Phát huy vai trò của pháp luật trong việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay

ĐỖ THỊ MINH THƯ (Đại học Đại Nam)

TÓM TẮT:

Trong xã hội, để con người tuân thủ pháp luật một cách tự giác thì cần làm cho họ hiểu được sự cần thiết và lợi ích xã hội của các quy định pháp luật. Luật pháp muốn có hiệu lực, hiệu quả thì ngoài sức mạnh của công quyền, bằng cưỡng chế cần huy động cả sức mạnh của tư tưởng và của tinh thần, pháp luật phải được con người nhận thức như là sự cần thiết và có cơ sở, phải tạo niềm tin và sự kính trọng đối với pháp luật. Đó cũng chính là mục đích, yêu cầu cơ bản của giáo dục pháp luật đối với mọi cá nhân nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Phát huy vai trò của pháp luật trong việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay như thế nào sẽ là vấn đề được bàn luận trong bài viết.

Từ khóa: Vai trò, pháp luật, đạo đức, học sinh, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với pháp luật là phải tác động tích cực đến nền đạo đức của xã hội. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đòi hỏi mỗi cá nhân trong hoạt động của mình phải tính toán chặt chẽ những điều kiện khách quan và hiệu quả kinh tế. Khi đời sống kinh tế - xã hội đã và đang có những chuyển biến lớn, thì quan hệ giữa con người với con người không thể chỉ là “mối quan hệ trực tiếp, cảm tính, chủ yếu vẫn bị chi phối bởi những nguyên tắc và chuẩn mực của sự phát triển ưu trội về đạo đức” như trước đây, mà cần được bổ sung những chuẩn mực, những giá trị mới, như tính kinh tế, tính hiệu quả,… Ngay cả việc đánh giá đạo đức cũng cần phải dựa trên các tiêu chí mới, bên cạnh các thước đo vốn có.

Đối với nước ta hiện nay, việc tăng cường vai trò của pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển ý thức đạo đức đã trở thành một trong những yêu cầu cấp thiết. Quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng như xã hội dân sự đòi hỏi phải tích cực hơn nữa trong việc đưa pháp luật vào đời sống, hình thành và phát triển ý thức pháp luật; đồng thời, xã hội hóa tri thức, nâng cao trình độ dân trí, tạo cơ sở nâng cao đạo đức lên trình độ duy lý pháp lý và khoa học; chuyển thói quen điều chỉnh xã hội theo “lệ”, chủ yếu là sự cảm thông, sang điều chỉnh xã hội bằng pháp luật, trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng xã hội. Trong quan niệm về chuẩn giá trị và đánh giá đạo đức, tính khách quan, khoa học và duy lý sẽ thay cho sự tùy tiện, dựa trên cơ sở kinh nghiệm, duy cảm, duy tình. Sự điều chỉnh xã hội bằng pháp luật làm cho mọi thành viên trong xã hội có thể tự do phát huy khả năng sáng tạo của mình trong môi trường lành mạnh - môi trường vận hành có trật tự, nền nếp, kỷ cương của một xã hội năng động, phát triển và văn minh. Đó cũng chính là nhu cầu tình cảm, là trách nhiệm và yêu cầu đạo đức đối với mỗi công dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong giai đoạn mới.

2. Thực trạng việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức cho học sinh, sinh viên thông qua giáo dục pháp luật

Sinh viên Việt Nam - những chủ nhân tương lai của đất nước có vị trí và vai trò rất quan trọng trong xã hội. Song trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, sự tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, đã làm xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực trong lối sống, đạo đức của một bộ phận không nhỏ sinh viên, nên việc giáo dục đạo đức cho sinh viên đang là vấn đề cấp thiết, được toàn xã hội quan tâm. Để khắc phục những biểu hiện tiêu cực đó, nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành các cuộc điều tra xã hội học, tâm lý học, triết học,… và xác định pháp luật có vai trò chủ đạo trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên để sau này họ có thể trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống pháp luật trong các nhà trường vẫn còn thiếu những quy định cần thiết trong các quy định về quyền cơ bản của công dân. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường chưa thật sự được chú trọng.đúng mức. Tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của học sinh, sinh viên đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất và hậu quả. Một trong những nguyên nhân, đó là công tác giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và nhất là giáo dục kỹ năng sống còn yếu kém. Các bài học về giáo dục đạo đức trong các nhà trường còn nặng về lý thuyết, ít gắn với thực tiễn đời sống và thường là theo lối độc thoại, học sinh phải học thuộc lòng một cách gò bó, từ đó tạo tâm lý không hứng thú, ít thấy được ý nghĩa thiết thực. Gần đây, vấn đề này đã được quan tâm hơn, ví dụ như Công đoàn ngành Giáo dục đã phát động cuộc thi với chủ đề “Các tình huống pháp luật và đạo đức" nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đối với công tác giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức trong nhà trường, nâng cao chất lượng của công tác này.

3. Phát huy vai trò của pháp luật trong việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay

3.1. Mỗi nhà trường cần bổ sung thêm một số pháp chế, qui tắc, nguyên tắc cơ bản đúng pháp luật về đạo đức trong ứng xử của học sinh, sinh viên và hình thức xử lý đối với những học sinh, sinh viên vi phạm

Các nhà trường có thể tiến hành điều tra xã hội học nhằm thu nhận ý kiến từ cả 2 phía học sinh, sinh viên và giảng viên, giáo viên nhằm đưa ra được bộ qui tắc vừa phù hợp, mềm dẻo và có tác dụng tích cực nhất. Bởi vì, giáo dục đạo đức cho sinh viên không thể chỉ ở việc tuân thủ thực hiện những qui tắc, chuẩn mực, pháp luật cứng nhắc. Nhà trường cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, giáo dục những kỹ năng “mềm” để sinh viên có thể xử lý các tình huống nảy sinh trong cuộc sống một cách tích cực nhất. Để có thể đạt được mục tiêu như vậy, nhà trường phải tạo môi trường cho sinh viên sinh hoạt, rèn luyện, phát triển toàn diện, có sức khoẻ tốt và đời sống tinh thần phong phú lành mạnh. Đặc biệt, nhà trường cũng chú trọng bồi dưỡng giáo dục pháp luật để sinh viên có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ khác như học tập, nghiên cứu và tham gia các hoạt động xã hội tốt hơn.

3.2. Mỗi giảng viên cần nêu cao lòng yêu nghề, thái độ công bằng, tinh thần trách nhiệm và phải có kiến thức chuyên sâu về pháp luật

Để đạt được hiệu quả cao trong giáo dục đạo đức cho sinh viên, bản thân mỗi giảng viên, giáo viên trong nhà trường phải là tấm gương về đạo đức, có kiến thức chuyên sâu, sống và làm việc đúng pháp luật. Những bài học đạo đức chỉ thực sự có giá trị, có tính thuyết phục khi người thuyết giảng bài học đó là tấm gương mẫu mực, nhằm tạo được niềm tin cho học sinh,  sinh viên. Thầy cô giáo ngoài việc truyền đạt tri thức, còn phải định hướng và kịp thời uốn nắn hành vi, thái độ của học sinh, sinh viên, tạo cho họ có điều kiện thuận lợi nhất để rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống và tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị văn hóa mới.

3.3. Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên phải gắn liền với việc phổ biến vai trò của pháp luật và giáo dục pháp luật.

Ngoài việc nắm bắt những nội qui, qui chế nhà trường, học sinh, sinh viên còn cần có những hiểu biết cơ bản về pháp luật, về an toàn giao thông, phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội,… Giáo dục cho học sinh, sinh viên đạo đức và pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giúp họ vừa có ý thức tự giác, chủ động, vừa nhận thức được những giới hạn cụ thể trong thái độ và hành vi của mình, nhằm giảm thiểu những vi phạm nội qui, qui định của nhà trường và vi phạm pháp luật ở ngoài xã hội.

3.4. Phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn và Hội trong giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên,

Các tổ chức Đoàn và Hội cần phải phát huy hơn nữa tính chủ động tích cực của mình, đặc biệt là trong việc tổ chức nhiều các hoạt động tập thể, với hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được nhiều sinh viên tham gia, nhằm làm cho họ có nhiều điều kiện tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào các hoạt động, tổ chức xã hội, tạo sự gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. Để phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn, Hội trong việc giáo dục nghĩa vụ đạo đức cho học sinh, sinh viên, cần có sự phối hợp với các tổ chức xã hội khác, như: Hội liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Nhà trường,…để tạo sự thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác xây dựng và giáo dục pháp luật và nghĩa vụ đạo đức mới cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh những hoạt động tập thể, Đoàn và Hội cũng cần có những chủ trương hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trong học tập, tạo nhiều cơ hội cho họ tìm hiểu thực tế, vừa mang tính giải trí, vừa là sự học hỏi lẫn nhau,… giúp sinh viên ngày càng gắn bó, sống tình cảm và có trách nhiệm với mọi người hơn trong cuộc sống. Cần tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, các phong trào tham vấn học đường, đưa ra các tình huống vi phạm pháp luật và hướng dẫn xử lý các tình huống đó theo luật pháp Việt Nam hiện hành, nhằm giúp các em có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, hình thành nhân cách đạo đức tốt để sống học tập và nghiên cứu tốt hơn. 

4. Kết luận

Để đổi mới công tác giáo dục pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức của học sinh, sinh viên, trước hết phải phát huy vai trò của pháp luật. Ngoài ra, phải xây dựng lại, phải đổi mới các chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức hiện hành và kết hợp với các kiến thức về kỹ năng sống và các tình huống pháp luật, đạo đức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Thị Tuyết Ba (2006), “Vai trò của pháp luật đối với việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 10 (185).
  2. Quốc hội (1992), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Nxb Sự thật - Nxb Pháp lý, Hà Nội, tr.13.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.45.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,  tr.125.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, tr.125.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, tr.45.
  7. Lê Thị Phương Nga (2010), Giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số tháng 10 năm 2010.
  8. Nguyễn Thị Thanh Thương,  Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho sinh viên trong nhà trường, Tạp chí Dân tộc, số 167, tháng 11/2014.

Promoting the role of laws in forming and developing moral characteristics of students during this current period

Do Thi Minh Thu

Dai Nam University

ABSTRACT:

In order to encourage people to obey the law voluntarily, it is important to make people understand the need and the social benefits of laws. In order to enforce laws effectively, besides the power of public authorities, it is necessary to mobilize both the power of thought and spirit of people. People should understand that laws are necessary and basis for our society. It is the main purpose and basic  requirement of legal education for all people in general and students in particular. This article is about how to promote the role of laws in forming and developing moral characteristics of students during this current period.

Keywords: Role, law, moral, pupils, students.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]