Sản xuất gạch không nung: Xu thế mới của ngành vật liệu xây dựng

Với mục tiêu hướng tới môi trường xanh, sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Q

Công ty TNHH Vĩnh An, thôn Tân Lập, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung với phần thiết bị nghiền sàng để làm nguyên liệu trực tiếp phục vụ dây chuyền sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hồng Quế, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh An, với nguồn vốn trên 8 tỷ đồng, cùng với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, năm 2014, Công ty đã lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung, áp dụng công nghệ tiên tiến có mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao khoảng 90%, trong đó tập trung nâng cấp đầu tư mới hệ thống máy móc, thiết bị như: Dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất 3,5 triệu viên/năm; dây chuyền nghiền sàng đá công suất 25 tấn/giờ; máy xúc lật dung tích gầu 2,2 m3 và hệ thống nhà xưởng...

Cơ sở sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Vĩnh An, thôn Tân Lập, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa)

Với công nghệ mới, hiện đại này, các nguyên liệu trong quá trình sản xuất gạch được phân loại rõ ràng theo công thức phối trộn đã cài đặt, rồi đưa vào máy trộn. Sau khi trộn đều theo thời gian quy định, hỗn hợp nguyên liệu được tự động đưa vào máy ép gạch. Với hệ thống rung ép biến tần, máy hoạt động tạo ra lực rung ép lớn từ trên xuống dưới để hình thành các viên gạch không nung 2 lỗ, 4 lỗ hoặc đặc đồng đều, đạt chất lượng cao và ổn định. Viên gạch sau khi ép sẽ được chuyển và xếp vào từng khay vào vị trí định trước một cách tự động và được chuyển sang khu vực hoàn thiện theo quy định”.

“Việc đầu tư thiết bị máy móc, công nghệ đã nâng số lượng sản xuất gạch đặc và gạch đục lỗ các loại đạt từ 7 - 10 triệu viên/năm; 30 nghìn m3 đá dăm/năm; đáp ứng nhu cầu xây dựng bằng gạch không nung của người dân địa bàn huyện Chiêm Hóa, một số xã lân cận thuộc các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Nà Hang. Đồng thời tiết kiệm được rất nhiều công lao động, đảm bảo thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng cho 15 lao động.

Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang (Trung tâm) cũng cho biết, lợi ích của công nghệ này là nguyên vật liệu để sản xuất gạch không nung đều là những loại dễ kiếm, giá thành thấp như xi măng, cát vàng, bột đá và phụ gia không phải sử dụng nguyên liệu đất sét gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đất đai; nước được sử dụng ít và tuần hoàn, không có các chất thải ở dạng khí, lỏng, rắn.

Hơn nữa, gạch xi măng không nung có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt; độ phẳng, độ đồng đều, độ bền, chống thấm của viên gạch đều cao hơn so với những loại gạch khác. Đặc biệt, sản phẩm có nhiều chủng loại để có thể sử dụng rộng rãi từ những công trình phụ trợ, dân dụng, đến các công trình, kiến trúc cao tầng; giá cả cũng phù hợp với từng loại công trình nên thời gian qua được rất nhiều nhà thầu tín nhiệm và tin dùng.

Từ khi áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, thu nhập bình quân của mỗi lao động lên đến 6 triệu đồng/tháng/người

Sản xuất và sử dụng gạch không nung thay thế gạch đất sét nung sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên đất, giảm chi phí xử lý chất thải công nghiệp, bảo vệ môi trường; theo Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, Giám đốc Trung tâm Đàm Xuân Hùng nhấn mạnh.

Tiếp tục thực hiện Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ, với nguồn kinh phí quốc gia trợ, năm 2016 Trung tâm tiếp tục hỗ trợ 300 triệu đồng cho cơ sở sản xuất gạch xây dựng Công ty CP Vật liệu xây dựng Viên Châu. Với nguồn vốn hỗ trợ, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất hoàn toàn tự động với sản lượng 10 triệu viên/năm.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty cổ phần VLXD Viên Châu

Ông Lê Quốc Hiệp, Phó Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Viên Châu cho biết: với nguồn kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng, cùng với những lợi thế như: mặt bằng sẵn, phương tiện vận tải, bộ máy quản lý… công ty nhanh chóng góp mặt trên thị trường. Các sản phẩm của nhà máy đều đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật như độ cứng, mẫu mã...

Để gạch không nung sớm tiếp cận với các công trình xây dựng trên địa bàn, Công ty đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký chất lượng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn nằm trong danh mục vật liệu xây dựng tham gia xây dựng các công trình của tỉnh. Thời gian tới Công ty đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng cáo để có thể đưa gạch không nung tham gia vào các công trình của người dân, ông Lê Quốc Hiệp cho biết thêm.

Để phát triển gạch không nung, tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn tỉnh, trong đó khuyến khích sản xuất vật liệu xây dựng không nung chủng loại xi măng cốt liệu công suất từ 5-10 triệu viên/năm; hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng những dây chuyền sản xuất gạch không nung dưới từ 2 tỷ đồng, và khoảng 500 triệu đồng đối với những dây chuyền trên 5 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung, đến năm 2020, tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung và phải chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel hoặc chuyển sang sản xuất gạch không nung.