Sử dụng điều khoản miễn trách trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh theo Công ước Viên 1980

ThS. ĐẶNG THỊ HUYỀN TRANG (Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết luận giải bản chất pháp lý của điều khoản miễn trách theo Công ước Viên 1980, từ đó phân tích điều kiện của việc sử dụng điều khoản trong hợp đồng thương mại quốc tế khi có tình trạng thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, phân tích một số khía cạnh pháp lý về việc sử dụng điều khoản miễn trách theo Công ước Viên 1980 trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị để tạo thuận lợi cho việc thực thi điều khoản này.

Từ khóa: Điều khoản miễn trách, thiên tai, dịch bệnh, Công ước Viên 1980.

1. Đặt vấn đề

Sau một quá trình nỗ lực đàm phán, vào ngày 18 tháng 12 năm 2015, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (United Nations Convention On Contracts For The International Sale Of Goods, 1980)[1]. Theo thỏa thuận, Công ước Viên bắt đầu ràng buộc Việt Nam từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Công ước Viên 1980 là một nguồn luật quan trọng trong thực tiễn thương mại quốc tế. Vì vậy, việc gia nhập đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân Việt Nam ký kết và thực hiện hợp đồng.

Trên thực tế, không một thương nhân nào mong muốn vi phạm hợp đồng để uy tín của mình bị ảnh hưởng trên thương trường. Hơn nữa, về nguyên tắc, khi một bên vi phạm hợp đồng thì bên đó sẽ phải chịu một (một số) hình thức trách nhiệm pháp lý, như: phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng…  Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân khách quan đặc biệt - như thiên tai, dịch bệnh, mà một hoặc cả hai bên sẽ buộc phải vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp đó, nếu các bên chọn luật áp dụng là Công ước Viên 1980 thì một điều khoản thường được sử dụng để miễn trừ trách nhiệm là điều khoản miễn trách. 

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng của dịch bệnh toàn cầu Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, khác với các nước đã tham gia Công ước Viên 1980 từ sớm, các thương nhân Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn, lúng túng khi áp dụng điều khoản miễn trách để miễn trừ trách nhiệm.

2. Bản chất pháp lý của điều khoản miễn trách theo Công ước Viên 1980

Trên thực tế, hầu hết các nguồn luật điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế đều có điều khoản miễn trừ trách nhiệm, nhằm tạo cơ sở cho việc loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong một số tình huống, như: xảy ra sự kiện bất khả kháng, xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận, hành vi vi phạm của một bên là hoàn toàn do lỗi của bên kia hoặc hành vi vi phạm hợp đồng của một bên là do tuân thủ các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Trong các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, sự kiện bất khả kháng được hiểu theo nghĩa thông dụng là trường hợp xảy ra sau khi ký kết hợp đồng, do những sự kiện có tính chất bất thường xảy ra mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được[2].  Tình huống bất khả kháng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà lý luận pháp lý thường chia thành các nhóm như: thiên tai, chiến tranh, bãi công, sự cố trong sản xuất, sự cản trở trong vận tải… Trong đó, theo luật La Mã, thiên tai là những hiện tượng của tự nhiên và được coi là cơ sở miễn trừ trách nhiệm, bao gồm: lũ lụt, bão, động đất, dịch bệnh. Những hiện tượng này được gọi bằng thuật ngữ “Act of God - Hành vi của Chúa”[3].

Pháp luật Việt Nam cũng có những quy định tương đồng với luật pháp quốc tế về vấn đề này. Luật Thương mại Việt Nam quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện hành cũng quy định rõ sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép[4].

 Công ước Viên 1980 không đề cập đến thuật ngữ “bất khả kháng” trong điều khoản miễn trách mà thay vào đó là quy định “một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát”. Cụ thể, khoản 1, Điều 79, Công ước Viên 1980 quy định: “Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó”. Theo đó, có thể hiểu trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát chính là sự kiện bất thường, mang tính chất khách quan. Cũng theo quy định, tại khoản 1, Điều 79, Công ước Viên 1980, sự trở ngại đó là không thể lường trước vào thời điểm ký kết hợp đồng cũng như không thể tránh hay khắc phục được hậu quả. Nếu hợp đồng chọn luật áp dụng là Công ước Viên 1980 (cụ thể là điều 79) thì thiên tai, dịch bệnh kéo dài có thể được xem là một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của các bên. Do đó, bên vi phạm hợp đồng sẽ được miễn trừ trách nhiệm.

Mặc dù cách diễn đạt khác nhau nhưng chúng ta có thể hiểu sự trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát hay trường hợp bất khả kháng là trường hợp có các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, thiệt hại xảy ra do những trở ngại ngoài khả năng kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng.

Thứ hai, những trở ngại này bên vi phạm đã không thể lường trước được trong quá trình giao kết hợp đồng.

Thứ ba, những trở ngại này không thể tránh được và không thể khắc phục được hậu quả khi nó xảy ra[5].

3. Điều kiện để sử dụng điều khoản miễn trách theo Công ước Viên 1980

Theo Công ước Viên 1980, trở ngại ngoài khả năng kiểm soát như thiên tai, dịch bệnh chưa phải là căn cứ để bên vi phạm hợp đồng được miễn trừ trách nhiệm nếu trở ngại đó không thỏa mãn những điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất, sự miễn trách chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó. Như vậy, nếu muốn được miễn trừ trách nhiệm do sự trở ngại ngoài khả năng kiểm soát - như thiên tai, dịch bệnh, theo Điều 79 Công ước Viên 1980, bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh thời điểm vi phạm hợp đồng diễn ra trong giai đoạn xảy ra thiên tai, dịch bệnh đó.

Điều kiện thứ hai, bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải báo cáo cho bên kia biết về trở ngại. Theo đó, tình huống bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự vi phạm hợp đồng của một bên. Thông báo về trở ngại do thiên tai, dịch bệnh là một nội dung của nghĩa vụ thông báo. Nghĩa vụ thông báo là một dạng thức của việc thực hiện nguyên tắc thiện chí, trung thực trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế. Nhằm tránh việc bên vi phạm lợi dụng tình trạng trở ngại để loại trừ trách nhiệm, Công ước Viên cũng quy định rõ: nếu thông báo không tới tay bên kia trong một thời hạn hợp lý, từ khi bên không thực hiện nghĩa vụ đã biết hay đáng lẽ phải biết về trở ngại đó, thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc bên kia không nhận được thông báo.

Điều kiện thứ ba, bên không thực hiện nghĩa vụ của mình còn phải báo cáo cho bên kia biết về sự ảnh hưởng của trở ngại đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ. Trong lý luận về miễn trừ trách nhiệm do bất khả kháng, đây là điều kiện về mối quan hệ nhân quả giữa tình huống bất khả kháng và việc không thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, nếu bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vi phạm hợp đồng của một bên thì bên vi phạm mới được hưởng điều khoản miễn trách.

Ngoài những điều kiện quy định tại Điều 79, Công ước Viên 1980, bên vi phạm hợp đồng muốn được hưởng miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng còn phải đáp ứng điều kiện tiên quyết. Đó là phải có điều khoản luật áp dụng, trong đó các bên thỏa thuận chọn Công ước Viên 1980 là nguồn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế.

4. Một số vấn đề đặt ra khi sử dụng điều khoản miễn trách trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh theo Công ước Viên 1980 và kiến nghị, đề xuất

4.1. Một số vấn đề đặt ra

Điều khoản miễn trách của Công ước Viên 1980 được xem như “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp khi vi phạm hợp đồng do những sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ gặp một số khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp Việt Nam, do lịch sử tham gia thương mại trên trường quốc tế và kinh nghiệm áp dụng Công ước Viên 1980 chưa nhiều.

Thứ nhất, việc chứng minh sự tồn tại của bất khả kháng tương đối khó khăn do thời điểm diễn ra dịch bệnh ở mỗi địa phương, mỗi đất nước khác nhau.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 79, Công ước Viên 1980, một trong những điều kiện để bên vi phạm được áp dụng điều khoản miễn trách là phải chứng minh được sự vi phạm hợp đồng xảy ra tại một thời điểm trong giai đoạn tồn tại trở ngại đó. Từ đó, có thể thấy, nếu bên vi phạm muốn được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại quốc tế trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh thì bên vi phạm phải chứng minh được thời điểm vi phạm nằm trong thời gian tồn tại của thiên tai, dịch bệnh đó. Tuy nhiên, việc chứng minh được thời điểm này là không dễ dàng, bởi đặc thù của dịch bệnh là có sự lây lan dần trên diện rộng và đặc biệt đại dịch toàn cầu lại diễn ra qua các giai đoạn mà ban đầu chỉ xuất hiện một vài ca, sau đó lây nhiễm ra một vùng, một quốc gia và phân bổ toàn cầu[6]. Trong bối cảnh diễn tiến của dịch bệnh, vấn đề đặt ra là xác định ở mức độ nào, giai đoạn nào của dịch bệnh mà ở đó xảy ra sự vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm sẽ được miễn trừ trách nhiệm.

Thứ hai, gánh nặng pháp lý phát sinh do bên vi phạm vẫn phải chịu các hình thức trách nhiệm khác.

Khoản 5, Điều 79, Công ước Viên 1980 quy định các bên chỉ không được áp dụng hình thức trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng, mà không cấm áp dụng đối với các hình thức trách nhiệm khác. Điều đó có nghĩa, bên vi phạm hợp đồng do thiên tai, dịch bệnh chỉ được miễn trừ trách nhiệm đối với hình thức trách nhiệm bồi thường thiệt hại và dĩ nhiên họ vẫn có thể đứng trước nguy cơ bị đối tác áp dụng chế tài phạt vi phạm, hủy hợp đồng. Trong tình hình đình trệ sản xuất, kinh doanh do thiên tai, dịch bệnh và thậm chí là thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly, vốn dĩ doanh nghiệp đã gặp khó khăn nhưng nếu còn phải chịu thêm chế tài khác do vi phạm hợp đồng thì rõ ràng đây là gánh nặng pháp lý cũng như gánh nặng kinh tế đối với các doanh nghiệp.

4.2. Kiến nghị, đề xuất

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang hoạt động thương mại quốc tế bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh như hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét một số giải pháp và nhanh chóng cân nhắc để đưa vào thực tiễn.

Trước hết là sự hỗ trợ của cơ quan tư pháp trong việc hướng dẫn thực thi Khoản 3, Điều 79, Công ước Viên 1980. Cụ thể, nếu Công ước Viên 1980 không quy định rõ mức độ nào, giai đoạn nào của dịch bệnh mà trong giai đoạn đó có sự vi phạm hợp đồng để sử dụng điều khoản miễn trách, thì cần hướng dẫn thực hiện theo thông lệ quốc tế. Trong lý luận chung của Luật Thương mại quốc tế, quy định tại Khoản 3, Điều 79, Công ước Viên 1980 có bản chất pháp lý giống với nghĩa vụ chứng minh sự kiện bất khả kháng là thực tế. Theo thông lệ quốc tế, việc chứng minh này được thực hiện bằng văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền - nơi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng thông tin công khai những cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận sự kiện thiên tai, dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu sự rườm rà trong thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi liên hệ.

Một giải pháp khác cũng cần được nhắc tới là việc nhanh chóng áp dụng các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, cụ thể như: cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, giảm lãi vay, đẩy nhanh khâu giải ngân để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cuối cùng, cần sự chuẩn bị các chính sách và lộ trình áp dụng các gói giải pháp kích thích hoạt động ngoại thương khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát và chấm dứt. Điều này nhằm giúp hoạt động ngoại thương dần phục hồi, đặc biệt là: các chính sách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, về thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Sau đây gọi là Công ước Viên 1980

[2] Nguyễn Văn Luyện - Lê Thị Bích Thọ, Giáo trình Luật Hợp đồng thương mại quốc tế, tr.109, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2009.

[3] Xem thêm: Nguyễn Văn Luyện – Lê Thị Bích Thọ, Giáo trình Luật Hợp đồng thương mại quốc tế, tr.111-112, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2009.

[4] Xem thêm: Điều 294 Luật Thương mại Việt Nam 2005 và khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015.

[5] Nông Quốc Bình, Giáo trình Luật Thương mại quốc tế, tr.259, NXB Công an nhân dân, 2013.

[6] Miquel Porta (ngày 3 tháng 7 năm 2008). Miquel Porta, biên tập. Dictionary of Epidemiology. Oxford University Press. tr. 179. ISBN 978-0-19-531449-6 và Current WHO phase of pandemic alert World Health Organization 2009.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Liên Hợp Quốc (1980), Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước Viên 1980).
  2. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Thương mại Việt Nam số 36/2005/QH11.
  3. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Dân sự Việt Nam số 91/2015/QH13.

 

THE USE OF THE EXEMPTION ARTICLE

IN CASE OF NATURAL DISASTERS AND DISEASES

UNDER THE UNITED NATIONS CONVENTION ON CONTRACTS

FOR THE INTERNATIONAL SALE OF GOODS 

Master. DANG THI HUYEN TRANG

Ho Chi Minh City College of Economics

ABSTRACT:

This paper explains the legal nature of the exemption article of the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods which was signed in Vienna in 1980 and analyzes conditions for the use of the exemptions article of international trade contracts in case of natural disasters and diseases. This paper also analyzes some legal aspects of the use of exemption article of the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods when executing international trade contracts, thereby making recommendations to facilitate the enforcement of this article.

Keywords: Exemption article, natural disaster, disease, United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods.