Quản lý đất nghĩa trang, nghĩa địa - Thực trạng và giải pháp

PGS.TS. DOÃN HỒNG NHUNG (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) và TRẦN NGỌC TRÚC QUỲNH (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Nhìn lại tiến trình lịch sử của Việt Nam từ hàng nghìn năm nay, việc sử dụng đất không chỉ là nhu cầu tối thiết đối với người sống mà ngay cả đối với người đã khuất cũng không kém phần quan trọng. Bài viết phân tích cơ sở pháp lý về quản lý đất nghĩa trang, nghĩa địa, từ thực trạng đến đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật hơn.

Từ khóa: Quản lý đất, đất nghĩa trang, đất nghĩa địa, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, khái niệm về đất nghĩa trang, nghĩa địa lại không được phân định rõ ràng mà thường được quy về một mối là nơi an nghỉ của người đã khuất, hay còn có tên là “bãi tha ma” như quan niệm tâm linh của đa số người dân. Tuy nhiên trong khi đất nghĩa trang là khái niệm chỉ những phần đất được quy hoạch tập trung phục vụ mục đích chôn cất thì đất nghĩa địa là đất tuy cùng chung mục đích nhưng lại không có sự quy hoạch rõ ràng, còn rải rác, manh mún và tự phát là nhiều. Chính vì vậy, việc bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nghĩa trang nhằm phát huy truyền thống văn hóa, thỏa mãn nhu cầu về tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâu dài trong tương lai.

2. Cơ sở pháp lý về quản lý đất nghĩa trang, nghĩa địa

Quản lý đất nghĩa trang là một dạng quản lý đặc biệt mang tính văn hóa tâm linh sâu sắc do cơ quan Nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân thực hiện nhằm đạt được mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường, thỏa mãn nhu cầu về việc an táng của nhân dân và giữ được những phong tục tập quán tốt, văn minh, hiện đại. Sử dụng đất nghĩa trang là việc dùng quỹ đất để táng người đã chết (để xây các mộ phần, khu lưu trữ tro) và xây dựng các công trình phục vụ việc táng (nhà tang lễ, đài tưởng niệm, nhà hỏa táng, đường, hệ thống xử lý rác, nước thải,...). Việc táng người đã chết được tích tụ từ đời này qua đời khác, nếu không được quy hoạch và sử dụng một cách hợp lý thì việc lãng phí đất, ô nhiễm môi trường là tất yếu và nguy cơ thiếu đất cho người đang sống là điều dễ xảy ra trong tương lai không xa. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, quỹ đất đòi hỏi phát triển đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp cũng theo đó mà tăng theo thời gian, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp và diện tích đất dành cho nghĩa trang, nghĩa địa cũng bị ảnh hưởng, phải di dời sang vị trí khác, hoặc phải quy hoạch tập trung trên một diện tích nhỏ hơn. Do vậy, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết về mặt áp dụng pháp luật liên quan, công tác quản lý bị buông lỏng sẽ dẫn tới việc sử dụng đất nghĩa trang bừa bãi, tạo nên rào cản không đáng có cho sự phát triển kinh tế - xã hội và gây ra những bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân.

Trên cơ sở quy định tại Điều 162 Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về Xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng đã quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa. Theo đó, tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được khuyến khích nhằm phục vụ cho nhiều địa phương, việc sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm góp phần tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.

Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 cũng quy định về việc táng được thực hiện trong các nghĩa trang, theo đó, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của UBND các cấp theo phân cấp của UBND cấp tỉnh. Đồng thời, việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại. Vấn đề vệ sinh trong mai táng, hỏa táng và vệ sinh trong xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng luôn được chú trọng và yêu cầu thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

3. Thực trạng quản lý đất nghĩa trang, nghĩa địa

Tuy pháp luật về nghĩa trang, nghĩa địa đang trong quá trình hoàn thiện và nhận được sự quan tâm, quản lý từ phía các cơ quan có thẩm quyền nhưng do quá trình hành pháp chưa thực sự hiệu quả dẫn đến sự “hỗn loạn” trong công tác phân bổ, quản lý cả về quỹ đất lẫn hình thức táng tại các địa phương. Đơn cử như sự việc UBND thị trấn Thanh Thủy tổ chức thu tiền mai táng tại nghĩa trang Bãi Bằng trên danh nghĩa “xã hội hóa” với mức phí là 3,5 triệu đồng. Theo như phản ánh từ phía người dân trên địa bàn, từ năm 2017, người dân muốn chôn cất người thân đã khuất tại nghĩa trang Bãi Bằng phải nộp mức phí là 3,5 triệu đồng trên danh nghĩa “Thu tiền ủng hộ nghĩa trang Bãi Bằng”[1] (nội dung được ghi nhận trên phiếu thu mà người nộp nhận lại từ phía cán bộ của UBND thị trấn Thanh Thủy). Đây là nghĩa trang mới được UBND thị trấn Thanh Thủy cải tạo, khai thác theo hình thức xây dựng, ngăn ngôi trong vòng 3 năm trở lại đây. Mặc dù không nhận được sự đồng thuận của đa số người dân về việc thu phí, UBND thị trấn vẫn tiến hành việc “bán” nơi chôn cất và ra các quy định về quản lý, đóng góp tại nghĩa trang. Khi được yêu cầu giải trình, đại diện Ban lãnh đạo UBND thị trấn từ chối đưa ra lời giải thích xác đáng cho việc “xã hội hóa” khu mai táng, tất cả mới chỉ là Đề án dưới dạng văn bản chưa có sự chấp thuận của cơ quan cấp trên mà cụ thể là UBND huyện Thanh Thủy. Bên cạnh đó, mặc dù UBND thị trấn đã thu tiền của hàng trăm hộ gia đình nhưng cơ sở hạ tầng của khu nghĩa trang vẫn chưa có sự đồng bộ, hệ thống thoát nước và thu gom rác thải vẫn còn lộn xộn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là nguồn nước ngầm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân khu vực xung quanh.

Cũng được đề cập đến như một dự án xây dựng và quản lý đất nghĩa trang nghĩa địa điển hình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là dự án Công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng (hay còn được gọi là Thiên Đức Vĩnh Hằng viên) đã bộc lộ một số mặt trái sau thời gian được khai thác sử dụng trên địa bàn tỉnh. Trước hết, dự án này được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vĩnh viễn với mục đích xây dựng một công viên nghĩa trang hiện đại thuộc địa phận 3 xã Bảo Thanh, Phú Lộc và Trung Giáp của huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Thiên Đức Vĩnh hằng viên được quảng cáo là công trình với phong cảnh sơn thủy hữu tình được bao quanh bởi núi Nghĩa Lĩnh, Đền Hùng và dãy Tam Đảo là một trong “tứ đại Long Mạch” của Việt Nam. Hiện công trình được triển khai xây dựng theo các giai đoạn. Giai đoạn 1, Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên được quy hoạch với diện tích 90 hecta và hiện nay tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2 với quy mô 81,4 hecta. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã lộ rõ nhiều bất cập và gây nên bức xúc, lo lắng cho người dân sinh sống xung quanh dự án[2]. Qua tiếp xúc và phản ánh từ đơn thư khiếu nại của một số người dân xung quanh khu vực công trình này, về ban đêm họ ngay ngửi thấy mùi khét nồng nặc bốc lên và ảnh hưởng trực tiếp tới nơi sinh sống của người dân. Ngoài ra, ở một số khu vực giáp ranh dự án đã ghi nhận tình trạng nước thải của khu nghĩa trang xả và chảy ra ruộng lúa, đất bùn đỏ trên cao dùng để tạo núi nhân tạo cũng vùi lấp một phần diện tích đất sản xuất của người dân, khiến người dân gặp khó khăn trong canh tác. Bên cạnh đó là tình trạng đơn vị chủ quản sử dụng thuốc diệt cỏ để làm xanh phần cỏ trong khu vực dự án làm cháy xém và chết một phần hoa màu. Một vấn đề nữa liên quan đến nghĩa trang này là vấn đề nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên tự thỏa thuận để mua đất của dân[3]. Qua làm việc với một số lãnh đạo xã có liên quan, được biết, hiện nay ở 3 xã Phú Lộc, Trung Giáp, Bảo Thanh, đã có rất nhiều người dân bán ruộng cho chủ đầu tư với giá từ 35 triệu đồng/một sào mà riêng số diện tích người dân ở xã Trung Giáp đã bán khoảng 4 hecta.

          Theo quy định của pháp luật hiện hành, dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng Phú Thọ của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bách Việt không thuộc đối tượng chủ đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 62, Luật Đất đai năm 2013. Do đó, nếu có việc chuyển nhường quyền sử dụng đất giữa người dân với chủ đầu tư là không đúng quy định. Bên cạnh đó, việc xử lý nguồn rác thải từ khu vực nghĩa trang và sử dụng các chất bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng tới môi trường dân cư cũng là một vấn đề đáng lưu tâm, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với các dự án khai thác, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa của các đơn vị tư nhân.

          Cũng liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa và các dịch vụ mai táng là vụ việc đối tượng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản, liên quan đến dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình từ nhiều năm trở lại đây. Từ cuối năm 2017, Đường  “Nhuệ” thành lập Hiệp hội Tang lễ Thái Bình và chèn ép, buộc Công ty Thành Phát - là doanh nghiệp làm dịch vụ hỏa thiêu phải dừng hoạt động để nhóm của Đường độc quyền làm dịch vụ này tại Thái Bình[4].  

Lý giải cho việc này là sự thiếu thống nhất trong công tác quản lý đất nghĩa trang, nghĩa địa, đất xây dựng lò hỏa thiêu nói chung cũng nhưng việc phân bổ, xây dựng các đài hỏa thiêu phục vụ nhu cầu ở địa phương nói riêng. Đối tượng Đường “Nhuệ” đã lợi dụng những sơ hở chưa được cải thiện trong công tác quản lý về việc hỏa táng tại địa phương để thu lợi bất chính. Mặc dù quy định về các hình thức mai táng đã được quy định trong các văn bản pháp luật về đất nghĩa địa, nghĩa trang nhưng khi đi vào thi hành vẫn gặp những bất cập trong hệ thống thông tin và đồng bộ giữa các địa phương cũng như sự kết nối giữa các cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề quản lý.

Mặc dù hệ thống pháp luật đã có những quy định cụ thể về đất nghĩa trang, nghĩa địa, tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc áp dụng pháp luật tới từng địa phương lại bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong công tác việc quy hoạch, quản lý và sử dụng. Việc phân bổ, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự đồng bộ gây nên việc lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và mỹ quan. Chính vì vậy, để việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa đạt hiệu quả, đảm bảo sự ổn định, việc hoàn thiện pháp luật là vô cùng cần thiết trong thời gian hiện nay và tương lai sau này.

4. Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị

4.1. Giải pháp

Để việc quản lý đất nghĩa trang được thực sự có hiệu quả và đạt được những mục tiêu đặt ra, cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng đất nghĩa trang làm cơ sở pháp lý cho việc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang, quy hoạch xây dựng chi tiết các nghĩa trang, đảm bảo sử dụng đất nghĩa trang hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường và phù hợp với phong tục, tập quán tốt của địa phương.

Thứ hai, xây dựng quy chế mẫu về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang với khung nhất định về nội dung buộc UBND các cấp khi ban hành quy chế trên địa bàn phải đảm bảo khung nội dung cơ bản này.

Thứ ba, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa mang tính chất liên vùng.

Thứ tư, bổ sung quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa đã được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức tư nhân xây dựng nghĩa trang, ngoại trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho các mục đích an ninh quốc phòng, công cộng theo quy định pháp luật.

Thứ năm, tạo cơ chế thực thi nghiêm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng đất làm nghĩa trang, nghĩa địa ở các cấp, các địa phương, đảm bảo các văn bản được thực thi có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, ban hành khung giá một số dịch vụ cơ bản tại các nghĩa trang để làm cơ sở cho các nghĩa trang xây dựng giá dịch vụ, tránh tình trạng thu phí dịch vụ quá cao.

Thứ sáu, xây dựng hệ thống đăng ký mộ, tiến hành cấp thẻ mộ cho thân nhân của người chết táng tại tất cả các nghĩa trang để đảm bảo quyền của các gia đình trong thời gian táng người thân cũng như khi Nhà nước thu hồi đất (tránh trường hợp mộ giả), phục vụ công tác quản lý, thống kê. Đóng cửa các khu nghĩa trang, nghĩa địa hết khả năng táng nhưng vẫn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, ban hành quy mô diện tích tối thiểu của một nghĩa trang làm cơ sở cho việc di rời các nghĩa trang, nghĩa địa nhỏ lẻ, các mộ chí rải rác vào các nghĩa trang tập trung.

Thứ bảy, Nhà nước nên sử dụng công cụ tài chính (thông qua hệ thống thuế) để điều tiết thị trường quyền sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng trong sử dụng đất, hướng người dân đến việc lựa chọn và sử dụng những phương thức táng mới văn minh, hiện đại, chi phí thấp và tiết kiệm đất.

4.2. Kiến nghị về quy hoạch đất

Đối với quy hoạch sử dụng đất

Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm nghĩa trang, cần tiến hành thu thập các số liệu cần thiết như tỷ lệ tử vong, hiện trạng nghĩa trang, nghĩa địa, phong tục tập quán táng ở địa phương, định mức đất,... để tính toán nhu cầu sử dụng đất làm nghĩa trang sát với thực tế, tránh tình trạng quy hoạch dự phòng mang tính hình thức và ít có giá trị trong thực tiễn như thời gian trước đây.

Đối với quy hoạch xây dựng nghĩa trang

Quy hoạch địa điểm nghĩa trang là một nội dung của quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Khi phê duyệt các quy hoạch này, cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ:

Một là, xây dựng nghĩa trang đúng với quy hoạch sử dụng đất được duyệt;

Hai là ,xây dựng nghĩa trang hoàn chỉnh, đồng bộ (hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình nhà hỏa táng, nhà lưu giữ tro cốt, các công trình phục vụ, các công trình khác có liên quan), xác định công nghệ táng đảm bảo nhu cầu sử dụng trước mắt và lâu dài, đáp ứng đủ cho hoạt động và vận hành của nghĩa trang theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất và kinh phí xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

Ba là, đánh giá tác động môi trường trong vận hành nghĩa trang: Quy định mật độ, khoảng cách và đường đi ngăn cách giữa các lô, phân khu và giữa các mộ phần để thuận tiện cho việc viếng thăm.

Việc quy hoạch hàng quán và giới thiệu sản phẩm phục vụ tang lễ, nông sản địa phương, lán trú mưa nắng  ... trong khu vực nghĩa trang để đảm bảo sự tôn nghiêm và thành kính;

Việc thu gom rác thải nguy hại: nến cốc đã sử dụng, đài phát tụng kinh, pin năng lượng mặt trời để chạy đài tụng kinh, cây cỏ dại .... nếu không được thường xuyên thu gom, xén tỉa có nguy cơ gây sát thương, gây độc hại cho người viếng thăm và cán bộ, công nhân làm nhiệm vụ quản trang;

Bốn là, quy định về kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ, hướng mộ, các yêu cầu đối với thiết kế công trình trong nghĩa trang;

Đối với việc cải tạo nghĩa trang

Các nghĩa trang phải được cải tạo khi vẫn còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Xác lập ranh giới nghĩa trang theo quy hoạch đã được phê duyệt (nếu chưa có), cải tạo nâng cấp, phân lô các công trình hạ tầng, kĩ thuật trong nghĩa trang, đồng thời kết hợp trồng cây xanh bao quanh, cây xanh trong nghĩa trang;

Đối với việc di chuyển nghĩa trang

Di chuyển nghĩa trang trong trường hợp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng mà không có khả năng khắc phục.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Mạnh Tùng (2020). Phú Thọ: Núp bóng 'xã hội hóa', thu tiền mai táng trái phé. < https://giadinhvaphapluat.vn/phu-tho-nup-bong-xa-hoi-hoa-thu-tien-mai-tang-trai-phep-p73332.html>

[2]Phú Thọ: Người dân quanh Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên bất an vì mùi 'lạ'. < https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/phu-tho:-nguoi-dan-quanh-thien-duc-vinh-hang-vien-bat-an-vi-mui-la-43867.html>

[3]Phú Thọ: Có hay không việc nghĩa trang Thiên Đức mua đất ‘chui’ của dân? <https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/phu-tho:-co-hay-khong-viec-nghia-trang-thien-duc-mua-dat-chui-cua-dan-44088.html>

[4]'Đếm' người chết thu tiền bảo kê, Đường 'Nhuệ' bị khởi tố. <https://thanhnien.vn/thoi-su/dem-nguoi-chet-thu-tien-bao-ke-duong-nhue-bi-khoi-to-1214629.html>

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
  2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Báo cáo thống kê hiện trạng sử dụng đất đai cả nước chia theo các vùng địa lý tự nhiên - kinh tế.
  3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Quyết định số 3873/QĐ-BTNMT ngày 25/12/2018 về việc phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2017.
  4. Bộ Y tế (2009), Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 về Hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.
  5. Chính phủ (2005), Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về Hướng dẫn các quy định của Luật Xây dựng về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng; về điều kiện đối với tổ chức và cá nhân thiết kế quy hoạch xây dựng.
  6. Chính phủ (2007), Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26/01/2007 về Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sỹ.
  7. Chính phủ (2008), Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
  8. Chính phủ (2016), Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về Xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.
  9. Quốc hội (1987), Luật Đất đai năm 1987.
  10. Quốc hội (1993), Luật Đất đai năm 1993.
  11. Quốc hội (2003), Luật Đất đai năm 2003.
  12. Quốc hội (2013), Luật Đất đai năm 2013.
  13. Quốc hội (2014), Luật Xây dựng năm 2014.
  14. Quốc hội (2009), Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
  15. Thủ tướng chính phủ (2010), Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 09/04/2020 về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  16. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ (2014), Quyết định số: 21/2014/QĐ-UBND ký ngày 10/09/2014 về việc Ban hành Quy định cụ thể một số nội dung về quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
  17. Ủy ban Thường vụ quốc hội (2019), Nghị quyết số 828/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ.
  18. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ (2019), Kế hoạch số 6017/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết số 828/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Phú Thọ.
  19. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ (2014), Quyết định số 3076/QĐ-UBND về việc phê duyện Quy hoạch tổng thể nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030.
  20. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ (2014), Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 10/9/2014 về việc Ban hành Quy định cụ thể một số nội dung về quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
  21. Bùi Thị Hồng Quyên (2019), Pháp luật về đất nghĩa trang, nghĩa địa và thực tiễn thi hành tại tỉnh Phú Thọ, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  22. Phạm Phương Nhung (2016), Đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa tại Thành phố Huế, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Nông Lâm Huế.
  23. Lê Thị Phúc (2014), Pháp luật về quy hoạch sử dụng đất qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Luận án tiến sỹ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  24. Nguyễn Hữu Ngữ, Nguyễn Thành Quốc (2014), Đánh giá thực trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa tại thành phố Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.
  25. Vũ Thị Ngọc Hiền (2010), Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sỹ khoa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

THE CEMETERY LAND MANAGEMENT:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Assoc.Prof.Ph.D DOAN HONG NHUNG

School of Law, Vietnam National University - Hanoi

TRAN NGOC TRUC QUYNH

National Economics University

ABSTRACT:

For thousands of years, the use of land is an important issue for both the living and the dead. This paper analyzes regulations of land management of cemeteries, thereby proposing some solutions to improve the effectiveness of these regulations.

Keywords: Land management, cemetery land, law.