TÓM TẮT:

Trong bài báo, tác giả phân tích vai trò của chợ nông thôn đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ những đánh giá về thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển chợ, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển chợ nông thôn với tư cách là một tiêu chí cũng như với vai trò là động lực trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ khóa: Chợ truyền thống, nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mô hình tổ chức và quản lý chợ, thị trường nông thôn.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển,... trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến năm 2019, trên địa bàn cả nước, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều địa phương đã hoàn thành các tiêu chí cơ bản và chuyển sang thực hiện tiêu chí nâng cao, điều này góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, như: Phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động và chất lượng hàng hóa,... Song bên cạnh đó cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có yêu cầu phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản được sản xuất ra với khối lượng lớn, chất lượng cao tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Nội dung

Chợ nông thôn - dưới góc độ kinh tế, là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa người mua và người bán; là nơi mà người sản xuất trực tiếp mang hàng hóa đến để trao đổi, giao dịch mua bán với người tiêu dùng cuối cùng hoặc thương nhân bán buôn, đồng thời cũng là nơi mà người sản xuất đến giao dịch để mua những công cụ, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp;... sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất (đầu vào) cũng như tiêu thụ hàng nông sản (đầu ra) cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Với tư cách là một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, quá trình thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác chợ cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn. Xuất phát từ vai trò của chợ trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nông thôn nói chung, chợ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề phát triển chợ nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập như: Phần lớn các chợ có quy mô nhỏ (hạng 3); là những chợ dân sinh truyền thống hình thành từ lâu đời, hoạt động theo tập quán của từng địa phương, vùng miền; nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc đầu tư xây dựng chợ theo đúng quy hoạch; vẫn tồn tại các chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm buôn bán tự phát; một số nơi có chợ nhưng hoạt động không hiệu quả;...

Trong thời gian tới, để việc phát triển và quản lý chợ nông thôn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và không gian kinh tế chung của các địa phương, đồng thời phát huy tốt vai trò của chợ với tư cách là động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng và phát triển nông thôn mới, cần tiến hành thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây.

2.1. Về đầu tư xây dựng chợ:

Khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tham gia góp vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới chợ, nhất là các chợ truyền thống ở khu vực nông thôn.

Nhà nước ưu tiên tập trung vốn đầu tư cho phát triển chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các địa bàn kinh tế nông thôn trọng điểm làm tiền đề để từng bước phát triển thành các sàn giao dịch hàng hóa, chợ đấu giá, kể cả các trung tâm mua bán hàng hóa theo phương thức giao sau; chủ động lồng ghép việc xây dựng các chợ dân sinh với các dự án và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, thẩm duyệt chặt chẽ dự án đầu tư chợ về quy mô, quy chuẩn kỹ thuật, để sử dụng chợ hiệu quả.

2.2. Về công tác chuyển đổi mô hình tổ chức và quản lý chợ

Trước hết, các cơ quan nhà nước cần phải xác định đúng các mục tiêu và nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với chợ nói chung và đối với từng loại hình chợ, từng quy mô của mỗi chợ nói riêng, nhằm phân định rõ quan hệ giữa quản lý nhà nước về chợ với quản lý kinh doanh chợ. Đây là căn cứ quan trọng và cần thiết để xác định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về chợ. Tiếp đó, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, từ ban quản lý hoặc tổ quản lý sang doanh nghiệp chợ hoặc hợp tác xã (HTX) chợ. Theo đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ban quản lý chợ và một số văn bản pháp luật khác có liên quan;... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc chuyển đổi.

Đồng thời, ban hành một số văn bản nhằm hướng dẫn cụ thể quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ là doanh nghiệp và HTX như các thông tư hướng dẫn về trình tự thủ tục chuyển đổi; hoặc hướng dẫn chi tiết về việc chuyển đổi ban quản lý chợ thành công ty cổ phần (theo mô hình doanh nghiệp đầu tư chợ, quản lý chợ hay đấu thầu quản lý chợ,…) theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi.

2.3. Về công tác phát triển nguồn nhân lực quản lý chợ

Thực hiện theo phương châm “xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn nhân lực quản lý kinh doanh chợ”, nghĩa là để phát triển nguồn nhân lực quản lý kinh doanh chợ cần vận động và tổ chức xã hội tham gia đầu tư phát triển nguồn nhân lực quản lý kinh doanh chợ, huy động các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng, phát huy và sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực tạo điều kiện phát triển nhanh và có chất lượng đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho công tác quản lý kinh doanh chợ.

Bên cạnh giải pháp về chuyển đổi mô hình tổ chức và quản lý chợ - cũng chính là quá trình chuyển đổi cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý. Giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý chợ được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong cả quá trình chuyển đổi cũng như quá trình tổ chức hoạt động kinh doanh, khai thác chợ. Hay nói cách khác, chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp chợ đòi hỏi một sự chuyển đổi về chất lượng của lực lượng lao động của đơn vị quản lý chợ trong việc tham gia vào hoạt động quản lý, tổ chức, vận hành kinh doanh khai thác chợ.

2.4. Về phát triển các dịch vụ tại chợ

Trải qua chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, chợ hiện nay không chỉ là địa điểm diễn ra các hoạt động kinh tế - văn hóa của người dân, vai trò của chợ không chỉ bó hẹp là “cầu nối” giữa sản xuất và tiêu dùng, mà vai trò của chợ còn thể hiện ở quá trình “làm tăng” giá trị của hàng hóa thông qua việc cung cấp các dịch vụ cần thiết phục vụ hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, bao gồm lưu kho, lưu bãi, dịch vụ bốc xếp, vận tải, dịch vụ thông tin,… nhất là tại những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, có xu hướng áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa.

Do đó, để phát triển các dịch vụ tại chợ, cần phải đồng bộ các khâu từ tiếp nhận hàng hóa tại nơi sản xuất (hoặc từ người sản xuất), các công đoạn vận chuyển, sơ chế đến bảo quản và tiêu thụ hàng hóa. Đơn vị quản lý chợ đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ đóng gói, phân loại và kiểm định chất lượng hàng hóa, nhất là đối với một số loại sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần tích cực trong việc tiêu thụ hàng hóa trong vùng. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển dịch vụ cung cấp thông tin thị trường, bao gồm các thông tin về giá cả hàng hóa tại chợ, giá cả trên thị trường; cung cấp thông tin về công tác chỉ đạo điều hành của nhà nước, các thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế,...

2.5. Về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Đơn vị quản lý chợ cần thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hoá lưu thông trong chợ; kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi gian lận, hàng giả, hàng nhái tiêu thụ qua chợ; kiểm tra, nhắc nhở thương nhân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, trật tự, kỷ cương trong hoạt động mua bán ở chợ, nâng cao ý thức văn minh thương mại.

Xây dựng tiêu chí để phân định rõ các loại hình dịch vụ được phát triển, cung ứng tại chợ, từ đó xây dựng chính sách quản lý phù hợp với từng loại dịch vụ. Trong đó, đối với loại dịch vụ do các cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện, đây là loại dịch vụ phát sinh từ yêu cầu nâng cao hiểu biết của người chấp hành và trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các dịch vụ có thu do các tổ chức và cá nhân cung cấp, Nhà nước ban hành quy định khung giá đối với một số loại hình dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân và các hộ kinh doanh trong chợ, nhất là dịch vụ cho thuê cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ bảo quản, dịch vụ gửi hàng,… trên cơ sở đó, đơn vị quản lý chợ tổ chức triển khai giám sát, thu và quản lý phí đối với các loại hình dịch vụ này phù hợp với quy định của pháp luật.

2.6. Nâng cao vai trò của chợ trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh vai trò là một trong những tiêu chí của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chợ nông thôn còn là động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu khác của chương trình. Vai trò này thể hiện ở chức năng kết nối, giúp tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân; tạo việc làm cho người lao động và góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò này, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực của địa phương; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và vận động để toàn dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tuyên truyền và triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, gắn việc phát triển chợ với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của sản xuất nông nghiệp tại mỗi vùng, địa phương.

- Đối với đơn vị quản lý chợ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; khuyến khích và hỗ trợ người nông dân sản xuất theo quy trình sản xuất nông sản sạch; tạo cơ hội nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản nhằm kết nối người sản xuất với các chuỗi bán lẻ lớn; đảm bảo cân đối cung cầu; thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm đối với các hoạt động diễn ra trong phạm vi chợ; góp phần giảm chi phí trung gian, bình ổn giá cả hàng hóa.

3. Kết luận

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có mục tiêu chính là “xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao,...”, nên việc đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng thương mại là nội dung hết sức quan trọng. Trong những năm qua, Chương trình đã đạt được một số thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, song đối với nội dung phát triển chợ nông thôn, còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng và quản lý chợ. Do đó, những giải pháp cơ bản được đề xuất trên đây sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới chợ nông thôn với tư cách là một tiêu chí quan trọng, đồng thời có tác động tích cực đến việc thực hiện các tiêu chí khác của Chương trình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thúy Ngọc (2015), Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, Báo Công Thương điện tử, 13/01/2015.
  2. Bộ Công Thương (2015), Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án quy hoạch.
  3. Bộ Công Thương (2013), Quy hoạch phát triển thương mại vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Đề án quy hoạch.
  4. TS. Nguyễn Minh Phong (2013), Đầu tư hiệu quả chợ dân sinh, Báo Nhân Dân, 30/7/2013 và Uyên Hương (2013), “Quản lý và phát triển chợ dân sinh vẫn nhiều bất cập”, vietnamplus.vn, 2013.
  5. Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, 2012), “Cẩm nang quản lý chợ”, Nhà xuất bản Công Thương, Hà Nội, 316 trang.
  6. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - IPSARD (2009), “Phát triển chợ nông thôn miền núi: Thực trạng và Chính sách”, 30/11/2009.
  7. Bộ Công Thương (2008), Tài liệu Hội nghị quản lý chợ biên giới và thương mại biên giới Việt - Lào lần thứ VI, Savanakhet, 12/2008.
  8. Phạm Hồng Tú (2005), “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại (hệ thống chợ)”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, MS 2004-78-020, Bộ Thương mại.
  9. Lê Thiền Hạ (2002), Định hướng và giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, MS 2001-78-051, Bộ Thương mại.

RURAL MARKET DEVELOPMENT: OBJECTIVES AND MOTIVATION OF THE BUILDING

NEW RURAL PROCESS

MA. Vuong Quang Luong

Institute for Industrial Policy and Strategy

ABSTRACT:

The paper analyzes the role of rural markets for the National Target Programme on new-style Rural Area Building.  It also assess the advantages and disadvantages in the process of market development, thereby proposing some solutions to the development of rural markets. These assessments are considered as criterion as well as a driving force in the implementation of objectives of the building new rural program.

Keywords: Traditional markets, new rural development, rural economy development, agricultural production, organizational restructuring and management of markets and rural markets.