Phát triển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Thực tiễn và các vấn đề pháp lý

ThS. NGUYỄN THỊ YẾN (Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Khởi đầu cho mọi hoạt động bắt nguồn từ các cá nhân, hoạt động kinh doanh cũng không nằm ngoài quy luật này. Khởi sự kinh doanh ban đầu là cá nhân kinh doanh, phát triển cao hơn một chút là cá nhân trong cùng gia đình kinh doanh với nhau. Sự phát triển của mô hình này và các yêu cầu của hoạt động kinh doanh đã cho ra đời các mô hình kinh doanh với các tên gọi công ty mà chúng ta thấy ngày nay. Sự ra đời của công ty không làm cho mô hình cá nhân kinh doanh mất đi. Hiện nay, Việt Nam có gần 5,5 triệu hộ gia đình kinh doanh cá thể (gọi chung là Hộ kinh doanh - HKD), hàng năm góp phần lớn vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, HKD chưa có hỗ trợ từ Nhà nước trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, Nhà nước cần có cơ chế pháp lý phù hợp để khuyến khích sự chuyển đổi của mô hình cá nhân kinh doanh lên doanh nghiệp. Với những quy định pháp luật hiện hành về sự chuyển đổi HKD lên mô hình doanh nghiệp có đủ hấp dẫn với người kinh doanh chưa?; Thực trạng phát triển của HKD, những vấn đề pháp lý đặt ra khi phát triển HKD lên doanh nghiệp là mục đích mà bài viết muốn tìm hiểu.

Từ khóa: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp, phát triển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

1. Tổng quan về mô hình hộ kinh doanh

1.1. Khái niệm “mô hình hộ kinh doanh”

Sự ra đời của Hiến pháp 1992 với sự ghi nhận về quyền tự do kinh doanh của công dân Việt Nam là một bước ngoặt lớn cho sự ra đời, phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có mô hình cá nhân kinh doanh, hộ gia đình kinh doanh cá thể gọi chung là hộ kinh doanh (HKD). Mặc dù mô hình này ra đời rất sớm và đóng vai trò quan trọng trong quá trình xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam, nhưng mô hình Hộ gia đình kinh doanh cá thể được gọi với những tên khác nhau qua các thời kỳ, như: Hộ cá thể, Hộ tiểu công nghiệp (Được quy định trong Nghị định số 27-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng). Khi Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty năm 1990 ra đời, HKD tồn tại dưới hình thức là các cá nhân, nhóm người kinh doanh dưới vốn pháp định được quy định tại Nghị định số 66/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Trong giai đoạn Luật Doanh nghiệp 1999 (từ năm 2000 đến năm 2005), mô hình này tồn tại với hình thức HKD cá thể do một cá nhân làm chủ, được quy định tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời với tư cách là văn bản luật chung duy nhất cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau ở Việt Nam, HKD lại tiếp tục được quy định tại Nghị định số 88/2006/ NĐ-CP với tên gọi không đổi. Mới nhất, Luật Doanh nghiệp 2014, một lần nữa HKD lại được thừa nhận tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp với tên gọi là Hộ kinh doanh, theo đó: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kí kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.

1.2. Đặc trưng của hộ kinh doanh

HKD có tư cách thể nhân, với trách nhiệm cá nhân của người làm chủ, hoặc trách nhiệm của các cá nhân có liên quan về mọi hoạt động kinh doanh của cơ sở, không có sự tách bạch về tài sản của chủ sở hữu và HKD. Khi kinh doanh dưới mô hình HKD, pháp luật chỉ thừa nhận tư cách của chủ sở hữu mà không thừa nhận tư cách của HKD trước pháp luật.

  • Hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh với quy mô rất nhỏ. Quy mô kinh doanh theo quy định của pháp luật được đánh giá bởi 2 tiêu chí là tài sản; số lượng lao động sử dụng. Căn cứ xác định loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay dựa trên số lượng lao động mà doanh nghiệp sử dụng, theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP và đến nay là Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa vào nhỏ về số lượng lao động sử dụng dưới 10 lao động trung bình trong năm. Với những quy định của pháp luật, HKD không được sử dụng quá 10 lao động giống như mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ. Ngoài ra, HKD chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa chỉ duy nhất trong phạm vi toàn quốc, quy định này của pháp luật hạn chế việc mở rộng phạm vi kinh doanh theo địa lý của mô hình này.
  • Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh. Có thể nói, mô hình HKD gắn liền với một cá nhân, hoặc một nhóm cá nhân. Trách nhiệm vô hạn này thể hiện ở việc thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh của mô hình này. Nếu HKD không có tài sản để thanh toán các khoản nợ, cá nhân làm chủ phải lấy tài sản riêng của mình để thanh toán các khoản nợ. Trong trường hợp HKD do một nhóm cá nhân làm chủ, trách nhiệm trả các khoản nợ này sẽ thuộc về tất cả các thành viên trong nhóm, đây là trách nhiệm liên đới vô hạn của các thành viên.

Với đặc trưng như vậy của mô hình HKD có thể nói rất an toàn với công chúng và không cần nhiều các quy định của pháp luật để điều chỉnh, bởi tính chịu trách nhiệm vô hạn đã là một biện pháp đảm bảo cho khách hàng, chủ nợ của HKD. Chính trách nhiệm vô hạn, buộc các thành viên làm chủ phải cẩn trọng trong quá trình kinh doanh. Đây chính là hạn chế của mô hình kinh doanh này, khi nó không khuyến khích được người kinh doanh mạnh dạn cho việc đầu tư. Hơn nữa, với quy mô nhỏ, HKD có nhiều hạn chế trong việc mở rộng phạm vi kinh doanh cũng như ứng dụng kỹ thuật - công nghệ.

Để tạo động lực để phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong các giải pháp được đưa ra để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 phấn đấu tới con số 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Dự thảo kế hoạch phát triển biền vững doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030, một giải pháp được đưa ra đó chính là chuyển đổi HKD lên mô hình doanh nghiệp. Quy định chuyển đổi lên doanh nghiệp của HKD cũng đã được nêu trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 tại Điều 212 khi HKD sử dụng trên 10 lao động buộc phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Sự phát triển của nền kinh tế số, cạnh tranh trong kinh doanh, phát triển của HKD lên doanh nghiệp là cần thiết tạo ra một bước nhảy vọt trong kinh doanh và trong sự phát triển của nền kinh tế tư nhân. Biện pháp chuyển đổi HKD lên DN đã được nhiều địa phương lựa chọn thực hiện vì thúc đẩy sự phát triển của HKD là cần thiết nhằm phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp trên cơ sở những tiền đề kinh doanh đã có và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

2. Thực trạng về hộ kinh doanh hiện nay, sự cần thiết phát triển lên doanh nghiệp

Thống kê cho đến nay, Việt Nam có khoảng 1,6 triệu HKD có đăng kí kinh doanh và khoảng 3,4 triệu HKD không có đăng ký kinh doanh. Với khoảng 5 triệu HKD cá thể, chiếm hơn 30% GDP, có hộ sử dụng hàng trăm lao động… đã đóng góp một phần rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước ở các lĩnh vực cụ thể:

  • Tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân: Khu vực HKD có đóng góp lớn trong việc tạo việc làm và giải quyết các vấn đề về xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng lao động làm việc trong khu vực HKD tăng nhanh theo thời gian, từ 7,4 triệu người năm 2010 lên 8,6 triệu người năm 2017. Không chỉ tạo ra việc làm, khu vực này là nơi tiếp nhận lao động có tay nghề thấp, không đủ kỹ năng làm việc cho các doanh nghiệp, khu vực hành chính, sự nghiệp chuyển sang. Một bộ phận không nhỏ HKD đang hoạt động tại các làng nghề góp phần phát triển, gìn giữ các ngành nghề truyền thống. Mặt khác, HKD là nơi giải quyết các vấn đề xã hội như nhờ có khu vực này nhóm lao động đặc biệt như người tàn tật, lao động tự do khác có được việc làm, đảm bảo đời sống. Ngoài ra, nhờ có mạng lưới HKD, người nghèo mới được tiếp cận các hàng hóa, dịch vụ nhanh hơn với giá cả bình dân, từ đó gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở thành thị và nông thôn.
  • Hộ kinh doanh góp phần thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường. Với thủ tục gia nhập thị trường đơn giản mô hình HKD là bước khởi đầu cho những ý tưởng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Thực tế, đây là mô hình khởi sự kinh doanh phổ biến ở Việt Nam do sự đơn giản về thủ tục gia nhập thị trường, thủ tục đăng kí kinh doanh đơn giản, ít chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, phù hợp với nhiều thành phần, lứa tuổi, vùng miền và không đòi hỏi cao về đầu tư tài chính ban đầu đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, phát triển nhanh sự lưu thông hàng hóa trong cả nước. Các HKD được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa trên năng lực tài chính tự thân cũng góp phần trong việc huy động vốn trong nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế, thúc đẩy việc ra quyết định kinh doanh của cá nhân khi có ý tưởng kinh doanh tốt.
  • Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, doanh thu khu vực HKD trong giai đoạn 2005-2015 tăng từ 439.369 tỷ đồng, lên mức 2.249.377 tỷ đồng trong năm 2015. Doanh thu bình quân của HKD tăng lên 3,4 lần. Sự đóng góp của mô hình HKD đối với kinh tế đất nước tăng mạnh ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa mô tô, ô tô…

Mặc dù phát triển mạnh và rộng khắp cả nước nhưng mô hình HKD có những hạn chế nhất định như:

  • Khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước do quy mô nhỏ. Với quy mô vốn cho chủ yếu là tự thân của chủ sở hữu sẽ không được lớn và không phong phú, cùng với quy định pháp luật hạn chế sử dụng lao động cũng gây khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Quy mô nhỏ cũng hạn chế HKD khó cập nhập những tiến bộ mới trong kinh doanh, có xu hướng làm theo kinh nghiệm, phát triển tự nhiên. Với quy định hạn chế về lao động, về địa bàn kinh doanh, nếu HKD không phát triển lên doanh nghiệp rất khó để mở rộng phạm vi hoạt động cũng như hưởng những ưu đãi của nhà nước. Nếu không áp dụng trình độ quản trị tiến bộ khoa học để phát triển thành các doanh nghiệp hùng mạnh như nhiều quốc gia khác trên thế giới thì rất dễ bị đánh bật ra khỏi thương trường, tụt lùi phía sau và dẫn đến giải thể.
  • Khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Do đặc thù huy động vốn của HKD hiện nay chủ yếu là tự thân hoặc từ các nguồn vốn vay cá nhân, từ người thân, bạn bè. Đặc điểm của nguồn vốn này là ổn định và có mức an toàn cho người kinh doanh nhưng lại không dồi dào và số lượng ít. Do vậy, việc kinh doanh của HKD chỉ dừng lại ở mức manh mún, tự phát, khó mở rộng thị trường, chưa nâng cao được tính cạnh tranh cho các sản phẩm hay dịch vụ tạo ra. Những đòi hỏi về mở rộng quy mô kinh doanh, mở rộng thị trường hay đổi mới phương thức sản xuất - kinh doanh cũng như đổi mới khoa học công nghệ… cần phải có một số vốn lớn. Nguốn vốn lớn này chỉ có thể đáp ứng được từ các tổ chức tín dụng. Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho các HKD rất khó khăn do đặc thù của mô hình kinh doanh là một thể nhân. HKD không độc lập với chủ sở hữu, khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng với tư cách cá nhân hạn mức vay thấp và thời hạn vay cũng rất ngắn khi đó không đáp ứng được với nhu cầu mở rộng kinh doanh hay đổi mới công nghệ một cách đồng bộ, hiệu quả… dẫn đến hiệu quả kinh doanh của mô hình này không cao.
  • Không được áp dụng quy định về phá sản nhằm hạn chế rủi ro cho người kinh doanh. Cho đến nay, mô hình HKD chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của HKD. Điều này làm cho mô hình kinh doanh này sẽ chịu tác động nhất từ các chính sách mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường từ phía Nhà nước, dẫn đến nguy cơ họ bị phá sản rất cao trong thời kỳ phát triển mới. Trong trường hợp này, Luật Phá sản của Việt Nam không thừa nhận phá sản với cá nhân, chỉ áp dụng đối với tổ chức bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều này khiến cho HKD gặp nhiều rủi ro khi kinh doanh không thành công, không được pháp luật bảo vệ trước áp lực từ phía chủ nợ, khó tái hòa nhập thị trường khi đã bị phá sản.

Tất cả những hạn chế nêu trên của HKD sẽ được giải quyết khi phát triển thành doanh nghiệp. HKD có cơ hội tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi phát triển lên doanh nghiệp, HKD tiếp cận với nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng dễ dàng hơn tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô, hợp tác liên kết trong kinh doanh. Đồng thời được quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ pháp lý, được hạn chế rủi ro có thể gặp trong kinh doanh khi các quy định về pháp nhân, hay quy định pháp luật về phá sản được áp dụng.

Các vấn đề pháp lý khi hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp

  • Lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Khi phát triển lên doanh nghiệp, HKD lựa chọn mô hình doanh nghiệp phù hợp với đặc thù lĩnh vực kinh doanh, mục tiêu kinh doanh đặt ra nhằm phát huy tốt nhất những nguồn lực đã có. Nếu không muốn có sự thay đổi quá lớn trong cách điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh, HKD có thể lựa chọn mô hình, như: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đây là mô hình so với HKD có nhiều điểm tương đồng như chủ sở hữu là một cá nhân là công dân Việt Nam, mỗi cá nhân chỉ được sở hữu một cơ sở kinh doanh hay một doanh nghiệp tư nhân duy nhất trong phạm vi toàn quốc. Hoặc mô hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân, với mô hình này sẽ có sự thay đổi về tư cách chủ thể của doanh nghiệp. Công ty TNHH một thành viên là cá nhân có tư cách pháp nhân đòi hỏi chủ sở hữu phải có sự tách bạch về tài sản riêng và tài sản đưa vào kinh doanh. Nếu muốn có sự đổi mới trong cách quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, phân tán rủi ro trong kinh doanh với chủ thể khác, HKD có thể lựa chọn mô hình doanh nghiệp như: (1) Công ty Hợp danh là loại hình doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung gọi là thành viên hợp danh. Ngoài ra, còn có thành viên góp vốn; (2) Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó thành viên của Công ty có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng thành viên tối thiểu là 2 và tối đa không quá 50 thành viên. (3) Hoặc mô hình Công ty cổ phần, khi nhiều HKD (tối thiểu là 3 thành viên) liên kết lại với nhau để thành lập công ty cổ phần. Các mô hình công ty này theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam đều có tư cách pháp nhân.
  • Thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ Thống kê - Kế toán, các quy định khác của pháp luật về quản lý kinh doanh. Đây cũng chính điều mà các HKD không mặn mà khi phát triển lên doanh nghiệp. Cho đến nay, HKD chưa thực hiện quy định về sổ sách kế toán, nếu có thì chỉ ghi chép đơn giản. Hầu hết các hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ, trình độ quản lý đơn giản. Thuế nộp hàng năm theo cơ chế thuế khoán dựa trên doanh thu của năm trước đó, cơ quan thuế áp thuế nộp cả năm cho HKD. Khi phát triển lên doanh nghiệp, buộc phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sổ sách kế toán, thực hiện thủ tục kê khai, quyết toán thuế, các hoạt động kinh doanh cần phải có hóa đơn, chứng từ được lập bởi người có chuyên môn về kế toán. Kết thúc hàng năm phải lập báo cáo tài chính bắt buộc và bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, phát triển lên doanh nghiệp phải gửi hồ sơ kê khai, quyết toán thuế lên cơ quan thuế… Thực hiện những quy định này giúp cho chủ sở hữu có sự minh bạch về tài chính, phân định rõ ràng tài sản riêng và tài sản đưa vào kinh doanh đảm bảo quyền lợi khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
  • Tiếp cận với cách quản trị mới. Quản trị doanh nghiệp khác hoàn toàn với HKD, cách thức quản trị phụ thuộc vào mô hình doanh nghiệp và gắn liền với trách nhiệm của vị trí quản lý trong doanh nghiệp. Khi lựa chọn mô hình công ty, quản trị doanh nghiệp có sự tham gia của các đồng sở hữu cũng như các bộ phận khác trong công ty được lập ra theo quy định của pháp luật như Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc… với cách thức quản trị chuyên nghiệp, phân định rõ chức năng và nhiệm vụ, thực hiện cơ chế người đại diện. Đối với mô hình không thay đổi số lượng chủ sở hữu như doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH một thành viên không có sự chia sẻ về quyền lực nhiều nhưng cách thức quản trị tuân theo quy định của Luật doanh nghiệp về chế độ đại diện theo pháp luật.

Thực tế của việc chuyển đổi HKD lên DN không được thuận lợi, nhiều HKD không muốn chuyển đổi lên DN vì nhiều lý do, như: do quy mô quá nhỏ, đơn giản mang tính chất gia đình và kinh doanh không ổn định; HKD chưa quen với hệ thống sổ sách, kế toán, báo cáo thuế khi hoạt động theo mô hình DN; Việc chuyển đổi thành DN khiến HKD phải chịu thêm chi phí thuế kế toán, khai báo thuế, bảo hiểm xã hội… Hơn nữa với cơ chế thuế khoán đơn giản, khi phát triển lên doanh nghiệp, nghĩa vụ thuế được căn cứ trên các hóa đơn, chứng từ có thể dẫn đến phải đóng thuế nhiều hơn. Thói quen kinh doanh dựa trên mối quan hệ, quản lý dựa trên kinh nghiệm chưa quen với khái niệm về quản trị doanh nghiệp. Hạn chế nhận thức về Luật Doanh nghiệp, kiến thức, kỹ năng điều hành doanh nghiệp là lý do khiến HKD chưa thật sự muốn chuyển đổi mô hình kinh doanh lên DN.

3. Kết luận và kiến nghị

Hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh phát triển không chỉ ở Việt Nam mà ngay ở các nước phát triển trên thế giới vẫn tồn tại mô hình này vì vai trò và đóng góp lớn của họ đối với xã hội, với nền kinh tế của đất nước. Để thúc đẩy sự phát triển, đạt được các mục tiêu về kinh tế-xã hội, phù hợp với quy luật phát triển, quy luật cạnh tranh trong kinh doanh thì chuyển đổi mô hình từ HKD lên DN đối với những cơ sở đạt điều kiện là cần thiết tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng. Với số lượng HKD rất lớn như hiện nay, Nhà nước cần phải có những chính sách khuyến khích mô hình này đặc biệt là HKD có đăng ký kinh doanh phát triển lên DN, tạo ra sự phát triển mới về số lượng cũng như chất lượng DN trong xã hội theo như mục đích đưa ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016. Việc chuyển đổi HKD lên DN không thể làm một cách máy móc và dựa trên những quyết định hành chính ép buộc, mà cần có những quy định pháp luật cụ thể. Dựa trên thực trạng hiện nay của HKD, chúng tôi có một số kiến nghị đối với những người hoạch định chính sách như sau.

Thứ nhất, cần có quy định thừa nhận về địa vị pháp lý của HKD trong Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, quy định pháp luật đang bỏ hẫng mô hình này. HKD không điều chỉnh bởi các quy định của Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, chỉ có một quy định duy nhất tại Khoản 2, Điều 212 quy định về việc bắt buộc thành lập doanh nghiệp đối với HKD sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên. Các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp cũng không nhắc đến mô hình này, phải đến Nghị định 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về Đăng ký Doanh nghiệp bổ sung Điều 25a Đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ HKD và cũng chỉ nói về thủ tục thành thành lập doanh nghiệp đối với mô hình này khi chuyển đổi lên DN mà hoàn toàn không quy định về quyền và nghĩa vụ của HKD, không có cơ chế điều chỉnh hoạt động của mô hình này. HKD có thể được điều chỉnh như doanh nghiệp đặc biệt là những HKD có đăng ký kinh doanh có thể xếp vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ như trong phân loại doanh nghiệp được quy định tại Nghị Định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi được quy định trong Luật Doanh nghiệp, hoạt động của HKD sẽ được các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, văn bản pháp luật khác liên quan đến doanh nghiệp như thuế, tài chính, môi trường… cũng sẽ có các quy định cụ thể rõ ràng đối với HKD. Như vậy, cần bổ sung thêm một chương, hoặc một số điều trong Luật Doanh nghiệp về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của HKD có đăng ký kinh doanh; hoặc phải có một văn bản riêng quy định cho HKD làm cơ sở pháp lý, từ đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của mô hình kinh doanh này.

Thứ hai, phải có văn bản pháp luật quy định rõ ràng những quyền lợi mà HKD được hưởng khi chuyển sang doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, có quy định chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi từ HKD, như: Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp; Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai. Những quy định này mới tập trung vào khuyến khích thành lập DN, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp, chưa thật sự thật sự hấp dẫn HKD chuyển thành DN. Điều mà họ cần là những quy định hỗ trợ về thủ tục chuyển đổi, thủ tục về kế toán và thuế, chính sách về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; các quy định xóa bỏ rào cản về thuế, về sổ sách kế toán. Luật Doanh nghiệp phải có các quy định giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề cho việc sửa đổi Luật về Thuế và Luật Kế toán. Mặt khác, Nhà nước cũng cần dành các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư… mới là những quy định có tính chất khuyến khích để các HKD chuyển thành doanh nghiệp.

Thứ ba, bỏ chính sách thuế khoán đối với HKD đã đăng ký kinh doanh. Chính sách khoán thuế, thỏa thuận thuế đối với HKD, cách tính thuế và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế hiện nay có lợi cho HKD hơn là doanh nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều HKD có doanh thu lớn không muốn chuyển đổi. Các quy định về thuế tạo điều kiện thuận lợi cho HKD trong việc thỏa thuận thuế, tính thuế, từ đó làm mất đi sự công bằng trong cạnh tranh tạo kẽ hở cho việc trốn thuế cho những HKD có quy mô lớn. Khi bỏ chính sách thuế khoán, buộc HKD phải có sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ có thể ở mức độ đơn giản phù hợp cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để văn bản Luật Thuế, Luật Kế toán sửa đổi nhằm giảm bớt thủ tục hành chính gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh nói chung, từ đó HKD không ngại chuyển lên doanh nghiệp khi đã đủ điều kiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội, Luật Doanh nghiệp năm 2014 ngày 26 tháng 11 năm 2014.
  2. Chính phủ, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 về Đăng ký Doanh nghiệp,
  3. Chính phủ, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về Đăng ký Doanh nghiệp.
  4. Tổng cục Thống kê (năm 2018), Kết quả điều tra kinh tế năm 2017,
  5. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê các năm 2010-2016,
  6. Phạm Văn Hồng (2016), “Phát triển hộ kinh doanh cá thể; Phân tích từ quản trị vốn và tài chính”, Tạp chí Tài chính tháng 5 năm 2016.
  7. Trịnh Đức Chiều - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2019), “Thực trạng hoạt động của hộ kinh doanh ở Việt Nam”, Tạp chí Tài chính tháng 2 năm 2019.
  8. https://bnews.vn/vướng mắc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp/85413.html

DEVELOPING THE BUSINESS HOUSEHOLD TO THE COMPANY MODEL: CURRENT SITUATION AND RELATED LEGAL ISSUES

Master. NGUYEN THI YEN

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

The beginning of all activities including business is from individuals. A business is established by an individual entrepreneur, then the individual business is developed to the family business which is run by some family members. The establishment of family business led to modern company models. Company models do not erase the individual business model. Currently, Vietnam has nearly 5.5 million individual business households (business households) which contribute a large part to the country's GDP every year. However, the business household has not received supports from the State in applying scientific and technological advances. In order to promote the economic development, the State needs to have an appropriate legal mechanism to encourage the transformation of the business household to the company model. However, there is a question that are current legal regulations on the transformation of the business household to the company model attractive to businessmen? This study is to analyze the current development situation of business households and legal issues related to the change of the business household to the company model.

Keywords: Business household, enterprise, change business household to enterprise.