Phát triển logistics tạo đà cho thâm nhập chuỗi cung ứng quốc tế

THS. TRẦN THỊ HOA LÝ (Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Việc Mỹ mời Việt Nam tham gia “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” và xu hướng chuyển dịch sản xuất, điều chỉnh hệ thống chuỗi cung toàn cầu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đã mang lại cơ hội phát triển chưa từng có cho nước ta. Tuy nhiên, để cơ hội to lớn này thành hiện thực, cần có nhiều yếu tố, nhất là việc có một hệ thống logistics mạnh mẽ và hiệu quả. Bài viết bàn về phát triển logistics tạo đà cho thâm nhập chuỗi cung quốc tế ở Việt Nam.

Từ khóa: Phát triển logistics, thâm nhập chuỗi cung quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Sau 3 năm triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực logistics và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ này đã đạt được những kết quả rất tích cực, cho thấy chủ trương, chính sách của Nhà nước là đúng đắn.

2. Những đột phá về chính sách trong lĩnh vực logistics

Không phải đến thời điểm này, Việt Nam mới nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống logistics đủ năng lực, hiệu quả và có chi phí thấp. Với nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu tỷ trọng lớn trong GDP, lĩnh vực logistics có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, logistics được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ với nhiều chủ trương, chính sách, nhất là ở các trung tâm đầu mối giao thương lớn. Đầu tư vào lĩnh vực logistics thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và có mức gia tăng mạnh mẽ. Riêng trong năm 2019, Bộ Chính trị đã có hai nghị quyết quan trọng cho Đà Nẵng và Hải Phòng, trong đó đặt mục tiêu phát triển thành các trọng điểm dịch vụ logistics. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tài đa phương thức. Bộ Công Thương với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về logistics đã ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics.

Hàng loạt điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm, đơn giản hóa và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo tiền đề cho lĩnh vực logistics phát triển trong tương lai.

3. Những chuyển biến về kết cấu hạ tầng logistics

Thời gian qua, nhiều dự án, công trình lớn trong lĩnh vực logistics đã được hoàn thành và được đưa vào khai thác, tạo kết nối hiệu quả giữa các vùng, nhất là các trung tâm sản xuất và đầu mối giao thương với quốc tế. Đến năm 2019, cả nước có 16 tuyến cao tốc với hơn 1.000 km. Hệ thống cảng biển với 281 cảng có tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm, trong đó các cảng đầu mối được nâng cấp có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 DWT, giúp kết nối trực tiếp với các thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Âu và châu Mỹ. Đội tàu biển có 1.568 chiếc, đứng thứ 4 ASEAN và cơ cấu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, hàng hóa vận chuyển đạt trên 81 triệu tấn, tăng 16% so năm 2018. Hệ thống cảng hàng không với 22 sân bay, trong đó có 11 cảng quốc tế và Việt Nam luôn được xếp trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không nhanh nhất thế giới. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư sân bay Long Thành tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khi hoàn thành sẽ là đầu mối logistics mang tầm khu vực và quốc tế.

Hệ thống trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan cũng chứng kiến sự gia tăng về số lượng và nâng cấp về công nghệ theo hướng hiện đại. Năm 2019, có thêm 6 trung tâm logistics lớn được khởi công và đưa vào vận hành. Kết cấu hạ tầng logistics cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng được nâng lên một bước, nhất là mặt hàng xuất khẩu về nông sản.

4. Sự phát triển của thương mại điện tử góp phần tăng trưởng thị trường logistics

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 nước, đứng thứ 3 trong ASEAN và trong top đầu của nhóm thị trường mới nổi. Tất cả các chỉ số đều được cải thiện đáng kể, đặc biệt là nhóm năng lực và chất lượng dịch vụ. Quy mô thị trường logistics của Việt Nam hiện khoảng trên 40 tỷ USD/năm và có mức tăng trưởng 14-16%/năm.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới trong dịch vụ chuyển phát. Nhiều doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử cũng đầu tư lớn vào xây dựng nền tảng công nghệ và hệ thống logistics, mở rộng quy mô kho bãi, tăng điểm phân phối hàng hóa. Nhiều DN nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối,… một cách chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Thị trường chuỗi cung ứng lạnh, kho lạnh được kỳ vọng có những bước phát triển mới.

Thời gian tới, thị trường logistics còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới được tạo ra bởi xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu và xu hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử, tự động hóa, từ đó giúp cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.

5. Một số hạn chế trong hoạt động logistics

Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp logistics, chủ yếu có quy mô nhỏ, trong đó khoảng 90% DN có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chỉ có 1% có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng; 50% số DN có loại hình công ty TNHH một thành viên. Những con số này cho thấy, năng lực và khả năng cạnh tranh của các DN logistics là rất thấp.

Lĩnh vực logistics đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao về nghiệp vụ, kỹ năng và tiếng Anh chuyên ngành. Trong khi đó, số lượng các cơ sở đào tạo logistics còn hạn chế và chất lượng đào tạo còn thấp, hiện có 28 trường đại học và 37 trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo chuyên ngành logistics. Các khảo sát đều cho thấy, sự thiếu hụt lớn về lao động của ngành này.

Ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin có vai trò quan trọng đối với chất lượng, khả năng kết nối và chi phí dịch vụ nhưng hiện còn rất hạn chế trong các DN. Các DN chỉ mới tập trung ở khâu khai báo hải quan và theo dõi, giám sát phương tiện.

Lợi thế kinh tế và tiềm năng logistics của các địa phương chưa được khai thác hết; khả năng kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin trong nước với quốc tế chưa cao. Một số chính sách chưa được kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù hoạt động logistics, còn tồn tại những thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành bất cập. Chi phí dịch vụ cao, bất cập phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt. Các dữ liệu về sự phát triển logistics không đồng bộ nên thiếu cơ sở quan trọng cho nghiên cứu, đánh giá chính xác về thực trạng để đề xuất cơ chế, chính sách, quy hoạch phù hợp.

6. Cơ hội mới và các gợi ý giải pháp

Đại dịch Covid-19 gây ra một cuộc khủng hoảng về kinh tế, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các nước thuộc nhóm G7 và Trung Quốc - những nền kinh tế lớn và đóng vai trò trụ cột trong chuỗi cung toàn cầu. Chỉ riêng các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Ý đã chiếm tới 60% GDP thế giới, 65% ngành chế biến chế tạo và 41% xuất khẩu các sản phẩm chế biến chế tạo thế giới. Dịch bệnh Covid-19 có tác động to lớn, làm đổ vỡ chuỗi cung ứng ở hầu hết các nước.

Các nước đều nhận thức rõ nguy cơ mất an ninh nếu phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường chính của Việt Nam đã có chiến lược rõ ràng về di chuyển chuỗi cung ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam được xem là một trong những điểm đến mới trong chiến lược của các nước. Việc Mỹ mời Việt Nam tham gia “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” là cơ hội lớn để kết nối với các chuỗi cung toàn cầu.

Việc tham gia EVFTA và Hiệp định CPTPP, sẽ là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào các nước thuộc Đông Á và ASEAN, gia tăng lợi thế trong tham gia các chuỗi cung mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.

Đây cũng là thời cơ để Việt Nam thúc đẩy, tăng cường hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng hóa sản phẩm có sức cạnh tranh cao, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, kết nối với chuỗi cung toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước trong khu vực để đón được dòng đầu tư chuyển dịch khỏi Trung Quốc. Do đó, Việt Nam phải khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để chủ động kêu gọi, đón nhận dòng đầu tư mới, trong đó việc phát triển được hệ thống logistics hiệu quả là tiêu chí quan trọng để nhà đầu tư “tính điểm” khi lựa chọn địa điểm.

Một số gợi ý ưu tiên chính sách cho thời gian tới:

Thứ nhất về cơ chế, chính sách.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan logistics. Nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế, phí, phụ phí đối với logistics, nhất là giao thông đường bộ và dịch vụ ở cảng.

Rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics để tăng cường phổ biến, khuyến cáo và có giải pháp phát triển logistics phù hợp. Xây dựng chiến lược, phương án đàm phán về dịch logistics trong các FTA mới. Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển logistics tại địa phương.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ. Đẩy mạnh áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp logistics.

Thứ hai về quy hoạch, chính sách đầu tư.

Tập trung rà soát quy hoạch bảo đảm đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển dịch vụ logistics. Chú trọng nâng cao tính kết nối hiệu quả giữa các trung tâm logistics với hệ thống cảng biển, giao thông để hình thành các luồng, tuyến vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về logistics của các địa phương.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất các ngành hàng, các địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại, trung tâm phân phối, công nghệ,… Khuyến khích xã hội hóa đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành Logistics, gắn với tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước; kết nối với các nước trong khu vực (kho bãi, giao thông, trung tâm phân phối trên các tuyến thương mại, hành lang kinh tế,…).

Tập trung sớm đầu tư xây dựng được các hệ thống logistics cho các ngành hàng chủ lực. Đầu tư các trung tâm logistics tại các trung tâm kinh tế, các địa phương có lợi thế kinh tế biển, thương mại biên giới. Hình thành các trung tâm logistics có chức năng thúc đẩy thương mại toàn cầu.

Thứ ba về phát triển thị trường.

Phát triển mạnh các sàn giao dịch logistics, hạ tầng logistics gắn với sự phát triển của thương mại điện tử. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics phát triển, liên kết dịch vụ, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Vận tải, phát triển loại hình vận tải đa phương thức, vận chuyển xuyên biên giới, quá cảnh; nâng cao tỷ trọng vận tải đường thủy, vận tải đường sắt, nâng cao năng lực xử lý vận tải hàng không. Nâng cao năng lực hàng hải, tăng tỷ trọng vận tải biển của doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư về nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ.

Nâng cao vai trò điều phối, tăng cường liên kết giữa các hiệp hội trong ngành. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN dịch vụ logistics; hỗ trợ DN nâng cao năng lực đàm phán, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan hoạt động logistics.

Hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các DN lớn về logistics, có chính sách thúc đẩy mua bán - sáp nhập. Khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng mô hình quản lý chuỗi cung tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực. Tích hợp sâu các dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ trong nước. Hình thành và nhân rộng mô hình KCN, KCX dựa trên nền tảng logistics.

Thứ năm về phát triển nhân lực và nghiên cứu.

Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh xây dựng dịch vụ trọn gói 3PL, 4PL. Thay đổi hành vi thương mại sang “bán CIF - mua FOB”. Tạo đột phá trong đào tạo nhân lực ngành Logistics, chú trọng liên kết với nước ngoài và hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nhân lực. Xây dựng các chương trình khoa giáo về logistics để hỗ trợ chuyên môn, kỹ năng.

Hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về logistics. Xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hoạt động logistics theo hướng tương thích với quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ, hình thành hệ sinh thái logistics. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thông kê và thu thập dữ liệu, phát triển cơ sở dữ liệu logistics theo hướng điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Thiết lập bộ chỉ số đánh giá; tiến hành xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ và doanh nghiệp logistics. Xây dựng báo cáo thường niên về logistics quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ, (2017), Quyết định số 200/QĐ-Ttg ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025.
  2. Bộ Chính trị, (2019), Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  3. Bộ Chính trị, (2019), Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  4. Chính phủ, (2020), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/1/2019 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
  5. Chính phủ, (2017), Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt Đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh.
  6. Bộ Công Thương, (2019), Quyết định số 708/QĐ-BCT ngày 26/3/2019 phê duyệt Kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics.

 Developing logistics to penetrate into global supply chains

Master. Tran Thi Hoa Ly

Electric Power University

ABSTRACT:

The invitation to join the "Prosperous Economic Network" from the United States and the trend of diversifying supply chains away from China are offering unprecedented development opportunities for Vietnam. However, it is important for Vietnam to have a strong and effective logistics system to seize these opportunities. This article is to discuss the logistics development in Vietnam in order to facilitate the country penetrate into global supply chains.

Keywords: Logistics development, penetrating into global supply chain.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2020]