Phát triển đội ngũ giảng viên tại cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Đội ngũ giảng viên là chủ thể, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, dịch vụ và sự phát triển của nhà trường. Đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đại học là “lực lượng sản xuất đặc biệt tạo ra sản phẩm là nguồn nhân lực”, đồng thời là chủ thể định hướng kiến tạo sự phát triển bền vững của xã hội. Vì vậy, trong bài viết này tác giả đề cập đến nội dung muốn thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học, cần triển khai đồng bộ, hợp lý các nội dung phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhằm thực hiện hiệu quả tối đa nhiệm vụ giảng dạy của cơ sở đào tạo nói riêng, góp phần nâng cao vào chất lượng giảng dạy của nền giáo dục cả nước nói chung.

Từ khóa: Giảng viên, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo dục, giáo dục đại học.

 1. Đặt vấn đề

      Trong bối cảnh của nền giáo dục nước ta hiện nay, hiệu quả giảng dạy ở các cơ sở giáo dục là một yếu tố hết sức quan trọng, góp phần thực hiện chủ chương đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước để thiết lập một nền giáo dục tiên tiến, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Sứ mệnh hiện nay của các cơ sở giáo dục đại học là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học có chuyên môn cao, thích ứng hiệu quả với xu hướng toàn cầu hóa. Để thực hiện sứ mệnh trên, việc phát triển đội ngũ giảng viên năng động, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, trình độ chuyên môn tốt, có phương pháp giảng dạy tích cực, thích ứng tốt với nhiệm vụ trong thời đại mới thực sự là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

2. Đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học

        Trong phạm vi nghiên cứu của bài viêt này, khái niệm “đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học” được làm rõ dựa trên khái niệm cơ bản về “giảng viên” và các tiêu chuẩn chính về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được yêu cầu.

         Theo Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm: giảng viên cao cấp (hạng I) mã số: V.07.01.01, giảng viên chính (hạng II), mã số: V.07.01.02, giảng viên (hạng III), mã số: V.07.01.03.

          Cũng theo Thông tư 36, các giảng viên được yêu cầu nắm vững kiến thức cơ bản hoặc có kiến thức vững vàng, chuyên sâu về môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên và các chứng chỉ bồi dưỡng giảng viên theo hạng; đạt trình độ ngoại ngữ tương ứng theo hạng giảng viên.

           Như vậy, khái niệm “ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học” có thể được hiểu như sau: là nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học; có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo tiêu chuẩn quy định; nhân thân rõ ràng, có phẩm chất đạo đức tốt; có đủ điều kiện tham gia giảng dạy; có thể được các trường đại học mời giảng hoặc ký hợp đồng giảng dạy. 

           Từ những cơ sở nêu trên, theo nghĩa cụ thể, “đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học” là tập thể các thầy giáo, cô giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục tại các trường đại học, hưởng lương và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước. Theo nghĩa rộng, họ là những người làm nghề học thuật, đủ tiêu chuẩn giảng viên, không phân biệt quốc tịch, được tổ chức thành một lực lượng, cùng chung nhiệm vụ, thực hiện các mục tiêu giáo dục đã đề ra cho tập hợp đó. Họ làm việc có kế hoạch, gắn bó với nhau thông qua môi trường giáo dục, lợi ích về vật chất và tinh thần trong khuôn khổ pháp luật.

3. Thực trạng công tác phát triển đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học

          Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, trước các biến đổi to lớn, không ngừng trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội; vai trò của người giảng viên lại càng thêm quan trọng. Tác động giáo dục của đội ngũ giảng viên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển nhân cách của người học, vừa sâu sắc, vừa toàn diện vừa định hướng lâu dài.

          Tùy theo mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường, cơ sở đào tạo mà thực trạng phát triển đội ngũ giảng viên được thực hiện chủ yếu theo 3 chiều hướng như sau:

          – Lấy việc phát triển cá nhân người giảng viên làm trọng tâm. Đó là việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của các giảng viên trên cơ sở nhu cầu mà họ đặt ra. Điều đó nhằm khuyến khích tài năng, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ và như vậy là thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ.

          – Lấy phát triển nhà trường làm trọng tâm, thì rõ ràng mục tiêu của nhà trường là cơ sở cho việc phát triển đội ngũ giảng viên. Điều này thường tạo ra suy nghĩ cho rằng: Phát triển đội ngũ giảng viên là công việc của nhà trường, là việc thực hiện mục tiêu của nhà trường với tư cách là thực hiện một nhiệm vụ do cấp trên (lãnh đạo nhà trường) giao cho mà người giảng viên phải thực hiện chứ không phải là nhu cầu của giảng viên. Do đó, đã tạo ra một sức ì đáng kể, hạn chế sự tích cực, sáng tạo của đội ngũ giảng viên. Dẫn tới hiệu quả công tác phát triển đội ngũ giảng viên thường là thấp.

          – Phát triển đội ngũ giảng viên trên cơ sở phát triển cá nhân giảng viên đồng thời với việc thực hiện mục tiêu nhà trường. Với quan điểm này thì phát triển đội ngũ giảng viên được xem như một quá trình, trong đó nhà trường và cá nhân giảng viên được đồng thời coi là trọng tâm. Đây là quan điểm mang tính hợp tác, vì cho rằng: Các nhu cầu phát triển của nhà trường cũng quan trọng như các nhu cầu phát triển của giảng viên, vì vậy cả 2 loại nhu cầu đều cần phải cân nhắc, được hòa hợp và cân bằng với nhau thì công tác phát triển đội ngũ giảng viên mới đạt kết quả tốt.

          Như vậy, mỗi chiều hướng đều có những điểm tích cực, điểm hạn chế riêng. Vấn đề đặt ra là mỗi nhà trường cần xem xét vận dụng trên cơ sở thực trạng của tổ chức để có bước đi thích hợp, sao cho đội ngũ giảng viên khi tiếp cận nhu cầu nhà trường đều thấy có nhu cầu của mình trong đó, tạo cho họ sự hứng thú, say mê và yên tâm với nghề nghiệp.

4. Yêu cầu phát triển đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học

          Từ những phân tích trên đây, tác giả cho rằng, phát triển  đội ngũ giảng viên trong các trường đại học là sự tăng tiến, chuyển biến theo chiều hướng tích cực của đội ngũ giảng viên cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhằm hoàn thành mục tiêu giáo dục, đào tạo của trường đại học, đáp ứng yêu cầu của nhà trường và xã hội.

- Phát triển về số lượng giảng viên:

         Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cả nước ta hiện có 235 trường đại học. Tổng số giảng viên là 74.991, trong đó có 20.198 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 44.634 giảng viên trình độ thạc sĩ. Quy mô sinh viên đại học là 1.707.025, quy mô đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ là 121.253 (đào tạo tiến sĩ 14.686, đào tạo thạc sĩ 106.567). 

          Điều 54 về giảng viên của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đại học có thêm quy định: Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ - là tiến sĩ. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

          Như vậy, căn cứ vào số liệu thực tế, và xu hướng yêu cầu của trình độ giảng viên tham gia đào tạo các chương trình sau đại học, tỷ lệ học viên trên một giảng viên có trình độ tiến sĩ hiện nay là 06.

          Căn cứ vào việc Đào tạo thạc sĩ được quy định ở Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đó, ở Khoản 1, Điều 27 nêu rõ:

  • Mỗi luận văn có 1 hoặc 2 người hướng dẫn. Trường hợp có 2 người hướng dẫn, trong quyết định giao đề tài và cử người hướng dẫn cần ghi rõ người hướng dẫn thứ nhất và người hướng dẫn thứ hai;
  • Người có chức danh giáo sư được hướng dẫn tối đa 7 học viên; người có học vị tiến sĩ khoa học hoặc có chức danh phó giáo sư được hướng dẫn tối đa 5 học viên; người có học vị tiến sĩ từ 1 năm trở lên được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác;
  • Riêng đối với luận văn thuộc chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng thì người hướng dẫn thứ hai có thể là người có học vị thạc sĩ từ 3 năm trở lên cùng ngành đào tạo và có tối thiểu 15 năm kinh nghiệm làm công tác thực tế thuộc lĩnh vực của đề tài; được hướng dẫn tối đa 2 học viên trong cùng thời gian, tính trong tất cả các cơ sở đào tạo có tham gia hướng dẫn.

         Như vậy, trước bối cảnh thực tiễn đào tạo chung của ngành Giáo dục, kết hợp xu hướng chuẩn hóa giáo dục ngày càng mạnh mẽ của cả nước, để đảm bảo nhiệm vụ theo yêu cầu, việc phát triển số lượng giảng viên của các cơ sở đại học vừa cần đảm bảo đủ số lượng cần thiết đáp ứng yêu cầu đổi mới của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng  trong từng thời kỳ; vừa phải đáp ứng yêu cầu kiện toàn tổ chức, biên chế của cơ sở, đảm bảo sự cân đối hài hòa với cơ cấu và nâng cao chất lượng, sức mạnh của từng cá nhân và nguồn lực.

- Phát triển về chất lượng giảng viên

Trong các trường đại học hiện nay, việc phát triển đội ngũ giảng viên không chỉ đơn thuần đảm bảo yếu tố về số lượng, mà còn cần đảm bảo cả yếu tố chất lượng nhằm đáp ứng mục tiêu dạy và học một cách hiệu quả. Trong xu hướng quốc tế hóa, nhiệm vụ của đội ngũ giảng viên vừa phải giúp người học đáp ứng được khả năng hội nhập, vừa phải giúp họ nâng cao tính ứng dụng trong công việc chuyên môn. Do đó, chất lượng đội ngũ giảng viên ở đây đòi hỏi hết sức khắt khe và nghiêm túc. Có thể kể đến các mục tiêu phát triển chất lượng giảng viên tại các cơ sở đại học như sau:

- Đáp ứng đầy đủ phẩm chất chính trị: Đội ngũ giảng viên cần chấp hành đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuân thủ các quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ và quy tắc ứng xử. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao đạo đức chính trị, lối sống lành mạnh.

- Có đạo đức nghề nghiệp: Đạo đức nghề nghiệp có thể hiểu là giảng viên cần phải tâm huyết với nghề, có ý thức giữ gìn danh dự của nhà giáo, có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, ứng xử với học viên, đồng nghiệp hòa nhã, hòa đồng, có tinh thần bảo vệ lẽ phải, công bằng trước lợi ích của học viên, của đồng nghiệp và cộng đồng.

- Giảng viên phải có năng lực chuyên môn vững vàng. Người giảng viên cần phải không ngừng học hỏi, cập nhật thêm kiến thức và thông tin mới trong và ngoài nước để luôn hoàn thiện thêm kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Xu hướng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người học tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức chuyê môn hiệu quả kết hợp với tư duy liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực. Chính vì vậy, giảng viên ngoài có kiến thức chuyên môn bản thân đảm nhiệm giảng dạy, còn phải không ngừng trau dồi học các kiến thức liên môn. Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ có nghiệp vụ, phương pháp sư phạm, có khả năng giảng dạy tích cực cũng là một trong những nội dung quan trọng trọng việc phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên.

- Phát triển về cơ cấu giảng viên

Cơ cấu đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện và xây dựng trên các mặt: cơ cấu độ tuổi, cơ cấu giới tính, cơ cấu học vị, học hàm; cơ cấu nguồn đào tạo; cơ cấu lực lượng hiện có… một cách hợp lý, làm cho đội ngũ này ngày càng cân đối hài hóa, phát huy được vai trò, sức mạnh trong thực hiện bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và vững chắc, khắc phục hạn chế vốn đang còn tồn tại hiện nay.

5. Kết luận

Trong bài viết này, tác giả đã cung cấp những khái niệm cơ bản, tổng quan về đội ngũ giảng viên cũng như thực trạng của công tác phát triển đội ngũ giảng viên trong bối cảnh tình hình mới tại các cơ sở giáo dục đại học. Từ đó, tác giả nêu lên những nội dung cần thiết để có thể thực hiện công tác phát triển đội ngũ giảng viên hợp lý về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhằm thực hiện hiệu quả tối đa nhiệm vụ giảng dạy của cơ sở đào tạo nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nền giáo dục cả nước nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2018), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, số 34/2018/QH14, ngày 19/ 11/2018;
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ (2014), Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 28/11/2014;
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư ban hành Khung năng lực ngoại ngữ (KNLNN) 6 bậc dùng cho Việt Nam, số 01/2014/TT-BGDĐT, ngày 24/ 01/ 2014;
  4. Quốc hội (2018), Dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một sđiều của Luật Giáo dục đại học, ngày 16/10/2018;
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư ban hành quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, số 15/2014/TT-BGDĐT, ngày 15/ 5/ 2014;
  6. http://www.moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=5877.

 

DEVELOPING LECTURERS IN HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS IN VIETNAM

Master. NGUYEN THI QUYNH HUONG

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

Lecturers are considered the subject and the decisive factor for the quality of education, training and scientific research, services and development of universitites. University lecturers are "special production forces that create products that are human resources", and are the subject of orientation to create the sustainable development of society. Therefore, in order to perform well the task of developing university lecturers, it is necessary to synchronously and rationally develop in terms of quantity, quality and structure aspects so that teaching tasks in the universities are carried out the most effectively in particular as well as quality of education in Vietnam is improved in general.

Keywords: Lecturer, developing university lecturers, education, higher education.