Pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

NGUYỄN THỊ THU HOÀI (Khoa Luật - Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT:

Bài viết trình bày tổng quan các quy định của pháp luật Hôn nhân và Gia đình về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật về vấn đề này; từ đó đưa ra một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận.

Từ khóa: Chế độ tài sản của vợ chồng, chế độ tài sản theo thỏa thuận, hợp đồng tiền hôn nhân.

1. Đặt vấn đề

Chế độ tài sản theo thỏa thuận là một loại trong chế độ tài sản của vợ chồng, mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Chế độ tài sản theo thỏa thuận có nhiều ưu điểm, khiến việc điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ chồng được linh hoạt hơn, nhất là ở những cặp vợ chồng có nhu cầu đầu tư kinh doanh riêng, chi tiêu độc lập…

Bài viết này tập trung nghiên cứu, phân tích các quy định của pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Từ đó chỉ ra những hạn chế, bất cập của pháp luật, đồng thời tác giả cũng đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật điều chỉnh vấn đề này.

2. Một số nội dung cơ bản của pháp luật điều chỉnh chế độ tài sản theo thỏa thuận

2.1. Căn cứ xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận

Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Theo quy định này, để xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận, các bên phải đáp ứng được các điều kiện sau:

Thứ nhất, thỏa thuận lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn.

Điều này có nghĩa là những cặp vợ chồng đã thực hiện việc kết hôn mà muốn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì không thể lựa chọn được nữa.

Thứ hai, hình thức của thỏa thuận phải bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Đây là điều kiện về mặt hình thức của thỏa thuận. Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”. Như vậy, trong trường hợp này, thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn bắt buộc phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý. Mọi hình thức còn lại đều không có giá trị pháp lý. Nếu các điều kiện khác đáp ứng đủ, còn điều kiện về hình thức không đáp ứng được cũng không có tác dụng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Thứ ba, hai bên xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận phải tiến hành đăng ký kết hôn.

Vì chế độ tài sản theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn, nên các bên phải tiến hành đăng ký kết hôn thì mới xác lập được chế độ tài sản theo thỏa thuận. Do đó, những trường hợp kết hôn trái pháp luật, những trường hợp đăng ký kết hôn tại cơ quan không đúng thẩm quyền, về nguyên tắc sẽ không thể xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận, dù đã xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước đó.

Thứ tư, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không bị vô hiệu toàn bộ.

Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng chỉ bị vô hiệu khi bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Thỏa thuận này có thể bị vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ. Nhưng chỉ có trường hợp vô hiệu toàn bộ mới không có tác dụng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Tóm lại, để xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận, nam và nữ phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: Thỏa thuận về chế độ tài sản phải được lập trước khi kết hôn, hình thức của thỏa thuận phải bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Hai bên nam và nữ phải tiến hành đăng ký kết hôn theo đúng điều kiện và thủ tục luật định và thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không bị vô hiệu toàn bộ. Thiếu 1 trong 4 điều kiện nói trên, chế độ tài sản theo thỏa thuận không thể xác lập.     

2.2. Căn cứ chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận        

Luật Hôn nhân và Gia đình không có điều khoản cụ thể, quy định trực tiếp về các trường hợp chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Nhưng căn cứ theo các quy định rải rác trong các điều luật có thể xác định chế độ tài sản theo thỏa thuận sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, vợ chồng thỏa thuận chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Luật Hôn nhân và Gia đình không có điều khoản nào quy định trực tiếp về trường hợp vợ chồng thỏa thuận chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản, trong đó có nội dung “Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản”. Từ quy định này có thể suy ra, chế độ tài sản theo thỏa thuận có thể được chấm dứt theo thỏa thuận của vợ chồng. Theo đó, chế độ tài sản theo thỏa thuận chấm dứt trong điều kiện nào sẽ do vợ chồng sẽ tự mình thỏa thuận.

Thứ hai, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu toàn bộ.

Như đã nói ở phần “Căn cứ xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận”, nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không bị vô hiệu toàn bộ là 1 trong 4 điều kiện để chế độ tài sản theo thỏa thuận được xác lập. Bởi nội dung thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng đương nhiên sẽ quay về chế độ tài sản truyền thống là chế độ luật định. Điều đó cũng có nghĩa là chế độ tài sản theo thỏa thuận chấm dứt.

Pháp luật không quy định trường hợp nào khiến thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu một phần hay toàn bộ. Nhưng có thể hiểu, vô hiệu một phần là chỉ có một vài nội dung trong thỏa thuận bị vô hiệu, vẫn còn những nội dung khác trong thỏa thuận có hiệu lực, trường hợp này không làm chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Trường hợp vô hiệu toàn bộ nghĩa là toàn bộ thỏa thuận đều vô hiệu, không có phần nội dung nào của thỏa thuận có hiệu lực. Trường hợp này mới làm chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Theo Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

Một là, không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Hai là, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm quy định bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng; có sự phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập; vi phạm nguyên tắc bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác; vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng khi nhà là nơi ở duy nhất1; vi phạm các quy định về giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Ba là, nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình. Là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định.

Thứ ba, quan hệ hôn nhân chấm dứt.

Chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ tồn tại trong thời kỳ hôn nhân, nên quan hệ hôn nhân chấm dứt sẽ làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận.

2.3. Hệ quả pháp lý khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận

Trường hợp chế độ tài sản theo thỏa thuận chấm dứt theo thỏa thuận của các bên, tài sản cũng sẽ được chia theo thỏa thuận ban đầu của các bên. Trong trường hợp có những nội dung chưa thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng trong chế độ tài sản luật định để giải quyết.

Trường hợp chế độ tài sản theo thỏa thuận chấm dứt do thỏa thuận đó bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ luật định được áp dụng. Khi đó, cách xác định tài sản chung, tài sản riêng; quyền và nghĩa vụ về tài sản của mỗi bên; quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, tài sản riêng được áp dụng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng chấm dứt do hôn nhân chấm dứt. Hôn nhân chấm dứt trong 2 trường hợp: một bên vợ hoặc chồng chết và vợ chồng ly hôn. Đối với mỗi trường hợp hôn nhân chấm dứt thì chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận cũng chấm dứt theo những cách khác nhau. Căn cứ vào nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, có thể xác định như sau:

- Trường hợp hôn nhân chấm dứt do một bên vợ hoặc chồng chết:

+ Nếu giữa vợ chồng không có tài sản chung, tất cả đều là tài sản riêng thì phần tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng đã chết sẽ được chia thừa kế. Phần tài sản riêng của người còn lại sẽ thuộc về chính họ.

+ Nếu giữa vợ chồng vừa có tài sản chung vừa có tài sản riêng thì phần tài sản riêng của ai thuộc về người đó. Phần tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng đã chết cộng với một nửa tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia thừa kế.

+ Nếu giữa vợ chồng chỉ có tài sản chung, không có tài sản riêng thì toàn bộ tài sản sẽ được chia đôi, bên còn sống được hưởng một nửa, một nửa còn lại được chia thừa kế.

- Trường hợp hôn nhân chấm dứt do vợ chồng ly hôn: Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận sẽ chấm dứt theo thỏa thuận của chính các bên đã xác lập ban đầu. Trong trường hợp có những nội dung chưa thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng trong chế độ tài sản luật định.

2.4. Nội dung cơ bản của chế độ tài sản theo thỏa thuận

Theo Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

Thứ nhất, tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng.

Đây là nội dung khá quan trọng vì nó xác định phần quyền sở hữu của vợ chồng đối với từng tài sản cụ thể. Và nội dung này góp phần không nhỏ vào việc chia tài sản sau này khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Việc phân định tài sản càng rõ ràng thì việc chia tài sản sau này càng dễ dàng. Đối với nội dung này, vợ chồng có thể thỏa thuận theo một trong các cách sau:

- Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu lựa chọn cách này, vợ chồng phải thỏa thuận cụ thể những tài sản nào là tài sản chung, những tài sản nào là tài sản riêng. Ví dụ, vợ chồng có thể thỏa thuận những tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ những tài sản này là tài sản riêng, những tài sản khác phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Cách này cũng giống một phần trong chế độ tài sản theo luật định. Trong chế độ tài sản theo luật định, tài sản giữa vợ và chồng cũng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng, chỉ khác là trong chế độ luật định sẽ do pháp luật quy định loại tài sản chung, tài sản riêng.

- Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng, mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung. Với cách thỏa thuận này thì hoàn toàn không tồn tại tài sản riêng cũng như nghĩa vụ tài sản riêng giữa vợ và chồng. Cách này hợp với truyền thống của phần lớn con người Việt Nam, với quan niệm “của chồng công vợ” thì tất cả những gì thuộc về vợ hoặc chồng hoặc của hai người đều được xem là tài sản chung của vợ chồng; không có tài sản riêng, không có nghĩa vụ riêng; Vợ chồng phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau gánh mọi trách nhiệm tinh thần và vật chất.

- Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó. Theo cách này, xét trong quan hệ tài sản, vợ và chồng như hai cá thể độc lập, tài sản do ai làm ra sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó. Giữa hai người không đương nhiên tồn tại một loại tài sản chung nào.

Ngoài 3 cách xác định tài sản chung, tài sản riêng nói trên, vợ chồng có thể tự chọn cho mình một cách thỏa thuận khác, miễn sao phù hợp với hoàn cảnh của vợ chồng, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Thứ hai, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Khi đã xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, bên cạnh việc xác định tài sản chung, tài sản riêng, vợ chồng cũng cần phải xác định nghĩa vụ đối với tài sản chung và tài sản riêng và giao dịch có liên quan để dễ dàng ứng xử trong quá trình chung sống. Các bên có thể thỏa thuận theo hướng tài sản chung thì nghĩa vụ chung, tài sản riêng thì nghĩa vụ riêng hoặc có thể thỏa thuận theo hướng khác, miễn sao phù hợp với hoàn cảnh của vợ chồng, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Ngoài ra, các bên cũng phải thỏa thuận phần tài sản để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp các bên thỏa thuận giữa vợ chồng chỉ có tài sản chung, không có tài sản riêng hoặc giữa vợ chồng vừa có tài sản chung vừa có tài sản riêng thì chắc chắn phần tài sản chung cũng sẽ được dùng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nhưng trong trường hợp, các bên xác định giữa vợ và chồng chỉ có tài sản riêng, không có tài sản chung thì việc thỏa thuận tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình là hết sức cần thiết để đảm bảo quyền lợi của con cái, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Thứ ba, điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Các bên cần thỏa thuận cụ thể về điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản thỏa thuận để hạn chế xảy ra tranh chấp và tiết kiệm thời gian khi phân chia tài sản. Các bên cần thỏa thuận rõ ràng và cụ thể các vấn đề: Chế độ tài sản theo thỏa thuận chấm dứt trong điều kiện nào; Thủ tục chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận; Nguyên tắc phân chia tài sản.

Ngoài 3 nội dung chủ yếu trên, các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác để thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng rõ ràng hơn, dễ thực hiện hơn.

Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản. Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản thì thỏa thuận này cũng phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực. Nếu không tuân thủ điều kiện hình thức thì việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản cũng không có giá trị pháp lý.

2.5. Thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận

Giống như các thỏa thuận khác, để đảm bảo quyền lợi của các bên, vợ chồng cần thực hiện đầy đủ những nội dung đã xác lập trong văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Thời điểm bắt đầu thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận là sau khi đăng ký kết hôn.

Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng các nguyên tắc chung trong chế độ tài sản của vợ chồng2 và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.

Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng3. Pháp luật cho phép vợ chồng được sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản. Nhưng việc sửa đổi, bổ sung này chỉ được thực hiện khi thỏa thuận chưa bị tuyên bố vô hiệu. Khi đã bị tuyên bố vô hiệu rồi thì chế độ tài sản theo thỏa thuận cũng chấm dứt, vợ chồng bắt buộc phải áp dụng các quy định của chế độ luật định để điều chỉnh quan hệ tài sản của mình.

Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng4. Ta có thể thấy, quan hệ pháp luật về tài sản giữa vợ và chồng trong trường hợp này vừa áp dụng chế độ luật định vừa áp dụng chế độ thỏa thuận.

Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự5.

3. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về chế độ tài sản theo thỏa thuận và các kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, bất cập trong quy định về căn cứ chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Như đã trình bày, Điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản, trong đó có nội dung “Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản”. Quy định trên, ngoài cách hiểu mà tác giả đã trình bày ở mục 2.2, thì có một số người hiểu ra cách thứ hai, đó là hai là vợ chồng không có quyền chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Nội dung mà pháp luật muốn diễn đạt ở đây chỉ là các nội dung mà vợ chồng thỏa thuận về hậu quả khi chấm dứt chế độ tài sản (chỉ trong trường hợp ly hôn hoặc một trong hai bên chết). “Điều kiện” mà điều khoản này nhắc tới là điều kiện chia tài sản, ví dụ vợ sẽ được chia thêm tài sản của chồng nếu vợ đáp ứng điều kiện là khi ly hôn vợ đang khó khăn về tài chính (thất nghiệp, thu nhập thấp…), chứ không phải là điều kiện về trường hợp chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Mặt khác, nếu hiểu theo cách thứ nhất là vợ chồng có quyền thỏa thuận để chấm dứt chế độ tài sản thì thỏa thuận này có bắt buộc phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực hay không, hay chỉ cần làm theo những thỏa thuận về điều kiện thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản đã thỏa thuận trong văn bản ban đầu, thì pháp luật không quy định.  

Đối với bất cập này, tác giả kiến nghị điều luật nên viết cụ thể, chi tiết, không nên viết gộp nhiều nội dung trong một điều khoản như quy định hiện hành. Ví dụ như “điều kiện” là điều kiện của cái gì, điều kiện để chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận hay điều kiện để phân chia tài sản thì nên viết rõ. “Thủ tục” và “nguyên tắc” cũng vậy.

Còn trong trường hợp hiểu theo cách vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt chế độ tài sản thì pháp luật cũng cần quy định cụ thể hình thức của thỏa thuận đó.

Thứ hai, bất cập trong quy định về các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu.

Theo tác giả, quy định này khá chung chung. Việc áp dụng những quy định chung của pháp luật dân sự vào trường hợp cụ thể này không hợp lý. Mặc dù thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng cũng là một dạng của hợp đồng dân sự, quan hệ hôn nhân cũng là một dạng của quan hệ dân sự, nhưng nó vẫn có những đặc điểm không giống quan hệ dân sự khác, ví dụ như công dân nam đủ tuổi thành niên - đủ tuổi giao kết các loại hợp đồng dân sự nhưng vẫn chưa đủ tuổi kết hôn. Do đó, pháp luật cần cụ thể hóa Khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để chỉ rõ những trường hợp cụ thể nào khiến thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu, không nên dẫn chiếu pháp luật dân sự (cụ thể là Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015). Như vậy, mức độ thể hiện nội dung của luật sẽ rõ ràng, minh bạch hơn.

Đối với bất cập này, tác giả đề xuất pháp luật nên quy định cụ thể về hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trong các trường hợp:

- Tại thời điểm xác lập thỏa thuận, một bên có năng lực pháp luật dân sự không phù hợp, đến thời điểm kết hôn cả hai đều có năng lực pháp luật dân sự phù hợp;

- Tại thời điểm xác lập thỏa thuận, một bên bị mất năng lực hành vi dân sự, đến thời điểm kết hôn cả hai đều có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Hai bên xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, tại thời điểm kết hôn có một trong hai bên không đủ điều kiện kết hôn, một thời gian sau các bên mới đủ điều kiện kết hôn, có yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật nhưng được pháp luật công nhận là vợ chồng.

- Hai bên xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, tại thời điểm kết hôn có một trong hai bên không đủ điều kiện kết hôn, một thời gian sau các bên mới đủ điều kiện kết hôn, không có yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật.

- Một bên kết hôn là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Một bên kết hôn là người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi.

- Trường hợp hai bên nam và nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn, đã xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và có công chứng, chứng thực trước khi kết hôn, nhưng vì một lý do nào đó, các bên đăng ký kết hôn tại cơ quan không đúng thẩm quyền.

- Trường hợp hai bên nam và nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn, đã xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và có công chứng, chứng thực. Sau đó, họ tổ chức cuộc sống chung với nhau một thời gian dài rồi họ mới tiến hành đăng ký kết hôn.

Nếu pháp luật quy định cụ thể về hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trong các trường hợp nêu trên, thì các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu sẽ thể hiện rõ ràng hơn, cụ thể hơn và dễ áp dụng hơn.

Thứ ba, bất cập trong quy định về việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

Khoản 1 Điều 49 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản”. Theo quy định này, không có bất kỳ điều gì làm hạn chế quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Theo tác giả, quy định về quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận này quá rộng. Pháp luật nên giới hạn lại các trường hợp vợ chồng được sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.

Theo tác giả, pháp luật nên quy định theo hướng vợ chồng được sửa đổi, bổ sung thỏa thuận khi trong quá trình thực hiện thỏa thuận phát sinh thêm những vấn đề mới chưa được thỏa thuận; trong trường hợp hoàn cảnh kinh tế của hai bên đã thay đổi, không còn phù hợp với cuộc sống gia đình; phần tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình đã thỏa thuận ban đầu không còn hoặc không đủ để đáp ứng nữa; phát sinh thêm các nghĩa vụ về tài sản. Đặc biệt,  pháp luật phải quy định trong trường hợp Tòa án đang xem xét yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản vô hiệu thì vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận hay không.

Ngoài những vấn đề trên, tác giả cũng kiến nghị pháp luật nên ban hành mẫu văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, để áp dụng thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương soạn thảo khác nhau, tên gọi khác nhau (dù bản chất giống nhau) để khi xảy ra tranh chấp Tòa án các địa phương cũng dễ dàng xử lý.

4. Kết luận

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được quy định tại 4 điều trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (từ Điều 47 đến Điều 50), và được hướng dẫn bởi 2 văn bản Nghị định số 126/2014/NĐ-CP (từ Điều 15 đến Điều 18) và Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP (Điều 5 và Điều 6). Theo tác giả đánh giá, chế độ tài sản theo thỏa thuận cũng là một quy định quan trọng, tồn tại song song với chế độ tài sản luật định, nhưng việc quy định về chế độ này như vậy là sơ sài, chưa đủ để giải đáp hết các tình huống có thể xảy ra trong chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Muốn các quy định pháp luật dễ dàng đi vào cuộc sống thực tiễn của xã hội thì bản thân các quy định đó phải hoàn thiện, dễ hiểu, dễ áp dụng và chặt chẽ. Tuy nhiên các quy định pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Có một số quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, một số nội dung quan trọng chưa được pháp luật quy định. Bài viết này đã thực hiện được 3 nhiệm vụ chính: phân tích, làm rõ các quy định của pháp Luật Hôn nhân và Gia đình về chế độ tài sản theo thỏa thuận; chỉ ra được bất cập, hạn chế của pháp luật và kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện pháp luật.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.

2 Áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

3 Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP

4 Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP

5 Điều 16 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Dân sự 2015.
  2. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
  3. Nghị định số 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.
  4. Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

THE LAW ON MATRIMONIAL REGIME AND RECOMMENDATIONS TO IMPROVE THE LAW

NGUYEN THI THU HOAI

Faculty of Law Studies - Da Lat University

ABSTRACT:

The article presents an overview of the provisions matrimonial regime, showing the limitations and shortcomings of the law on this issue. In that light, we propose some solutions to improve the law on matrimonial regime.

Keywords: Matrimonial regime, property regime under agreement, pre-marriage contract.