Tác động của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ đến thu nhập của người dân thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau

PGS. TS. TRƯƠNG ĐÔNG LỘC (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ), ThS. PHAN TẤN THANH (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau), ThS. NGUYỄN VĂN THÉP (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài viết này là nghiên cứu tác động của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) đến thu nhập của người dân thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập từ một cuộc khảo sát 700 nông hộ trên địa bàn Tỉnh. Sử dụng phương pháp so sánh trước - sau, kết quả kiểm định thống kê cho thấy việc ứng dụng kết quả từ các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đã làm cho thu nhập của các nông hộ tăng thêm 47,5 triệu đồng/năm với mức ý nghĩa thống kê 1%. Như vậy có thể kết luận rằng: Các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đã có tác động tích cực đến việc cải thiện thu nhập của các nông hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Từ khóa: Khoa học và công nghệ, thu nhập, nông hộ, nông thôn mới, Cà Mau.

1. Giới thiệu

Chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển các tỉnh, thành phố ở trong nước, bao gồm cả về kinh tế, chính trị và xã hội, vì nó mang lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 70% dân số cả nước). Mục tiêu của Chương trình này được xác định bao gồm 5 nội dung cơ bản: (1) làng, xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại, (2) sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa, (3) đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn ngày càng nâng cao, (4) bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn, (5) xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ. Để thực hiện các mục tiêu này, KH&CN có vai trò hết sức quan trọng.

Là một trong các tỉnh được chọn thí điểm để xây dựng một số mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai Chương trình, vận dụng một cách sáng tạo nhiều chính sách nhằm nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng KH&CN đối với nông hộ, doanh nghiệp và cả các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có một số đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN sau khi nghiệm thu đã được chuyển giao cho các đối tượng có liên quan, nhằm phục vụ cho việc xây dựng và phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó có nhiều kết quả đã được chuyển giao cho người dân để phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn. Tuy nhiên, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN này có tác động như thế nào đến thu nhập của người dân cho đến nay vẫn là câu hỏi nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng dựa trên các bằng chứng khoa học đáng tin cậy. Mục tiêu của nghiên cứu này là đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên thông qua việc nghiên cứu tác động của các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đến thu nhập của người dân thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập số liệu

Nghiên cứu này sử dụng số liệu sơ cấp được thu thập bằng cách tiến hành phỏng vấn trực tiếp 700 nông hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau về tác động của các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới đến thu nhập của họ thông qua bảng câu hỏi được thiết kế sẵn. Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên dựa trên danh sách các nông hộ trên địa bàn khảo sát.

2.2. Phương pháp phân tích

Để đo lường tác động của một sự can thiệp đến một nhóm đối tượng nào đó, nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã sử dụng phương pháp so sánh trước - sau (before-and-after comparison approach), chẳng hạn như Trương Đông Lộc và các cộng sự (2006), Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy (2010), Trương Đông Lộc và Đặng Thị Thảo Triều (2011). Trong nghiên cứu này, phương pháp so sánh trước - sau cũng được sử dụng để đo lường tác động của việc ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đến thu nhập của người dân thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau. Việc đo lường này được thực hiện bằng cách so sánh thu nhập của các nông hộ ở giai đoạn trước và sau khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN.

Trước khi thực hiện kiểm định về sự thay đổi có ý nghĩa trong thu nhập của các hộ có ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN, nhóm nghiên cứu đã áp dụng kiểm định Jarque-Bera để xác định xem thu nhập của nông hộ trong mẫu quan sát có theo phân phối chuẩn hay không. Nếu mẫu quan sát có phân phối chuẩn thì kiểm định t sẽ thích hợp trong việc kiểm định sự khác biệt về thu nhập của nông hộ ở 2 giai đoạn trước và sau khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN. Ngược lại, nếu mẫu quan sát không có phân phối chuẩn thì việc áp dụng kiểm định phi tham số sẽ thích hợp hơn. Kết quả kiểm định Jarque Bera (không được đề cập ở đây, nhưng có thể yêu cầu cung cấp từ nhóm tác giả) cho thấy giả thuyết H0 (mẫu nghiên cứu có phân phối chuẩn) đã bị bác bỏ. Vì vậy, kiểm định Wilcoxon (kiểm định phi tham) đã được sử dụng trong nghiên cứu này để kiểm định sự thay đổi trong thu nhập của các nông hộ, bởi về mặt thống kê, kiểm định phi tham số Wilcoxon được xem là thích hợp hơn kiểm định t trong việc xác định sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 biến số nghiên cứu khi chúng không có phân phối chuẩn. Kiểm định Wilcoxon là kiểm định được thực hiện bằng cách xếp hạng các quan sát trong mẫu nghiên cứu nhằm kiểm định sự khác biệt của trung vị giữa 2 biến số.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Đánh giá của người dân về các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới

Trong giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh Cà Mau trung bình hàng năm có 5 đề tài/dự án được phê duyệt ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Để xác định những đề tài/dự án này có hiệu quả như thế nào khi áp dụng vào thực tế và có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của nông hộ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập ý kiến đánh giá của các nông hộ nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án này. Các nông hộ được yêu cầu cho ý kiến đánh giá về mức độ đồng ý của họ (mỗi vấn đề đặt ra được đo lường bằng 5 mức độ, từ hoàn toàn không đồng ý đến rất đồng ý) đối với các vấn đề có liên quan được đặt ra. Kết quả phân tích thống kê về mức độ đồng ý của các nông hộ liên quan đến các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới được thể hiện ở Bảng 1.

Kết quả khảo sát ở Bảng 1 cho thấy, đa số các đánh giá của người dân đối với các nhận định liên quan đến các đề tài, dự án phục vụ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới đều ở mức độ đồng ý (trung bình ở mức 3,8 - 3,9). Điều này cho thấy mức độ ủng hộ của người dân đối với những đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN được phê duyệt và ứng dụng luôn ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

3.2. Tác động của đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đến thu nhập của người dân thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau

Như đã trình bày ở phần phương pháp nghiên cứu, để thấy được tác động của các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đến thu nhập của nông hộ, trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh thu nhập của các nông hộ ở giai đoạn sau với giai đoạn trước khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN. Kết quả kiểm định thống kê về tác động của đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đến thu nhập của nông hộ được trình bày ở Bảng 2.

Thu nhập hàng năm của nông hộ trên địa bàn quan sát là một chỉ tiêu quan trọng để đo lường hiệu quả của việc áp dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thu nhập của nông hộ sau khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN vào trong sản xuất đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể là, thu nhập trung bình của nông hộ sau khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN ở giai đoạn trước khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN là 91,5 triệu đồng/năm và ở giai đoạn sau khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN là 138,9 triệu đồng. Nói cách khác, việc ứng dụng kết quả từ các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đã giúp thu nhập của các nông hộ tăng 47,5 triệu đồng/năm. Tương tự, giá trị trung vị thu nhập của nông hộ ở giai đoạn sau khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN tăng 35,0 triệu đồng/năm so với giai đoạn trước khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN. Sự cải thiện về thu nhập của nông hộ ở 2 giai đoạn trước và sau khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức 1%. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, chúng ta có thể kết luận rằng: Việc ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN vào trong sản xuất đã có tác động tích cực đến việc cải thiện thu thập của các nông hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

3.3. Tác động của các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới đến điều kiện sống của nông hộ

Để đo lường tác động của các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới đến điều kiện sống của nông hộ, trong phiếu khảo sát điều tra, chúng tôi đã thiết kế câu hỏi: “So với trước khi xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, điều kiện sống của gia đình thay đổi như thế nào?”. Kết quả khảo sát được trình bày ở Bảng 3 cho thấy chỉ có 4,2% nông hộ trên địa bàn cho rằng điều kiện sống của họ giảm xuống và có 19,4% nông hộ cho rằng điều kiện sống của gia đình họ không thay đổi sau khi xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Như vậy, phần lớn các nông hộ được khảo (76,4%) cho rằng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới có ảnh hưởng tích cực đến điều kiện sống của gia đình họ. Kết quả nghiên cứu này một lần nữa khẳng định rằng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả và kịp thời cho quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, giúp tăng thu nhập cho hộ nông dân, giảm hộ nghèo, nâng cao điều kiện và mức sống của họ. (Bảng 3).

4. Kết luận

Bài viết này nghiên cứu tác động của việc ứng dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đến thu nhập của người dân thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau. Kết quả nghiên cứu thu được từ phương pháp so sánh trước - sau cho thấy thu nhập trung bình của nông hộ sau khi ứng dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN tăng 47,5 triệu đồng/năm so với trước khi ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng: Các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đã được phê duyệt có những đóng góp hiệu quả, kịp thời và có tác động tích cực đến việc cải thiện thu nhập của các nông hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy (2010). “Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”, Tạp chí Ngân hàng, số 4, trang 29-32.

2. Trương Đông Lộc và Đặng Thị Thảo Triều (2011). “Ảnh hưởng của tín dụng nhỏ đến thu nhập của nông hộ ở tỉnh Hậu Giang”, Tạp chí Khoa học đào tạo và Ngân hàng, số 111, trang 20-23.

3. Trương Đông Lộc, Võ Văn Dứt và Lê Long Hậu (2006). “Tác động của cổ phần hóa đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 332.

THE IMPACT OF RESEARCHES AND PROJECTS ON INCOME OF HOUSEHOLDS INVOLVED IN THE NEW RURAL DEVELOPMENT PROGRAM IN CA MAU PROVINCE

Assoc. Prof. Dr. TRUONG DONG LOC

College of Economics, Can Tho University

MA. PHAN TAN THANH

Department of Science and Technology - Ca Mau province

MA. NGUYEN VAN THEP

College of Economics, Can Tho University

ABSTRACT:

The objective of this paper is to study the impact of science and technology on income of households involved in the new rural development program in Ca Mau province. Data used in this study were collected from a survey of 700 agricultural households in the province. Using the before-and-after comparison approach, results derived from the statistical analysis show that applications of findings from the approved researches and projects lead to an increase of VND 47.5 millions in income of households. Therefore, it can be concluded that the approved researches and projects have positive impact on income improvements of the households in Ca Mau province.

Keywords: Science and technology, income, households, new rural, Ca Mau.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây