Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam

NCS. ThS. Nguyễn Trọng Tuấn (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

Tóm tắt:
Tự chủ đại học hiện nay là xu hướng mang tính toàn cầu trong quản trị giáo dục đại học, là xu thế tất yếu của các quốc gia trong quản trị đại học, đó là xu hướng cắt giảm sự can thiệp của nhà nước trong quản lý nhà trường, tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường. Quyền tự chủ đại học ở các quốc gia khác nhau phụ thuộc vào mô hình nhà nước, trình độ phát triển, văn hóa, xã hội, pháp luật… Do đó, không thể có quyền tự chủ đại học chung chung, mà phải gắn với một mô hình nhà nước cụ thể. Chính vì vậy, kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có nền giáo dục phát triển cũng như có nét tương đồng về thể chế nhà nước, về văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng để đề ra các giải pháp phù hợp cho đổi mới tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học ở Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả tập trung đề cập các vấn đề nói trên, cùng các giải pháp tăng cường quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Từ khóa: Quyền tự chủ, kinh nghiệm quốc tế, cơ sở giáo dục đại học công lập.

1. Khái quát quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập
1.1. Khái niệm quyền tự chủ đại học
Trên thế giới hiện đang có nhiều quan niệm khác nhau về tự chủ đại học (university autonomy) tùy theo nhận thức về vai trò của Nhà nước đối với giáo dục đại học. Ở các nước châu Âu, người ta quan niệm tự chủ đại học trên hai khía cạnh chính là: thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước, của thị trường lao động, nhà cung cấp dịch vụ và các ảnh hưởng chính trị và quyền tự do đưa ra các quyết định về cách thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu sứ mạng của trường đại học.
Hiệp hội Đại học và Học viện Canada cho rằng, tự chủ đại học bao gồm các quyền lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ; lựa chọn, xét tuyển và kỷ luật sinh viên; thiết lập và kiểm soát chương trình đào tạo; ban hành các quy định tổ chức để triển khai hoạt động khoa bảng; xây dựng chương trình và nguồn tài nguyên bổ trợ trực tiếp; xác nhận hoàn tất chương trình và cấp phát văn bằng.
Còn theo Don Anderson và Richard Johnson trong báo cáo về tự chủ đại học tại 20 quốc gia trên thế giới thì quyền tự chủ đại học được định nghĩa là “sự tự do của một trường đại học trong việc thực hiện các công việc riêng của mình mà không chịu sự chỉ đạo hoặc ảnh hưởng từ bất cứ cấp chính quyền nào”.
Tuy được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau, tự chủ đại học vẫn có thể được khái quát là sự chủ động, tự quyết định của trường đại học về một số lĩnh vực, một số mặt nào đó trong hoạt động của nhà trường.
1.2. Nội hàm của quyền tự chủ đại học
Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu của các tác giả về nội dung tự chủ đại học trên thế giới như nghiên cứu của Don Anderson and Richard Johnson; Neave, G. & van Vught, F.A. và Richardson, G. & Fielden, J. Các nghiên cứu này tập trung vào 3 nội hàm chính của tự chủ đại học, cụ thể:
Thứ nhất, quyền tự chủ về học thuật: Là quyền tự chủ trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, liên kết, văn bằng, chứng chỉ đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, quyền tự chủ về tài chính: Là quyền tự chủ về việc đảm bảo các nguồn lực phục vụ cho mọi hoạt động của nhà trường. Các trường đại học có quyền quyết định và chủ động tìm kiếm các nguồn tài chính, cách thức sử dụng các nguồn tài chính và tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai, cân đối các nguồn tài chính thu và chi nhằm đảm bảo hệ thống tài chính minh bạch, tuân thủ pháp luật và không vụ lợi.
Thứ ba, quyền tự chủ về tổ chức và quản lý: Là quyền tự chủ về cách thức quản lý nguồn lực bên trong của nhà trường nhằm đạt tới các mục tiêu phát triển. Các trường đại học có quyền tự quyết định và chủ động trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, phân tích, thành lập các đơn vị trực thuộc, tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ nhân tài và xây dựng một chiến lược phát triển có tầm nhìn và định hướng rõ ràng.
2. Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện quyền tự chủ đại học
Có thể thấy tự chủ đại học hiện nay là xu hướng mang tính toàn cầu trong quản trị giáo dục đại học. Các báo cáo của World Bank (Fielden, 2008), UNESCO (Martin, 2013), Hiệp hội các trường đại học châu Âu (Estermann và Nokkala, 2009) đều cho thấy xu hướng cắt giảm can thiệp của quản lý nhà nước, tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường. Xu hướng này là bắt buộc khi giáo dục đại học phát triển về quy mô, trở nên đa dạng về loại hình và khi vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng quan trọng. Quản trị trường đại học trong một hệ thống đa dạng nhiều thành phần công và tư, quy mô lớn, trong một thế giới bất ổn, không chắc chắn, phức hợp, mơ hồ (volatility, uncertainty, complexity and ambiguity) không thể hiệu quả với phương thức mệnh lệnh hành chánh tập trung áp dụng chung cho mọi đơn vị. Trường đại học, nơi tập trung tinh hoa trí tuệ, chính là nơi tốt nhất cần tự quyết định làm thế nào để chính họ phát triển bền vững. Đây chính là triết lý của tự chủ đại học.
Về mức độ tự chủ đại học giữa các nước, các khu vực khác nhau phụ thuộc vào trình độ phát triển, lịch sử, văn hóa, luật pháp. Dựa vào mức độ kiểm soát của Nhà nước đối với trường đại học, World Bank (2008) trong Báo cáo về xu hướng toàn cầu trong quản trị đại học đã cho thấy bốn mô hình tự chủ đại học khác nhau như: mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở Malaysia; mô hình bán tự chủ (semi-autonomous) như ở Pháp và New Zealand; mô hình bán độc lập (semi-independent) như ở Singapore và mô hình độc lập (independent) ở Anh và Úc. Báo cáo của World Bank đã chỉ ra rằng, trong mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn thì trường đại học vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định vì những lý do xuất phát từ đặc thù hoạt động của trường đại học; mặt khác là dù có muốn Nhà nước cũng không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của trường đại học. Bên cạnh đó, trong mô hình độc lập thì vẫn có những mặc định về sự kiểm soát của Nhà nước đối với trường đại học, ít nhất là về mặt chiến lược và những yêu cầu về tính giải trình. Như vậy, có thể thấy, mức độ kiểm soát của Nhà nước là tỷ lệ nghịch với mức độ tự chủ của trường đại học. Nhìn chung, mức độ kiểm soát của Nhà nước càng lớn thì mức độ tự chủ của trường đại học càng thấp và ngược lại.
So sánh giữa 6 nước tại các châu lục Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á của Fielden (2008) cho thấy mức độ khác nhau khá lớn giữa các nước với các nước tại châu Âu, Bắc Mỹ có mức độ tự chủ cao hơn các nước từ châu Á. Bản thân giữa các nước châu Âu cũng khác biệt nhiều mức độ tự chủ (Estermann, Nokkala, 2009). Ví dụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, việc thành lập khoa phải được phê duyệt bởi Hội đồng Giáo dục quốc gia, trong khi đại đa số các nước đều cho phép trường đại học tự chủ cơ chế tổ chức của mình. Nhìn chung, tự chủ đại học tại châu Âu nhấn mạnh vào tự chủ tổ chức và tự chủ học thuật. Mức độ tự chủ tài chính tài chính không cao (phải báo cáo ngân sách, giới hạn mức trần học phí) khi hầu hết các trường đều phải nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước.
Các nước châu Á, nơi quản trị đại học có truyền thống theo mô hình kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quản lý, tự chủ đại học cũng là xu thế. Nghiên cứu của Martin (2013) cho thấy các nước châu Á đều xem tự chủ đại học như là một giải pháp hiệu quả để đổi mới giáo dục đại học, giúp nâng cao tính cạnh tranh của các trường đại học. Việc tự chủ về quản trị, tổ chức, chương trình đào tạo, nhân sự đã giúp các trường giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước trong hoạt động.
Kinh nghiệm tự chủ đại học của các nước có thể được đúc kết trong Tuyên bố của các trường đại học châu Âu tại Pra-ha (2009): “Universities need strengthened autonomy to better serve society and specifically to ensure favourable regulatory frameworks which allow university leaders to; design internal structures efficiently, select and train staff, shape academic programmes and use financial resources, all of these in line with their specific institutional missions and profiles”. “Các trường đại học cần được tăng cường quyền tự chủ để phục vụ xã hội tốt hơn và đặc biệt để đảm bảo các khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho lãnh đạo đại học; thiết kế các cấu trúc nội bộ một cách hiệu quả, lựa chọn và đào tạo nhân viên, định hình các chương trình đào tạo và sử dụng các nguồn lực tài chính, tất cả đều phù hợp với các nhiệm vụ và hồ sơ cụ thể của họ”.
3. Thực trạng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay
3.1. Thực trạng quy định pháp luật về quyền tự chủ đại học ở Việt Nam
Vấn đề quyền tự chủ đại học đã được Chính phủ đề cập một cách chính thức trong điều lệ trường đại học ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại điều 10 của điều lệ có ghi nhận: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”. Sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Nghị quyết đã khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học, theo đó đổi mới cơ chế quản lý cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính.
Luật Giáo dục đại học 2012 ra đời tiếp tục khẳng định quyền tự chủ đại học như là một trong ba nội dung trọng tâm của luật. Theo đó, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Điều 32 của Luật Giáo dục Đại học 2012, cụ thể: “Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Cở sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.
Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh chủ trương về tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay. Tiếp theo đó là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định đầy đủ về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành.
3.2. Thực trạng thực hiện pháp luật về quyền tự chủ đại học ở Việt Nam
Đến ngày 9/2017, đã có 23 trường đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Báo cáo Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tự chủ đã tạo những chuyển biến tích cực tại các trường đại học. Nhiều trường đã chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, áp dụng phương pháp, nội dung giảng dạy tiên tiến, tiếp cận chuẩn quốc tế; Quy mô đào tạo chính quy, đại trà có phần suy giảm nhưng các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh.
Tuy vậy, khác với các nước trên thế giới - nơi quyền tự chủ đại học tập trung vào cơ cấu tổ chức, quản trị, nhân sự, và học thuật thì tự chủ đại học tại Việt Nam gắn với tự chủ tài chính như là điều kiện tiên quyết. Nghị quyết số 77/NQ-CP quy định nếu trường công lập cam kết tự đảm bảo kinh phí thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ cơ cấu bộ máy, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ đơn vị trực thuộc; quyết định số lượng nhân viên, công tác mở ngành; quyết định mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh; in bằng, liên kết đào tạo trong và ngoài nước; quyết định mức học phí, thu sự nghiệp, chi thường xuyên, chi đầu tư.
Qua báo cáo của các trường về tác động của Nghị quyết số 77/NQ-CP đến hoạt động của trường trong giai đoạn 2014 - 2017 có thể thấy có những chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là tài chính và tổ chức nhân sự. Cụ thể:
Về tài chính của các cơ sở giáo dục đại học: Qua số liệu của các trường đại học thực hiện tự chủ trên 24 tháng cho thấy các trường đã đảm bảo được toàn bộ hoạt động chi thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội một cách trách nhiệm, trích lập các quỹ học bổng theo quy định và đều có chênh lệch thu chi lớn. Đặc biệt có Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngoài việc đảm bảo hoạt động chi thường xuyên cũng đã đảm bảo được hoạt động chi đầu tư (vay vốn kích cầu không lãi suất). Tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015 - 2016 là 8.262 tỷ đồng so với giai đoạn trước khi thực hiện tự chủ năm học 2013 - 2014 là 6.890 tỷ đồng tăng 19,9%. Về cơ cấu thu chủ yếu là từ nguồn học phí và lệ phí chiếm 70% tổng thu so với thu từ ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên, không thường xuyên và vốn đầu tư cơ bản là 30%. Thu nhập của người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước, hầu hết thu nhập của người lao động tại các trường ở giai đoạn sau khi tự chủ đều tăng từ 1,5 đến 2 lần so với giai đoạn chưa thực hiện tự chủ.
Do có sự tăng đáng kể về nguồn thu nên tổng chi và cơ cấu chi của các trường cũng có sự đổi mới rõ rệt, tổng chi của các trường nói ở trên tăng thêm 13,7% tương đương 713 tỷ đồng so với thời điểm trước khi được tự chủ. Cơ cấu chi cũng có sự thay đổi rõ rệt như chi từ dịch vụ giảm rõ rệt từ 17,8% xuống 15,6% tổng cơ cấu chi, tỷ lệ chi sự nghiệp và ngân sách nhà nước tăng lên. So sánh tỷ lệ thu và chi cho thấy có sự chênh lệch giữa thu và chi, do đó các trường đã trích lập quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng cũng như thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình. Các trường đã mạnh dạn chi cho nghiên cứu khoa học, chi hỗ trợ sinh viên, chi cho đầu tư mua sắm trang thiết bị…
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong công tác tài chính của các đơn vị sau tự chủ như:
Một là, tuy nguồn thu có tăng đáng kể nhưng chưa tạo ra lợi thế lớn cho sự phát triển của các trường, nguồn thu vẫn chủ yếu từ học phí và lệ phí, các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ và nghiên cứu chuyển giao công nghệ chưa thực sự đáng kể.
Hai là, thu nhập của người lao động có tăng đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với vị trí làm việc cũng như cống hiến của từng cá nhân cụ thể.
Ba là, nguồn chi có tăng nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ các quy định của pháp luật chi phối như luật đầu tư công, luật quản lý sử dụng tài sản công, do đó chưa kích thích các trường mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp đào tạo của mình.
Về tổ chức nhân sự, qua đánh giá báo cáo của các trường có thời gian tự chủ trên 24 tháng có thể thấy một số biến đổi trong công tác tổ chức nhân sự gồm tự chủ bộ máy và tự chủ nhân sự như sau:
Về bộ máy tổ chức ở một số trường cũng đã được cơ cấu lại cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế tự chủ, tuy nhiên mức độ thay đổi không đáng kể.
Về nhân sự, các trường đã có sự điều chuyển biến động giữa số lượng giảng viên và chuyên viên nhân viên, tính đến tháng 7/2017 số lượng giảng viên chiếm 64,52% tổng số lực lượng lao động của các trường, các thành phần còn lại chiếm 25,48%.
Về chất lượng giảng viên cũng được tăng lên đáng kể, hiện nay số lượng cán bộ, giảng viên của các trường có trình độ thạc sỹ trở lên chiếm 72% và tỷ lệ giảng viên có trình độ giáo sư và phó giáo sư đã tăng lên đến 9,2% tổng số giảng viên của các trường. Các trường cũng đã tự chủ xây dựng phương án tuyển dụng nhân sự theo hướng chất lượng cao, tuyển dụng các chuyên gia, các nhà khoa học, các phó giáo sư, giáo sư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên công tác tổ chức nhân sự của các trường vẫn còn một số hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện tự chủ như:
Một là, vai trò của Hội đồng trường chưa thực sự quan trọng do quyền bổ nhiệm hiệu trưởng các trường vẫn thuộc cơ quan chủ quản quyết định, thẩm quyền của Hội đồng trường mờ nhạt so với hiệu trưởng.
Hai là, các trường vẫn phải thực hiện theo quy định của luật viên chức đối với tuyển dụng, bổ nhiệm và quản lý cán bộ, giảng viên.
4. Giải pháp tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập
Để góp phần nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay, cần có những điều chỉnh hợp lý về cơ sở, chính sách, pháp luật. Trong nội dung bài viết, tác giả xin đề xuất một số nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần luật hóa nội dung quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, theo đó sẽ có quy định về điều kiện, cách thức thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện tự chủ.
Thứ hai, Quốc hội cần sớm thông qua luật giáo dục đại học sửa đổi, Chính phủ sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật giáo dục đại học sửa đổi. Sớm ban hành Nghị định về quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập thay thế cho Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014.
Thứ ba, về tổ chức và nhân sự. Cần tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học chỉ chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự lãnh đạo từ hội đồng trường. Sửa đổi, bổ sung thêm quy định về hội đồng trường, theo đó chủ tịch hội đồng trường sẽ có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm hiệu trưởng theo Nghị quyết của hội đồng trường. Xem xét bãi bỏ ngạch viên chức ở các trường đại học tự chủ, trao quyền cho các trường trong việc tự tổ chức thi nâng ngạch bậc cho giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp. Cần cho phép các trường đại học tự chủ được áp dụng Luật Lao động trong việc tuyển dụng, bồi dưỡng và quản lý người lao động thay vì áp dụng Luật Viên chức như hiện nay.
Thứ tư, về tài chính của các cơ sở giáo dục đại học, sửa đổi bổ sung quy định về tự kiểm tra tài chính, kế toán phù hợp với các đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Bổ sung quy định về đầu tư đối với các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ ở các mực độ khác nhau thay vì đầu tư các bằng bình quân trong các cơ sở giáo dục đại học.
3. Kết luận
Tự chủ đại học ở các quốc gia khác nhau sẽ có mức độ và cách thức thực hiện khác nhau phụ thuộc vào thể chế Nhà nước, pháp luật, kinh tế, văn hóa, tuy nhiên quyền tự chủ luôn là một thuộc tính vốn có của giáo dục đại học. Quyền tự chủ là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý và cuối cùng là giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do các trường đào tạo. Vì vậy, nghiên cứu quyền tự chủ đại học của các quốc gia trên thế giới sẽ là một trong những lựa chọn thiết thực để đề ra mô hình hữu hiệu cho sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ của nước ta hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 04/11/2013 tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Luật Giáo dục, số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Luật Giáo dục đại học, số 08/2013/QH12 ngày 18/6/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Luật Đầu tư công, số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Luật Ngân sách Nhà nước, số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
6. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.
7. Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
8. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017.
10. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2015 - 2017.
11. European University Assosiation (2004), Autonomy and govermance in european University, http://www.eua.be
12. Estermann T., Nokkala T. (2009), University Autonomy in Europe: Exploratory study, European University Association, Brussels.
13. Fielden J. (2008), Global Trends in University Governance, Education Working Paper Series, No.9, World Bank, Washington D.C.
14. Martin M., 2013, Increased autonomy for universities in Asia: How to make it work, IIEP Policy Brief, No. 4, UNESCO, Paris.
15. Website: moet.gov.vn, tapchitaichinh.vn, tiasang.vn.

AUTONOMY OF PUBLIC HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS INTERNATIONAL EXPERIENCE AND PRACTICE IN VIETNAM

PgD. MA. NGUYEN TRONG TUAN

Nguyen Tat Thanh Univerisity

ABSTRACT:

University autonomy, an international trend, helps to reduce state intervention in the governance. University autonomy in different countries depends on the state model, level of development, culture, society, law, etc. Therefore, there can be no general university autonomy, but it must be attached with a particular state model. Therefore, international experience, especially those with developed education as well as the similarities of state institutions and culture, can provide great solutions. It is suitable for enhancing the autonomy of universities in Vietnam. In this article, the author focuses on the issues mentioned above, along with solutions to enhance the autonomy of the current higher education institutions.

Keywords: Autonomy, international experience, public higher education institutions.