Phát huy nhân tố nguồn lực con người trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay

TS. TRỊNH VIỆT TIẾN - ThS. NGUYỄN THỊ THU HẰNG (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hiện nay, nguồn lực con người có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy được nhân tố này là nhiệm vụ hàng đầu đối với từng quốc gia, các cơ quan tổ chức và mỗi cá nhân.

Việc nhận thức được con người là nguồn lực trung tâm của sự phát triển có tác động mạnh mẽ đến phát triển các nguồn lực khác trong xã hội, để từ đó ở mỗi cấp độ quản lý từ vĩ mô đến vi mô đồng bộ đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển nguồn lực này.

Từ khóa: Nguồn lực con người, kinh tế - xã hội, nhận thức toàn diện.

1. Đặt vấn đề

Nghiên cứu phát triển nguồn lực con người là vấn đề đặt ra không chỉ với từng cá thể mà đối với tất cả các tổ chức, cơ quan của mỗi quốc gia. Nguồn lực con người là tổng thể những tiềm năng, những năng lực của mỗi cá nhân và cộng đồng đã, đang và sẽ tạo ra sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển. Nguồn lực này bao gồm cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Cấu trúc về số lượng, chất lượng nguồn lực được thể hiện ở nhiều mặt như trình độ, phẩm chất, kỹ năng, đạo đức, trí tuệ, khả năng hiểu biết quyết định các vấn đề, bản lĩnh, lối sống trong cuộc sống và công việc, tư tưởng, văn hóa của mỗi người trong xã hội. Về số lượng nguồn lực con người được xác định bởi quy mô dân số của mỗi quốc gia; bởi cơ cấu độ tuổi lao động, giới tính, sự phân bổ dân cư giữa thành thị, nông thôn và các vực khác.

Nguồn lực con người thể hiện vai trò quan trọng trong mối quan hệ với những nguồn lực khác để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mác - Lênin cho rằng, con người là sản phẩm của tự nhiên và của xã hội, con người là yếu tố quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất góp phần vào phát triển xã hội. Đảng ta cũng đã chỉ rõ: Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chỉ có con người mới hoàn thành được các mục tiêu đề ra.

Vai trò của nguồn lực con người được đặt ở vị trí trung tâm cùng với các nguồn lực khác như tài nguyên, vốn vật lực khác. Chúng tác động khơi dậy và phát huy tiềm năng của các nguồn lực khác. Vì vậy, đối với bất kỳ sự phát triển nào thì nguồn lực con người luôn được coi trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực con người của Việt Nam

Theo cuộc điều tra dân số quốc gia Tổng số dân của Việt Nam năm 2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, vùng đông dân nhất Việt Nam là đồng bằng sông Hồng với khoảng 22,5 triệu người, kế tiếp là Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ với khoảng 20,1 triệu người, thứ ba là Đông Nam bộ với 17,8 triệu người, thứ tư là đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 17,2 triệu người. Vùng ít dân nhất là Tây Nguyên với khoảng 5,8 triệu người. Theo điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ (IPS) 2019, 34,4% dân số Việt Nam đang sinh sống tại thành thị và 65,6% cư trú ở nông thôn. Về tỷ số giới tính trung bình vào năm 2019 là 99,1 nam/100 nữ.

Trong quý I/2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Sau chuỗi 5 năm tăng liên tục (2015 - 2019), đây là năm đầu tiên lực lượng lao động giảm so với cùng kỳ các năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý I năm 2020 là 48,9 triệu người, giảm 351,2 nghìn người so với quý trước và tăng 4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 33,7%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động là 22 triệu người, chiếm 45% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước. 

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2020 là 75,4%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tham gia lực lượng lao động của dân cư khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khác biệt đáng kể, cách biệt 10,7 điểm phần trăm (thành thị: 68,6%; nông thôn: 79,3%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn ở tất cả các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15 - 24 tuổi (thành thị: 43,0%; nông thôn: 65,1%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 36,5%; nông thôn: 52,4%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị. Đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. 

Trong tổng số người tham gia lực lượng lao động của quý I năm 2020, có 13,1 triệu người đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên), không thay đổi nhiều so với quý trước và tăng 753,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước - chiếm 23,7%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 39,9%, cao hơn 2,5 lần so với khu vực nông thôn (15,9%).

Như vậy có thể thấy rằng, mặt mạnh của nguồn nhân lực đó là: Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động nhiều do dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, có trình độ được đào tạo cơ bản nắm bắt và ứng dụng được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong công việc.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế như: Tính chuyên môn hóa trong công việc không cao; văn hóa kỷ luật lao động còn hạn chế, không tuân thủ chặt chẽ các quy định của tổ chức đề ra; tư tưởng và tâm lý lao động còn chưa công nghiệp vẫn nặng nề theo phong cách tiểu nông; bảo thủ, độc đoán, trì trệ chưa sáng tạo trong công việc; bị tác động nhiều bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường nên chạy theo lợi nhuận chưa bền vững.

3. Một số giải pháp phát triển nguồn lực con người cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay

Các vấn đề đặt ra đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội khiến mỗi nhà quản lý cần phải có các giải pháp phù hợp để thực hiện một cách đồng bộ và kịp thời.

* Giải pháp về quan điểm, chủ trương, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực con người: Đảng ta đã chỉ rõ trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng ta là đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Quan điểm này của Đảng và Nhà nước ta là sự vận dụng tổng hợp các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về con người. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

* Nhóm giải pháp về kinh tế: Phát triển kinh tế là điều kiện cần thiết để tạo hành lang phát triển nguồn lực con người vì chúng tạo ra các điều kiện vật chất, cơ sở kinh doanh, sử dụng nguồn lực con người ở mọi góc độ. Cần mở rộng nhiều thành phần kinh tế, mở rộng nhiều ngành nghề, ưu đãi đầu tư, giảm thuế, tạo hành lang thuận lợi để mọi thành phần hoạt động đóng góp vào phát triển kinh tế, qua đó đóng góp vào phát huy hiệu quả nguồn lực con người. Phát triển kinh tế không chỉ định hướng về chiều sâu mà cần mở rộng ra các ngành nghề có lợi thế và cần phát triển của đất nước. 

* Nhóm giải pháp về quản lý nguồn nhân lực xã hội: Luôn nghiên cứu, phát triển, điều chỉnh các chính sách như việc làm, tiền lương, an sinh xã hội, bảo trợ thất nghiệp, nhà ở xã hội, trợ giá, hỗ trợ lao động vùng khó khăn để gia tăng chất lượng sống, qua đó cải thiện chất lượng nguồn lực con người góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

* Nhóm giải pháp về giáo dục, đào tạo nghề: Giáo dục và đào tạo nguồn lực con người đối với mỗi quốc gia luôn được quan tâm hàng đầu. Với nước ta, việc nhắm trọng điểm vào lợi thế lao động là vấn đề cần thiết, vì vậy cần phải tiến hành cẩn trọng từ khâu giáo dục kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực cơ bản đến chuyên sâu. Các Ban, Bộ, ngành cần đầu tư nghiên cứu trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để phục vụ nghề nghiệp. Cần liên tục điều chỉnh, đổi mới nội dung chương trình cập nhật, đổi mới phương pháp để truyền tải tốt đến người học, khuyến khích sáng tạo tư duy nghiên cứu trong lĩnh vực đảm nhận hướng đến xã hội phát triển kinh tế, làm chủ công nghệ, làm chủ tri thức.

* Nhóm giải pháp về tâm lý, văn hóa, xã hội: Kết hợp với giải pháp về giáo dục - đào tạo để phát triển nguồn lực con người đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Mỗi nhà quản lý, người lao động cần phải được đào tạo và có được nét văn hóa riêng của Việt Nam - Cần cù, chịu khó, tương thân tương ái, phát huy những giá trị truyền thống do cha ông để lại, tôn trọng truyền thống lịch sử. Giữ vững ổn định từ đó mới xây dựng được nền kinh tế - xã hội ổn định bền vững.

* Đối với doanh nghiệp, người lao động: Doanh nghiệp, tổ chức cần tham gia chủ động tích cực, luôn có các phương pháp quản lý phù hợp. Đặc biệt, chú ý đến nhóm yếu tố phát triển các nguồn lực như sự phù hợp giữa con người lao động với tổ chức, lương và các khoản thu nhập, đào tạo và phát triển nghiệp vụ phục vụ chức nghiệp, các cơ hội thực hiện nhiệm vụ đầy thách thức và yếu tố tổ chức như hành vi của lãnh đạo, mối quan hệ trong tổ chức, văn hóa và các chính sách của tổ chức, môi trường làm việc. Đối với người lao động, là nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, luôn cần phát huy vai trò trách nhiệm lao động sáng tạo vì phát triển; cần cù, chịu khó học hỏi nâng cao trình độ, có ý thức tự giác trong lao động, phát huy tố chất sáng tạo để tạo ra giá trị riêng cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; luôn phát huy giáo dục tinh thần yêu nước để xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

4. Kết luận

Phát huy nguồn lực con người có vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia. Việc nhận thức được con người là nguồn lực trung tâm của sự phát triển có tác động mạnh mẽ đến phát triển các nguồn lực khác trong xã hội, để từ đó ở mỗi cấp độ quản lý từ vĩ mô đến vi mô đồng bộ đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển nguồn lực này. Các cơ quan quản lý từ giáo dục đào tạo, kinh tế, tài chính, nông nghiệp, lao động đều phải vào cuộc tích cực để mang lại nguồn lực chất lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2019). Nghị quyết số 39-NQ/TW V/v nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, ngày 15/1/2019.
  2. Chính phủ (2011). Quyết định số: 1216/QĐ-TTg V/v Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, ngày 22/7/2011.
  3. Phạm Công Nhất (2007). Phát huy nhân tố con người trong phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

PROMOTING THE ROLE OF HUMAN RESOURCE

IN THE SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT IN THE CONTEXT

OF VIETNAM'S CURRENT DEVELOPMENT CONDITIONS

• Ph.D TRINH VIET TIEN

Hanoi University of Home Affairs

• Master. NGUYEN THI THU HANG

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

Currently, human resource is playing an important role in socio-economic development and promoting the development of human resources is an important task for countries, organizations and individuals. The awareness of the important role of human resource has strongly impacted the development of other social resources, so that each managgement level from macro to micro managgement levels conduct synchronized appropriate solutions for human resource development.

Keywords: Human resource, economics - society, comprehensive awareness.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2020]