Small Giving - Một giải pháp mới trong phát triển mô hình thiện nguyện vì cộng đồng

ThS. CHU VĂN HUY (Giảng viên Khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng, Giảng viên hướng dẫn nhóm thực hiện dự án Ví thiện nguyện Small Giving tại Phòng Lab Chuyển đổi số, Học viện Ngân hàng), NGUYỄN THỊ PHẤN - VŨ THỊ PHƯỢNG - HÀ MINH TÚ - NGUYỄN THANH DƯƠNG - BÙI MINH THU (Sinh viên Khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng, Thành viên nhóm thực hiện dự án Ví thiện nguyện Small Giving tại Phòng Lab Chuyển đổi số, Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Hiện nay, mô hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN) đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh doanh, các ứng dụng công nghệ trong phát triển mô hình thiện nguyện trực tuyến đang là xu hướng của nhiều tổ chức. Mô hình này giúp giải quyết được những rào cản về tính minh bạch, tức thời, liên tục so với các mô hình thiện nguyện truyền thống.

Khai thác vấn đề này, Ví thiện nguyện trực tuyến Small Giving là thực nghiệm về một mô hình thiện nguyện mới mẻ, được phát triển tại phòng Lab Chuyển đổi số của Học viện Ngân hàng. Bài báo sẽ tập trung trình bày: (1) bối cảnh, (2) đề xuất ý tưởng, (3) thiết kế kiến trúc tổng thể hệ thống và (4) một số kết quả thực hiện liên quan tới giải pháp ý nghĩa này.

Từ khóa: Mô hình thiện nguyện, Chuyển đổi số, Small Giving, Way4Platform.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, các hình thức thanh toán điện tử (như thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản,…) rất phát triển tại Việt Nam và thế giới. Nhờ đó, một loạt các nhu cầu phổ biến như mua bán, thanh toán,… đã được thực hiện ngày một nhiều qua môi trường trực tuyến, và từ thiện trực tuyến không nằm ngoài xu thế đó. Hoạt động này được triển khai ngày một hiệu quả nhờ ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Trên thế giới, hoạt động quyên góp từ thiện trực tuyến của các tổ chức phi lợi nhuận tăng 23%, số lượng giao dịch thông qua thiết bị di động tăng 50% trong năm 2017 (NPSource, 2018), 61% nhà tài trợ ưu tiên lựa chọn hình thức từ thiện trực tuyến - nhiều gấp 4 lần các hình thức từ thiện khác, như từ thiện tại cơ quan hay từ thiện tại những địa điểm diễn ra sự kiện gây quỹ (SteelKiwi Inc, 2018). Tại Việt Nam, người dân ngày càng có xu hướng thực hiện hoạt động từ thiện qua môi trường mạng Internet so với các nước trong khu vực. Theo khảo sát của Mastercard về chi tiêu có ý thức và hoạt động từ thiện, Việt Nam bất ngờ dẫn đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 78,5% số người được hỏi đồng ý tham gia từ thiện trực tuyến, theo sau là Thái Lan (~66%) và Hong Kong (~60%) (Minh Thi, 2017). 

Về cách thức thực hiện từ thiện trực tuyến, hướng triển khai phổ biến là hình thức từ thiện tự phát thông qua các bài viết vận động, kêu gọi nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội. Chính điều này đã gây ra những hệ lụy phức tạp (mạo danh, bịa đặt để lừa đảo, lợi dụng lòng tin để trục lợi cá nhân,…). Bên cạnh đó, một số các tổ chức thiện nguyện uy tín cũng tiến hành cho ra mắt các phần mềm, ứng dụng, hệ sinh thái thiện nguyện khác nhau, như: chạy bộ để gây quỹ từ ứng dụng Charity Miles (Cẩm Linh, 2016); xem tin tức để gây quỹ từ trình duyệt Donate Browser; gây quỹ bằng cách trả lời khảo sát từ ứng dụng Give2Charity (Cẩm Linh, 2016), Happi (Gio yeu thuong, 2018); xem quảng cáo để gây quỹ từ ứng dụng Whaa.life, Lalas (Hung Nguyen, 2019); nuôi heo đất thực hiện quyên góp ở Ví điện tử Momo (Momo, 2019); gây quỹ thông qua các giao dịch hoàn tiền ở Ví điện tử VinID (VinID, 2019),…

Như vậy có thể thấy, ứng dụng công nghệ nhằm thay đổi mô hình thiện nguyện truyền thống đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức, cộng đồng thiện nguyện. Việc đề xuất những mô hình thiện nguyện sáng tạo có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chủ trương an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.

2. Đề xuất ý tưởng

Tiếp cận và khai thác chủ đề này dưới góc độ tiếp thu và cải tiến các sản phẩm trong cùng lĩnh vực, Small Giving là Ví thiện nguyện trực tuyến được xây dựng với mục đích triển khai các hoạt động thiện nguyện tại Học viện Ngân hàng (hỗ trợ các hoàn cảnh sinh viên gặp nhiều khó khăn, thực hiện các chiến dịch thiện nguyện vì cộng đồng,…). Trong đó, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Học viện Ngân hàng sẽ là tổ chức vận hành/quản trị hệ thống; các nhà hảo tâm tham gia các hoạt động thiện nguyện là cộng đồng sinh viên, cán bộ, giảng viên trong Nhà trường và các nhà tài trợ.

Triển khai ý tưởng trên, hệ thống Ví thiện nguyện Small Giving sẽ được khuyến khích sử dụng tại Học viện Ngân hàng. Các nhà hảo tâm tham gia hệ thống, ủng hộ kinh phí bằng cách chuyển khoản tới tài khoản của Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên. Với số tiền này, nhà hảo tâm có quyền trích nhỏ (Small) để quyết định quyên góp, trao tặng số tiền nhỏ đó (Giving) cho các hoạt động thiện nguyện mà mình quan tâm, thông qua một số thao tác đơn giản, nhanh chóng. Ngoài ra, số tiền thu được từ các nhà tài trợ (có nhu cầu quảng cáo hay muốn thu thập ý kiến khảo sát trên Ví thiện nguyện Small Giving) sẽ được phân chia cho các nhà hảo tâm (thực hiện điểm danh ứng dụng hàng ngày, trả lời khảo sát,…) dùng để ủng hộ, quyên góp cho các hoạt động thiện nguyện.

Có thể thấy rằng, Ví thiện nguyện Small Giving đã đề xuất được một mô hình thiện nguyện mới mẻ, với cách thức tạo ra nguồn kinh phí nhằm ủng hộ đa dạng (ngoài việc ủng hộ bằng tiền, nhà hảo tâm còn có thể có kinh phí thực hiện thiện nguyện thông qua việc điểm danh ứng dụng hàng ngày, trả lời khảo sát từ các nhà tài trợ,...). Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm có thể đăng ký tham gia trực tiếp buổi thực hiện chương trình thiện nguyện mà mình quan tâm qua tính năng “đăng ký góp sức”.

Ví thiện nguyện Small Giving cũng giải quyết được vấn đề công khai, minh bạch tài chính trong hoạt động gây quỹ, quản lý quỹ thiện nguyện (mỗi chương trình thiện nguyện được đăng tải đều cần đính kèm chi phí dự kiến, số tiền quyên góp đã nhận và số người tham gia quyên góp, đồng thời công khai quá trình thực hiện trên mục tin tức của ứng dụng) nhờ việc tích hợp nền tảng Way4Platform[1]. Way4Platform là một hệ thống core thanh toán được phát triển bởi tập đoàn OpenWay, được Gartner và Ovum[2] xếp hạng là giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực phần mềm thanh toán trên toàn thế giới, đang áp dụng tại nhiều ngân hàng thương mại hàng đầu như: VP Bank, SeA Bank, MB Bank, Maritime Bank, Nam Á Bank, ACB,…

Nếu triển khai ý tưởng trên thành công, Ví thiện nguyện Small Giving sẽ giúp tạo một nét văn hóa mới trong cộng đồng, hướng các nhà hảo tâm hình thành thói quen thực hiện từ thiện một cách thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi.

3. Kiến trúc tổng thể Ví thiện nguyện Small Giving

Để triển khai Ví thiện nguyện Small Giving, bên cạnh việc khảo sát thực tế, đề xuất ý tưởng, việc định hình thiết kế về Kiến trúc tổng thể của hệ thống trước khi bắt tay thực hiện là rất quan trọng. Hình 1 mô tả chi tiết Kiến trúc tổng thể của Ví thiện nguyện Small Giving thông qua việc làm rõ các: (1) Đối tượng tham gia hệ thống, (2) Các kênh giao tiếp với hệ thống, (3) Kiến trúc về mặt nghiệp vụ, (4) Kiến trúc về mặt dữ liệu, (5) Kiến trúc về Hạ tầng công nghệ và (6) Các hệ thống khác liên quan vận hành song song. 

Hình 1: Kiến trúc tổng thể Ví thiện nguyện Small Giving

kien_truc_tong_the_vi_thien_nguyen_small_giving

 

Ví thiện nguyện Small Giving được thiết kế với 3 nhóm đối tượng chính liên quan tới hệ thống. Cụ thể:

- Nhóm đối tượng nhà hảo tâm bao gồm: cộng đồng sinh viên, cán bộ, giảng viên và những người quan tâm đến hoạt động thiện nguyện tại Học viện Ngân hàng.

- Nhóm đối tượng vận hành hệ thống bao gồm: phụ trách câu lạc bộ, cộng tác viên viết bài, cộng tác viên kế toán thuộc Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Học viện Ngân hàng.

- Nhóm đối tượng nhà tài trợ bao gồm: các cá nhân, tập thể có nhu cầu đặt quảng cáo hay thu thập các câu trả lời khảo sát trên ứng dụng. Họ tham gia hệ thống nhằm theo dõi tiến trình khảo sát hoặc đánh giá sự tương tác của các nhà hảo tâm.

Để Ví thiện nguyện Small Giving trở nên gần gũi, dễ sử dụng và đem lại những trải nghiệm thú vị cho tất cả các đối tượng người dùng, nhóm nghiên cứu đã triển khai phát triển ứng dụng trên cả môi trường Mobile và Web.

Về mặt nghiệp vụ của hệ thống, từng nhóm đối tượng được cung cấp các tính năng phù hợp, nhằm thực hiện các nghiệp vụ liên quan.

- Đối tượng nhà hảo tâm: có thể xem danh sách thông tin chi tiết về các hoạt động thiện nguyện đang diễn ra; có thể lựa chọn thực hiện quyên góp nhanh cho các hoàn cảnh khó khăn mà mình quan tâm; có thể nạp tiền ủng hộ hoặc kiếm được tiền ủng hộ bằng cách thực hiện điểm danh hoặc trả lời khảo sát theo yêu cầu của các nhà tài trợ. Ngoài ra, nhà hảo tâm còn được đăng ký tham gia góp sức cùng thực hiện các chương trình thiện nguyện trên thực tế.

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích, biểu dương và vinh danh những nhà hảo tâm đã có tổng giá trị quyên góp lớn, họ sẽ nhận được các huy hiệu khác nhau theo từng mốc quyên góp nhất định và xuất hiện trên bảng xếp hạng (được thống kê theo tuần, theo tháng, theo năm).

- Đối tượng vận hành hệ thống: gồm các nghiệp vụ liên quan đến 3 nhóm đối tượng. Cụ thể:

Nhóm cộng tác viên viết bài: được phân quyền thực hiện thêm mới, chỉnh sửa và đăng tải các hoạt động thiện nguyện; các tin tức thông báo; các phiếu khảo sát tiếp nhận từ nhà tài trợ.

Nhóm cộng tác viên kế toán: được phân quyền thực hiện các tính năng liên quan đến thực hiện các giao dịch nạp tiền, khởi tạo các quỹ điểm danh hàng ngày.

Phụ trách các câu lạc bộ: được phân quyền quản lý và giám sát các công việc của cộng tác viên viết bài và kế toán. Đồng thời, được cấp quyền truy xuất các báo cáo quản trị cần thiết.

Trong hệ thống, việc thực thi các tính năng nghiệp vụ được thực hiện nhờ quá trình khởi tạo và kết nối các Web Service, thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API). Bên cạnh các API được nhóm xây dựng dành riêng cho Ví thiện nguyện Small Giving, các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động thanh toán được tích hợp với các API cung cấp bởi nền tảng Way4Platform. Hình 2 mô tả chi tiết các thành phần chính liên quan tới nền tảng thanh toán Way4Platform, bao gồm: Way4 Transaction Switch (Giao dịch chuyển mạch), DB Server (Máy chủ dữ liệu) và Application Server (Máy chủ ứng dụng). Nhóm nghiên cứu đã tối giản hóa việc sử dụng các thành phần chính của Way4Platform nhằm quản lý khách hàng là những nhà hảo tâm (thông qua số tài khoản) và quản lý dòng tiền thiện nguyện của nhà hảo tâm (quản lý số dư, nạp tiền, chuyển tiền, lịch sử giao dịch và truy xuất báo cáo của các tài khoản). 

Hình 2: Các thành phần chính của nền tảng thanh toán Way4Platform

cac_thanh_phan_chinh_cua_nen_tang_thanh_toan_way4platform 

Về môi trường vận hành hệ thống: Ví thiện nguyện Small Giving được xây dựng, vận hành trên hai môi trường Mobile App (hệ điều hành Android và iOS) và Web App, nhằm hỗ trợ tối đa trải nghiệm của các nhóm đối tượng liên quan tới hệ thống. (Hình 3)

Hình 3: Giao diện dành cho nhà hảo tâm trên môi trường Mobile App (trái) và Web App (phải)

giao_dien_danh_cho_nha_hao_tam

  • Đối tượng nhà hảo tâm: họ có thể trải nghiệm hệ thống thông qua cả môi trường Mobile App và Web App. Việc cho phép trải nghiệm trên cả hai môi trường này giúp họ dễ dàng thực hiện hoạt động thiện nguyện mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị điện tử (Hình 3).
  • Đối tượng vận hành hệ thống: được thiết kế tối ưu trên môi trường Web App, giúp các nhóm vận hành hệ thống dễ dàng thực hiện các tác vụ như đã phân tích ở trên (Hình 4).

Hình 4: Giao diện quản trị Ví thiện nguyện Small Giving trên môi trường Web App

giao_dien_quan_tri_vi_thien_nguyen_small_giving

4. Đánh giá kết quả thực hiện

Trong vòng 5 tháng triển khai (01/2020 - 05/2020), Ví thiện nguyện Small Giving cơ bản hoàn tất các tính năng đề ra trên cả hai môi trường Mobile App và Web App. 

Bảng 1. Tổng hợp một số công việc trong triển khai xây dựng Ví thiện nguyện Small Giving

tong_hop_mot_so_cong_viec_trong_trien_khai_xay_dung_vi_thien_nguyen_small_giving

Quá trình triển khai xây dựng, việc phân tích/thiết kế hệ thống được thực hiện bài bản; việc xây dựng hệ thống cơ bản hoàn tất 25 tính năng dành cho người dùng và quản trị hệ thống, đảm bảo tích hợp giữa 2 hệ thống Ví thiện nguyện Small Giving và nền tảng Way4Platform; việc kiểm thử hệ thống (63 kịch bản kiểm thử) được thực hiện sớm, nhằm phát hiện ra các sai sót không mong muốn có thể xảy ra.

Trong thời gian tới, hệ thống Ví thiện nguyện Small Giving dự kiến sẽ được chuyển giao cho Đoàn thanh niên/Hội sinh viên Học viện Ngân hàng triển khai và vận hành. Đây sẽ là giải pháp giúp triển khai nhanh chóng hoạt động thiện nguyện tại Học viện Ngân hàng và gắn kết các nhà tài trợ.

5. Kết luận

Từ những kết quả đã đạt được, có thể đánh giá, ví thiện nguyện Small Giving là một sản phẩm ứng dụng ý nghĩa, giúp thay đổi mô hình thiện nguyện truyền thống, có tính lan tỏa cao, được thực hiện bởi chính nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Khoa Hệ thống thông tin quản lý và các chuyên gia công nghệ của tập đoàn Openway. Hệ thống được kỳ vọng khuyến khích cộng đồng sinh viên, cán bộ, giảng viên tại Học viện Ngân hàng nói riêng và cộng đồng những nhà hảo tâm nói chung tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện thường xuyên, xây dựng một nét văn hóa tốt đẹp, đề cao các giá trị nhân đạo và tạo dựng sự gắn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ triển khai giải pháp này sẽ là một hành trang tốt để các bạn sinh viên tham gia thực hiện dự án phát triển tiếp các mô hình kinh doanh sáng tạo hiện nay.

Tài liệu trích dẫn:

1Một giải pháp Core thanh toán được phát triển bởi tập đoàn Openway (trụ sở tại Bỉ)

2Các tổ chức đánh giá uy tín trên thế giới

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cẩm Linh (2016). Bốn cách làm từ thiện online không mất tiền? Quá dễ!. < https://genk.vn/tin-ict/4-cach-lam-tu-thien-online-khong-mat-tien-quade2015123109195 4203.chn>
  2. Gio yeu thuong (2018). Happi app ứng dụng hỗ trợ gây quỹ từ thiện. <https://www.gioyeuthuong.vn/happi-app-ung-dung-ho-tro-gay-quy-tu-thien>
  3. Hung Nguyen (2019). Lalas - Ứng dụng gây quỹ từ thiện của nhóm khởi nghiệp 9X. < https://startupwheel.vn/ung-dung-gay-quy-tu-thien.html>
  4. Minh Thi (2017). Người Việt ngày càng chi nhiều tiền làm từ thiện. <https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nguoi-viet-ngay-cang-chi-nhieu-tien-lam-tu-thien-575355.ldo>
  5. Momo (2019). Cùng nuôi Heo Đất MoMo chung tay làm ngàn điều hay. <https://momo.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/cung-nuoi-heo-dat-momo-chung-tay-lam-ngan-dieu-hay-999>
  6. VinID (2019). Đóng góp từ thiện cho quỹ “Chuyện kể bé nghe” trên app VinID như thế nào?. <https://vinid.net/tin-tong-hop/dong-gop-tu-thien-cho-quy-chuyen-ke-be-nghe-tren-app-vinid-nhu-the-nao>
  7. NPSource (2018). The Ultimate List Of Charitable Giving Statistics For 2018. <https://nonprofitssource.com/online-giving-statistics>
  8. OpenWay (2019). Way4. Very Digital Payments. https://www.openwaygroup.com/way4-digital-payment-solutions> 9. SteelKiwi Inc (2018). Transforming the Philanthropic Landscape through Charity Mobile Apps. <https://hackernoon.com/transforming-the-philanthropic-landscape-through-charity-mobile-apps-b789a5908d8e>

 

SMALL GIVING - A NEW SOLUTION IN THE DEVELOPMENT

OF CHARITY MODEL FOR COMMUNITY

CHU VAN HUY

Lecturer, Faculty of Management Information Systems,

Banking Academy of Vietnam

Instructor of Small Giving charity e-wallet project at the Digital transformation Laboratory - Banking Academy of Vietnam

NGUYEN THI PHAN, VU THI PHUONG, HA MINH TU,
NGUYEN THANH DUONG, BUI MINH THU

Student, Faculty of Management Information Systems,

Banking Academy of Vietnam

Team members of Small Giving charity e-wallet project at the Digital Transformation Laboratory - Banking Academy of Vietnam

ABSTRACT:

Currently, the Industry 4.0 has made significant changes in the the operating model of many businesses. Applying technology in developing online charity models is a trend that is attracting the attention of organizations and philanthropists. This is because technology could solve the barriers of transparency, immediacy and continuity compared with traditional charity models. Small Giving charity e-wallet project is an experiment about a new charity model developed at the Digital Transformation Laboratory, Banking Academy of Vietnam. This paper focuses on presenting (1) the problem context, (2) ideas, (3) overall system architecture design and (4) some results related to this meaningful solution.

Keywords: Charity model, digital transformation, Small Giving, Way4Platform.