Phương thức thương mại mới : cánh cửa mới cho nông sản địa phương

Sàn giao dịch hàng hóa và Kênh thương mại điện tử là những phương thức giao dịch mà bên bán, bên mua được tổ chức trung gian cung cấp thông tin ngang nhau, đủ để ra những quyết định cần thiết

Nông dân thua thiệt

3 tỉnh Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng mà Đoàn công tác Bộ Công Thương đến làm việc đầu tháng 4 vừa qua là những địa phương có thế mạnh về cây công nghiệp và hàng nông sản. Nhưng khi đề cập tới “cây, con” trên địa bàn, lãnh đạo các địa phương đều bày tỏ sự hẫng hụt so với kỳ vọng. Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, Nguyễn Văn Lợi lo lắng: “ Sản lượng hồ tiêu khoảng 30 ngàn tấn, nhưng năm rồi chỉ thu mua được 5-7 ngàn tấn, số còn lại nông dân tự phải tìm cách tiêu thụ”. Bí thư Tỉnh ủy Đăk Nông Lê Diễn thẳng thắn chia sẻ: “Nông sản xuất khẩu của tỉnh phần lớn sơ chế, giá trị gia tăng không cao”. Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, Phạm S. cho biết: “Địa phương có thành phần nông sản xuất khẩu đứng đầu cả nước, nhưng tỉ lệ xuất khẩu nông sản so với tổng giá trị sản lượng vẫn thấp, chỉ khoảng 18-20%”.

a
Trồng hoa trong nhà kính tại một trang trại ở Đà Lạt

 

Cuối cùng, nông dân vẫn là người thua thiệt. Vấn đề cơ bản nhất là do “thông tin bất đối xứng”, bên mua (đầu mối thu mua) thường nắm nhiều thông tin hơn về giá cả, nguồn cung, nhu cầu. Còn bên bán (nông dân) vẫn là bên yếu thế khi dự đoán nhu cầu thị trường, nên phần lớn giá cả và phương thức giao dịch do bên mua quyết định.

Nông dân không chỉ chịu thua thiệt về giá thấp, mà đáng quan tâm hơn, đã xuất hiện trạng thái tâm lý bất an, tính bấp bênh của mùa vụ nông sản. Vì thế, mới xảy ra tình trạng người nông dân chặt cây này để trồng cây khác; chạy đua theo thời gian, thấy “cây, con” gì đang cho lãi tranh thủ làm ngay với kỳ vọng hớt được những lớp “váng” đầu tiên trước khi bị bão hòa. Cái vòng luẩn quẩn này đang tạo nên hiện tượng “được mùa mất giá” nhiều năm nay. Ví dụ điển hình nhất là, theo quy hoạch, đến 2020 Đăk Nông có diện tích hồ tiêu 15 ngàn ha, nhưng thực tế, đến 2018 đã đạt trên 34 ngàn ha. Hậu quả là trong 3 tháng đầu năm, giá hồ tiêu trên địa bàn giảm sâu xuống còn 43 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 43% so với cùng kỳ năm 2018, và  bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2017. Hoặc như ở Bình Phước, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ tiêu năm nay, khoảng 1.000 ha hồ tiêu nhiễm bệnh, chết nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do vài năm trở lại đây, giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân không mặn mà chăm sóc cây trồng.

Dù “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”, thì nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi nhất do “thông tin bất đối xứng” - họ không làm chủ được thông tin như các đầu mối thu mua.

Cánh cửa mới

Ngoài cân đối về cung cầu, để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, cần có giải pháp giúp bên mua, bên bán có thông tin (giá cả, cung-cầu…) tương đối ngang nhau. Chính vì thế, trong khi định hướng những giải pháp tổng thể hỗ trợ Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dành nhiều thời gian khuyến khích các địa phương quan tâm đến những hình thức thương mại mới gắn với tiêu thụ nông sản tại địa phương như Sàn giao dịch hàng hóa hay Kênh thương mại điện tử.

a
Buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và tỉnh Bình Phước

 

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 51 về hoạt động mua bán qua Sở giao dịch  hàng hóa; sàn giao dịch nước ta được kết nối với sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới. Đây chính là phương thức mà Bộ Công Thương hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh bán hàng hóa, nông sản ra thế giới. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Sở giao dịch hàng hóa nước ta về các địa phương bồi dưỡng kỹ năng cho các doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ địa phương trong thu hút nhà đầu tư cho chế biến nông sản; đưa các nhà đầu tư có tiềm năng làm việc với địa phương về xây dựng hạ tầng thương mại, xây dựng chợ đầu mối nông sản; quy hoạch vùng nguyên liệu; giúp địa phương tiếp cận với đối tác có nghệ lớn trong tạo giống, canh tác, bảo quản, đóng gói; cung cấp thông tin và giải pháp về hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản, đặc biệt là những quy định về truy xuất nguồn gốc của các FTA thế hệ mới.

Các đơn vị thuộc Bộ đã trình bày về cách thức hỗ trợ địa phương. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh, Đà Lạt phải xây dựng được chợ đầu mối mang tiêu chuẩn hiện đại để từ đây nguồn hàng nông sản sạch của Đà Lạt đi cả nước; Vụ Thị trường trong nước sẽ làm việc với Hiệp hội chợ đầu mối quốc tế để hỗ trợ Đà Lạt xây dựng chợ đầu mối đạt chuẩn. Đồng thời, Bộ Công thương sẽ làm việc với các sàn giao dịch nông sản lớn trên thế giới để hỗ trợ Lâm Đồng. Sau khi có sàn giao dịch rồi, nông sản Lâm Đồng dễ dàng kết nối được với các sàn giao dịch khác trên thế giới.

Ông Nguyễn Thế Quang, Cục phó Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế (Bộ Công thương) cho biết, cần phải  đưa nông sản các địa phương đi xa hơn thông qua những kênh thương mại điện tử lớn, như Amazon là một ví dụ. Thương mại điện tử sẽ mở những con đường ngắn hơn để đưa nông sản địa phương ra khỏi thị trường Việt Nam.

Đối với hoạt động kết nối với các kênh phân phối, Vụ trưởng Trần Duy  Đông cho biết, trong chuyến thăm của Thủ tướng tới Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận với Chủ  tịch Tập đoàn Aeon, doanh nghiệp này sẽ mua hàng của Việt Nam với số lượng là 500 triệu USD/năm. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Lâm Đồng đưa tuần lễ hàng Đà Lạt vào Aeon.

Sàn giao dịch hàng hóa và Kênh thương mại điện tử là những phương thức giao dịch mà bên bán, bên mua được tổ chức trung gian cung cấp  thông tin ngang nhau, đủ để ra những quyết định cần thiết

Thường Tín