Phát hiện cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhưng "sản xuất" nước rửa tay

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội vừa phát hiện cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm nhưng lại đang hoạt động sang chiết, đóng gói nước rửa tay, nước sát khuẩn... Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt, chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ hợp pháp của hàng hóa.

Theo báo cáo nhanh của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.

Riêng tại Hà Nội, Cục QLTT đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tiến hành rà soát, kiểm soát các chợ và Trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố để kiểm soát tình hình giá cả và việc cung ứng hàng hóa.

Đồng thời, tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh không tăng giá bất hợp lý, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch, an ninh quốc phòng, và người dân trong mọi tình huống.

quản lý thị trường hà nội
Quản lý thị trường Hà Nội liên tục ra quân kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch vi phạm

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng vật tư y tế và lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, mua sắm của người dân, song do có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang các loại.

Các doanh nghiệp phân phối chủ động dự trữ nên hàng hóa luôn được cung ứng kịp thời, không để tình trạng thiếu hàng hóa diễn ra. Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn.

Ngày 13/4/2020, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công An Quận Đống Đa, Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ số 66 phố Hoàng Cầu mới, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 10 công nhân đang thực hiện hoạt động sang chiết vào lọ và đóng gói, dán tem nhãn của các sản phẩm bao gồm: nước xịt khuẩn, nước rửa tay, serum thảo dược trị nám, tàn nhang, serum sexy, bột cám gạo nguyên chất… toàn bộ các sản phẩm nêu trên đều có nhãn ghi “Heaplus”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn là chủ kinh doanh của cơ sở không có mặt, và chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ liên quan chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa là 2.900 hộp trị nám, 60 lọ bán thành phẩm, 797 chai nước rửa tay, 19 bao vỏ chai, 1000 vỏ hộp nám các loại để tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.

vi phạm khẩu trang
Dù kiểm tra thường xuyên, liên tục nhưng rất nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang vẫn vi phạm, sản xuất khẩu trang không đúng chất lượng, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc...

Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 13/4/2020, Đội QLTT số 8 kiểm tra và khám xe ô tô có BKS 51C-721.66 do ông Nguyễn Hữu Trọng Nhân điều khiển tại chốt kiểm dịch phòng chống dịch Covid-19 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Trường Sơn, Phường 2, quận Tân Bình.

Tại thời điểm khám, xe ô tô đang vận chuyển 7 thùng khẩu trang vải hiệu Relax (10.500 chiếc) do Việt Nam sản xuất không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Đội lập biên bản tạm giữ để xử lý.

Cùng ngày, Đội tiếp tục làm việc với bà Mai Như Hạnh, đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần May Sơn Việt có trụ sở chính tại địa chỉ số 294 đường Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú là chủ sở hữu của lô hàng trên.

Qua làm việc Công ty đã xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ và cho biết đây là lô hàng đầu tiên của Công ty sản xuất và bán cho Công ty TNHH K.MEDICAL.

Hiện, Đội đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần May Sơn Việt đối với hành vi: kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ sử dụng theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Phạt tiền 17,5 triệu đồng. Đồng thời trả lại toàn bộ hàng hóa đã tạm giữ cho Công ty khắc phục nội dung ghi nhãn hàng hóa.

Tương tự, tại Thái Nguyên, nhận được nguồn tin báo từ cơ sở, đêm ngày 12/4/2020, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã tiến kiểm tra xe ô tô mang BKS 14C-17813 tại tổ 13 phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên.

Qua công tác khám phương tiện Đội phát hiện xe vận chuyển 19.950 chiếc khẩu trang 4 lớp.

Chủ hàng là ông Đinh Mạnh Hiểu, thường trú tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên. Đội QLTT số 1 đã lập Biên bản vi phạm hành chính trình Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên xử phạt 10 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số khẩu trang nêu trên theo quy định.

Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, vật tư y tế.

Trong ngày 14/4, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 53 vụ; xử lý 3 vụ việc vi phạm; số tiền xử phạt hành chính là 32,5 triệu đồng.

Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 14/4/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 8.034; số tiền xử phạt vi phạm hành chính 3,71 tỷ đồng.

Thu Thủy