Sức hút và sự lan tỏa của mô hình điểm cải tiến năng suất chất lượng

Cuộc tham quan thực tế mô hình điểm tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa, với sự có mặt của lãnh đạo và chuyên gia kỹ thuật thuộc các doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học đã cho thấy sức hút mạnh mẽ và sự lan tỏa không ngừng của mô hình điểm áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại.
Hơn 100 đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo và các đội thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 và các cơ quan thông tấn báo chí thăm quan mô hình điểm tại Xuân Hòa Việt Nam
Hơn 100 đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo và các đội thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 và các cơ quan thông tấn báo chí thăm quan mô hình điểm tại Công ty Xuân Hòa Việt Nam.

 

Nhà nước xuất hiện đúng lúc

Thế hệ 6X, 7X bây giờ nhiều người còn nhớ đến xe đạp Xuân Hòa, một thương hiệu vang bóng trên thị trường những năm 80-90 của thế kỷ trước. Ngày nay, Xuân Hòa được biết đến nhiều hơn nhờ sản phẩm đồ nội thất, văn phòng. Nhưng sức hút gây tiếng vang nhất cho Xuân Hòa nằm ở 2 điểm.

Thứ nhất, năng suất lao động: Từ năm 2015 đến 2020, số lao động tại Xuân Hòa giảm khoảng 30%, nhưng doanh thu tăng gấp đôi, từ 371 tỷ lên 612 tỷ đồng. Thứ hai, chất lượng sản phẩm: Số lượt sản phẩm phải bảo hành năm 2019 giảm 32% so với năm 2018, năm 2020 giảm tiếp 18% so với năm 2019.

Có được 2 ưu thế trên, nhờ một phần rất lớn vào quyết tâm thay đổi mô hình sản xuất. Xuân Hòa thuê chuyên gia Nhật Bản tư vấn hỗ trợ kinh nghiệm cải tiến Kaizen, 5S, TPS, quản lý dòng chảy sản xuất; thuê kỹ sư Italy đào tạo và chuyển giao công nghệ mới; thuê chuyên gia Canada, Vinfast phát triển sản phẩm mới…

Xuân Hòa được coi là một điểm sáng trong cải tiến năng suất và chất lượng.  Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng tài chính và tầm nhìn để đổi mới quản trị và công nghệ như Xuân Hòa, khi số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Vì thế, với tầm nhìn chiến lược: Những gì thị trường điều tiết chưa đủ mạnh, nhà nước sẽ tạo ra cú hích, Bộ Công Thương đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”.

Dự án tập trung vào 2 mục tiêu chính. Một là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chủ lực nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đầu tư đổi mới công nghệ. Hai là nâng cao năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó, tập trung vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Xây dựng mô hình điểm

Theo ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, dự án ưu tiên nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ. Nội dung này chiếm tỷ trọng lớn về mặt kinh phí cũng như số lượng các nhiệm vụ. Trong đó, các mô hình điểm là trọng tâm, từ đó tuyên truyền, nhân rộng tạo sức lan tỏa cho các doanh nghiệp khác trong ngành, lĩnh vực thông qua các hoạt động truyền thông.

Trên thực tế, các hỗ trợ của dự án đã tạo nền móng và đòn bẩy quan trọng cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh. Ngay cả trong dịch covid 19 khiến nhiều đơn hàng may xuất khẩu bị dừng lại nhưng cú shock này không làm Công ty CP May Nam Hà bị quật ngã nhờ áp dụng mô hình cải tiến năng suất tổng thể với sự hỗ trợ của dự án.

Cụ thể, công ty đã thay đổi trách nhiệm rải chuyền, đầu tư phần mềm quản lý sản xuất, sử dụng để thiết kế sắp xếp chuyền tối ưu. Kết quả, thời gian chuyển đổi mã hàng đã giảm từ 2 - 3 giờ trước đây xuống còn 30 - 60 phút từ mã đơn giản đến phức tạp, tổng thời gian chuyển đổi giảm từ 8 giờ xuống 4 giờ. Tại hệ thống chuyền treo thông minh, chuyên gia đã tổ chức đào tạo lại lao động, bố trí thiết bị theo dạng dòng chảy…nâng tỷ lệ lên chuyền từ 40% lên 80%.

Chính việc sớm tiếp cận với mô hình quản lý sản xuất tinh gọn và việc thực hiện tốt những công cụ cải tiến ở công ty này đã hình thành văn hóa cải tiến không ngừng, giúp doanh nghiệp thích ứng được với hoàn cảnh bất lợi. Vì vậy, ngay khi đại dịch xảy ra, dây chuyển may đồ bơi xuất khẩu sang Mỹ đã tạm thời được thay bằng dây chuyền may khẩu trang kháng khuẩn mà không ảnh hưởng tới quy trình và năng suất làm việc, duy trì việc làm cho người lao động.

Ban tổ chức Cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương" trao giải Nhất cho Nhóm cải tiến Năng suất vượt trội - Công ty Cổ phần Pin ắc quy Miền Nam với Dự án “Cải tiến năng suất dây chuyền Lắp ráp bình xe gắn máy tại xí nghiệp ắc quy Đồng Nai"
Ban tổ chức Cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương" trao giải Nhất cho Nhóm cải tiến Năng suất vượt trội - Công ty Cổ phần Pin ắc quy Miền Nam với Dự án “Cải tiến năng suất dây chuyền Lắp ráp bình xe gắn máy tại xí nghiệp ắc quy Đồng Nai"

 

Với Công ty CP Tomeco An Khang, sau hơn một năm áp dụng mô hình nâng cao năng suất tổng thể đã giúp năng suất lao động tăng 25-27%; đặc biệt năm 2019, tỷ trọng hàng xuất khẩu của công ty đã tăng hơn 100% so với năm trước đó, trở thành một doanh nghiệp phụ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực cơ điện.

Sức hút mạnh mẽ

Đây là 2 trong số 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại được Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai trong giai đoạn 2012-2020. Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương về hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp 2012-2020, có tới 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ của dự án đem lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp, lên tới 98%.

Trong đó,  85%  doanh nghiệp cải thiện về tác phong, thái độ làm việc của cán bộ công nhân viên; gần 70% doanh nghiệp đánh giá an toàn lao động được nâng lên; gần 65% doanh nghiệp có năng suất lao động tăng lên. 55% doanh nghiệp giảm lãng phí nguyên vật liệu, và 48% doanh nghiệp cho rằng có thay đổi trong thời gian giao hàng.

Phần lớn doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng mô hình điểm đều có nhu cầu nâng cao năng suất chất lượng trong giai đoạn 5 năm tới với tỷ lệ cao hơn ở tất cả các nhóm giải pháp so với các doanh nghiệp nói chung. Trong đó, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư đổi mới công nghệ, chiếm khoảng 96,6%; tiếp theo đến việc áp dụng các mô hình, phần mềm để nâng cao hiệu quả quản lý (93,7%); đào tạo nguồn nhân lực (91%); công cụ cải tiến năng suất (90,5%); hệ thống quản lý chất lượng (80,4%,); 91% các doanh nghiệp điểm có nhu cầu tiếp tục được hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Cũng trong khuôn khổ của dự án, mới đây Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020”. Theo đánh giá của các chuyên gia năng suất chất lượng, đây là cơ hội để các Nhóm cải tiến năng suất chất lượng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trình bày các giải pháp và kết quả của quá trình thực hiện nhằm lan tỏa các mô hình cải tiến.

Cuộc tham quan thực tế mô hình điểm tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa được tổ chức ngay sau cuộc thi, với sự có mặt của lãnh đạo và chuyên gia kỹ thuật thuộc các doanh nghiệp, hiệp hội, viện, trường đại học  như: Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH Thiên Long, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty CP Than Vàng Danh, Hiệp hội Năng lượng, Đại học Thương mại… đã cho thấy sức hút mạnh mẽ và sự lan tỏa không ngừng của mô hình điểm áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại.

Bắc Lý