Sóc Trăng là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có diện tích tự nhiên 331.187 ha. Trong đó, đất nông nghiệp 280.384 ha, chiếm 84,66% diện tích tự nhiên (đứng thứ 5 trong vùng ĐBSCL). Bên canh đó, Sóc Trăng có hệ thống giao thông phát triển với 3 tuyến quốc lộ xuyên tỉnh là Quốc lộ 1A, tuyến Nam Sông Hậu và tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Cùng với hệ thống giao thông thủy đi ra 2 của biển Trần Đề và Mỹ Thanh là điều kiện thuận lợi trong giao thương với các tỉnh, các địa phương trong vùng.

Nhờ có lợi thế về địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước... cho phép Sóc Trăng phát triển một nền nông nghiệp đa dạng. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, Ban Lãnh đạo Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng luôn có những bước tham mưu và xác định kinh tế nông nghiệp là thế mạnh số 1. Trong đó, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, chọn khâu đột phá là thủy lợi. Công tác khuyến nông, chọn giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản được chú trọng thực hiện.

Thủy sản
Thủy sản là kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng 

Theo tiến sỹ Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: Lúa là sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Sóc Trăng. Đặc biệt, phát triển nhanh 2 nhóm chủ lực là giống lúa thơm ST và lúa Tài nguyên mùa. Năm 2020, sản lượng lúa ước thực hiện trên 2 triệu tấn, đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm tỷ trọng từ 41,95% năm 2016 tăng lên 52,1% vào năm 2020, Nổi bật, tại Hội nghị quốc tế về thương mại lúa gạo lần thứ 9 ở Ma Cao năm 2017 gạo ST24 đạt giải “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”; và gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới"được tổ chức tại Manila (Philippin).

Hiện nay, các địa phương ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, nhằm giảm tổn thất, hạ giá thành, đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng có 821 máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa đạt từ 98%.

Cơ giới hóa nông nghiệp
Sóc Trăng đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng, phát triển nuôi trồng ở cả 03 vùng sinh thái nước mặn, lợ, ngọt. Năm 2016, diện tích nuôi thả là 69.492 ha, tăng lên 78.968 ha năm 2019, ước cuối năm 2020 đạt 77.000 ha. Tổng sản lượng đạt 237.122 tấn/2016 tăng lên 313.706 tấn năm 2019, ước đến cuối năm 2020 đạt 317.000 tấn. Đây là ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh của Sóc Trăng, làm thay đổi đời sống vùng nông thôn ven biển của tỉnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động từ công nghiệp chế biến và các dịch vụ liên quan.

Bên canh đó, cây ăn trái là một thế mạnh trên vùng ngọt của tỉnh Sóc Trăng do ít chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ước đến cuối năm 2020, diện tích đạt 28.500 ha (giảm 519 ha/so với 2016), trong đó đã hình thành các vườn cây ăn quả theo hướng VietGAP trên tổng diện tích 373,4 ha như cam, nhãn, mãng cầu gai, xòa cát chu, bưởi da xanh, vú sữa.

Cây ăn trái
Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đang ứng dụng trồng cây ăn trái bằng phương pháp hữu cơ

Được sự đầu tư của Dự án Phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng nên dự kiến diện tích cây ăn trái theo hướng VietGAP sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Riêng năm 2020 đã hỗ trợ tổ chức lại sản xuất với 19 mô hình, xây dựng 10 vùng trồng được cấp 36 mã code với diện tích: 320,01 ha/350 hộ, tiếp tục hỗ trợ liên kết xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ đối với các sản phẩm đã được xây dựng chuỗi liên kết (gồm: vú sữa, xoài, bưởi, nhãn).

Ngoài các sản phẩm chủ lực, Sóc Trăng cũng phát triển rất tốt lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ước cuối năm 2020, tổng đàn gia súc đạt 240.638 con. Tổng đàn bò ước đạt 54.200 con, tăng 10.567 con so với năm 2016, (bò sữa ước đạt 10.013 con ), sản lượng sữa 17.000 tấn. Việc tiêu thụ sữa thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth và Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk thu mua. Chăn nuôi gia cầm đang chuyển dần nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp có kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, điển hình như trại gà đẻ 120 ngàn con ứng dụng hệ thống sản xuất tự động công nghệ Đức của Công ty TNHN Dư Hoài, ( huyện Châu Thành); Trại gà giống 400 ngàn con của DNTN Thanh Đại (huyện Trần Đề) và Trang trại DNTN Tân Tài Lộc tại huyện Mỹ Xuyên với quy mô 400 heo nái.

Chăn nuôi
Ngoài các sản phẩm chủ lực, Sóc Trăng cũng phát triển rất tốt lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm

Phát huy những thế mạnh, kết quả đạt được trong thời gian qua, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã xây dựng các mục tiêu, giải pháp toàn diện cho giai đoạn tiếp theo sẽ là điều kiện để nông nghiệp Sóc Trăng phát triển nhanh, ổn định và bền vững trong thời gian tới, tiến sỹ Trần Tấn Phương khẳng định thêm.