Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững

ThS. Mai Anh Vũ (Trường Đại học Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh Hóa), ThS. Nguyễn Xuân Hiếu (Trường Đại học Hồng Đức)

Tóm tắt:

Với tốc độ phát triển chóng mặt, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành Du lịch đã trở thành loại hình ngành nghề thu hút được nhiều lao động, đóng tỉ trọng cao trong GDP, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế.

Để đảm bảo phát triển bền vững du lịch việc xác định các nhân tố ảnh hưởng là một điều cấp thiết hiện nay. Do đó, bài viết nêu lên một số nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong hoạt động du lịch trên quan điểm nghiên cứu của cá nhân.

Từ khóa: Du lịch, phát triển bền vững.

1. Phát triển bền vững và phát triển bền vững du lịch

1.1. Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một khái niệm mới xuất hiện trên thế giới trong vài thập kỉ gần đây. Khái niệm này được đưa ra khi mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển đã trở nên sâu sắc ở nhiều nước trên thế giới do con người đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế mà không quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa, hài hòa lợi ích các thành phần trong hệ kinh tế. Điều đó đã khiến cho những tài nguyên thiên nhiên bị sử dụng quá mức dẫn tới nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng đe dọa sự phát triển lâu bền của nhân loại.

Năm 1987, Ủy ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc đã đưa ra khái niệm phát triển bền vững: "Phát triển bền vững là sự phát triển lâu dài phù hợp với yêu cầu của thế hệ hôm nay mà không gây ra những khả năng nguy hại đến các thế hệ mai sau trong việc thỏa mãn nhu cầu riêng và trong việc lựa chọn ngưỡng sống của họ".

Năm 1991, Ủy ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc công bố một tài liệu khác mang tên “Chăm lo cho Trái Đất”, thuật ngữ phát triển bền vững (PTBV) và tính bền vững được mở rộng thêm: “Phát triển bền vững là sự phát triển nâng cao chất lượng đời sống con người trong lúc đang tồn tại, trong khuôn khổ đảm bảo của các hệ thống sinh thái. Tính bền vững là một đặc điểm đặc trưng của một quá trình hoặc một trạng thái có thể duy trì mãi mãi”.

Tại hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Rio de Janeiro diễn ra vào năm 1992, khái niệm PTBV được bổ sung và hoàn chỉnh thêm. Theo đó: “Phát triển bền vững được hình thành trong sự hòa nhập, xen cài và thỏa hiệp nhau của ba hệ thống tương tác lớn của thế giới: Hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ xã hội”.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tại Chương I, điều 3, mục 4 đã đưa ra khái niệm về PTBV như sau: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.”. Đây là khái niệm có tính tổng quát, nêu bật những yêu cầu và mục tiêu quan trọng nhất của PTBV, phù hợp với điều kiện và tình hình Việt Nam.

PTBV bao gồm ba thành phần cơ bản: Môi trường bền vững, Xã hội bền vững và Kinh tế bền vững.

1.2. Phát triển bền vững du lịch

Khái niệm phát triển bền vững du lịch (PTBVDL) không tách rời khái niệm PTBV.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của DL phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên và môi trường, sự phát triển DL và sự PTBV chung của xã hội có sự tác động biện chứng lẫn nhau. Trên thực tế, PTBVDL và PTBV đều có liên quan đến môi trường, môi trường về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội... PTBVDL là một xu thế phát triển tất yếu.

Khái niệm “du lịch bền vững” (Sustainable Tourism) xuất hiện năm 1996, được nhiều quốc gia và hiệp hội du lịch lớn trên thế giới ủng hộ: “Du lịch bền vững là việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên, các đặc điểm văn hóa kèm theo (có thể là cả trong quá khứ và hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương.” (World Conservation Union, 1996).

Khái niệm PTBVDL trên Tạp chí Kinh tế học Ekonomska Istraživanja với tiêu đề “Du lịch bền vững: Một tài liệu toàn diện”. Theo tác giả Taylor & Francis: “PTBVDL được áp dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách tối ưu hoá kinh tế địa phương lợi ích, bảo vệ môi trường tự nhiên và xây dựng và cung cấp trải nghiệm chất lượng cao cho khách tham quan”.

Qua nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, khái niệm về PTBVDL ở Việt Nam đã được đưa ra trong Luật Du lịch Việt Nam 2014: PTBVDL là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.”

2. Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững du lịch

2.1. Phát triển cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường xá, nhà ga, sân bay, bến cảng, đường sắt, hệ thống thông tin viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện... Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Đối với ngành Du lịch, nó là yếu tố tiền đề đảm bảo cho du khách tiếp cận dễ dàng với các điểm du lịch, thỏa mãn được nhu cầu thông tin liên lạc và các nhu cầu khác trong chuyến đi.

Trong các yếu tố hạ tầng, hệ thống giao thông là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của du lịch vì nó liên quan trực tiếp đến việc: Đảm bảo an toàn, tiện nghi cho khách du lịch, cung cấp dịch vụ vận tải với chi phí ngày càng rẻ, tăng tốc độ vận chuyển, tiết kiệm được thời gian đi lại, kéo dài thời gian ở lại nơi du lịch và đi tận đến cả các nơi xa xôi.

Nếu điều kiện về cơ sở hạ tầng tốt thì đó là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện PTBVDL. Nếu điều kiện về cơ sở hạ tầng hạn chế, PTBVDL cần phải có yêu cầu hoàn thiện hệ thống để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Ngoài vấn đề là tiền đề để phát triển hoạt động du lịch nói chung, PTBVDL nói riêng, cơ sở hạ tầng còn có vai trò thúc đẩy hoạt động PTBVDL dưới góc độ: Hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện cho phép phát triển du lịch ở những vùng sâu, vùng xa; cho phép giảm tải cho các điểm du lịch truyền thống, đồng thời khắc phục tính mùa vụ trong du lịch, phân phối lại thu nhập đến với cư dân địa phương. Đây là những cơ sở quan trọng cho PTBV trong du lịch. Mặt khác, sự phát triển của du lịch cũng đòi hỏi phải có sự hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo yêu cầu của PTBVDL.

Qua những phân tích trên cho thấy, cơ sở hạ tầng và PTBVDL có mối quan hệ mật thiết và hệ thống cơ sở hạ tầng luôn là một căn cứ quan trọng cho công tác xây dựng và thực hiện PTBVDL của địa phương.

2.2. Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được hiểu là toàn bộ các phương diện vật chất kỹ thuật được huy động tham gia vào việc khai thác các tài nguyên du lịch nhằm tạo ra và thực hiện các dịch vụ/ hàng hóa thỏa mãn nhu cầu của du khách trong chuyến hành trình của họ. Theo cách hiểu này, chúng bao gồm cả cơ sở vật chất kỹ thuật thuộc bản thân ngành Du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành khác của nền kinh tế quốc dân tham gia vào việc khai thác tiềm năng du lịch như: Hệ thống đường xá, cầu cống, bưu chính viễn thông, điện nước... Điều này cũng khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa du lịch với các ngành khác trong mối liên hệ liên ngành.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được tạo ra lại là yếu tố quan trọng tác động đến mức độ thỏa mãn nhu cầu của du khách bởi năng lực và tính tiện ích của nó. Có ba yếu tố cấu thành để tạo nên sản phẩm và dịch vụ du lịch thỏa mãn nhu cầu của du khách. Đó là: Tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, lao động trong du lịch. Như vậy, cơ sở vật chất kỹ thuật là yếu tố quan trọng, không thể thiếu. Con người bằng sức lao động của mình sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật để khai thác các giá trị của tài nguyên du lịch tạo ra dịch vụ/ hàng hoá cung ứng cho du khách. Ngoài yếu tố tài nguyên thì tính đa dạng, phong phú, hiện đại, hấp dẫn của cơ sở vật chất - kỹ thuật cũng tạo nên tính đa dạng, phong phú và hấp dẫn của dịch vụ du lịch. Một quốc gia, một doanh nghiệp muốn phát triển du lịch tốt phải có 1 hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật tốt. Cho nên, trình độ phát triển của cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch là điều kiện, đồng thời cũng là sự thể hiện trình độ phát triển du lịch của một địa phương hay một đất nước.

2.3. Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch, theo Luật Du lịch Việt Nam 2017: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.”.

Tài nguyên du lịch là điều kiện, là yếu tố đầu vào quan trọng của hoạt động du lịch, đồng thời cũng là yếu tố tác động đến phát triển bền vững du lịch. Số lượng, chủng loại, cơ cấu, mức độ đa dạng, vị trí và khả năng khai thác có tác động trực tiếp và rất lớn đến việc xác định định hướng, mục tiêu phát triển, lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng, xác định các giải pháp phát triển du lịch; đến hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng phát triển của du lịch theo hướng tương ứng.

Nguồn tài nguyên là yếu tố cơ bản, là một nguồn lực quan trọng để tạo ra sản phẩm du lịch. Quy mô và khả năng phát triển phụ thuộc vào số lượng chất lượng, sự kết hợp các loại tài nguyên thiên nhiên. Quy mô càng lớn, chất lượng của chúng càng cao thì càng có điều kiện trở thành điểm hấp dẫn, thu hút du khách, giúp mở rộng và phát triển thị trường du lịch. Hoạt động du lịch phải dựa trên các việc khai thác và sử dụng tài nguyên. Từ những nội dung trên, ta có thể nhận định “Tài nguyên du lịch là một nhân tố trong PTBVDL.

2.4. Phát triển đào tạo nguồn nhân lực

Du lịch là ngành quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới. Nó đòi hỏi nguồn lao động lớn với nhiều loại trình độ do tính chất đặc điểm của ngành có mức độ cơ giới hóa thấp và đối tượng phục vụ là khách hàng với nhu cầu rất đa dạng. Con người là yếu tố chính quyết định thành công chung của bất kỳ một đơn vị, tổ chức nào. Đặc biệt, trong công nghiệp dịch vụ nói chung, ngành du lịch nói riêng, vai trò của chất lượng lao động lại càng quan trọng hơn.

Trong ngành Du lịch, phần lớn lao động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và họ tham gia thực hiện các công việc nhằm đạt được những mục tiêu của đơn vị. Chất lượng dịch vụ được cung cấp cho khách hàng không chỉ phụ thuộc vào trình độ, kỹ năng tay nghề của người lao động mà còn phụ thuộc vào thái độ làm việc của họ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp du lịch muốn tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, cần phải nhận thức rõ hơn vai trò đội ngũ lao động, phải có được một đội ngũ lao động có kiến thức sâu rộng, giỏi tay nghề và có đạo đức nghề nghiệp tốt.

Thực tế cho thấy, lực lượng lao động ngành Du lịch trong những năm qua tăng theo sự phát triển của ngành nhưng vẫn chưa đảm bảo cho phát triển du lịch một cách bền vững. Nhiều bộ phận vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đặc biệt là trình độ lao động sử dụng được ngoại ngữ khá thấp; ngoài ra tư duy và kỹ năng làm DL của người lao động còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp… Do đó, du lịch nếu muốn PTBV thì việc phát triển nguồn nhân lực là nhân tố vô cùng quan trọng.

2.5. Trình độ tổ chức quản lí ngành Du lịch

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện chức năng quy hoạch ngành Du lịch để từ đó có sự đầu tư theo lộ trình, đảm bảo đầu tư hiệu quả, phân bổ nguồn lực hợp lý cho từng giai đoạn, lựa chọn phát triển đúng hướng các dự án đầu tư. Chú trọng đến công tác bảo tồn, duy tu các công trình văn hóa; ban hành các quy định, cơ chế chính sách khuyến khích sự tham gia đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào hoạt động phát triển du lịch. Cần có chính sách ưu tiên đối với những dự án đầu tư du lịch có các giải pháp khả thi nhằm giảm thiểu của tác động du lịch đến môi trường; tạo cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, thông tin và dịch vụ tài chính thuận lợi, hiện đại đáp ứng ngày càng cao cho du khách, đây cũng là điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc thu hút đầu tư phát triển du lịch; xã hội hóa trong việc tạo sản phẩm du lịch nhằm mang lại chất lượng, giá cả đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo sản phẩm du lịch độc đáo để tăng lợi thế cạnh tranh trong du lịch; tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền.

Các cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò cân đối mọi nguồn lực để hướng sự phát triển của du lịch đạt đến các mục tiêu bền vững. Do đó, “trình độ tổ chức quản lí ngành du lịch” là nhân tố ảnh hưởng lớn đến việc PTBVDL, với một đường lối chính sách nhất định có thể kìm hãm hay thúc đẩy du lịch phát triển. Đường lối phát triển du lịch nằm trong đường lối phát triển chung về phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy phát triển du lịch cũng là đang thực hiện sự phát triển chung của xã hội.

2.6. Chất lượng dịch vụ du lịch

Chất lượng dịch vụ du lịch là mức phù hợp của dịch vụ từ các nhà cung cấp du lịch thỏa mãn các yêu cầu của du khách. Nó chính là sự nhận thức của khách hàng về chất lượng dịch vụ của một hãng cụ thể nào đó dựa trên sự so sánh thành tích của hãng đó trong việc cung cấp dịch vụ với sự mong đợi chung của khách hàng đối với tất cả các hãng khác trong cùng ngành Dịch vụ lữ hành. Chất lượng dịch vụ trong kinh doanh du lịch được đo lường bởi sự mong đợi và nhận định của khách hàng.

Thực tế cho thấy, chất lượng dịch vụ du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để giúp du lịch phát triển bền vững, là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu không chỉ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch mà còn cho cả ngành Du lịch của các quốc gia cũng như các địa phương. Việc chuẩn hóa các dịch vụ du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ không chỉ giúp các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng phục vụ mà nhằm giới thiệu đến du khách các điểm, nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao để họ an tâm mua sắm. Từ đó, góp phần làm tăng thời gian lưu trú tham quan, thúc đẩy chi tiêu, tăng nguồn thu ngoại tệ từ du lịch. Xa hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ quảng bá được hình ảnh du lịch địa phương, quốc gia và trực tiếp nâng cao sự hài lòng của khách du lịch và năng lực cạnh tranh cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, từ đó giúp du lịch phát triển bền vững.

2.7. Sự tham gia của cộng đồng trong phát triển bền vững du lịch

Sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch làm cho du lịch PTBV hơn. Sự tham gia này là hết sức cần thiết và không thể thiếu được trong PTBVDL, bao gồm: (1) Cư dân địa phương; (2) Các cơ sở kinh doanh du lịch; (3) Khách du lịch.

Cư dân địa phương: Du lịch không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động đến cuộc sống, truyền thống và văn hóa cũng như sinh kế của cộng đồng dân cư. Không giống như những người tham gia khác trong ngành Du lịch, cộng đồng địa phương sẽ phải giải quyết với vấn đề du lịch cho dù họ có được chọn tham gia hay không. Các thành viên cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng vừa trực tiếp vừa gián tiếp tác động đến phát triển du lịch.

Trong quá trình hoạch định về phát triển du lịch, cần tạo sự tham gia của cộng đồng địa phương. Bởi cộng đồng địa phương đóng vai trò chính trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm  tính  bền  vững  về  sử dụng nguồn lực phục vụ cho hoạt động du lịch. Sự xáo trộn, mâu thuẫn giữa người dân địa phương với du khách dễ xuất hiện nếu họ đứng ngoài cuộc, làm giảm sự an toàn cho du khách; cần phải thiết lập, duy trì mối quan hệ cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai hoạt động du lịch để xác định rõ mục đích và lợi ích cho họ từ hoạt động du lịch mang lại; đảm bảo cung cấp thông tin cho cộng đồng địa phương để họ có thể tham gia xuyên suốt trong bất kỳ hoạt động du lịch nào tạo sự bền vững, lâu dài không chỉ về dịch vụ du lịch, môi trường, công tác bảo tồn mà còn là sự hài lòng đối với du khách.

Khách du lịch: Khách du lịch là một chủ thể quan trọng trong các quan hệ du lịch, được mọi hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch hướng đến. Bằng việc tiêu dùng và chi trả cho việc tiêu dùng sản phẩm du lịch, du khách chính là người tạo nên thu nhập du lịch. Là một bên trong quan hệ cung - cầu du lịch, tổng hợp các nhu cầu của khách du lịch là yếu tố khách quan, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống kinh doanh, sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ, quản lý du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội cho hoạt động du lịch.

Là người tiêu dùng các sản phẩm du lịch, trực tiếp tác động đến tài nguyên du lịch và tương tác với cộng đồng dân cư tại điểm đến, yếu tố trách nhiệm của khách du lịch có tác động, ảnh hưởng quan trọng đến PTBVDL. Chiều hướng tác động tùy thuộc vào mức độ trách nhiệm, thái độ và hành vi ứng xử của du khách với tài nguyên du lịch, với cộng đồng dân bản địa khi tiêu dùng sản phẩm.

Các cơ sở kinh doanh du lịch: Trong kinh doanh du lịch, các cơ sở kinh doanh khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch và các nguồn lực khác để tạo nên hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách và thu về lợi nhuận. Do đó, hoạt động của cơ sở kinh doanh du lịch trực tiếp góp phần tạo nên doanh thu, giá trị tăng thêm của ngành Du lịch, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến tài nguyên du lịch, đến môi trường tự nhiên - xã hội cũng như đến cộng đồng dân cư nơi có hoạt động du lịch.

Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm sẽ có ý thức sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và các nguồn lực du lịch khác để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững du lịch, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, đóng góp cho giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Ngược lại, nếu cơ sở thiếu ý thức trách nhiệm, các nguồn lực trong đó có tài nguyên du lịch có thể bị khai thác, sử dụng lãng phí hoặc quá mức cho mục tiêu lợi nhuận, lợi ích cộng đồng thường bị bỏ qua, công tác xử lí chất thải, bảo vệ môi trường bị xem nhẹ để tiết giảm chi phí, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến PTBVDL.

3. Kết luận

Sự phát triển với quy mô lớn và tốc độ nhanh, mạnh của ngành Du lịch trong những năm gần đây đã và đang xuất hiện những bất cập, hạn chế về môi trường, sự va chạm các nền văn hóa, sự giao nhau giữa các nền kinh tế và các biến động về kinh tế - xã hội tại các địa phương tham gia hoạt động du lịch.

Sự phát triển ngành Du lịch luôn có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của từng vùng và của cả quốc gia, liên quan đến các công việc cụ thể, các quá trình khai thác tài nguyên môi trường. Đặc biệt là những khu vực đó xuất hiện ngày càng mạnh các hiện tượng, các quá trình ô nhiễm, sự xuống cấp nhanh chóng của điều kiện môi trường kinh tế, xã hội và nhân văn, sự suy giảm tới mức báo động của nhiều dạng tài nguyên, các yếu tố môi trường tự nhiên, sinh thái…

Do đó, vấn đề PTBVDL ngày càng được trú trọng. Xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến PTBVDL là một nội dung quan trọng giúp các quốc gia, các địa phương đã và đang phát triển hoạt động du lịch có những đánh giá chính xác về thực trạng, từ đó nâng cao vai trò và có hướng điều chỉnh tích cực tới các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới PTBVDL.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Bá Lâm và Trịnh Xuân Dũng (2014), Tổng quan về du lịch, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
  2. Nguyễn Bá Lâm (2007), Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa (2006), Kinh tế Du lịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
  4. Sarfaraz Hashemkhani Zolfani, Maedeh Sedaghat, Reza Maknoon and Edmundas Kazimieras Zavadskas (2015). Sustainable tourism: a comprehensive literature review on frameworks and applications. Economic Research-Ekonomska Istraživanja, 28(1), 1-30, DOI: 10.1080/1331677X.2014.995895.
  5. WCED. (1987). Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future. 6. Quốc hội (2017), Luật Du lịch Việt Nam.
  6. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường.

FACTORS AFFECTING THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF TOURISM

Master. Mai Anh Vu

Thanh Hoa University of Culture, Sports and Tourism

Master. Nguyen Xuan Hieu

Hong Duc University

Abstract:

In just a short time, tourism industry has grown rapidly, created many jobs and greatly impacted on the economy. In order to ensure the sustainable development of tourism industry, it is necessary to identify impact factors. This study highlights some factors affecting the sustainable development of tourism industry from the personal perspective of this study’s authors.

Keywords: Toursim, sustainable development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]