Quản lý phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn các tỉnh phía Bắc Việt Nam -  thực trạng và giải pháp

PGS. TS. CAO TUẤN KHANH  (Trường Đại học Thương mại) - CHV. NGUYỄN NAM DƯƠNG

TÓM TẮT:

Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) hiện được phân bố trên phạm vi toàn quốc có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin dữ liệu (TTDL) giá trị nhằm phục vụ công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV, đánh giá và giám sát biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt, trong bối cảnh BĐKH và đòi hỏi về theo dõi KTTV ngày càng cao, mạng lưới quan trắc KTTV hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bài viết tập trung phân tích thực trạng quy hoạch và quản lý phát triển mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn miền Bắc, trên cơ sở đó tạo lập các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý phát triển mạng lưới trạm KTTV trong thời gian tới với vai trò chủ thể tiến hành thực hiện là Tổng cục Khí tượng thủy văn.

Từ khóa: Quản lý, phát triển, mạng lưới trạm, khí tượng thủy văn, quy hoạch.

1. Thực trạng quy hoạch mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn các tỉnh phía Bắc Việt Nam và chức năng của Tổng cục Khí tượng thủy văn

Tổng cục KTTV được thành lập theo Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, trước đây là Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia. Tổng cục KTTV là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước (QLNN) và tổ chức thực thi pháp luật về KTTV trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi QLNN của Tổng cục theo quy định của pháp luật. Mục tiêu tổng quát đặt ra trong quy hoạch mạng lưới trạm KTTV nhằm xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và tiên tiến của khu vực châu Á; đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ QLNN về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng các trạm, điểm quan trắc KTTV đã được cải tao, nâng cấp và hiện đại hóa 80 trạm/điểm; xây dựng mới là 119 trạm/điểm và được thực hiện từ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ (chi tiết như Bảng 1)

Bảng 1. Danh sách các trạm được đầu tư, nâng cấp và các trạm được xây mới trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn phía Bắc

STT

Loại trạm

Nâng cấp và hiện đại hóa tại các trạm KTTV hiện có

Đầu tư trạm mới (trạm độc lập)

1

Khí tượng

7

3

2

Thủy văn

12

3

3

Hải văn

1

2

4

Ra đa thời tiết

1

0

5

Thám không vô tuyến

2

0

6

Định vị sét

6

0

7

Khí tượng tự động

25

11

8

Thủy văn tự động

25

14

9

Hải văn tự động

1

3

10

Đo mưa tự động

0

83

Tổng cộng

80

119

2. Thực trạng quản lý phát triển mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn các tỉnh phía Bắc Việt Nam của Tổng cục KTTV thời gian qua

2.1. Thực trạng lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn

Hiện nay, Tổng cục KTTV đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng cục KTTV đã xây dựng kế hoạch và định hướng các nội dung, bao gồm:

- Thực hiện các yêu cầu tích hợp quy hoạch trong Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch;

- Căn cứ pháp lý lập quy hoạch và yêu cầu đánh giá tổng quát tình hình thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia đã phê duyệt;

- Đánh giá tiềm năng và điều kiện phát triển mạng lưới trạm KTTV trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào: (1) Phân tích chung bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài nước có những thay đổi tác động đến nhu cầu phát triển ngành, lĩnh vực; (2) Đánh giá các vấn đề về thông tin, dữ liệu KTTV sản phẩm KTTV phải trở thành hàng hóa thị trường; (3) Các vấn đề về khoa học và công nghệ, và (4) Xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia thứ tự ưu tiên thực hiện;

- Xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

2.2. Thực trạng tổ chức triển khai phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn

- Thực trạng thể chế, chính sách, pháp luật và quy định của Nhà nước về quản lý hoạt động và phát triển mạng lưới trạm KTTV.

Từ năm 2015 đến năm 2019, Tổng cục KTTV đã tham mưu, xây dựng và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 01 Đề án; sửa đổi, bổ sung 01 Nghị định; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 02 Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 07 Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành liên quan đến quản lý hoạt động và phát triển mạng lưới trạm KTTV. Bên cạnh đó, hàng năm Tổng cục KTTV yêu cầu các tỉnh báo cáo về hiện trạng các trạm KTTV chuyên dùng và hoạt động quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV của các chủ công trình thuộc quyền quản lý.

- Thực trạng tình hình nhân lực, cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển mạng lưới trạm KTTV.

Trong những năm qua, Tổng cục KTTV đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chỉ tính riêng năm 2019, Tổng cục đã cử gần 1.000 lượt công chức, viên chức và người lao động đi học tập nâng cao trình độ dài hạn, khóa học ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức kinh tế - kỹ thuật ngạch chính, cao cấp ngành Tài nguyên môi trươờng ở trong nước và hàng chục viên chức đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài, tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Phần Lan. Nguồn nhân lực về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu công tác về các vị trí quản lý cũng như các vị trí chuyên môn, nghiệp vụ.

- Thực trạng nguồn ngân sách cho hoạt động phát triển mạng lưới trạm KTTV.

Công tác duy trì hoạt động mạng lưới trạm hiện có: Kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên và cho đầu tư phát triển, hiện đại hóa mạng lưới trạm KTTV luôn được Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm và chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài trong giai đoạn 2016-2020. Kinh phí cấp cho hoạt động tăng đều qua các năm nhưng nguồn ngân sách này còn nhiều hạn chế như ngân sách mỏng, sử dụng và quyết toán còn thiếu hiệu quả, tiến độ giải ngân chậm, thời gian giao dự toán bị kéo dài ảnh hưởng đến công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ...

Công tác đầu tư phát triển mạng lưới trạm KTTV: Hiện nay, bằng các nguồn vốn đầu tư khác nhau, hệ thống mạng lưới trạm KTTV tại các tỉnh phía Bắc đã và đang được phát triển nhanh chóng theo các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên quá trình phát triển, đầu tư còn rải rác, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa thực sự cao, chưa đem lại những chuyển biến rõ rệt và so với nhu cầu thực tế về số liệu phục vụ công tác dự báo là chưa đáp ứng được.

- Thực trạng công tác phát triển xã hội hóa về KTTV:

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật các hoạt động dịch vụ thu phí, đẩy mạnh khai thác các giá trị thương mại, làm gia tăng giá trị của dữ liệu KTTV cũng được quan tâm. Các dịch vụ KTTV vừa có ý nghĩa nâng cao giá trị, vai trò của hoạt động KTTV, vừa có tác dụng tái đầu tư cho hoạt động này phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động dịch vụ KTTV chủ yếu mang tính lao động thủ công, tính ứng dụng thông tin KTTV chưa nhiều nên hiệu quả chưa cao, mất nhiều chi phí cho việc thuê lao động, giá trị gia tăng không nhiều.

2.3. Thực trạng kiểm tra và giám sát hoạt động của mạng lưới trạm KTTV

Trong thời gian qua, Tổng cục KTTV tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động mạng lưới trạm KTTV, cụ thể:

Chỉ đạo công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Luật KTTV, Luật phòng, chống thiên tai.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra và thực hiện việc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về KTTV, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai hàng năm tại các Đài KTTV khu vực và tại các tỉnh thành trên cả nước.

Tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) kiểm tra công tác PCTT tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thời gian qua, Tổng cục KTTV cũng duy trì thường xuyên công tác kiểm tra kỹ thuật mạng lưới trạm KTTV trên đại bàn các tỉnh phía Bắc.

3. Đánh giá chung

Thực trạng quản lý phát triển mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn các tỉnh phía Bắc giai đoạn 2016 -2020 của Tổng cục KTTV đạt được một số kết quả: (1) Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTTV được các cơ quan ở Trung ương và địa phương ban hành khá đồng bộ, kịp thời, phù hợp; (2) Việc thanh kiểm tra hoạt động của mạng lưới trạm KTTV được tăng cường thường xuyên, chất lượng được nâng cao, nội dung thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; (3) Công tác xây dựng, phê duyệt quy hoạch mạng lưới trạm KTTV đã được các cấp có thẩm quyền quan tâm qua đó việc phát triển mạng lưới trạm KTTV được thực hiện có định hướng, bài bản; (4) Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động KTTV được đẩy mạnh, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và các DN được cải thiện một cách đáng kể; (5) Quản lý ngân sách phục vụ cho phát triển mạng lưới trạm KTTV thực hiện minh bạch, hiệu quả trên tinh thần tiết kiệm tối đa nguồn lực hiện có, chất lượng lao động từng bước được nâng cao; (6) Xã hội hóa hoạt động KTTV đang từng bước được mở rộng với sự tham gia của các cá nhân và tổ chức.

Bên cạnh đó việc quản lý phát triển mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn các tỉnh phía Bắc còn tồn tại một số hạn chế như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ so với yêu cầu QLNN về KTTV; khoa học công nghệ, mạng lưới trạm còn thưa, trình độ cán bộ chưa đồng đều, kinh phí còn hạn hẹp, việc triển khai theo quy hoạch mạng lưới quan trắc KTTV vẫn chưa đồng bộ.

4. Một số giải pháp chủ yếu hoàn thiện quản lý phát triển mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn các tỉnh phía Bắc Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách.

(1) Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về KTTV để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các thông tư hướng dẫn về hoạt động mạng lưới trạm KTTV và phát triển mạng lưới trạm KTTV; (2) Đẩy mạnh công tác phân công, phân cấp, ủy quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan QLNN; (3) Tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa Trung ương và địa phương, giữa các vùng, giữa cơ quan QLNN với đơn vị sự nghiệm. Chủ động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí cụ thể.

Thứ hai, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV.

(1) Quy hoạch KTTV phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch phát triển KT-XH của cả nước, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; (2) Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch KTTV theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; (3) Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV phải thể hiện được ý đồ phát triển của vùng, miền và của cả nước trên cơ sở phân tích, dự báo mục tiêu, phương hướng phát triển về kinh tế, xã hội, môi trường và phương hướng phát triển chủ yếu các ngành, lĩnh vực (nhất là các ngành, lĩnh vực chủ lực) và phát triển theo lãnh thổ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác quản lý về hoạt động KTTV.

(1) Đổi mới công tác đánh giá cán bộ trên cơ sở đánh giá đúng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và đào tạo cán bộ.

(2) Tăng cường công tác quy hoạch cán bộ quản lý, phải thực sự gắn kết với các khâu trong công tác cán bộ. Tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch phải căn cứ theo tiêu chuẩn đã được quy định.

(3) Tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, trong đó các hình thức đào tạo chủ yếu được áp dụng có thể là: đào tạo theo kế hoạch/đào tạo đột xuất, đào tạo nội bộ/đào tạo liên kết, đào tạo tập trung/đào tạo tại chức, đào tạo ngắn hạn/dài hạn, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế tài chính cho hoạt động phát triển mạng lưới trạm KTTV.

Về phía nhà nước, có cơ chế tài chính phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực KTTV, kể cả hình thức hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết.

Về phía Tổng cục KTTV, đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước. Ngân sách Nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ phát triển cơ bản, thiết yếu  và đối với các đơn vị sự nghiệp ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; Nâng cao năng lực tự chủ tài chính trên cơ sở xác định chính xác mục tiêu tự chủ tài chính và thực hiện tự chủ hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước về KTTV.

(1) Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa Thanh tra Bộ với thanh tra chuyên ngành, Tổng cục KTTV và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp nhằm tăng cường công tác QLNN về KTTV, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật; (2) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan tới hoạt động KTTV. Xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm an toàn hành lang công trình KTTV; (3) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương có chế tài xử phạt, nghiêm các hành vi vi phạm an toàn hành lang kỹ thuật công trình KTTV, đồng thời chấm dứt ngay các hành động vi phạm này.

Thứ sáu, cơ chế chính sách để thực hiện công tác xã hội hóa về hoạt động KTTV.

(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể như: chọn thời điểm, bố trí địa điểm phù hợp, chuẩn bị tài liệu triển khai nghiêm túc, trình bày nội dung thuyết phục, đưa nội dung hoạt động KTTV vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể..., xây dựng chuyên mục "Xã hội hóa hoạt động KTTV" trên các phương tiện thông tin đại chúng; (2) Tổng cục KTTV cần có những kế hoạch cụ thể ngắn hạn, dài hạn phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài về phát triển mạng lưới trạm KTTV; xây dựng cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo sức mạnh tổng hợp, tổ chức thực hiện mục tiêu xã hội hóa hoạt động KTTV.

5. Kết luận

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá bị tác động nặng nề nhất của BĐKH và có xu hướng gia tăng cả về tần suất, cường độ. Ngành KTTV đã từng bước phát huy được vai trò, vị trí của mình trong phục vụ lợi ích chung của đất nước. Thực tiễn trong quản lý phát triển mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn các tỉnh phía Bắc Việt Nam cho thấy, ngoài các giải pháp mang tính tự thân trong nội bộ Tổng cục KTTV cũng cần có cơ chế, chính sách quản lý đồng bộ, hoàn chỉnh từ phía các cơ quan Nhà nước ở Trung ương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2007), Bàn về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới, Hà Nội.
  2. Tuyết Chinh (2020), Mở rộng xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ phát triển bền vững. https://baotainguyenmoitruong.vn/mo-rong-xa-hoi-hoa-hoat-dong-khi-tuong-thuy-van-phuc-vu-phat-trien-ben-vung-304486.html, truy cập ngày 2/11/2020.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 phê duyệt " Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
  4. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018 "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường".
  5. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2020 phê duyệt " Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020".

The management and development of the network of meteorological and hydrological monitoring stations in Northern Vietnam: The status quo and solutions

Assoc.Prof.Ph.D Cao Tuan Khanh

Thuongmai University

Master’s student Nguyen Nam Duong

ABSTRACT:

The nationwide network of meteorological and hydrological monitoring stations has played an important role in providing valuable information and data for weather prediction and monitoring of climate change. However, this current network does not meet increasingly high requirements for weather monitoring, especially in tthe context of climate change. This paper analyzes the current development planning and management of the network of meteorological and hydrological monitoring stations in Northern Vietnam. Based on the paper’s results, some solutions are proposed in order to improve the management and development of the network of meteorological and hydrological monitoring stations.

Keywords: management, development, station network, hydrometeorology, planning.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2021]