Siemens có thể giúp các đô thị ở Việt Nam trở nên thông minh hơn

Sự gia tăng và già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tình trạng xuống cấp của hạ tầng cơ bản, khan hiếm nguồn lực, nhu cầu và kỳ vọng thay đổi là những thách thức mà các thành phố trên thế giới phải đối mặt. Đi tìm lời giải cho những thách thức của Việt Nam trong bối cảnh này, Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Thái Lai - Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam.

PV: Theo ông thì chính quyền các thành phố ngày nay đang gặp phải những thách thức gì?
TS. PHẠM THÁI LAI: Tốc độ phát triển mạnh của các thành phố do đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh gây ra áp lực lớn cho những người ra quyết sách và kế hoạch hóa đô thị. Họ không chỉ phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cư dân mà còn phải vận hành các thủ đô phát triển kinh tế bền vững, cạnh tranh và các nguồn lực được quản lý một cách hợp lý. Giải pháp hiệu quả cho các thách thức nói trên là phải phát triển các thành phố trở thành thành phố thông minh, hay nói cách khác là đô thị thông minh.
PV:Vậy cư dân và các doanh nghiệp hưởng lợi gì từ mô hình đô thị thông minh?

TS. Phạm Thái Lai, Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam.

TS. PHẠM THÁI LAI: Các đô thị thông minh sẽ được trang bị đầy đủ thông tin, được kết nối và đáp ứng được các nhu cầu của cư dân, hướng tới con đường phát triển bền vững và sự thịnh vượng về nhiều mặt. Từ “thông minh” không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ mà còn bao gồm những khía cạnh về xã hội và yếu tố con người trong một thành phố.
Một đô thị thịnh vượng và hiện đại sẽ thúc đẩy công nghệ thông tin và truyền thông. Một cơ sở hạ tầng thông minh và bền vững sẽ tạo điều kiện tăng cường phát triển kinh tế. Những yếu tố này có ảnh hưởng đáng kể tới hiệu suất và công suất của cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho cư dân, cơ hội kinh tế và chất lượng cuộc sống.
PV: Nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội và Hồ Chí Minh, đang gặp khó khăn với hệ thống cơ sở hạ tầng quá tải. Theo ông, những điều kiện tiên quyết để các thành phố này trở thành các đô thị thông minh?
TS. PHẠM THÁI LAI: Cơ sở hạ tầng số hóa; Giao thông thông minh; Lưới điện thông minh và Tòa nhà thông minh chính là những điều kiện tiên quyết.
Cơ sở hạ tầng số dựa trên nền tảng điện khí hóa và tự động hóa có thể thúc đẩy hiệu quả dịch vụ thông qua tối ưu hóa vận hành và trang thiết bị, thay đổi mô hình vận hành theo nhu cầu, duy trì và quản lý hệ thống từ xa.
Giải pháp cho giao thông giúp tăng tiện ích của cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa công suất hoạt động và tạo nên một chất lượng mới về trải nghiệm cho người sử dụng thông qua số hóa.
Lưới điện thông minh đem lại sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu về điện, giúp giảm tổng lượng tiêu thụ điện do nhu cầu gia tăng bằng cách trực tiếp kiểm soát các thiết bị điện hoặc thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Cuối cùng Tòa nhà thông minh sẽ giúp các thành phố đạt được tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả môi trường đồng thời giảm lượng điện năng tiêu thụ.
PV: Cơ sở hạ tầng số hóa và giao thông thông minh là 2 trong số 4 trọng tâm của đô thị thông minh, vậy Siemens có sáng kiến hay kế hoạch hợp tác gì về 2 lĩnh vực này trong thời gian tới?
TS. PHẠM THÁI LAI: Chúng tôi cung cấp các dịch vụ số chuyên biệt đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của một đô thị. Chúng tôi làm việc trực tiếp với các thành phố lớn trên thế giới để đảm bảo công nghệ số được tích hợp từ khâu lên kế hoạch, nhờ vậy có thể đem lại lợi ích tức thì như giảm tắc nghẽn, cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo an toàn năng lượng.
Tại Việt Nam, chúng tôi hiện đang làm việc với Bộ Giao thông và chính quyền thành phố để giúp cho giao thông trở nên hiệu quả hơn bằng việc áp dụng hệ thống đèn giao thông và điều khiển giao thông thông minh trong điều tiết mật độ giao thông ở các đô thị lớn.
Cụ thể, tháng 3 vừa qua, Siemens đã triển khai công nghệ điều khiển giao thông tiên tiến cho nút giao thông Phạm Hùng - Mễ Trì, giúp giảm khoảng 70% tổng lượng điện tiêu thụ so với hệ thống đèn tín hiệu cũ. Một tủ điều khiển tương thích của Siemens mang tên “sX” (Giao cắt thông minh) cũng đã được lắp đặt. Tủ này là thiết bị quan trọng để điều khiển đèn tín hiệu giao thông, đảm bảo các đèn tín hiệu luôn hoạt động chính xác, quyết định thời gian của đèn xanh và đèn đỏ, đồng thời giám sát hoạt động an toàn của nút giao thông.

Công nghệ giao thông thông minh của Siemens được ứng dụng tại nút giao thông Phạm Hùng - Mễ Trì.


Chúng tôi cũng tin rằng một hệ thống giao thông công cộng được sử dụng rộng rãi sẽ là yếu tố chính yếu khiến cho các đô thị trở nên đáng sống hơn và cạnh tranh hơn. Các giải pháp về tàu điện ngầm của chúng tôi đã sẵn sàng hỗ trợ các thành phố như Hà Nội và Hồ Chí Minh hiện thực hóa điều này. Tiếp đến là tàu điện ngầm không người lái, hệ thống trợ giúp người lái xe hoặc hệ thống bán vé điện tử… tất cả sẽ khiến cho việc đi lại ngày càng thuận tiện hơn cho các cư dân đô thị. Đối với Siemens, việc cung cấp cho các thành phố những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tốt nhất là nhiệm vụ chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi cam kết giúp các đô thị tại Việt Nam trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, và phát triển bền vững hơn
Trân trọng cám ơn ông!

Trang Vinh (thực hiện)