qua các nhóm Công tác Kỹ thuật được chủ trì bởi các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và đồng chủ trì bởi một Đối tác phát triển, VEPG tập trung vào 5 chủ đề trọng tâm là Năng lượng tái tạo; Hiệu quả năng lượng; Tái cấu trúc ngành năng lượng; Tiếp cận năng lượng và Dữ liệu thống kê năng lượng. Các nhóm này cung cấp thông tin đầu vào và khuyến nghị cho phát triển chính sách cũng như quá trình quy hoạch ngành năng lượng Việt Nam.

“Từ năm 2017 đến nay, VEPG đã đóng vai trò là cầu nối giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển quốc tế, cũng như giữa các nhà thiết lập chính sách Việt Nam với đối tượng thụ hưởng chính sách”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.

VEPG có sự tham gia của đại diện nhiều đối tác phát triển quốc tế như các Đại sứ quán Đức, Đan Mạch, Phái đoàn EU tại Việt Nam, WB, GIZ, UNDP,...
VEPG có sự tham gia của đại diện nhiều đối tác phát triển quốc tế như các Đại sứ quán Đức, Đan Mạch, Phái đoàn EU tại Việt Nam, WB, GIZ, UNDP,...

Năm 2020, dù đứng trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra, VEPG đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch hoạt động một cách linh hoạt để duy trì ổn định, hiệu quả công việc.

Nhờ vậy, VEPG đã góp phần hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong xây dựng các chính sách và quy hoạch ngành năng lượng như đóng góp ý kiến dự thảo thông tư về điện mặt trời và điện sinh khối; hỗ trợ xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2020 (VNEEP 3); hỗ trợ triển khai thị trường bán buôn điện Việt Nam và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, chuẩn bị cho chương trình thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA); hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn theo Quyết định số 1740/QĐ-Ttg; hỗ trợ xây dựng giá điện cho khí sinh học và sinh khối; hỗ trợ xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hỗ trợ và đóng góp cho Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 (AMEM).

Theo khảo sát 33 đơn vị liên quan, khoảng 85% các bên bày tỏ sự hài lòng với VEPG, trong khi 55% chia sẻ rằng VEPG đã hỗ trợ cực kỳ tốt và rất tốt trong công việc của cơ quan, tổ chức. 97% các bên liên quan cho hay sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động của VEPG.

Họp Ban chỉ đạo Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG)
Toàn cảnh cuộc họp

Dự báo, những năm tới, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh ở mức cao, cần đầu tư cho ngành điện khoảng 12,8 tỷ USD/năm (theo số liệu tại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII). Trong khi đó, nguyên tắc nhất quán của Việt Nam đối với quy hoạch ngành năng lượng vẫn là tăng các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện, các nhà máy năng lượng cũ chuyển đổi theo hướng xanh và sạch hơn, giảm thiểu tác động tới môi trường; nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ban chỉ đạo VEPG nhận định, dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực về chuyển dịch năng lượng trong thời gian qua, thì để đạt được những mục tiêu tham vọng nói trên vẫn sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa, với sự hỗ trợ, phối hợp từ các đối tác phát triển quốc tế. VEPG cần phát huy hơn nữa vai trò điều phối, cầu nối của mình.

Họp Ban chỉ đạo Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG)

Theo đại diện một số đối tác phát triển như Đại sứ quán Đức hay Ngân hàng Thế giới, thời gian tới VEPG cần xem xét tăng cường sự tham gia của Chính phủ thông qua mở rộng làm việc với các Bộ, ngành khác và với các cấp chính quyền địa phương cũng như khu vực tư nhân. Việc thay đổi cấu trúc để phù hợp với diễn biến mới của ngành năng lượng tại Việt Nam, như thay đổi hoặc thêm các nội dung mới vào các nhóm Công tác Kỹ thuật, cũng được xác định là nội dung quan trọng với VEPG trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.

Mặt khác, các khuyến nghị về chính sách năng lượng cần tiếp tục bám sát định hướng của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, “đảm bảo tính thực tiễn có thể đưa vào đời sống và không xa rời khuôn khổ pháp luật hiện hành”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý. Công tác truyền thông về những đóng góp của VEPG đối với ngành năng lượng Việt Nam cũng cần được đẩy mạnh.

“Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, các cơ chế hợp tác đa phương như VEPG sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương trong quá trình thiết lập các chính sách và định hướng phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ.

Dự kiến, Hội nghị cấp cao VEPG sẽ diễn ra vào tháng 8/2021, tập trung thảo luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề liên quan đến quá trình quy hoạch và chính sách năng lượng tại Việt Nam thông qua đóng góp của các đối tác phát triển quốc tế. Đồng thời, Hội nghị cũng sẽ đưa ra các kế hoạch quan trọng về hoạt động của VEPG sau khi giai đoạn tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 11/2021.

Thy Thảo