Những vấn đề phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong mối quan hệ với phát triển bền vững của vùng Tây Nam bộ

TRẦN KHÁNH HƯNG (Khoa Kinh tế học - Trường Đại học Kinh tế quốc dân) - THS. PHẠM THỊ HỒNG HẠNH (Viện Nghiên cứu Da Giầy - Bộ Công Thương)

TÓM TẮT:

Bài viết này khai thác số liệu từ các Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp từ năm 2001 đến năm 2018 của Tổng cục Thống kê và kết quả khảo sát trực tiếp các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) vùng Tây Nam bộ, từ đó tập trung phân tích làm rõ những vấn đề phát triển doanh nghiệp FDI trong mối quan hệ với phát triển bền vững của vùng Tây Nam bộ.

Từ khóa: Vùng Tây Nam bộ, doanh nghiệp FDI, phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Hơn 30 năm qua, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thực sự trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ một số vấn đề có thể gây ra những tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Với quan điểm đưa ra định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, để góp phần “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu” theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, việc làm rõ các vấn đề phát triển doanh nghiệp FDI trong mối quan hệ với phát triển bền vững của cả nước cũng như của từng vùng, từng địa phương cụ thể là hết sức cần thiết, bởi đó chính là một trong những căn cứ để đề xuất các giải pháp nhằm thu hút và sử dụng FDI thực sự có hiệu quả.

Vùng Tây Nam bộ[1] với tổng diện tích 40.816 km2 (chiếm 12,33% diện tích cả nước), dân số gồm 17.273.630 người tại thời điểm ngày 01/04/2019 (chiếm khoảng 17,95% dân số cả nước) (Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2019; Viện Chiến lược phát triển, 2018, tr. 33), là một trong những vùng kinh tế lớn của cả nước. Tình hình kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ thời gian qua đã có nhiều chuyển biến quan trọng và những kết quả đó có đóng góp tích cực từ sự phát triển của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn phát triển mới có nhiều thách thức mới thì nhiều vấn đề cũng được đặt ra với phát triển doanh nghiệp FDI trong vùng. Mặc dù cũng đã có một số nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ ở các khía cạnh khác nhau nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào đi sâu phân tích những vấn đề phát triển doanh nghiệp FDI trong mối quan hệ với phát triển bền vững của vùng. Mục đích của bài viết chính là nhằm góp phần khỏa lấp khoảng trống này. Các nội dung phân tích được trình bày dựa trên số liệu từ các Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp  từ năm 2001 đến năm 2018 của Tổng cục Thống kê và kết quả khảo sát các doanh nghiệp FDI trong vùng.

2. Khái quát về thực trạng phát triển doanh nghiệp FDI vùng Tây Nam bộ

Theo số liệu của các Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp từ năm 2001 đến năm 2018 của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp FDI ở vùng Tây Nam bộ đã gia tăng liên tục. Tính đến năm 2018, đã có các doanh nghiệp của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại vùng, trong đó nhiều nhất và gia tăng liên tục trong giai đoạn 2015 - 2018 là số lượng các doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2018, có 224 doanh nghiệp của Đài Loan, 176 doanh nghiệp của Hàn Quốc,148 doanh nghiệp của Trung Quốc, 122 doanh nghiệp của Nhật Bản. Ngoài ra,  còn có nhiều doanh nghiệp của Xingapo, Malaixia, Thái Lan,…

Cũng theo kết quả tính toán từ số liệu của các Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp các năm từ 2001 đến 2018, trong giai đoạn 2006 - 2010 số lượng doanh nghiệp FDI trong vùng có tốc độ gia tăng lớn nhất, ở mức 20,5%. Từ sau khi Luật Đầu tư mới (2014) có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp FDI trong vùng tiếp tục gia tăng mạnh, năm 2016 so với năm 2015 tăng 19,5%; năm 2017 tăng 11,7% so với năm 2016. Tính đến năm 2018, tất cả các tỉnh trong vùng đều có doanh nghiệp FDI với tổng số là 826 doanh nghiệp, trong đó tập trung nhiều nhất là Long An với 588 doanh nghiệp, tiếp theo là Tiền Giang 75 doanh nghiệp, Bến Tre 39 doanh nghiệp, Cần Thơ 32 doanh nghiệp,… Điểm đáng chú ý là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân không cao hoặc ở mức vừa như Bến Tre, Tiền Giang lại là những tỉnh có số doanh nghiệp FDI lớn hơn so với với những địa phương có nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân như Cần Thơ (32 doanh nghiệp), Kiên Giang (7 doanh nghiệp).

Riêng Long An là tỉnh có số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân lớn nhất trong vùng, 5.977 doanh nghiệp (chiếm 13,18% trong tổng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của vùng năm 2018) nhưng cũng có số lượng doanh nghiệp FDI lớn nhất (588 doanh nghiệp, chiếm tới 71,2% tổng số doanh nghiệp FDI trong vùng).

Trong các loại hình doanh nghiệp FDI, loại hình doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có số lượng nhiều nhất. Năm 2018, toàn vùng có 730 doanh nghiệp FDI thuộc loại này, trong khi hình thức liên doanh với doanh nghiệp khác có 89 doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 7 doanh nghiệp (Bảng 1). Tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp FDI ở loại hình doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong giai đoạn 2010 - 2018 cho thấy dường như các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng loại hình này nhất.

Bảng 1. Số lượng doanh nghiệp FDI vùng Tây Nam bộ theo loại hình

Loại hình

2001

2005

2010

2015

2016

2017

2018

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

35

59

209

497

603

688

730

Liên doanh với doanh nghiệp nhà nước

17

12

9

12

10

11

7

Liên doanh với doanh nghiệp khác

10

14

46

77

87

83

89

Tổng số

62

85

264

586

700

782

826

Nguồn: Tính toán của tác giả từ các Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp

(2001-2018).

Về lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp FDI vùng Tây Nam bộ hoạt động kinh doanh trong khá nhiều lĩnh vực nhưng tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp như sản xuất chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm liên quan, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic. Trong lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm thì nhiều nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc với 18 doanh nghiệp (năm 2018), tiếp theo là Đài Loan với 14 doanh nghiệp, Xingapo 13 doanh nghiệp, Nhật Bản 9 doanh nghiệp, Hàn Quốc và Thái Lan mỗi nước có 8 doanh nghiệp,…

Trong lĩnh vực sản xuất trang phục thì nhiều nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc với 25 doanh nghiệp (năm 2018), tiếp sau là Đài Loan với 22 doanh nghiệp, Trung Quốc 10 doanh nghiệp, Nhật Bản 8 doanh nghiệp, Hồng Kông 7 doanh nghiệp,… Với lĩnh vực sản xuất da và các sản phẩm liên quan thì nhiều nhất là các doanh nghiệp của Hàn Quốc với 39 doanh nghiệp (năm 2018), tiếp theo là Đài Loan với 32 doanh nghiệp, Trung Quốc 16 doanh nghiệp, Nhật Bản 6 doanh nghiệp, Hồng Kông và Xamoa có 4 doanh nghiệp, Mỹ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen mỗi quốc gia có 2 doanh nghiệp,…

Lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic nhiều nhất là Đài Loan và Trung Quốc. Năm 2018, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này của Đài Loan là 30 doanh nghiệp, cao hơn số lượng doanh nghiệp của Trung Quốc là 23 doanh nghiệp (năm 2017 Trung Quốc có 25 doanh nghiệp và Đài Loan có 17 doanh nghiệp), tiếp theo là Hàn Quốc với 14 doanh nghiệp; Nhật Bản 13 doanh nghiệp; Mỹ 3 doanh nghiệp; Hà Lan và Xingapo có 2 doanh nghiệp,... Trong lĩnh vực dệt, chiếm nhiều nhất là các doanh nghiệp của Trung Quốc với 21 doanh nghiệp (năm 2018), đứng thứ hai là Hàn Quốc với 20 doanh nghiệp, tiếp theo là Đài Loan với 16 doanh nghiệp, Nhật Bản có 5 doanh nghiệp, Mỹ có 3 doanh nghiệp, Hồng Kông có 2 doanh nghiệp,…

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tính toán dựa trên số liệu từ các Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp từ năm 2001 đến năm 2018 cho kết quả là giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp FDI trong vùng đã liên tục tăng qua thời gian. Cùng với sự gia tăng về giá trị tuyệt đối, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp FDI trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng cũng liên tục gia tăng. Năm 2005, khu vực doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn bộ doanh nghiệp trong vùng nhưng từ năm 2015 đã tăng lên chiếm tỷ trọng 23,5% và năm 2018 đã chiếm tới 24,9%.

Doanh thu và lợi nhuận bình quân doanh nghiệp FDI trong vùng cũng biến động theo xu hướng tăng dần, trong đó một số năm có sự gia tăng đột biến như năm 2015 ở mức hơn 4.774 tỷ đồng đã tăng vọt lên mức 9.967 tỷ đồng. Năm 2017, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng đã tăng trở lại vào năm 2018 ở mức hơn 8.998 tỷ đồng. Xét về giá trị gia tăng, kết quả tính toán cho thấy giá trị gia tăng bình quân của doanh nghiệp FDI trong vùng có xu hướng gia tăng, tuy nhiên, năm 2017 giảm còn 510.278,1 triệu đồng, thấp hơn mức của năm 2016 là 660.074,6 triệu đồng nhưng sang năm 2018 đã tăng trở lại đạt 600.773,2 triệu đồng.

Về hoạt động thương mại quốc tế, kết quả tính toán cho thấy tỷ lệ số doanh nghiệp FDI vùng Tây Nam bộ có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu vào năm 2011 là 65,8%; tăng lên tới 78% vào năm 2015, tuy nhiên đã lại giảm xuống chỉ còn 51,3% và 53,6% vào hai năm 2017, 2018. Giá trị xuất khẩu bình quân doanh nghiệp FDI trong vùng về cơ bản đều cao hơn so với giá trị nhập khẩu bình quân nhưng mức chênh lệch không cao. Tuy nhiên, đến năm 2018, giá trị nhập khẩu bình quân doanh nghiệp lại lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị nhập khẩu bình quân doanh nghiệp. Điều này có thể được giải thích là do số doanh nghiệp FDI mới thành lập theo làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư máy móc trang thiết bị ban đầu.

Xét theo các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI trong vùng có thể thấy, chỉ số lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) của khu vực doanh nghiệp FDI trong 3 năm 2016 - 2018 tuy giảm dần nhưng vẫn cao hơn so với chỉ số này của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Năm 2018, ROA của khu vực FDI là 2,1%, trong khi của khu vực kinh tế tư nhân trong nước là 1,9%. Chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khu vực doanh nghiệp FDI giai đoạn 2010 - 2018 duy trì ở mức trên dưới 10% và đều cao hơn so với chỉ số của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nhưng lại thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước.

3. Những vấn đề phát triển doanh nghiệp FDI trong mối quan hệ với phát triển bền vững của vùng Tây Nam bộ

Dựa trên các số liệu được phân tích ở phần trên có thể khẳng định rằng, khu vực doanh nghiệp FDI ở vùng Tây Nam bộ từ năm 2001 đến 2018 đã có sự phát triển nhất định thể hiện ở sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp, vốn đầu tư, số lượng lao động sử dụng,… và đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng phát triển doanh nghiệp FDI trong vùng cũng có thể thấy rõ một số vấn đề khi xét trong mối quan hệ với phát triển bền vững của vùng. Các vấn đề đó là:

Thứ nhất, các doanh nghiệp FDI trong vùng cơ bản vẫn chỉ tập trung phát triển ở một số tỉnh, thành phố có những điều kiện thuận lợi và có lợi thế của vùng về môi trường đầu tư tổng thể tương đối tốt xét trên các tiêu chí cơ sở hạ tầng, giao dịch, tài chính, tiền tệ, thương mại… như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp FDI có xu hướng lựa chọn địa điểm hoạt động ở những địa phương có điều kiện thuận lợi để tiết kiệm chi phí và thu lợi nhuận trong ngắn hạn. Thực trạng này xét trong ngắn hạn cũng như về lâu dài có thể sẽ dẫn đến sự phát triển mất cân đối giữa các địa phương trong vùng và có thể dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương của vùng trong thu hút FDI mà hậu quả có thể là phá vỡ những định hướng, những cân đối trong quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội của vùng.

Thứ hai, doanh nghiệp FDI trong vùng cơ bản tập trung phát triển ở những ngành nghề sử dụng nhiều lao động với chi phí thấp, chủ yếu là hình thức gia công xuất khẩu và chưa xuất hiện những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dựa trên kỹ thuật - công nghệ tiên tiến. Tính toán từ các bộ số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy, số lượng lao động bình quân doanh nghiệp FDI năm 2015 là 522 người, tuy có giảm trong hai năm 2016, 2017 nhưng đến năm 2018 vẫn đạt mức 524 người.

Như đã phân tích ở trên, ngành nghề hoạt động của các doanh nghiệp FDI vùng Tây Nam Bộ chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất chế biến thực phẩm, dệt, may mặc, da giầy,... là những ngành sử dụng nhiều lao động nhưng mang lại giá trị gia tăng không cao. Khi so sánh các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, giá trị gia tăng, tỷ suất lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước quy mô lớn cho thấy không có sự chênh lệch đáng kể. Thực trạng này cho thấy, dường như sự phát triển doanh nghiệp FDI chưa mang lại nhiều tác dụng đến sự phát triển ngành nghề mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như nâng cao trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp trong vùng như kỳ vọng và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu phát triển bền vững của vùng cũng như từng địa phương trong vùng.

Ngoài ra, sự phát triển doanh nghiệp FDI trong những ngành gia công chế biến xuất khẩu còn gây sức ép cạnh tranh với khối các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước, nhất là trong việc thu hút lao động khi doanh nghiệp FDI có thể trả lương cao hơn cho người lao động dù mức chênh lệch không cao. Kết quả tính toán từ số liệu của các Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp các năm từ 2001 đến 2018 cho kết quả là thu nhập bình quân lao động của doanh nghiệp FDI đều cao hơn so với thu nhập bình quân lao động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Thứ ba, sự phát triển doanh nghiệp FDI trong vùng chưa có tác động kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong vùng, nhất là với đối tượng các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Như đã phân tích ở phần trên, các doanh nghiệp FDI ở vùng Tây Nam bộ chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực sản xuất trang phục, da và các sản phẩm liên quan, sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic,… và nhiều nhất là các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Số lượng doanh nghiệp từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hồng Kông, Mỹ hoạt động trong các lĩnh vực trên nhìn chung ít hơn nhiều. Điều đáng lưu ý là khi khảo sát các doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực trên với câu hỏi nguồn gốc xuất xứ của các loại nguyên phụ liệu chủ yếu thì câu trả lời là các doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu hoặc mua các loại nguyên phụ liệu theo chỉ định của người đặt hàng và đại đa số các nhà cung cấp nguyên phụ liệu là các doanh nghiệp FDI của Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc tại Việt Nam. Hoặc nếu doanh nghiệp gia công xuất khẩu được phép tự mua nguyên phụ liệu thì phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc mà lý do chính là giá thấp hơn hàng sản xuất tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát các nhà sản xuất nguyên phụ liệu của Việt Nam cũng cho câu trả lời là hầu như họ không thể bán hàng cho các doanh nghiệp FDI chuyên gia công xuất khẩu các sản phẩm may mặc, da giầy,… họ cũng rất khó để chen chân vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI trong vùng vì các doanh nghiệp FDI này thường nhập nguyên phụ liệu từ các nhà cung cấp được chỉ định sẵn. Thực tế cho thấy, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI trong vùng hoạt động tại các ngành gia công xuất khẩu sử dụng nhiều lao động, hoặc là sẽ đi kèm với sự có mặt của các doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất các loại nguyên phụ liệu ở ngay trong vùng Tây Nam bộ, hoặc các khu vực lân cận hoặc nguyên phụ liệu sẽ được nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc nhập khẩu từ các nhà cung cấp được chỉ định ở nước ngoài. Một quy trình khép kín, mang tính “tự cung tự cấp” giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan tại Việt Nam với nhau hoặc giữa nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan tại Việt Nam và nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan ở nước ngoài. Rõ ràng, sự phát triển của doanh nghiệp FDI trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hầu như không mang lại tác động tích cực đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư, sự phát triển doanh nghiệp khu vực FDI trong vùng Tây Nam bộ cũng đi liền với tình trạng người nước ngoài đến làm việc và sinh sống ở các địa phương vùng có thể tạo ra nguy cơ bất ổn cả về kinh tế, an ninh, trật tự xã hội. Thời gian qua,  đã xuất hiện tình trạng lao động, thương lái người nước ngoài vào một số tỉnh vùng Tây Nam bộ đã không chỉ gây áp lực về việc làm với người lao động Việt Nam trên địa bàn mà còn có thể gây ra những biến động về thị trường, giá cả, nhất là với các loại nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong vùng, ngoài ra còn xuất hiện kèm theo những tệ nạn xã hội như lừa đảo, buôn lậu, tình trạng tội phạm công nghệ cao,…

Thứ năm, đã xuất hiện những doanh nghiệp FDI trong vùng Tây Nam bộ có khả năng can thiệp mạnh vào thị trường trong vùng. Thực trạng này biểu hiện rõ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đáng lẽ việc xuất hiện một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực thường có mức sinh lời thấp, chịu nhiều rủi ro do thiên tai cùng những biến động của thị trường nông sản thế giới có thể sẽ mang lại nhiều tác động tích cực về kinh tế - xã hội trên địa bàn. Song trên thực tế không những tác động của các doanh nghiệp FDI với khu vực nông nghiệp nông thôn vùng Tây Nam bộ còn nhiều hạn chế, chưa rõ nét, mà còn xuất hiện nguy cơ thị trường vùng Tây Nam bộ, đặc biệt là thị trường cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi bị khống chế, kiểm soát bởi một số doanh nghiệp FDI.

Qua khảo sát thực địa các địa phương vùng Tây Nam bộ cho thấy, ngoại trừ một số doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước quy mô lớn có thể tự sản xuất con giống cung cấp cho vùng nuôi của doanh nghiệp hoặc cho các hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp, phần lớn các cơ sở nuôi trồng thủy sản phụ thuộc vào nguồn giống, thức ăn cùng nhiều loại nguyên liệu khác của một số doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI này với sức mạnh và năng lực vượt trội có thể có tác động mạnh đến thị trường cung cấp các yếu tố đầu vào cho các ngành nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi của cả vùng.

Đánh giá một cách chung nhất có thể thấy rằng, sự phát triển doanh nghiệp FDI vùng Tây Nam bộ thời gian qua dù đã thể hiện được vai trò tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tuy nhiên, xét trong mối quan hệ với phát triển bền vững của vùng thì những vấn đề được nêu ra và phân tích ở phần trên có thể gây ra những tác động tiêu cực và các cơ quan chức năng cần sớm có các giải pháp phù hợp nhằm định hướng, điều chỉnh sự phát triển doanh nghiệp FDI trên địa bàn vùng trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng. Từ những vấn đề được phân tích ở phần trên, từ định hướng, mục tiêu thu hút và sử dụng FDI và từ điều kiện thực tiễn vùng Tây Nam bộ, các giải pháp cần được lưu ý gồm:

Thứ nhất, tiếp tục tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp FDI ở một số tỉnh, thành phố được coi là có những điều kiện thuận lợi và có lợi thế của vùng để duy trì đà phát triển, nguồn thu ngân sách và đào tạo, rèn luyện tác phong, phương pháp làm việc của người lao động; đồng thời khuyến khích phát triển doanh nghiệp FDI ở các địa phương khác trong vùng để khai thác các tiềm năng lợi thế của vùng, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong vùng.

Thứ hai, trong thời gian trước mắt cần tiếp tục khuyến khích phát triển các doanh nghiệp FDI hoạt động trong những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, nhất là các ngành công nghiệp gia công xuất khẩu. Sự phát triển của các doanh nghiệp FDI dạng này là thực sự cần thiết trong bối cảnh năng lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nước còn nhiều hạn chế, bởi sự phát triển đó có thể giúp hấp thụ nguồn lao động tại chỗ đang dư thừa, hạn chế tình trạng di cư tìm việc làm ở các vùng khác, địa phương khác. Có việc làm đồng nghĩa với có thu nhập, sinh sống gần gia đình với mức sống không đòi hỏi cao, người lao động sẽ có tích lũy, rèn luyện được tác phong làm việc chuyên nghiệp, hơn nữa, giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động cũng sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội khác trong vùng.

Thứ ba, về lâu dài cần hướng tới khuyến khích phát triển các doanh nghiệp FDI hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có trình độ công nghệ cao hơn, đặc biệt cần gắn kết mục tiêu phát triển doanh nghiệp FDI với phát triển các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước ở các ngành công nghiệp hỗ trợ hướng tới nâng lên một mặt bằng mới về trình độ phát triển của các khu vực doanh nghiệp trong vùng.

Thứ tư, cần phải giám sát chặt chẽ, gắn vấn đề quốc phòng an ninh với thu hút FDI và hoạt động của doanh nghiệp FDI. Cách tiếp cận và phòng ngừa với nhà đầu tư có thể mang đến những tác động tiêu cực là cần thận trọng, linh hoạt nhằm vừa giảm thiểu những tiêu cực vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội.

Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước “Giải pháp phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh mới”, mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19/X15, do PGS.TS. Vũ Hùng Cường làm chủ nhiệm, Viện Thông tin Khoa học xã hội chủ trì thực hiện năm 2018-2020, thuộc Chương trình Tây Nam bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
  2. Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019). Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019: Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ. Nhà xuất bản Thống kê, tháng 7/2019.
  3. Báo cáo tổng hợp khảo sát doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân các tỉnh vùng Tây Nam bộ của nhóm thực hiện đề tài “Giải pháp phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh mới” mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19/X15 năm 2019.
  4. Tổng cục Thống kê. Các Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp các năm từ 2001 đến 2018.
  5. Viện Chiến lược phát triển (2018). Dự thảo Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

Issues concerning the development of FDI enterprises in relation to the sustainable development of the Southwestern region

PhD. Tran Khanh Hung

Faculty of Economics, National Economics University

Master. Pham Thi Hong Hanh

Leather and Shoe Research Institute

Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

By analyzing data sets on enterprises from 2001 to 2018 published by the General Statistics Office of Vietnam and data from surveys on foreign direct investment (FDI) enterprises in the Southwestern region, Vietnam, this paper clarifies the issues concerning the development of FDI enterprises in relation to the sustainable development of the Southwestern region.

Keywords: Southwestern region, FDI enterprises, sustainable development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]