Phát triển nhân lực quản trị ở một số địa phương và doanh nghiệp: Bài học cho doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên

ThS. NGUYỄN QUỐC PHÓNG (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên)

TÓM TẮT:

Hưng Yên là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển ngành Dệt may, với 2 khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp dệt may đóng trên địa bàn. Năm 2018, toàn tỉnh có tới 67 doanh nghiệp dệt và 153 doanh nghiệp may mặc. Nhu cầu về nhân lực đặc biệt là nhân lực quản trị rất lớn. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực quản trị, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp dệt may cần xây dựng chính sách phát triển nhân lực quản lý đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Thông qua bài học kinh nghiệm được tổng kết từ các địa phương tương đồng với Hưng Yên và các doanh nghiệp dệt may uy tín, bài viết này sẽ gợi ý một số giải pháp nhằm phát triển nhân lực quản trị cho doanh nghiệp dệt may tại tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới.

Từ khóa: Nhân lực quản trị, doanh nghiệp dệt may, tỉnh Hưng Yên.

1. Kinh nghiệm phát triển nhân lực quản trị ở một số địa phương Việt Nam

Một số địa phương có ban hành chính sách phát triển nhân lực quản trị cho các doanh nghiệp dệt may.

1.1. Tỉnh Nam Định

Dệt may là ngành sản xuất trọng điểm của tỉnh Nam Định - “cái nôi” của ngành Dệt may Việt Nam, với nhiều doanh nghiệp dệt may lớn “vang bóng một thời”, như: Tổng công ty Dệt may Nam Định, Công ty Cổ phần Dệt may Sông Hồng… Năm 2017, Nam Định đứng thứ 7/59 tỉnh, thành phố về thu hút FDI, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Nam Định đã xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn thời kỳ 2011-2020 với mục tiêu, giải pháp cụ thể. Kết quả, tỷ lệ nhân lực được đào tạo của Tỉnh đạt 60% năm 2015 và dự báo đạt 75% năm 2020.

 Một số chính sách để tỉnh Nam Định thực hiện mục tiêu:

Tập trung đầu tư nguồn lực, thực hiện ưu tiên phát triển các lĩnh vực đào tạo nhân lực trình độ cao, nhân lực kỹ thuật cho các ngành nghề mũi nhọn,… đặc biệt có chính sách hỗ trợ thiết thực cho cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh, như: Trường Vinatex, Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt - May Nam Định. Ngoài ra, Tỉnh còn thực hiện xây dựng đề án “Quy hoạch mạng lưới dạy nghề” với 12 trường đại học, cao đẳng và 58 trường trung cấp và trung tâm dạy nghề. Đội ngũ giảng viên giảng dạy được đảm bảo về chất lượng, đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, nhằm đáp ứng chất lượng nhân lực cung ứng cho địa phương.

Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, mục tiêu là cải cách thủ tục hành chính đã giúp hơn 480 doanh nghiệp, cơ sở dệt may với trên 70.000 lao động được bồi dưỡng cập nhật kiến thức về chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm, thuế… tạo những động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp vào KCN, cụm công nghiệp dệt may, như: KCN Dệt may Rạng Đông, cụm công nghiệp Thành Côi, Đồng Côi,… nhằm phát triển theo hướng khép kín quá trình sản xuất tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp dệt may.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính trong đào tạo nhân lực giúp nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý cho đội ngũ nhân lực quản trị như các khóa học ứng dụng công cụ thống kê trong quản lý, hệ thống quản lý ISO, Lean KPI, 5S, Kaizen…, qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp dệt may.

1.2. Tỉnh Hải Dương

Để thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, tỉnh Hải Dương đã xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 với quan điểm, mục tiêu, chương trình và giải pháp phát triển, cụ thể là ưu tiên cho thu hút nhân lực chất lượng cao hình thành đội ngũ nhân lực quản trị, xây dựng chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực ngay tại doanh nghiệp và chú trọng đến đào tạo nghề. Chính quyền Hải Dương đã đưa ra các giải pháp, bao gồm:

Triển khai chính sách thu hút chuyên gia và nhân lực trình độ cao: Chính sách về tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp; thực hiện cấp học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc theo học trong và ngoài nước với yêu cầu phải quay lại Hải Dương làm việc sau khi tốt nghiệp; xây dựng bổ sung cơ chế khuyến khích ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại dành cho người có trình độ cao…

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề chuẩn bị nguồn nhân lực quản trị. Hiện nay, Tỉnh có 48 cơ sở giáo dục và dạy nghề với 4 trường đại học, 4 trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm đào tạo nghề. Hải Dương chú trọng đầu tư nguồn lực cho đào tạo nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học trước khi tham gia vào thị trường lao động.

Tỉnh hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đào tạo các kỹ năng, như: kê khai và quyết toán thuế, nghiệp vụ quản lý BHXH, chính sách về thuế…; tổ chức các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gồm: tuyên truyền pháp luật cho người lao động, hội nghị tập huấn về lao động, an toàn vệ sinh lao động cho nhân lực quản trị của doanh nghiệp trên địa bàn.

1.3. Tỉnh Đồng Nai

Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai luôn ở mức cao, ổn định trong nhiều năm. Trong quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Đồng Nai được xem là trung tâm sản xuất dệt may của Việt Nam, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh, với 8 KCN được Chính phủ cho phép đầu tư, phát triển các nhà máy dệt may. Để duy trì tốc độ phát triển đạt được mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020, Đồng Nai xây dựng và ban hành nhiều chương trình, đề án phát triển nhân lực quản trị, doanh nhân với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, như: Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020; Đề án đào tạo và phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 do UBND Tỉnh thực hiện với quan điểm phát triển đội ngũ doanh nhân, nâng cao trình độ kiến thức toàn diện cho doanh nhân; Chương trình đào tạo sau đại học giai đoạn 2016-2020 do Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai chủ trì, tập trung vào đào tạo kỹ thuật và đào tạo sau đại học.

Thành lập quỹ phát triển nguồn nhân lực để hỗ trợ hoặc cho vay đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân phát triển nguồn nhân lực.

Chính sách tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nhân tìm hiểu quy hoạch khu, cụm công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng; các chính sách hỗ trợ liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển nhân lực.

Thực hiện chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức quản lý doanh nghiệp, kinh doanh, pháp luật… với nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, phù hợp với nhu cầu nâng cao kiến thức của người học; đảm bảo trang bị kiến thức lý luận, thực tiễn kinh doanh, quản trị điều hành doanh nghiệp… Đồng thời, xây dựng “sân chơi” cho những nhà quản trị có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao kiến thức và kỹ năng quản trị.

2. Kinh nghiệm phát triển nhân lực quản trị ở một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam

2.1. Tổng công ty May 10 (May 10)

May 10 là một doanh nghiệp có lịch sử phát triển lâu đời trong ngành Dệt may Việt Nam và luôn là một trong 10 thương hiệu ngành. Để đạt được kết quả này, May 10 luôn chú ý đến công tác phát triển nhân lực bằng các hoạt động, như: Thực hiện xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển đội ngũ nhân viên, cán bộ quản lý phù hợp với mục tiêu phát triển sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty. Trong đó, tập trung ưu tiên đào tạo chuyên gia về công nghệ, thị trường và công nhân lành nghề.

Phát triển nhân lực thông qua hợp tác đào tạo, chủ động thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo. May 10 với lợi thế có Trường Cao đẳng Nghề Long Biên,  nơi cung cấp nhân lực chất lượng về kỹ thuật may và thời trang, quá trình đào tạo gắn liền với thực tế, vừa học kiến thức vừa thực hành kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài ra, May 10 tổ chức đào tạo lớp học đặc biệt của dự án ODM với chương trình được thiết kế riêng đào tạo đội ngũ nhân lực quản trị và công nhân lành nghề những kiến thức quản lý, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong và thái độ làm việc hiệu quả được trang bị các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, năng lực phát huy nguồn lực nội tại… nâng cao chất lượng đào tạo cho học viên.

Tổ chức nói chuyện với các chuyên gia để trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức sản xuất. Thành lập bộ phận đào tạo nội bộ, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nhằm hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho người lao động.

Với đặc thù sản xuất sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, thao tác. May 10 đã phát triển các chương trình đánh giá rà soát cắt giảm các thao tác thừa trong sản xuất thông qua hoàn hiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, áp dụng mô hình quản trị tinh gọn vào quản lý. Cán bộ quản lý thực hiện ghi lại hình ảnh thao tác của công nhân trong quá trình sản xuất, sau đó tiến hành phân tích loại bỏ dần các thao tác thừa, hướng dẫn lại cho công nhân, bố trí chuyền sản xuất phù hợp để nâng năng suất.

Tổ chức các khóa học đào tạo kiến thức quản lý, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh giao tiếp cho đội ngũ nhân lực quản trị cán bộ các phòng ban, xí nghiệp và các đơn vị thành viên; đào tạo nâng cao bổ sung kiến thức nghiệp vụ (tiền lương, bảo hiểm, pháp luật…), đào tạo kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng phân tích xu hướng thời trang, kiến thức về LEAN, 5S...

2.2. Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội - Hanosimex

Hanosimex là doanh nghiệp sản xuất và cung ứng đồng bộ từ sợi - dệt - may với nhiều đơn vị thành viên được tổ chức sản xuất ở địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh... Để có đội ngũ nhân lực mạnh, Hanosimex thực hiện đồng bộ các giải pháp, đó là:

Xây dựng hệ thống chính sách quản trị nhân lực thống nhất từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên nhằm chuẩn bị đủ nhân lực đáp ứng chuỗi cung ứng sợi-dệt-may của Hanosimex tiến tới tổ chức sản xuất theo phương thức ODM.

Quan tâm đến hoạch định đào tạo cán bộ nguồn, nâng cao năng lực chủ động các kiến thức về ngành nghề và khả năng phân tích xu hướng của thị trường quốc tế.

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý linh hoạt theo vị trí công việc, chức danh. Xây dựng chương trình phát hiện cán bộ trẻ có năng lực, tâm huyết, nhằm thay thế lớp cán bộ cũ nghỉ chế độ hoặc cán bộ chuyển công tác.

Các chương trình đào tạo nhân lực quản trị từ cấp cao đến cấp cơ sở được thực hiện phù hợp theo nhóm đối tượng như đào tạo nâng cao ý thức, bảo quản sản phẩm, giữ gìn từng bản chế phẩm cho nhân lực quản trị cấp cơ sở, cán bộ kỹ thuật; tổ chức khóa học ngắn hạn hướng dẫn tổ trưởng sản xuất về cách quản lý, điều hành. Thực hiện cử nhân lực quản trị cấp trung và cấp cao tham gia lớp học giám đốc xí nghiệp dệt may, phân tích xu hướng thời trang và tham dự hội thảo về sản xuất tinh gọn (lean six sigma). Các chương trình đào tạo nội bộ như đào tạo kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý do trực tiếp Tổng giám đốc hướng dẫn, giảng dạy. Nội dung giảng dạy lý thuyết bám sát với thực tế sản xuất, chiến lược kinh doanh của Tổng công ty và tình hình hội nhập quốc tế kết hợp với tổ chức các buổi tham quan, học hỏi thực tế tại các doanh nghiệp lớn cùng ngành trong hệ thống Hanosimex hoặc Vinatex.

3. Một số bài học rút ra

Để nâng cao chất lượng nhân lực quản trị cho các doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên, trên cơ sở phân tích kinh nghiệm phát triển nhân lực quản lý ở một số địa phương và doanh nghiệp, tác giả nghiên cứu đề xuất một số bài học sau:

3.1. Về phía chính quyền địa phương

Nhận thức rõ vai trò của phát triển nhân lực đối với quá trình phát triển các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn.

Yêu cầu thực hiện phối hợp giữa các sở, ban ngành của địa phương trong triển khai chính sách phát triển nhân lực theo chiến lược quy hoạch của Chính phủ về phát triển nhân lực ngành Dệt may, chú trọng đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị như chính sách tiền lương, tiền thưởng, chế độ làm việc nhằm thu hút, giữ chân nhân lực có chất lượng làm việc tại tỉnh.

Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp dệt may đang đầu tư tại tỉnh cũng như các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư về đất đai, lao động, thuế, vay vốn… để doanh nghiệp dành nguồn lực phát triển nhân lực.

Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ tài chính cho cá nhân, doanh nghiệp vay, tài trợ trong đào tạo nhân lực quản trị nhằm phát triển trình độ chuyên môn quản lý, kiến thức chuyên ngành dệt may tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước.

Triển khai các chương trình đào tạo cập nhật những kiến thức mới về hội nhập quốc tế, công nghệ, quản lý kinh doanh, trang bị kiến thức giúp đội ngũ nhân lực quản trị có đủ tri thức trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

Đầu tư nguồn lực cho phát triển các trường đào tạo nghề dệt may tại địa phương như nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, khuyến khích các doanh nghiệp cùng phối hợp trong đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo.

Xây dựng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp dệt may như Phố Nối A, B, hướng tới hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín giữa các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp hoặc giữa các KCN trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

3.2. Về phía các doanh nghiệp dệt may

Lãnh đạo doanh nghiệp dệt may có nhận thức rõ về vai trò của phát triển nhân lực quản trị đối với sự phát triển bền vững của mình. Qua đó, chỉ đạo việc xây dựng các chính sách trong thú hút, tuyển dụng, phát triển nhân lực. Lãnh đạo doanh nghiệp vừa là người truyền cảm hứng, vừa là người trực tiếp đào tạo phát triển nhân lực cấp dưới.

Xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển nhân lực quản lý phù hợp với chiến lược, đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị, đáp ứng nhu cầu nhân lực quản trị đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Chính sách phát triển nhân lực cần được thực hiện từ khi nhân lực quản trị được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm, điều này giúp nhà quản trị biết được lộ trình thăng tiến và yêu cầu phát triển bản thân.

Doanh nghiệp ưu tiên phát triển nhân lực quản trị thông qua hoạt động đào tạo nội bộ, quá trình đào tạo gắn với công việc cụ thể nhằm nâng cao khả năng rèn luyện, tích lũy kiến thức, tăng cường kỹ năng, kinh nghiệm cho công việc quản lý sau này. Kết hợp giữa tổ chức đào tạo nội bộ với mời chuyên gia về giảng dạy tại đơn vị, nhằm bổ sung các phương pháp quản trị hiện đại cho nhà quản trị.

Các doanh nghiệp dệt may cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn năng lực cho các vị trí quản lý theo vị trí công việc hoặc chức danh công tác làm cơ sở để thực hiện đánh giá chất lượng công việc của nhà quản trị. Từ đó, xây dựng yêu cầu, nội dung kiến thức, kỹ năng đào tạo bồi dưỡng.

Doanh nghiệp phải đầu tư tài chính cho xây dựng chương trình, lựa chọn phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhân lực quản trị phù hợp với đặc điểm đối tượng và vị trí chức danh công tác.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. BSC (2017), Báo cáo Phân tích doanh nghiệp Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Hà Nội.
  2. Diễn đàn Hanosimex (2014), Bản tin nội bộ Tổng công ty Dệt may Hà Nội, Hà Nội.
  3. Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai (2017), Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình đào tạo sau đại học giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai.
  4. UBND tỉnh Đồng Nai (2016), Báo cáo Tình hình thực hiện 5 năm (2011-2015) quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020, Đồng Nai.
  5. UBND tỉnh Hải Dương (2016), Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 tỉnh Hải Dương, Hải Dương.
  6. UBND tỉnh Nam Định (2016), Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, Nam Định.

 

DEVELOPING HUMAN RESOURCE ADMINISTRATION

IN A LOCAL REGION AND ENTERPRISES:

LESSONS FOR TEXTILE BUSINESS IN HUNG YEN

NGUYEN QUOC PHONG

Hung Yen University of Technology and Education

ABSTRACT:

Hung Yen is a province with favorable conditions in textile and garment industry development, with 2 industrial zones and many textile industrial clusters located in the area. In 2018, there were 67 textile enterprises and 153 garment enterprises. The demand for human resources, especially administrative resources, is very large. To improve the quality of management human resources for local government and textile enterprises, it is necessary to develop policies to ensure both quantity and quality of administrative human resources. Through the lessons drawn from similar localities like Hung Yen and reputable textile enterprises, the study suggests some solutions to develop management human resources for textile enterprises in Hung Yen in the coming time.

Keywords: Development, human resource management, textile.