Sử dụng tro xỉ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương làm mặt đường giao thông nông thôn

Theo tính toán chi phí để bê tông hóa 1km đường giao thông nông thôn khoảng 1 tỷ đồng, nếu sử dụng tro xỉ thay thế, chi phí sẽ giảm khoảng 40%. Việc sử dụng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương sẽ tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình bê tông hóa giao thông trên địa bàn Lạng Sơn.
tro xỉ nhà máy nhiệt điện na dương
Tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương

Mỗi năm, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương thải ra môi trường khoảng 430.000 tấn tro, xỉ. Xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương hiện mới chỉ được sử dụng để làm vật liệu san lấp. Lượng phế thải này ngày càng nhiều trong khi chưa có biện pháp xử lý sẽ là nguy cơ ô nhiễm môi trường bụi, chiếm dụng lớn diện tích đất để chứa thải. Điều này đặt ra yêu cầu cần tìm ra giải pháp thu hồi, tái sử dụng tạo ra các sản phẩm có ích phục vụ đời sống xã hội.

Trước thực tế đó, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, nhóm nghiên cứu do Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Lạng Sơn cùng các cộng sự triển khai đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu sử dụng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương làm mặt đường giao thông nông thôn”.

Theo các nghiên cứu tại Viện Vật liệu xây dựng, khi sử dụng tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương chưa xử lý nếu gặp nước, hơi ẩm sẽ dẫn đến hiện tượng trương nở. Vì vậy có thể gây nở thể tích của bê tông. Đây là nhược điểm khiến công trình bị nứt, vỡ. Khắc phục nhược điểm này, nhóm nghiên cứu tiến hành ủ ẩm tro xỉ trong thời gian khoảng 15 ngày trước khi phối trộn sử dụng làm vật liệu xây dựng. Qua đó, nhằm đảm bảo các phản ứng gây nở diễn ra hoàn toàn. Sau khi ủ ẩm, tro xỉ được thay thế cho cát, sỏi trong bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Nhóm nghiên cứu cũng đã phối hợp tiến hành một số phân tích, qua đó khẳng định tro xỉ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương không phải chất thải nguy hại, đủ điều kiện để làm vật liệu đầu vào làm mặt đường giao thông nông thôn. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phối trộn giữa xi măng và tro xỉ, thiết kế thành phần cấp phối bê tông mặt đường đối với 4 loại cường độ khác nhau trong phòng thí nghiệm.

thi cong tuyen duong
Thi công tuyến đường

Đồng thời nhóm cũng triển khai thực tế tại hiện trường trên đoạn đường dài 1km tại thôn Khe Cảy - Khe Chòi, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập vào tháng 9/2019. Qua đó, nhằm đánh chính xác kết quả sử dụng với điều kiện thi công ngoài hiện trường. Sau khi thi công, đến nay, kết quả cơ bản cho thấy việc sử dụng tro xỉ phối trộn làm mặt đường giao thông nông thôn cho bề mặt đường nhẵn, khô nhanh, đảm bảo cường độ và mỹ quan.

Theo tính toán chi phí để bê tông hóa 1km đường giao thông nông thôn khoảng 1 tỷ đồng, nếu sử dụng tro xỉ thay thế, chi phí sẽ giảm khoảng 40%. Toàn tỉnh Lạng Sơn có mạng lưới đường bộ dài trên 16.400 km, trong đó, quốc lộ, tỉnh lộ được cứng hóa. Riêng đường giao thông nông thôn dài 13.400km gồm đường xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm, trục chính nội đồng. Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ bê tông hóa được trên 4.200 km.

Mỗi năm, tỉnh Lạng Sơn mới chỉ bố trí kinh phí để bê tông hóa 200 km đường, theo mục tiêu phấn đấu mỗi năm trung bình Lạng Sơn sẽ thực hiện 320 km. Việc tận dụng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương để làm vật liệu thi công đường giao thông sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình bê tông hóa giao thông trên địa bàn tỉnh.

T.Xuân