Sự bùng phát dịch Covid-19 lần hai sẽ làm suy yếu vị thế của đồng USD

Đồng USD Hoa Kỳ được dự báo sẽ suy yếu so với hầu hết các đồng tiền của các nền kinh tế phát triển khác trong bối cảnh nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần hai ngày càng tăng.
Tỷ giá nhân dân tệ
Đồng USD được dự báo sẽ suy yếu so với các đồng tiền của các nền kinh tế phát triển khác, thậm chí so với cả đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (Ảnh: The Economist)

Các thị trường tiền tệ trên toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai đang ngày càng gia tăng, ông Sameer Goel, chiến lược gia trưởng vĩ mô khu vực Châu Á của tập đoàn ngân hàng Deutsche Bank (Đức) nhận định.

Trong chương trình phỏng vấn với Đài CNBC (Hoa Kỳ), ông Sameer Goel nhận định câu hỏi lớn đối với giới đầu tư hiện nay là đồng USD liệu có được coi là tài sản đầu tư trú ẩn trong bối cảnh làn sóng lây lan dịch Covid-19 đang tăng cao kỷ lục và nguy cơ bùng phát dịch bệnh lần hai. Ông Sameer Goel dự báo đồng USD có thể suy yếu so với hầu hết các đồng tiền của các nền kinh tế phát triển khác, thậm chí là với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc khi số ca nhiễm mới Covid-19 đang tăng mạnh trở lại.

Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cho thấy chỉ trong 2 ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy tuần trước (19 và 20/6), Hoa Kỳ đã ghi nhận thêm 30.000 trường hợp mới dương tính Covid-19, đây là số ca nhiễm mới cao nhất tính theo ngày kể từ ngày 1/5/2020. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh số ca nhiễm mới tại Bắc Kinh (Trung Quốc) sau gần 2 tháng không ghi nhận ca nhiễm nào làm dấy lên lo ngại sự bùng phát tiềm tàng của một đợt dịch mới tại Trung Quốc.

Trong phiên giao dịch chiều ngày 22/6 (theo giờ Singapore), chỉ số US Dollar Index đã đạt 97,503 điểm so với các đồng tiến khác trong rổ tiền tệ tham chiếu. Trong đầu tháng 6/2020, chỉ số US Dollar Index dao động dưới ngưỡng 96,5 điểm. Chỉ số này được dùng để đo lường sự biến động của đồng USD với các loại tiền tệ khác, thường là của các đối tác thương mại với Hoa Kỳ.

Ông Sameer Goel cho biết, trong số các đồng tiền của nhóm G10 thì nhu cầu của giới đầu tư trên thế giới đối với đồng USD đã tăng vượt trội kể từ tháng 3/2020, một phần do xuất hiện nhu cầu sử dụng USD khẩn cấp khi gần như mọi hoạt động trên toàn cầu đồng loạt tạm ngưng để ngắn chặn sự lây lan của dịch bệnh. G10 là nhóm 11 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới như Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Canada. Giới đầu tư thường tăng cường tích trữ đồng USD khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với các bất lợi do đồng USD hiện vẫn được coi là đồng tiền dự trữ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Sameer Goel cảnh báo nhu cầu sử dụng USD khẩn gấp đang có dấu hiệu suy giảm, điều này sẽ làm nhu cầu đối với đồng USD giảm xuống. Bên cạnh đó, chiến lược nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế của Hoa Kỳ được đánh giá kém chi tiết hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Ông Sameer Goel cho biết các dữ liệu của Deutsche Bank phần lớn các quốc gia tại khu vực Châu Âu đang tái mở cửa nền kinh tế nhanh hơn Hoa Kỳ.

Trong khi đó, triển vọng đối với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tương đối tích cực và giới đầu tư đang ngày càng quan tâm hơn đối với đồng tiền này. Tỷ giá đồng Nhân dân tệ trên thị trường nội địa (onshore) trong phiên giao dịch gần nhất đã đạt mức 7,0804 Nhân dân tệ đổi 1 USD; trong đầu tháng 6/2020, đồng Nhân dân tệ chỉ đạt 7,11 Nhân dân tệ đổi 1 USD.

Trong khi đó, trên thị trường hải ngoại (offshore), tỷ giá đã đạt mức 7,0744 Nhân dân tệ đổi 1 USD; cao hơn đáng kể so với mức 7,12 Nhân dân tệ đổi 1 USD hồi đầu tháng 6/2020.

Trong bối cảnh Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đẩy mạnh mở cửa thị trường tài chính, đồng Nhân dân tệ được ông Sameer Goel dự báo sẽ được giữ tương đối ổn định. Mặc dù các bất đồng giữa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực nhưng việc hai quốc gia vẫn đang duy trì thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được ký từ giữa tháng 1/2020 đã phần nào giúp ổn định tình hình.

Quang Đặng (Theo CNBC)