TÓM TẮT:

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, việc doanh nghiệp muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh là một hiện tượng tất yếu. Để tạo cơ sở pháp lý giúp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp và giảm thiểu tối đa những hệ lụy về mặt kinh tế - xã hội, pháp luật các quốc gia nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng đều quan tâm và xây dựng chế định về giải thể doanh nghiệp. Bài viết nghiên cứu quy định pháp luật về giải thể doanh nghiệp nhằm phân biệt giải thể doanh nghiệp và các hình thức chấm dứt hoạt động doanh nghiệp khác.

Từ khóa: Giải thể doanh nghiệp, điều kiện giải thể doanh nghiệp, chấm dứt doanh nghiệp.

1. Khái niệm giải thể doanh nghiệp

Vòng đời của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh thường chia làm 7 giai đoạn, bao gồm [1]: Giai đoạn “gieo hạt” Khởi động; Phát triển; Ổn định; Mở rộng; Suy thoái; và cuối cùng là Tan rã. Trong đó, “Tan rã” là giai đoạn mà chủ thể doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp (DN), rút lui khỏi thị trường. Trong khoa học pháp lý, việc chấm dứt sự tồn tại của DN thông thường được thực hiện dưới nhiều cách thức khác nhau và phổ biến hiện nay là giải thể doanh nghiệp.

Dưới góc độ ngôn ngữ, trong tiếng anh, khái niệm giải thể được sử dụng bởi nhiều thuật ngữ như: “Disband” hay “break up”. Trong đó, thông dụng và sử dụng rộng rãi nhất trong các văn bản pháp lý là thuật ngữ “dissolution” để chỉ sự chấm dứt tồn tại của một DN, tổ chức. Theo từ điển tiếng Việt, “giải thể có nghĩa là không còn hoặc làm cho không còn đủ điều kiện tồn tại như một tổ chức nữa, các thành viên phân tán đi”[2]. Theo đó, giải thể doanh nghiệp có nghĩa là DN không còn hoặc bị làm cho không còn đủ điều kiện tồn tại, các thành viên trong DN không còn liên kết với nhau nữa. Nói cách khác, giải thể doanh nghiệp là một hình thức “khai tử” DN.

Dưới góc độ pháp lý, theo từ điển Luật học, giải thể doanh nghiệp là “thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để trả cho các chủ nợ”[3]. Theo giáo trình Luật Doanh nghiệp - Trường Đại học Luật Hà Nội: “Giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp”[4]; Theo giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam của Viện Đại học Mở Hà Nội: “Giải thể doanh nghiệp là một trong những thủ tục pháp luật dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp”[5].

Có thể thấy về cơ bản dưới góc độ pháp lý, khái niệm giải thể DN được hiểu khá tương đồng nhau bởi chúng xác định giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của DN. Đây không phải là một sự kiện pháp lý mà là một quá trình theo quy định của pháp luật. Trong đó, pháp luật quy định cụ thể các trường hợp giải thể, điều kiện giải thể doanh nghiệp khi DN bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác cũng như các nghĩa vụ hợp đồng khác với các bên có liên quan; đồng thời không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Như vậy, có thể thấy: Giải thể doanh nghiệp là quá trình dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.

Giải thể doanh nghiệp có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, hậu quả pháp lý: Giải thể doanh nghiệp dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của DN về pháp lý và thực tế. Giải thể doanh nghiệp dẫn đến tư cách pháp lý của DN bị chấm dứt, tên của DN trong sổ đăng ký DN bị xóa, mọi hoạt động kinh doanh của DN đều bị dừng lại; các DN phải tiến hành thanh lý tài sản, các khoản nợ và các nghĩa vụ khác. Điều này đồng nghĩa, DN đó không còn tồn tại trên thị trường từ thời điểm cơ quan đăng ký kinh doanh hoàn thành thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký.

Thứ hai, thủ tục giải thể doanh nghiệp là một thủ tục hành chính. Để chấm dứt sự tồn tại của DN phải tiến hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định và được tiến hành tại cơ quan hành chính, như: Chấm dứt hiệu lực của mã số thuế; nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp, hủy con dấu, xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký doanh nghiệp,… Mục đích của hoạt động chấp thuận chỉ là để đảm bảo lợi ích cho các chủ nợ của DN. Vì vậy, về nguyên tắc, khi DN chưa thanh toán hết các khoản nợ mà cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên DN thì chính cơ quan này phải chịu trách nhiệm “trả nợ thay”.

Thứ ba, lý do giải thể khá đa dạng, có thể bị bắt buộc do xuất phát từ vi phạm pháp luật của DN hoặc từ ý chí tự nguyện của chủ DN. Trong đó, giải thể doanh nghiệp mang tính tự nguyện xuất phát từ ý chí của các chủ sở hữu DN (chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân; tất cả các thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Hội đồng thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên, Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần). Chẳng hạn: Chủ sở hữu DN không muốn tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh nữa như tỷ suất lợi nhuận không cao, mâu thuẫn nội bộ DN, triển vọng kinh tế trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của DN không có nhiều hứa hẹn trong tương lai; kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ mà không có quyết định gia hạn,…

Trong trường hợp này, chủ sở hữu DN có thể đi đến quyết định giải thể để thu hồi vốn hoặc chuyển sang kinh doanh những loại hình khác với những chủ thể khác. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp DN buộc phải giải thể theo một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có hành vi vi phạm, như: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo; DN ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế,… Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ thể ra quyết định giải thể DN chứ không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu DN.

Thứ tư, điều kiện để cơ quan có thẩm quyền cho phép giải thể doanh nghiệp: Một doanh nghiệp chỉ được phép giải thể khi DN đó đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của DN; không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Đây là một trong những đặc trưng của giải thể DN. Doanh nghiệp trước khi tiến hành chấm dứt sự tồn tại của mình trên thị trường phải đảm bảo hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính, khoản nợ mà bên này xác lập đối với các bên, các nghĩa vụ khác của hợp đồng theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan.

 Sau khi giải quyết mọi khoản nợ và nghĩa vụ khác của DN, mọi tài sản còn lại của DN được phân chia cho các thành viên hoặc chủ sở hữu DN. Đây là một điều kiện tiên quyết để cơ quan có thẩm quyền chấp nhận việc giải thể của DN. Nếu không, để chấm dứt sự tồn tại, DN chỉ có thể đăng ký phá sản.

Việc xác định các hình thức giải thể DN có ý nghĩa rất quan trọng, đó là cơ sở pháp lý đầu tiên để từ đó áp dụng pháp luật về giải thể. Đối với các trường hợp giải thể, có thể chia thành 2 hình thức:

Thứ nhất, giải thể tự nguyện: Là việc giải thể do chính DN quyết định trong quá trình tiến hành hoạt động khi đã đạt được mục đích kinh doanh và nhận thấy việc tồn tại của DN không còn cần thiết hoặc gặp khó khăn không thể khắc phục được. Hình thức này bao gồm các trường hợp giải thể khi: (1) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với DN tư nhân; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. (2) Doanh nghiệp kết thúc hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn: Đây là trường hợp đã có sự thỏa thuận và là ý chí của chủ sở hữu DN ngay từ khi thành lập doanh nghiệp.

Thứ hai, giải thể bắt buộc: Là trường hợp giải thể không do ý chí chủ quan của DN mà do cơ quan nhà nước yêu cầu DN phải tiến hành giải thể. Điều này, xuất phát từ lý do doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện nhất định mà pháp luật quy định. Các trường hợp giải thể bắt buộc bao gồm: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,…

2. Phân biệt giải thể với các hình thức chấm dứt hoạt động doanh nghiệp khác

Để làm rõ hơn khái niệm và đặc điểm của giải thể doanh nghiệp, chúng ta cần phân biện giải thể doanh nghiệp với các hình thức chấm dứt hoạt động doanh nghiệp khác.

Thứ nhất, phân biệt giải thể doanh nghiệp với phá sản doanh nghiệp.

Giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp đều là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của DN. Tuy nhiên, giữa giải thể và phá sản về cơ bản là khác nhau, điều này được lý giải qua một số yếu tố sau:

(1) Về lý do giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp:

Lý do giải thể doanh nghiệp rộng hơn rất nhiều so với phá sản doanh nghiệp. Giải thể doanh nghiệp xuất phát từ nhiều lý do như từ ý chí của chủ sở hữu DN khi mục đích của DN không đạt được hoặc do hoạt động của DN không đạt hiệu quả, việc chấm dứt sự tồn tại của DN sẽ có lợi hơn. Trong khi đó, phá sản doanh nghiệp chỉ có 1 lý do duy nhất là tình trạng DN mất khả năng thanh toán và có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản[6].

(2) Cơ quan có thẩm quyền quyết định giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp:

Đối với giải thể doanh nghiệp có thể theo quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với những trường hợp giải thể tự nguyện hoặc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập DN quyết định đối với trường hợp giải thể bắt buộc. Trong khi đối với phá sản doanh nghiệp chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định tuyên bố phá sản và tiến hành các thủ tục phá sản.

(3) Tính chất của thủ tục giải thể và thủ tục phá sản doanh nghiệp:

Giải thể doanh nghiệp là thủ tục mang tính hành chính, chủ yếu do cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Đối với phá sản doanh nghiệp là thủ tục tư pháp, do Tòa án thực hiện theo quy định của Luật Phá sản năm 2014.

(4) Điều kiện giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp:

Đối với giải thể doanh nghiệp: Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và DN không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Trong khi đó, đối với phá sản, DN phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác không là điều kiện bắt buộc. Theo quy định của Luật Phá sản 2014, DN bị áp dụng thủ tục phá sản mất khả năng thanh toán nợ; các chủ nợ sẽ được thanh toán các khoản nợ theo thứ tự luật định trên cơ sở số tài sản còn lại của DN (từ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh công ty hợp danh). Trường hợp, giá trị tài sản còn lại không thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản thì các chủ nợ sẽ được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ dựa trên thứ tự ưu tiên. Như vậy, DN phá sản có thể thanh toán hết hoặc không thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ.

(5) Hậu quả pháp lý của việc áp dụng thủ tục giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp:

Đối với giải thể doanh nghiệp, sau khi hoàn thành thủ tục giải thể, bị xóa tên trong sổ đăng ký DN thì về mặt pháp lý DN không còn tồn tại. Đối với thủ tục phá sản doanh nghiệp không phải luôn luôn là chấm dứt hoạt động của DN, không phải trường hợp nào sau khi mở thủ tục phá sản cũng dẫn đến DN bị tuyên bố phá sản, phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mà còn có thể có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh do Tòa án quyết định. Nếu thủ tục phục hồi kinh doanh có hiệu quả, DN vẫn tiếp tục tồn tại. Như vậy, sau khi áp dụng thủ tục phá sản, về mặt pháp lý DN vẫn có thể tồn tại nếu phục hồi được hoạt động kinh doanh.

(6) Quyền của chủ doanh nghiệp sau khi giải thể hoặc phá sản:

Đối với doanh nghiệp bị giải thể, chủ doanh nghiệp có quyền thành lập và quản lý, điều hành DN khác. Nhà nước không đặt ra bất kỳ một sự hạn chế nào đối với quyền tự do kinh doanh của chủ DN bị giải thể, bởi lẽ, giải thể doanh nghiệp chủ yếu xuất phát từ ý chí của DN. Tuy nhiên, đối với chủ doanh nghiệp bị phá sản không được phép thành lập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định kể từ ngày tuyên bố phá sản. Điều này xuất phát từ nguyên nhân của việc áp dụng thủ tục phá sản là DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ dẫn đến tình trạng không có khả năng thanh toán nợ.

Để dẫn đến tình trạng này là do quản lý điều hành DN yếu kém, sai lầm. Trên cơ sở đó, chủ doanh nghiệp bị phá sản sẽ bị hạn chế quyền thành lập DN. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp sẽ không bị hạn chế quyền trong trường hợp phá sản do những sự kiện bất khả kháng, ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp, như: Hỏa hoạn, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, bạo loạn, đình công, khủng hoảng kinh tế, chính sách pháp luật của Nhà nước thay đổi,… dẫn đến doanh nghiệp bị khủng hoảng, thiệt hại nặng nề và không có khả năng thanh toán mọi khoản nợ và buộc phải tự yêu cầu Tòa án tiến hành thủ tục phá sản.

Thứ hai, phân biệt giải thể doanh nghiệp với các trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình DN. Tổ chức lại doanh nghiệp khác với giải thể doanh nghiệp qua những điểm sau:

(1) Cơ quan có thẩm quyền quyết định giải thể doanh nghiệp và tổ chức lại doanh nghiệp. Đối với giải thể doanh nghiệp có thể theo quyết định của chủ sở hữu DN đối với những trường hợp giải thể tự nguyện hoặc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập DN quyết định đối với trường hợp giải thể bắt buộc. Đối với hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp thì chủ thể quyết định chính là chủ sở hữu DN với mục đích thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

(2) Về thời điểm hoàn thành thủ tục, đối với giải thể doanh nghiệp, thủ tục giải thể được xem là hoàn thành khi cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên DN trong sổ đăng ký DN. Khi đó, các quyền và nghĩa vụ của DN sẽ chấm dứt. Đối với tổ chức lại doanh nghiệp, có thể DN sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký DN như khi chuyển đổi, hợp nhất, chia DN nhưng không thể xem đây là thời điểm hoàn thành thủ tục. Thủ tục chỉ được hoàn thành khi DN mới được thành lập (được ghi nhận trong sổ đăng ký doanh nghiệp).

(3) Hậu quả pháp lý đối với giải thể doanh nghiệp, sau khi hoàn thành thủ tục thì DN chấm dứt sự tồn tại, các quyền và nghĩa vụ của DN không được kế thừa. Nhưng đối với việc tổ chức lại doanh nghiệp, DN được tổ chức lại không còn tồn tại về mặt pháp lý nhưng về bản chất DN đó vẫn tồn tại trong một hình thức mới; các quyền và nghĩa vụ của DN đó vẫn được kế thừa trong DN mới được hình thành.

Thứ ba, phân biệt giải thể doanh nghiệp với tạm ngừng kinh doanh.

Về bản chất pháp lý, giải thể doanh nghiệp được hiểu là quá trình dẫn đến sự chấm dứt tồn tại của DN sau khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của DN đó. Còn tạm ngừng kinh doanh được hiểu là trường hợp DN tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định. Sau khoảng thời gian đó, DN trở lại hoạt động bình thường.  

Về chủ thể có thẩm quyền quyết định giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh. Giải thể doanh nghiệp có thể là quyền của DN nếu giải thể tự nguyện nhưng nó cũng là giải thể bắt buộc nếu DN đó vi phạm pháp luật và bị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Còn đối với tạm ngừng kinh doanh thì hoàn toàn do quyền của DN trên cơ sở kết quả và mục đích kinh doanh.

   Về hậu quả pháp lý của giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh. Giải thể doanh nghiệp bao giờ cũng dẫn đến hậu quả pháp lý là chấm dứt hoạt động của DN, đóng mã số thuế của DN. Còn tạm ngừng kinh doanh không làm chấm dứt hoàn toàn hoạt động của DN. Doanh nghiệp chỉ tạm ngừng kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, hết thời hạn đó, DN tiếp tục hoạt động bình thường. Trong thời hạn ngừng hoạt động, DN phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp có quy định khác.

Ngoài ra, đối với giải thể doanh nghiệp, DN phải trả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính. Đối với tạm ngừng kinh doanh, DN có thể bớt đi nỗi lo về tiền lương cho người lao động, thuế và các khoản chi khác. Nhờ đó, DN tập trung được nhân lực và vật lực để giải quyết các khó khăn còn tồn đọng; tìm cách huy động vốn từ các nhà đầu tư để tái cơ cấu lại DN hoặc cũng có thể chưa hoạt động để chờ đợi cơ hội mới tốt hơn.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

 

[1] Tân Thịnh (2010), Các giai đoạn của tiến trình kinh doanh <http://www.hbi.org.vn/vi/tin-tuc/7-giai-doan>

[2] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

[3] Viện khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, NXB Tư pháp, Hà Nội.

[4] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam - tập 1, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, tr 419.

[5] Viện Đại học Mở Hà Nội (2013), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội.

[6] Khoản 1, Điều 4, Luật Phá sản năm 2014.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014), Luật Phá sản năm 2014.
  2. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp năm 2014.

 

DISTINGUISHING THE ENTERPRISE DISSOLUTION AND OTHER FORMS OF BUSINESS TERMINATION

NGUYEN TRUONG SON

Song Hong Reenco Investment Joint Stock Company

ABSTRACT:

In the market economy, the business termination is an inevitable phenomenon. In order to create a legal framework for business termination and minimize the social and economic consequences, laws of countries in general and the legal framework of Vietnam in particular are all pay attention and formulate regulations on the enterprise solution. This paper examines legal provisions on the enterprise dissolution in order to distinguish between the enterprise disolution and other forms of business termination.

Keywords: Enterprise dissolution, conditions for enterprise dissolution, business termination.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]