Phát triển hoạt động du lịch sinh thái vùng du lịch Đông Nam Bộ

ThS. NGUYỄN HOÀI NHÂN - TS. VŨ THỊNH TRƯỜNG (Khoa Kinh tế-Quản trị, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Mục đích của nghiên cứu này là phân tích và đánh giá thực trạng khai thác tài nguyên du lịch, trong hoạt động du lịch sinh thái tại vùng du lịch Đông Nam Bộ. Từ đó, có cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp cho các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

Kết quả đánh giá chỉ ra rằng, thực trạng khai thác các giá trị tài nguyên du lịch nhằm phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái tại vùng du lịch Đông Nam Bộ chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa có sự tham gia một cách đồng bộ của chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý hoạt động du lịch và cộng đồng cư dân bản địa; chưa có những báo cáo cụ thể nào về vấn đề nêu trên để đưa ra những định hướng chiến lược cụ thể cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, đầu tư và khai thác các giá trị tài nguyên tự nhiên mà mình đang sở hữu.    

Từ đó, có cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp cho các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ: 1/Khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên tại vùng Đông Nam Bộ; 2/Trên cơ sở đó, cần có những giải pháp và chính sách cụ thể phát triển loại hình du lịch sinh thái cũng như bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch tại vùng Đông Nam Bộ, nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Từ khóa: Du lịch sinh thái, Đông Nam Bộ, phát triển, tài nguyên du lịch.

 1. Đặt vấn đề

Hoạt động kinh tế du lịch được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương đều xây dựng chiến lược phát triển du lịch, trong đó đặt trọng tâm vào việc đầu tư và khai thác các giá trị tài nguyên du lịch nói chung và tài nguyên du lịch tự nhiên nói riêng còn hiện hữu. Qua đó, cần đánh giá rõ thực trạng khai thác tài nguyên du lịch nhằm đưa ngành công nghiệp này phát triển bền vững. Trong khuôn khổ bài viết này, có mục đích đề xuất các giải pháp phát triển của hoạt động du lịch sinh thái tại các địa phương của vùng du lịch Đông Nam Bộ.

Chủ đề về đánh giá thực trạng khai thác tài nguyên du lịch của địa phương trong các hoạt động kinh doanh du lịch, sản phẩm du lịch đã được nhiều nhà nghiên cứu thực hiện và thảo luận. Tuy nhiên, trong phạm vi các nghiên cứu về hoạt động phát triển du lịch sinh thái tại vùng du lịch Đông Nam Bộ chưa được nêu rõ và quan tâm nhiều. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu đánh giá chung về hoạt động du lịch tại vùng Đông Nam Bộ (Võ Quế, 2017); Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ (2018); Phát triển du lịch điểm nhấn kết nối khu vực Đông Nam Bộ (Dương Đình Hiển, 2018); Phát triển loại hình và sản phẩm du lịch gắn kết giữa vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Camphuchia. Riêng nghiên cứu của Dương Đình Hiển (2018) nêu lên thực trạng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch dựa trên liên kết vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Theo đó, tác giả chỉ ra các định hướng để gắn kết hệ thống giao thông, các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch để hình thành nên các tuyến điểm du lịch nói chung mà chưa đưa ra một loại hình du lịch cụ thể. Tuy nhiên, trong khuôn khổ chủ đề bài viết, tác giả mới đề xuất một số định hướng và một số giải pháp để phát triển loại hình và sản phẩm du lịch dưới góc độ gắn kết liên vùng, chưa đưa ra các giải pháp phát triển cho một loại hình du lịch cụ thể để tạo điểm nhấn, sản phẩm du lịch đặc trưng cho mỗi vùng. Bởi vậy, mục tiêu của bài viết này đó là phân tích và đánh giá thực trạng khai thác tài nguyên du lịch sinh thái trong hoạt động du lịch tại vùng du lịch Đông Nam Bộ. Từ đó, làm cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp cho các địa phương trong vùng du lịch Đông Nam Bộ.

Phần tiếp theo của bài viết có kết cấu gồm: Cơ sở lý thuyết về du lịch sinh thái và phát triển du lịch bền vững, tổng quan về hoạt động du lịch sinh thái tại vùng du lịch Đông Nam Bộ, thực trạng hoạt động du lịch sinh thái tại vùng du lịch Đông Nam Bộ, và gợi ý một số giải pháp phát triển loại hình du lịch sinh thái.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Du lịch sinh thái và lý thuyết phát triển bền vững

Theo Lê Huy Bá (2000), Du lịch sinh thái “là một loại hình du lịch lấy các hệ sinh thái đặc thù, tự nhiên làm đối tượng để phục vụ cho những khách du lịch yêu thiên nhiên, du ngoạn, thưởng thức những cảnh quan hay nghiên cứu về các hệ sinh thái. Đó cũng là hình thức kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế du lịch với giới thiệu về những cảnh đẹp của quốc gia cũng như giáo dục tuyên truyền và bảo vệ, phát triền môi trường và tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”. "Du lịch sinh thái là loại hình dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương". (Luật Du lịch, 2005). Do vậy, du lịch sinh thái chủ yếu dựa vào tự nhiên và những sản phẩm văn hóa bản địa, để tạo sức hút đối với khách du lịch bởi đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, khám phá tự nhiên, văn hóa và phong tục tập quán địa phương gắn vơi giáo dục môi trường để bảo tồn và phát triển một cách bền vững. Để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch sinh thái trong hoạt động du lịch chúng ta cần phải thực hiện các nguyên tắc cơ bản mang tính bền vững sau: (i) Bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái; (ii) Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá cộng đồng; (iii) Tạo cơ hội có việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương; (Luật Du lịch, 2005). Ở những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng phát triển của loại hình du lịch này phần lớn không dựa vào những khoản đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền mà thường dựa vào tài nguyên du lịch và sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc trên cơ sở bảo tồn và phát triển bền vững. Những nguồn lực này đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế bằng việc tạo cơ hội việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương.

2.2. Hệ sinh thái vùng du lịch Đông Nam Bộ

Vùng du lịch Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh là Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, là hạt nhân then chốt của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đã xác định Đông Nam Bộ là một trong 7 vùng du lịch phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước và sản phẩm đặc trưng của vùng du lịch Đông Nam Bộ là: “Du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển - đảo; hệ sinh thái đất đỏ miền Đông với các giá trị văn hóa - lịch sử.

Đông Nam Bộ còn là cửa ngõ phía Nam và cũng là không gian kết nối với du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, du lịch xuyên Việt, du lịch xuyên Á. Vùng có thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại và kinh tế của khu vực. Thành phố được ví như là “Hòn ngọc Viễn Đông”, với lịch sử hơn 300 năm đã khẳng định vị trí hàng đầu là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật và y tế lớn nhất nhì cả nước. Nằm tại ngã tư quốc tế, giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây, thành phố cũng được xem là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ quan trọng của Việt Nam thông ra thế giới. Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ nằm trên vùng đồng bằng và bình nguyên rộng, chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long. Vùng có khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và hầu như ít thay đổi trong năm, các diễn biến thất thường về khí hậu quanh năm rất nhỏ, ít có thiên tai, không quá lạnh; là khu vực có các sông lớn và dài với mật độ phân bố tương đối thấp 0,5km/km2, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch; tài nguyên biển - đảo: Vùng Đông Nam Bộ có chiều dài bờ biển gần 180km với thềm lục địa rộng trên 100.000 km2 có các bãi biển đẹp, nước trong tại Bà Rịa-Vũng Tàu; hệ sinh thái đất ngập mặt tại Cần Giờ; tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với Vườn Quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận, hệ thống VQG: VQG Nam Cát Tiên (Đồng Nai), VQG Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), VQG Bù Gia Mập (Bình Phước), VQG Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh); tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi có ý nghĩa đối với phát triển du lịch như: Núi Bà Đen (Tây Ninh), còn được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà; Núi Bà Rá; Núi Dinh; Núi Chứa Chan; tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; hồ Dầu Tiếng; hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Thác Mơ (Bình Phước).

Đông Nam Bộ là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi của phong trào cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nên đã để lại rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng, trong đó nhiều di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), di tích Dinh Độc Lập (Thành phố Hồ Chí Minh), di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập - Bình Phước,… ). Các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ: Có 150 loại di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn đã được công nhận cấp quốc gia và địa phương, trong đó có 01 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc tế như: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà tại Tây Ninh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, di chỉ khảo cổ di chỉ văn hóa Óc Eo, Bưng Bạc, Bưng Thơm,… tại Bà Rịa - Vũng Tàu..; lễ hội văn hóa dân gian gồm: Lễ hội, tâm linh và tín ngưỡng của các tôn giáo như: lễ hội Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo…; lễ hội gắn liền với phong tục tập quán của các cộng đồng dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Tà Mun, S’tiêng, Mạ…; lễ hội gắn liền với nghề như: lễ hội Cầu Ngư tại các làng chài ven biển, lễ lên rẫy, lễ vào mùa…, trong đó lễ hội đang thu hút khách du lịch là lễ hội tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, chùa Ông Cậu Bình Dương,…

Chính vì vậy, Đông Nam Bộ có thế mạnh phát triển dịch vụ du lịch tổng hợp, trong đó nổi bật là du lịch sinh thái; Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những trung tâm phát triển du lịch sinh thái biển, đảo; Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh có hệ thống rừng quốc gia với sự đa dạng về sinh học rất cao là nơi phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng gắn liền với văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng du lịch Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì vùng sẽ có 4 khu du lịch quốc gia được tập trung đầu tư phát triển. Đó là các khu: Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Long Hải - Phước Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Núi Bà Đen (Tây Ninh) và Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ngoài ra, sẽ đầu tư 5 điểm du lịch quốc gia gồm: Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Hồ Trị An - Mã Đà (Đồng Nai), căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh) và Tà Thiết (Bình Phước). Trong đó, cụm trung tâm gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với sản phẩm nổi trội là du lịch Mice, di tích lịch sử - văn hóa - lễ hội, tham quan hệ sinh thái rừng và biển - đảo.

Trên đây là những sản phẩm văn hóa cốt lõi gắn liền với vùng Đông Nam Bộ, có thể và thậm chí là bắt buộc phải khai thác trong phát triển du lịch bởi du lịch Đông Nam Bộ phải là du lịch sinh thái núi rừng, biển - đảo gắn liền với môi trường văn hóa - lễ hội. Nói như vậy, không có nghĩa là du lịch Đông Nam Bộ chỉ có sinh thái rừng và biển - đảo gắn liền với văn hóa bản địa, ở đây còn có các công trình kiến trúc và di tích lịch sử phong phú, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của vùng.

3. Thực trạng hoạt động du lịch sinh thái tại vùng Đông Nam Bộ

Du lịch Đông Nam Bộ dù nhiều tiềm năng nhưng sự phát triển chưa đồng bộ và tương xứng. Trong 6 tỉnh thành của vùng, chỉ có thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ nhất dựa trên lợi thế tài nguyên du lịch vượt trội, vị trí địa lý và sự liên kết hiệu quả. Theo thống kê của ngành Du lịch năm 2018, tổng lượng khách đến vùng Đông Nam Bộ (gồm 6 địa phương là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh) ước khoảng 40 triệu lượt khách, thế nhưng trong đó khách nội địa đã chiếm hơn 75%, còn lại là lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, số lượng (khách nước ngoài cao cấp chi tiêu cao) chủ yếu tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, còn lại các địa phương khác trong vùng lượng khách này vẫn còn rất khiêm tốn. Những hạn chế đó xuất phát từ thực trạng khai thác tài nguyên du lịch không hiệu quả, không nhất quán, thiếu sự liên kết và chưa tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù trong chiến lược phát triển du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trung tâm của vùng Đông Nam bộ về du lịch. Nếu như ví thành phố Hồ Chí Minh như một đầu tàu trong phát triển du lịch, thời gian qua, các tỉnh còn lại của vùng chưa thực sự khai thác hết tiềm năng du lịch vốn có, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái. Là tỉnh có dân số hơn 3 triệu dân, có tài nguyên du lịch đa dạng cả về tự nhiên và nhân văn; với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Văn miếu Trấn Biên, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, chiến Khu D, Đảo Ó Đồng Trường, Núi Chứa Chan… nhưng doanh thu từ du lịch của cả tỉnh Đồng Nai năm 2017 mới đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng; chủ yếu phục vụ khách trong tỉnh là chính (gần 3 triệu lượt), lượng khách quốc tế rất ít, hầu như chỉ tập trung ở Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên.

Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển rất mạnh về loại hình du lịch sinh thái biển - đảo, thì những năm gần đây, nhờ sự kết nối hệ thống đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn thời gian đi lại từ thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đến Vũng Tàu, lượng khách du lịch đều tăng hàng năm nhưng chủ yếu là khách nội địa. Lượng khách quốc tế năm 2017 dù được báo cáo tăng 14,7% nhưng con số đạt được rất khiêm tốn với 363.000 lượt khách. Mức tăng này chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng du khách quốc tế của cả nước năm 2017. 

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch sinh thái Đông Nam Bộ mới chỉ dừng lại ở việc đưa du khách “đi xem, đi cho biết và tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên” chưa thực sự trải nghiệm để tìm hiểu đầy đủ về giá trị cảnh quan thiên nhiên (rừng, biển - đảo) và các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân địa phương. Khách đến Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên hay Côn Đảo thực chất là để tắm biển, nghỉ dưỡng; xem thú đêm hay để cắm trại,… Văn hóa bản địa bị mai một và chịu tác động của cơ chế thị trường. Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ có sự cộng hưởng của văn hóa Phương Tây rất lớn. Do vậy, áp lực về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang chịu nhiều sức ép.

Các khu du lịch và điểm du lịch sinh thái tại các địa phương chưa được khai thác đúng mức trong hoạt động du lịch; chưa hình thành các tour, tuyến đặc thù về du lịch sinh thái; việc kết nối giữa các địa phương trong vùng và các vùng phụ cận còn rất yếu ớt, chưa mang lại hiệu quả đáng kể như: Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ để tạo thành một chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch mang tính đồng bộ, nhất quán và bền vững. Từ đó, rất khó hình thành sản phẩm du lịch đặc thù, đủ sức thu hút khách du lịch góp phần đem lại lợi ích về mặt kinh tế, xã hội cho cộng đồng cư dân ở mỗi địa phương.

Thực trang khai thác các tuyến du lịch sinh thái đường sông tại vùng Đông Nam Bộ như: tuyến đường sông từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Biên Hòa thăm thú các di tích lịch sử -  văn hóa như cù lao Phố, KDL Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên rồi ngược dòng sông Đồng Nai lên hồ Trị An, Vườn Quốc gia Cát Tiên; hay từ sông Sài Gòn ra sông Soài Rạp, ra biển đi dọc biển Vũng Tàu để nối kết với một loạt khu nghỉ dưỡng, vui chơi cao cấp như: Hồ Tràm, Bình Châu là một giải pháp có vai trò tác động rất lớn không chỉ với ngành du lịch của từng tỉnh mà còn với toàn ngành du lịch của vùng Đông Nam bộ. Hay từ Bình Phước, việc liên kết hình thành các tuyến du lịch đường sông theo sông Sài Gòn ngược sông Bé lên với Phước Long, kết hợp với khám phá Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, rồi băng qua Lộc Ninh trong hành trình khám phá các di tích lịch sử cách mạng cũng là một tuyến du lịch hấp dẫn cho các hành trình về nguồn. Tuyến này có thể nối thêm với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh) rồi xuôi về địa đạo Củ Chi để có một tour về thăm chiến trường xưa hấp dẫn cho các cựu binh Mỹ và khách quốc tế nói chung... chưa thật sự phát huy hết tiềm năng vốn có của nó. Nếu phát huy hiệu quả sẽ góp phần bảo vệ môn trường sinh thái, giảm được áp lực giao thông đường bộ, giảm thời gian đi lại của du khách. Việc lựa chọn liên kết để phát huy lợi thế sông nước (kết hợp đường sông với đường biển), đường sông với đường bộ với lực hút từ thành phố Hồ Chí Minh chính là một giải pháp phát triển bền vững, kéo hoạt động du lịch nói chung và du lịch sinh thái đường sông nói riêng trong vùng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

4. Một số giải pháp phát triển hoạt động du lịch sinh thái tại vùng du lịch Đông Nam Bộ

4.1. Giải pháp bảo tồn các dạng tài nguyên du lịch sinh thái tại Đông Nam Bộ để phát triển du lịch

Phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở khai thác các dạng tài nguyên du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn, mang tính đặc trưng và đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho du lịch của địa phương. Để thực hiện công tác bảo tồn các dạng tài nguyên du lịch sinh thái tại Đông Nam Bộ cần xác định rõ những yếu tố cơ bản tác động đến hiệu quả trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường và lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương. Bên cạnh đó, Ban quản lý các khu, điểm du lịch ở các địa phương cùng phối hợp với các cơ quan, hữu quan trong công tác bảo tồn bằng những hoạt động cụ thể như: tập trung nghiên cứu, thống kê, rà soát lại tất cả các dạng tài nguyên du lịch sinh thái trên các địa bàn du lịch trọng điểm. Từ đó, phân loại, xác định thứ tự ưu tiên trong đầu tư khai thác phục vụ du lịch; áp dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật mới nhất vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy hiệu quả việc khai thác các dạng tài nguyên du lịch sinh thái, như: giảm thiểu những tác động của ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ trong quản lý và phân tích dữ liệu...; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của những người tham gia hoạt động du lịch, nhất là cộng đồng cư dân địa phương, phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị của tài nguyên du lịch sinh thái thông qua ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, mạng Internet, các cuộc hội chợ, triển lãm.

4.2. Giải pháp khai thác các dạng tài nguyên du lịch sinh thái tại vùng Đông Nam Bộ

Như chúng ta đã biết, vùng Đông Nam Bộ có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cả về du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn. Những giá trị tài nguyên rừng và biển - đảo nơi đây lại vô cùng đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc khai thác các tài nguyên này để phục vụ cho vấn đề phát triển du lịch sinh thái thì lại đang bị bỏ ngỏ hoặc chưa phát huy hết tiềm lực vốn có của nó. Bởi vậy, để phát huy hết tiềm năng du lịch vốn có của vùng, đồng thời cũng là biện pháp để bảo tồn và mang lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, vấn đề đặt ra ở đây là các giải pháp để khai thác tốt nhất các giá trị tài nguyên du lịch đó để phát triển du lịch - ngành đang tạo ra những hiệu quả cao trong việc đóng góp vào nền kinh tế của vùng nói riêng và cả nước nói chung. Trước hết, không để việc khai thác diễn ra một cách tự phát và quá mức, bởi hoạt động này không những không mang lại hiệu quả mà còn có nguy cơ phá hoại môi trường, và cần phải được quy hoạch một cách khoa học, quy củ để tôn tạo, bảo tồn cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững.

4.3. Giải pháp về sản phẩm du lịch sinh thái        

Sản phẩm du lịch đóng vai trò tiên quyết trong việc thu hút khách du lịch. Vì vậy, Đông Nam Bộ phải tạo ra được sản phẩm du lịch đặc thù, có chiều sâu, mang đậm sắc thái riêng biệt của vùng. Hiện nay, sản phẩm du lịch sinh thái cung cấp cho khách du lịch đến Đông Nam Bộ còn đơn điệu, trùng lắp. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái chưa nhiều và chưa chủ động nghiên cứu thị trường để tạo ra sản phẩm, các địa phương lại chưa định hướng rõ ràng để phát triển loại hình du lịch này. Vì vậy, đẩy mạnh hoạt động khai thác các dạng tài nguyên du lịch sinh thái trong doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch là vô cùng cần thiết. Từ đó, nhà nước cùng doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, như: Mở thêm các tuyến du lịch hấp dẫn tại các địa phương trong vùng giúp người dân địa phương có công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và giúp các doanh nghiệp lữ hành đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển loại hình du lịch homestay trên cơ sở các dịch vụ lưu trú thuộc sở hữu của người dân địa phương; đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái trên nền tảng đầu tư khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên nhất là các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia có sự đa dạng sinh học. Đây là loại hình du lịch mang tính giáo dục cao đối với khách du lịch và cộng đồng cư dân địa phương kết hợp với việc khai thác các giá trị văn hóa bản địa như: phong tục tập quán, văn hóa lễ hội của cư dân địa phương, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng phục vụ khách du lịch; chủ động triển khai và mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương trong vùng; quy hoạch, kêu gọi đầu tư  tạo thêm sản phẩm mới trên các tuyến du lịch.

4.4. Giải pháp về nhân lực

Để phát triển du lịch sinh thái tại vùng Đông Nam Bộ, việc chuẩn bị và nâng cao nguồn nhân lực và công tác quản lý loại hình du lịch này là rất quan trọng. Khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cộng đồng cư dân địa phương cùng tham gia các hoạt động du lịch nên được các sở ban ngành trong lĩnh vực du lịch thúc đẩy nhằm giúp người dân địa phương được hưởng lợi từ du lịch để cải thiện cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí, qua đó ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường của họ được nâng lên. Hay nói cách khác, hoạt động du lịch cần phải biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội với mục tiêu bảo tồn sao cho du lịch sinh thái tại Đông Nam Bộ phát triển một cách bền vững. Trong quá trình hoạt động du lịch cũng là lúc trình độ dân trí ngày càng được nâng cao thông qua việc học hỏi, trau dồi trí thức phục vụ khách du lịch. Cộng đồng cư dân địa phương trực tiếp hay gián tiếp làm du lịch thì họ sẽ càng thêm yêu quý quê hương mình và ra sức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ; tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa cho người dân tìm hiểu và học tập về du lịch; có những chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trong quá trình hoạt động của các bên tham gia.

Ngoài ra, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch có liên quan là bồi dưỡng kiến thức và nâng cao tay nghề du lịch cho cộng đồng cư dân địa phương. Cụ thể là việc trau dồi, bổ sung và đào tạo mới những kiến thức, kỹ năng về ngành nghề về địa phương và toàn bộ thế ứng xử của cộng đồng dân cư với khách du lịch, với tài nguyên và môi trường du lịch (cả tự nhiên và xã hội - nhân văn) nhằm làm hài lòng người tiêu dùng tại điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao tay nghề du lịch còn là việc thể hiện bản sắc văn hóa của một cộng đồng dân cư, một dân tộc, một vùng trong hoạt động du lịch nhằm tạo nên sắc thái đặc biệt của sản phẩm du lịch.

Trong thời gian tới, cần phải xây dựng chiến lược lâu dài với sự tham gia của nhiều ngành liên quan để chuẩn bị có đội ngũ lao động có tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ và giao tiếp tốt ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi sự phối kết hợp nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, nhất quán, nhằm góp phần vào việc nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng của sản phẩm du lịch.

4.5. Giải pháp về xúc tiến, quảng bá

Với trình độ phát triển khoa học công nghệ hiện nay, việc quảng bá hình ảnh về du lịch sinh thái vùng Đông Nam Bộ là vô cùng thuận lợi với nhiều hình thức truyền thông, cụ thể như: Viết các bài báo, băng hình, các chương trình giới thiệu, chụp các hình ảnh, làm phim video để giới thiệu cho khách các thông tin khá đầy đủ, hấp dẫn, có sức thuyết phục và thu hút du khách gửi đi các báo, đài phát thanh, truyền hình, tỉnh, huyện; phối hợp với các sở ban ngành trong lĩnh vực du lịch, các cơ quan du lịch và các doanh nghiệp lữ hành để đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tăng cường quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước như: đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, các website với nhiều ngôn ngữ khác nhau (Anh, Pháp, Trung, Nhật Bản, Hàn Quốc,...). Phát hành rộng rãi những ấn phẩm như đĩa CD, băng video, sách chuyên giới thiệu về phong cảnh, nếp sinh hoạt của người dân địa phương, văn hóa ẩm thực của các địa phương trong vùng để phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.

Có các hình thức thông tin, quảng cáo: các tờ rơi, áp phích, thông tin, panô, băng video,… để phát cho khách du lịch, đặt tại các khu du lịch, điểm du lịch, các phương tiện vận chuyển,… để cho khách du lịch có được các thông tin cần thiết. Từ đó lựa chọn các chuyến đi phù hợp với nhu cầu và sở thích, tham dự các hội chợ, triển lãm, hội thảo chuyên đề, trong và ngoài nước về công tác phát triển loại hình du lịch sinh thái và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên tại vùng Đông Nam Bộ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2011). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. (Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ).
  2. Quốc hội (2005). Luật Du lịch Việt Nam 2005.
  3. Lưu Phước Vẹn; Trần Công Dũ (2019), Du lịch sinh thái thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Tài chính kỳ 1.
  4. Võ Quế (2018), Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch Đông Nam Bộ, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch.
  5. Dương Đình Hiền (2018). Phát triển du lịch - Điểm nhấn kết nối du lịch Đông Nam Bộ, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch.
  6. Lê Huy Bá (2006), Du lịch sinh thái, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
  7. Huỳnh Quốc Thắng (2011), Văn hóa sinh thái sông, biển và du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 9/2011, trang 42.
  8. Hoàng Hải Vân (2009). Phát triển du lịch văn hóa sinh thái tại vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Huế.

 

DEVELOPING THE ECOTOURISM

IN THE SOUTH-EASTERN REGION, VIETNAM

Master. NGUYEN HOAI NHAN

Ph.D VU THINH TRUONG

Faculty of Economics and Business Administration

Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

This study analyzes and assesses the current exploitation of tourism resources in ecotourism activities in the South-eastern region, Vietnam. Based on this study’s findings, some solutions are proposed in order to develop the South-eastern region’s tourism industry.

The study’s evaluation show that local authorities in the South-eastern region have not yet paid appropriate attention to the exploitation of tourism resources in ecotourism activities. There is a lack of synchronic cooperation among local governments, tourism management agencies and indigenous communities in the exploitation of tourism resources in ecotourism activities. In addition, there are no specific reports about these issues. As a result, there are no strategic directions for the tourism development investment and exploitation strategies of the values ​​of local natural resources.

This study proposes some following solutions for localities in the South-eastern region to develop the tourism industry including (1) Effectively exploiting the values ​​of natural tourism resources and (2) Developing specific solutions and policies to develop the local ecotourism while consserving the South-eastern region’s tourism resources in order to diversify tourism products.  

Keywords: Ecotourism, South-eastern region, development, tourism resources.