Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào sáng 13/6 với 90,7% đại biểu Quốc hội tán thành.

Ngày 28/5/2019, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Hầu hết ý kiến của các ĐBQH tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình Quốc hội. Bên cạnh đó, có một số ý kiến thảo luận, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 3/6/2019, Tổng thư ký Quốc hội đã xin ý kiến các ĐBQH về 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường và qua kết quả xin ý kiến, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Ban soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có 6 chương với 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Đối tượng đầu tư công theo quy định của Luật gồm: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội. Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư. Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch…

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, luật quy định, Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên. Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác. Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Luật quy định rõ nguyên tắc quản lý đầu tư công gồm: Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm của đất nước và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.

Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công theo quy định của luật gồm: Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách đầu tư công. Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đánh giá hiệu quả đầu tư công; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư công, việc tuân thủ kế hoạch đầu tư công. Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động đầu tư công.

Luật cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công gồm: Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng. Đưa, nhận, môi giới hối lộ. Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật. Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án. Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2020./.