Quản lý hóa chất: đừng mất bò mới lo làm chuồng

Hiện nay, có khoảng 100.000 chất đang được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng 8.000 hóa chất thương phẩm thuộc loại độc hại và mỗi năm có thêm khoảng 1.000 hóa chất mới được ra đời. Ở Việt Nam, lượng hóa chất sử dụng hàng năm lên tới hơn 9 triệu tấn.

Từ vụ cháy Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng đông cho thấy, việc quản lý rủi do trong sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hóa chất là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

 

Đây cũng là nội dung mà Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam thuộc Hội Hóa học Việt Nam đưa ra tại Hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hóa chất vào trung tuần tháng 9 vừa qua. Hội nghị đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hóa chất trên cả nước.

Ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam cho biết: Quản lý rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hóa chất là một trong những công tác giúp phát triển bền vững của doanh nghiệp và có một ý nghĩa hết sức to lớn đến trách nhiệm cộng đồng xã hội và bảo vệ môi trường xanh bền vững.

 Khu vực lò đốt của Nhà máy phân lân nung chảy Văn Điển
Khu vực lò đốt của Nhà máy Phân lân nung chảy Văn Điển

 

Hầu như tất cả doanh nghiệp đều đang sử dụng ít nhất một loại hoá chất nào đó, doanh nghiệp nhiều có thể lên tới vài chục loại hoá chất khác nhau. Lượng và loại hoá chất trong từng ngành sản xuất công nghiệp là khác nhau, chẳng hạn sản xuất giấy cần các loại hoá chất như NaOH, NaCO­­­3, H2O2, Al32(SO4)3.18H2O, ClO2, Cl2,CaO, NaSiO3 (hoá chất khử mực), Na2O4S2… với lượng từ 70 – 150 kg/tấn sản phẩm.

Để phòng ngừa các nguy cơ mất an toàn và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hòa chất thì yêu cầu bức thiết đặt ra cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này trước hết phải có đầy đủ kiến thức, nắm rõ tính chất nguy hiểm và phương pháp bảo quản đảm bảo an toàn cho loại hóa chất mà mình cung cấp, tàng trữ, sử dụng.

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, phòng ngừa sự cố rủi ro hóa chất bao giờ cũng hiệu quả, ít tốn kém hơn so với giải quyết các sự cố. Bởi thế, nhiều doanh nghiệp thường mời các chuyên gia, cố vấn tăng cường các buổi diễn tập thực địa nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất những rủi ro tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tác động trực tiếp tới tính mạng người dân, cũng như gây thiệt hại kinh tế, môi trường sống xung quanh.

Đại diện Công ty CP Phân Lân nung chảy Văn Điển cho biết, trong quá trình sản xuất phân lân nung chảy có phát sinh ra một số khí như  CO, CO2, HF, H2S... trong đó CO, HF là đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Trong quặng Apatít có chứa một hàm lượng nhỏ quặng Fe, Ni, khi nung nóng và tác dụng với C, CO để tạo ra Fe, Ni nguyên chất. Nếu xảy ra hiện tượng tích tụ Fe, Ni khi tháo ra khỏi lò và làm lạnh đột ngột bằng nước sẽ gây nổ. Nếu vi phạm quy trình, có thể gây tai nạn lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Vì vậy, Công ty phải kiểm tra tính toán phối liệu, chế độ thao tác phù hợp để không gây ra đột biến tăng cao về hàm lượng Niken trong quá tình nung luyện; không vận hành lò ở chế độ thiếu gió cục bộ tạo phản ứng cháy sinh CO trong lò, trong khi khu vực khác gió lại leo biên lò nung làm dư khí có Ô xy gây phản ứng nổ. Tuyệt đối tuân thủ nội quy quy trình vận hành thao tác cửa ra liệu. Ra liệu ở lò cao phải thường xuyên lấy liệu Fe, Ni ra ngoài phòng nổ. Làm các máng lồng bảo vệ công nhân ra liệu. Thiết kế, lắp đặt các van phòng nổ, van an toàn, van một chiều trên hệ thống lò nung, tháp thu hồi bụi, hấp thụ khí và Lò đốt CO để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động khi xảy ra nổ CO.Trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho người vận hành

Hệ thống bảo vệ bồn chứa Amoniac của Nhà máy Đạm Ninh Bình
Hệ thống bảo vệ bồn chứa Amoniac của Nhà máy Đạm Ninh Bình

 

Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và hóa chất, trong đó có axit sunfuric với sản lượng lớn 280.000 tấn H2SO4/năm, sử dụng nguyên liệu Lưu huỳnh hơn 90.000 tấn/năm là những hóa chất nguy hiểm. Quá trình sản xuất axít sunfuríc của Công ty đi từ nguyên liệu lưu huỳnh là hóa chất dễ cháy và quá trình sản xuất có phát sinh khí SO2, SO3 là các khí độc hại đối với sức khỏe, tính mạng con người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh vật; sản phẩm là axít sunfuríc (H2SO4) nồng độ 98,3±0,4 % có tính chất ăn mòn và độc hại đối với con người và ảnh hưởng đến môi trường. Trong quá trình sản xuất tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn cho người lao động và ảnh hưởng đến môi trường. Do vậy, để ngăn chặn, Công ty đã lắp đặt hệ thống camera giám sát kho lưu huỳnh kết hợp người bảo vệ kho; trang bị hệ thống chữa cháy như: hệ thống nước chữa cháy vách tường, các phương tiện chữa cháy cơ động xách tay, các phương tiện ứng cứu khác.

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Nhà máy Đạm Ninh Bình
Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Nhà máy Đạm Ninh Bình

 

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, ngoài thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập ứng phó với sự cố hóa chất tại bồn amoniac (NH3), Công ty cũng xây dựng các chế độ bảo vệ bồn chứa HN3 như: hệ thống tường bao quanh bồn chứa NH3 nhằm ngăn ngừa rò rỉ HN3 ra xung quanh; các họng nước phun nước và các trụ nước cứu hỏa xung quanh bồn chứa để xử lý các trường hợp bất thường và để tránh các sự cố liên quan đến hóa chất.

Công ty Đạm Phú Mỹ thì cho rằng, phải có sự giám sát chặt chẽ mọi hóa chất nguy hiểm. Mọi vật tư, hoá chất nguy hiểm cần đưa vào nhà máy sử dụng phải được đánh giá các khả năng gây nguy hiểm trước khi triển khai hay giao dịch. Xây dựng các biện pháp an toàn để khống chế rủi ro trong quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng dựa trên bảng hướng dẫn an toàn hoá chất. Không được đưa các chất hay hoá chất độc hại vào nhà máy khi chưa được sự cấp giấy phép của phòng An toàn bảo vệ và quản lý khu vực. Bảng an toàn hoá chất phải có đầy đủ các thông tin. Đặc biệt, chương trình huấn luyện và diễn tập ứng cứu với sự cố hóa chất phải được diễn tập thường xuyên (quý/lần) để nâng cao năng lực ứng cứu. Thường xuyên kiểm tra thử nghiệm hệ thống thông tin liên lạc và sự phối hợp tham gia của các đơn vị ngoài nhà máy. Đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt diễn tập.

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ

 

Sự tổn thất do sự cố hóa chất gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh mạng của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thiệt hại hàng hóa và phương tiện, gây hư hại đến các công trình. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm cộng đồng, phòng ngừa sự cố rủi ro hóa chất trước khi điều đáng tiếc xảy ra.

 

Nguyên Vỵ