Phát triển hoạt động du lịch văn hóa theo hướng bền vững tại vùng Tây Nguyên

ThS. NGUYỄN HOÀI NHÂN - ThS. DƯƠNG XUAN VƯƠNG (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

 

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm tìm hiểu và đánh giá hoạt động du lịch văn hóa theo hướng bền vững tại vùng Tây Nguyên. Dựa trên mức độ khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương vẫn còn hiện hữu. Kết quả chỉ ra rằng, các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa như: Văn hóa lễ hội, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực, công trình kiến trúc truyền thống và làng nghề truyền thống… chưa được khai thác đúng mức hoặc vẫn còn bị bỏ ngỏ. Qua đó, đề ra một số giải pháp nhằm phát triển hoạt động du lịch văn hóa tại vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững, gồm: (1) Quy hoạch phát triển du lịch văn hóa một cách khoa học; (2) Phát triển mô hình Làng du lịch; (3) Đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch; (4) Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Từ khóa: du lịch bền vững, du lịch văn hóa, văn hóa Tây Nguyên.

 1. Đặt vấn đề

Kinh tế du lịch được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi chọn trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương đều xây dựng chiến lược phát triển du lịch, trong đó đặt trọng tâm vào việc đầu tư và khai thác các giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn đang sở hữu. Chủ đề về đánh giá thực trạng khai thác các giá trị văn hóa của địa phương trong các hoạt động, sản phẩm du lịch đã được nhiều nghiên cứu thực hiện và thảo luận.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum, và Gia Lai. Đây là vùng đất đa sắc tộc, đa văn hóa, nơi cư trú của hơn 50 dân tộc anh em đang sinh sống, mang đậm những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tây Nguyên có một hệ thống các buôn, bon cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số hiện còn lưu giữ và bảo tồn những cấu trúc văn hóa mang đặc điểm riêng biệt của mỗi tộc người, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Những nơi này hiện còn bảo tồn và phát huy được các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, như: nghề dệt vải thổ cẩm, nghề đẽo - tạc tượng, nghề đan lát mây tre… Đây chính là những tiềm năng quan trọng để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Mặc dù vậy, các nghiên cứu về phát triển du lịch văn hóa tại vùng Tây Nguyên chưa được quan tâm nhiều. Ngoại trừ nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Châm phân tích mối quan hệ giữa sự đa dạng văn hóa trong mối liên hệ với hoạt động du lịch văn hóa ở Tây Nguyên, các nghiên cứu còn lại phần lớn đánh giá chung về hoạt động du lịch tại vùng Tây Nguyên, lợi thế cạnh tranh của địa phương trong phát triển du lịch và giới thiệu giá trị các tài nguyên tự nhiên có thể khai thác trong du lịch. Do vậy, cần thiết phải có thêm các nghiên cứu về thực trạng khai thác các giá trị văn hóa của vùng Tây Nguyên trong hoạt động du lịch, nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp phát triển loại hình du lịch văn hóa tại địa phương.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Du lịch văn hóa và nguồn lực phát triển du lịch văn hóa

Du lịch văn hóa “là loại hình du lịch mà du khách muốn được thẩm nhận bề dày văn hóa của một nước, một vùng thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, những phong tục tập quán còn hiện diện”. Để xây dựng và phát triển loại hình du lịch văn hóa, cần dựa trên nhiều nguồn lực khác nhau. Tuy nhiên, nguồn lực cơ bản và chủ yếu phải kể đến là tài nguyên du lịch nhân văn, gồm có: Văn hóa lễ hội, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực, công trình kiến trúc truyền thống và làng nghề truyền thống. Hình thức du lịch văn hóa dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc, có sự tham gia cộng đồng nhằm hướng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Do vậy, du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những giá trị văn hóa đặc sắc để tạo sức hút đối với đối tượng khách du lịch có nhu cầu nghiên cứu, khám phá và trải nghiệm văn hóa địa phương.

van hoa

2.2. Du lịch bền vững và nguyên tắc phát triển du lịch bền vững

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) (1992) đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho sự phát triển của con người.

Để khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên nhân văn trong hoạt động du lịch, chúng ta cần phải thực hiện các nguyên tắc cơ bản mang tính bền vững sau: (i) Bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc và (ii) Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; (iii) Tạo việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương. Ở những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng phát triển của loại hình du lịch này phần lớn không dựa vào những khoản đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà thường dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc.

Những nguồn lực này có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế bằng việc tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng cư dân địa phương. Trên cơ sở các thành phần của tài nguyên du lịch nhân văn được sử dụng trong phát triển loại hình du lịch văn hóa, tác giả đề xuất khung phân tích đánh giá thực trạng khai thác các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch tại vùng Tây Nguyên như sau: 

            Hình: Khung phân tích

khung_phan_tich

3. Các giá trị văn hóa và hoạt động khai thác giá trị văn hóa trong các hoạt động du lịch tại vùng Tây Nguyên

3.1. Các giá trị văn hóa vùng Tây Nguyên trong hoạt động du lịch

+ Văn hóa lễ hội:

Hệ thống các hoạt động văn hóa lễ hội tại Tây Nguyên rất đặc sắc, phong phú và đa dạng. Đây là cái nôi để bảo tồn và trao truyền các tri thức, các giá trị văn hóa truyền thống quý báu thông qua các hoạt động văn hóa, phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, như: văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa Nhà Rông, Nhà Dài, Nhà Gươl, văn hóa ẩm thực, văn hóa thổ cẩm, văn hóa sử thi, văn hóa diễn tấu nhạc cụ, biểu diễn các làng điệu dân ca, dân vũ của các tộc người Tây Nguyên,...

Những lễ hội đặc sắc ở vùng Tây Nguyên như: Lễ hội Đâm Trâu, lễ mừng Lúa Mới, lễ hội Cồng Chiêng, lễ Bỏ Mã, lễ hội Đua Voi, Hội Xuân... Thông qua sinh hoạt lễ hội, đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên được thể hiện đầy đủ và rõ nét nhất. Những lễ hội kể trên đã trở thành những nội dung tham quan, trải nghiệm có sức hấp dẫn và cuốn hút du khách trong và ngoài nước trong các sản phẩm du lịch.

Tây Nguyên còn có các lễ hội lớn diễn ra thường niên nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, như: lễ hội Cồng Chiêng (luân phiên các tỉnh với nhau) hay lễ hội hiện đại như: Festival hoa Đà Lạt, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Các lễ hội này có tác dụng thu hút và thúc đẩy khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa khác của địa phương.

cong chieng

+ Phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng

Tây Nguyên với đặc trưng sinh thái núi rừng là địa bàn cư trú của các tộc người có lịch sử lâu đời như: Ê Đê, Ba Na, K‘ho, Gié Triêng, M‘Nông, Xơ Đăng, Gia Rai, Chu Ru,… Môi trường sinh thái ấy đã tạo ra bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Tây Nguyên. Chính giá trị văn hóa ấy là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch. Du lịch Tây Nguyên phải là du lịch văn hóa, văn hóa phải là cốt lõi trong chiến lược phát triển du lịch.

Trong tổng thể văn hóa Tây Nguyên, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên là sản phẩm được biết đến nhiều nhất, là “kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại” được UNESCO công nhận từ năm 2005. Không gian văn hóa ấy bao trùm lên cả 5 tỉnh, kéo dài từ Kon Tum, Gia Lai đến Đắk Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Mỗi địa phương khi phát triển du lịch đều có thể khai thác văn hóa Cồng Chiêng với giá trị nguyên bản của nó thành một sản phẩm du lịch hoàn thiện và hấp dẫn.

Truyền thuyết, sử thi, trường ca là những kho tàng văn hóa vô giá. Trong đó phải kể đến sử thi Tây Nguyên có quy mô đồ sộ hơn cả những bộ sử thi nổi tiếng thế giới, đặc biệt sử thi tồn tại ngay trong đời sống cộng đồng, gắn với nghệ nhân, với phong tục tập quán. Những nghệ nhân kể sử thi như “kho tàng sống”, mang giá trị văn hóa tinh thần hấp dẫn khách du lịch.

 

+ Công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực

Tây Nguyên còn lưu giữ các công trình kiến trúc và các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có giá trị đời sống văn hóa rất cao, được thể hiện rất rõ thông qua cách nhìn nhân sinh quan của cộng đồng cư dân địa phương. Văn hóa của các tộc người Tây Nguyên còn là văn hóa buôn làng. Ở đó, hình ảnh đặc trưng nhất là ngôi nhà Dài của người Ê Đê, nhà Rông của người Ba Na là biểu tượng, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc, là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Đây còn là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật đã làm nên nét riêng biệt cho vùng Tây Nguyên, như: Cồng, Chiêng, Trống,.... có giá trị cả về văn hóa vật thể và phi vật thể.

Sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch còn phải kể đến nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu như: nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê, nghề bánh tráng ở Buôn Đôn, nghề tre đan, nghề rèn, nghề làm nhà dài, điêu khắc nhà mồ. Những nghề thủ công này mang giá trị văn hóa đặc sắc, một số sản phẩm có thể phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của khách du lịch. Thực tế rất nhiều nghề đã bị mai một hoặc giảm về quy mô số lượng và chất lượng vì sự thay đổi cơ cấu kinh tế. Du lịch chính là động lực để khôi phục, duy trì và bảo tồn những nghề truyền thống này. Hiện tại, làng văn hóa Konktu (Kon Tum) đã có những thành công bước đầu về thu hút khách du lịch.

tay nguyen

Bên cạnh các giá trị văn hóa trên, ẩm thực Tây Nguyên cũng mang trong mình đặc trưng của núi rừng, tiêu biểu nhất phải kể đến rượu cần, cơm lam. Nguồn nguyên liệu để tạo nên rượu cần hay cơm lam không phải có được từ phá hoại môi trường thiên nhiên, mà là sản vật của nghề nông nghiệp nên dễ được du khách chấp nhận, đặc biệt là du khách nước ngoài.

- Hoạt động khai thác các giá trị văn hóa vùng Tây Nguyên dưới góc độ phát triển du lịch bền vững:

Hoạt động du lịch Tây Nguyên mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng sự phát triển chưa tương xứng. Trong 5 tỉnh của vùng, tỉnh Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ nhất dựa trên lợi thế tài nguyên vượt trội, vị trí và sự liên kết vùng hiệu quả. Sự hạn chế đó xuất phát từ thực trạng khai thác thiếu tính bền vững các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Cụ thể:

Du lịch văn hóa Tây Nguyên mới chỉ dừng lại ở việc đưa du khách “đi xem” chứ chưa thực sự trải nghiệm để tìm hiểu đầy đủ về văn hóa bản địa. Khách đến chân núi Langbiang, tỉnh Lâm Đồng tham gia “giao lưu văn hóa Cồng Chiêng”, nhưng thực chất là xem biểu diễn. Văn hóa đã bị sân khấu hóa một cách rõ nét. Người đứng đầu đội Cồng Chiêng tự giới thiệu với du khách là già làng, nhưng thực tế đó chỉ là người dẫn chương trình. Các thành viên biểu diễn Cồng Chiêng đôi khi là người Kinh, chứ không phải người K‘ho.

Sân khấu Cồng Chiêng không diễn ra giữa buôn làng, mà diễn ra ở sân khấu có ghế ngồi, mái che kín đáo. Nội dung văn hóa được truyền đạt một cách sơ sài, cốt yếu là phục vụ nhu cầu giải trí, thỏa mãn sự tò mò của du khách. Các điểm giao lưu ở các địa phương khác vẫn chủ yếu khai thác văn hóa một cách đơn giản. Văn hóa dân gian nguyên bản mới thực sự là sản phẩm du lịch văn hóa đúng nghĩa. Sân khấu hóa văn hóa để phục vụ du lịch chỉ đáp ứng lợi ích kinh tế tức thời, đổi lại về lâu dài điều đó sẽ có nguy cơ làm biến chất văn hóa bản địa.

Văn hóa truyền thống bị mai một và chịu tác động của cơ chế thị trường. Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có sự cộng cư của người Kinh và các dân tộc phía Bắc. Do vậy, áp lực về bảo tồn văn hóa các tộc người tại chỗ Tây Nguyên rất lớn. Mặt khác, nền tảng của văn hóa Tây Nguyên là núi rừng đã bị tàn phá nhiều, điều đó đẩy nhanh quá trình biến đổi văn hóa của người dân nơi đây.

Các lễ hội truyền thống của người đồng bào Tây Nguyên chưa được khai thác đúng mức phục vụ du lịch. Một mặt vì mùa cao điểm du lịch nội địa (từ tháng 6 đến tháng 8) không trùng khớp với thời điểm diễn ra lễ hội, trong khi thị trường khách quốc tế chưa đáng kể. Mặt khác, nhiều lễ hội đứng trước nguy cơ mai một, do sự thay đổi cơ cấu kinh tế, hoặc các điều kiện khách quan khác. Đơn cử như: lễ hội Đua Voi chắc chắn sẽ thay đổi khi số lượng cá thể voi ngày càng giảm sút và việc săn, thuần dưỡng voi rừng vô tội vạ.

Sản phẩm du lịch Tây Nguyên bị trùng lặp khá nhiều, từ  Đắk Lắk, đến Gia Lai, Kon Tum, địa phương nào cũng giao lưu văn hóa Cồng Chiêng, Rượu Cần, Cơm Lam, Nhà Rông. Từ đó, rất khó hình thành sản phẩm du lịch đặc thù đem lại hiệu quả cao, đủ sức thu hút khách du lịch. Đây là lý do khiến dự án “Con đường xanh Tây Nguyên” đến nay vẫn chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Bài toán để giải quyết vấn đề này là cần liên kết với các vùng phụ cận như: Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để tạo nên các tuyến, điểm du lịch đa dạng và phong phú. Hiện nay, sự liên kết này còn yếu ớt, chưa mang lại hiệu quả đáng kể.

4. Giải pháp phát triển hoạt động du lịch văn hóa tại vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững

Trên cơ sở một số hạn chế về khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch tại vùng Tây Nguyên, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp sau:

- Quy hoạch phát triển du lịch văn hóa một cách khoa học

Để phát huy hết tiềm năng du lịch vốn có của Vùng, đồng thời cũng là biện pháp để bảo tồn các giá trị văn hóa của các thành phần dân tộc, vấn đề đặt ra ở đây là cần khai thác tốt nhất các giá trị văn hóa đó để phát triển du lịch - ngành đang tạo ra những hiệu quả cao trong việc đóng góp vào nền kinh tế của vùng nói riêng và cả nước nói chung. Trước hết, không để việc khai thác diễn ra một cách tự phát, không những không mang lại hiệu quả mà còn có nguy cơ phá hoại những giá trị văn hóa đó, mà phải được quy hoạch một cách khoa học, quy củ để các giá trị văn hóa đó vừa được bảo tồn, vừa được phát huy một cách có hiệu quả nhất. Để làm được việc này, cần xây dựng được khung pháp lý cần thiết để quản lý các loại hình du lịch mới và bảo vệ quyền lợi cho các thành phần dân tộc ở Tây Nguyên và khi ban hành và thực thi các chính sách về kinh tế - xã hội… cần xem xét đến các vấn đề đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên, tạo điều kiện cho người dân tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình thông qua hoạt động du lịch.

- Phát triển mô hình Làng du lịch

Các thành phần dân tộc ở Tây Nguyên nói chung có đặc điểm là sống tập trung thành từng làng, bản, với sự cách biệt tương đối các làng, bản khác bằng những ranh giới tự nhiên nhất định. Bởi vậy, đời sống của họ mang tính cộng đồng rất cao. Đây chính là một điều kiện vô cùng thuận lợi để xây dựng các làng du lịch. Và việc xây dựng làng du lịch là một giải pháp khả thi cho việc khai thác các giá trị văn hóa ấy.

Để xây dựng làng du lịch, việc làm trước tiên là phải quy hoạch một vùng đất nhất định, có thể là gần các con suối, hoặc lưng chừng núi với hệ thống các lán, nhà dành cho cá nhân hoặc gia đình lưu trú. Các cơ sở lưu trú ở đây phải phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, đó là không xây theo kiểu kiến trúc cao tầng, mà được xây dựng theo bề ngang các Bungalaw hoặc là những ngôi nhà sàn bằng chất liệu được khai thác trong rừng theo kiểu kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Êđê, Bana, nhưng vẫn đảm bảo được tiện nghi sinh hoạt.

Hướng của cơ sở lưu trú phải quay về các đối tượng thiên nhiên với một không gian rộng, có tầm nhìn, gần gũi với tự nhiên, tạo cho du khách có cảm giác được sống cùng thiên nhiên và phải hướng đến mục đích chuyến du lịch của họ. Mặt khác, vì thời gian lưu trú của du khách tại làng du lịch thường kéo dài nên đây là điều kiện để tổ chức kết hợp các hoạt động ăn, uống, vui chơi giải trí và các hoạt động khác mang đậm bản sắc địa văn hóa địa phương của dân tộc.

am thuc tay nguyen

Về ẩm thực, tận dụng triệt để các món ăn, thức uống địa phương sao cho du khách vừa cảm nhận vị ngon và đảm bảo yếu tố “lạ”, đặc trưng từ những món ăn đó, đặc biệt là các loại thức ăn khai thác từ rừng, sông, suối. Cần tạo điều kiện cho khách tham gia trực tiếp vào việc tự tay chế biến các món ăn, các loại đồ uống giải khát được chế biến từ các nguồn nguyên liệu ấy dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương. Những bữa ăn cần phải tạo không khí trong lành, dân dã, nhưng vẫn đảm bảo chế độ dinh dưỡng và vệ sinh. Tạo điều kiện để họ được thưởng thức các món đặc sản của địa phương.

Trong trang phục, cho thuê hoặc bán các trang phục truyền thống của cộng đồng để khách du lịch có thể thuê hoặc mua vì khi du khách đến đây có tâm lý thật sự được hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa.

Đối với vùng Tây Nguyên, rừng là tài nguyên quý giá. Tây Nguyên có hệ thống rừng nguyên sinh rộng lớn, với hệ sinh thái đa dạng, tài nguyên động thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn với khách du lịch. Chính vì vậy, nên tổ chức cho du khách các chuyến đi vào rừng để tham quan, dã ngoại,…

Đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nhà Rông là ngôi nhà chung của cả cộng đồng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Để du khách hiểu hơn về nét văn hóa ấy, vào ban đêm có thể tổ chức các buổi sinh hoạt dưới mái nhà Rông, cùng uống rượu cần, cùng hát múa các bài ca, điệu múa truyền thống của đồng bào, cùng nghe già làng kể chuyện bên bếp lửa ấm cúng,… Ngoài ra, còn có thể tổ chức các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc nơi đây. Một điều đặc biệt hơn cả là việc tổ chức các lễ hội truyền thống với đầy đủ trình tự và mang đầy đủ ý nghĩa của nó, điển hình là lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên, lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới. Để xây dựng các làng du lịch với các đặc điểm trên, cần phải kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Cần thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch

+ Tăng cường đầu tư hơn nữa vào việc xây dựng các công trình công cộng và các cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch, đặc biệt là hệ thống các cơ sở lưu trú, các nhà hàng đặc sản với kiến trúc riêng mang những nét đặc trưng của dân tộc và phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.

+ Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có tâm huyết để phát huy tốt giá trị văn hóa gắn với phát triển xã hội; tạo điều kiện cho các chủ thể văn hóa được hưởng lợi từ các dự án, chính sách. Đối với việc trao truyền cho thế hệ trẻ, cần phải đầu tư hơn nữa việc mở các lớp đào tạo cán bộ văn hóa người dân tộc địa phương. Trang bị, đào tạo cho họ những phương pháp hữu ích nhất trong việc tuyên truyền để đồng bào nhận thức những giá trị văn hoá truyền thống của mình và công tác bảo tồn phát huy những giá trị đó. Cần phải tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số được học hành đến nơi đến chốn cùng với con em người Kinh để tiếp thu những tinh hoa văn hóa ngoại sinh và loại trừ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong buôn làng.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch

+ Hiện nay, số lần tổ chức lễ hội trong năm của đồng bào dân tộc trong Vùng còn rất thưa thớt, do thiếu nguồn kinh phí tổ chức. Để các lễ hội diễn ra nhiều hơn nhưng không lãng phí, cần phải có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền, tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và để thu hút khách du lịch đến với vùng Tây Nguyên. Các buổi giao lưu văn hóa, liên hoan văn nghệ cần được tổ chức thường xuyên.

+ Các tranh ảnh, sách báo và một số hiện vật hay sản phẩm văn hóa đặc trưng của các thành phần dân tộc cần phải được trưng bày tại các viện Bảo tàng để mọi người, đặc biệt là khách du lịch có thể hiểu hơn về những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây, từ đó thôi thúc họ đến với đồng bào để chiêm nghiệm, tìm hiểu và thực hiện mục đích chuyến đi của mình.

+ Phải tăng cường sự giao lưu hơn nữa giữa khách du lịch với cư dân địa phương để tạo ra một mối quan hệ thân mật, giúp khách du lịch thực sự sống với đồng bào và giúp họ có cảm nhận và những trải nghiệm sâu sắc sau chuyến đi của mình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2011), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
  2. Quốc hội (2017). Luật Du lịch 2017.
  3. Nguyễn Đức Nhuận (2017), Phát triển bền vững du lịch Tây Nguyên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, Số 1, Tr. 69 - 77.
  4. Nguyễn Thị Phương Châm (2014), Đa dạng văn hóa trong mối liên quan với du lịch văn hóa ở Tây Nguyên, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 359, Tr. 45 - 50.
  5. Tạ Hòa Phương, Trương Quang Hải, Đặng Văn Bảo (2015), Một số di sản thiên nhiên có giá trị nổi bật cho phát triển du lịch vùng Tây Nguyên, Tạp chí Các khoa học về trái đất, 37(2), 182 - 192.
  6. Trần Văn Thông (2005), Tổng quan du lịch, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  7. Trần Thị Tuyết Mai (2019), Du lịch vùng Tây Nguyên - Tiềm năng và giải pháp, Tạp chí Du lịch. <http://www.vtr.org.vn/du-lich-vung-tay-nguyen-tiem-nang-va-giai-phap.html>
  8. Trương Quang Hải; Dương Thị Thủy; Giang Văn Trọng (2015). Ưu thế vượt trội của tỉnh Lâm Đồng trong phát triển du lịch vùng Tây Nguyên, Tạp chí Nghiên cứu địa lý nhân văn, 9(2), Tr. 3 - 13.

 

DEVELOPING THE CULTURAL TOURISM IN THE CENTRAL HIGHLANDS IN A SUSTAINABLE MANNER

Master. NGUYEN HOAI NHAN 1

Master. DUONG XUAN VUONG 1

1 Faculty of Economics and Development, Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

This study is to explore and evaluate sustainable cultural tourism activities in the Central Highlands, Vietnam by analyzing the cultural values ​​of the local communities. The study’s findings indicate that cultural identity activities such as cultural festivals, customs, religious beliefs, cuisine, traditional architectural styles and traditional craft villages have not been tapped. Based on these findings, some solutions are proposed to develop cultural tourism activities in the Central Highlands in a sustainable manner, including 1/Planning the development of cultural tourism in a scientific manner; 2/Promoting the model of tourism village; 3/Investing in infrastructure, training human resources for tourism development; and 4/Tourism advertising.

Keywords: sustainable tourism, cultural tourism, the Central Highlands’ local culture.