Tác động của phát triển công nghiệp đến các vấn đề xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Việt Nam

ThS. VŨ CẢNH LÂM (Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn), TS. TÔ HIẾN THÀ (Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn) và  TS. TRỊNH XUÂN VIỆT (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, với vai trò là vùng kinh tế động lực của toàn miền Bắc Việt Nam, công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tác động tích cực đến giải quyết các vấn đề xã hội trong vùng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển công nghiệp ở vùng KTTĐ Bắc Bộ vẫn còn nhiều hạn chế xét về khía cạnh bền vững về xã hội. Bài viết làm rõ thực trạng tác động của phát triển công nghiệp đến các vấn đề xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và khuyến nghị giải pháp cho những năm tới.

Từ khóa: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phát triển công nghiệp, vấn đề xã hội.

1. Đặt vấn đề

Phát triển kinh tế, trong đó phát triển công nghiệp giữ vai trò nòng cốt đang là vấn đề được nhiều quốc gia hướng đến. Một nền công nghiệp phát triển bền vững đòi hỏi công nghiệp không những đảm bảo được tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao và ổn định mà còn phải đảm bảo sự hài hòa giữa ba mặt của phát triển bền vững: bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường. Với vai trò là vùng kinh tế động lực của toàn miền Bắc Việt Nam, trong những năm qua, công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, bước đầu đảm bảo được tính bền vững về mặt xã hội trong phát triển công nghiệp. Phát triển công nghiệp đã tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy quá trình dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người lao động cũng như góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng nông thôn trong các địa phương vùng KTTĐ Bắc Bộ.

2. Thực trạng

Vùng KTTĐ Bắc Bộ Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 2 trong số bốn vùng KTTĐ của cả nước, với khoảng hơn 15,5 triệu người năm 2019. Đây là vùng có mật độ dân số rất cao, lên tới 933 người/km2. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ở nông thôn ngày càng giảm thì đây là một thách thức lớn đối với các địa phương trong vùng. Mặc dù vậy, với nỗ lực giải quyết việc làm thông qua đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc so với dân số cũng như so với lực lượng lao động của vùng KTTĐ Bắc Bộ vẫn đạt được cao trong giai đoạn 2016-2018, đứng đầu trong 4 vùng KTTĐ của cả nước. (Hình 1)

Hình 1: Tỷ lệ lao động đang làm việc so dân số và lực lượng lao động của các vùng KTTĐ trên cả nước năm 2018

ty-le-lao-dong-dang-lam-viec-so-dan-so-va-luc-luong-lao-dong-cua-cac-vung-kttd-tren-ca-nuoc-nam-201

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Sự phát triển công nghiệp những năm qua trong vùng KTTĐ Bắc Bộ đã giải quyết được một khối lượng lớn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như thu hút lao động từ nông nghiệp, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa. Năm 2014, lao động trong công nghiệp là 1832 nghìn người; đến năm 2019, con số này đã tăng đến 2939 nghìn người. Tốc độ tăng lao động trong công nghiệp của vùng đạt 25,2% năm giai đoạn 2014-2019.

Tốc độ tăng trưởng lao động công nghiệp cao đã kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động toàn vùng theo hướng giảm tương đối tỷ trọng lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp; tăng tỷ trọng lao động trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp của vùng từ chỗ chiếm 50,8% năm 2014 đã giảm xuống 32,8% năm 2019. Cùng với đó, tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ cũng tăng lên tương ứng là  31,2% và 39,7%.

          Như vậy, có thể thấy quy mô tạo việc làm ở vùng KTTĐ Bắc Bộ rất lớn. Sự gia tăng nhanh các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp (KCN) và các ngành công nghiệp mũi nhọn đã thu hút một lực lượng lớn lao động, trong đó có nhiều lao động nông thôn, đồng thời nhu cầu về lao động nhiều lĩnh vực nhất là lao động kỹ thuật có xu hướng ngày một tăng. Tỷ lệ tạo công ăn việc làm/1 ha đất công nghiệp đã cho thuê trong các KCN vùng KTTĐ Bắc Bộ là 83 lao động/ha, cao hơn mức trung bình của cả nước là 77 lao động/ha gần bằng vùng KTTĐ phía Nam.

          Tính từ năm 2003 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã hàng chục lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Theo Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 72/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/07/2018 đến 30/06/2019, lương cơ sở là 1.390.000 VNĐ/tháng. Căn cứ vào Khoản 8, Điều 4, Nghị quyết số: 70/2018/QH14 ban hành ngày 09/11/2018, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1.490.000 VNĐ/tháng. Thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 01/07/2019. Theo kết quả khảo sát “Tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp” cho thấy, tiền lương cơ bản của người lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp vùng KTTĐ Bắc Bộ trung bình là 5,43 triệu đồng/tháng. Tiền lương thực nhận của người lao động là 5,86 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương cơ bản từ 10 - 20%. Lao động có mức lương cao nhất trong các lĩnh vực được khảo sát là lao động làm ở các ngành nghề giao thông, xây dựng với 6,53 triệu đồng/tháng, thấp nhất là giày da, chỉ có 4,58 triệu đồng/tháng. Xét về tổng thu nhập của người lao động (gồm các khoản làm thêm giờ, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ nhà ở…) và chưa bao gồm tiền ăn giữa ca, mức trung bình là 5,62 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trên của công nhân là một bước tiến bộ không nhỏ trong lộ trình cải cách tiền lương của đất nước, góp phần từng bước nâng cao đời sống của công nhân công nghiệp cả nước nói chung và của vùng KTTĐ Bắc Bộ nói riêng.

3. Một số hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển công nghiệp ở vùng KTTĐ Bắc Bộ thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế xét về khía cạnh bền vững về xã hội. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng KTTĐ Bắc Bộ trong thời gian qua còn chậm; tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn do người dân mất đất để phát triển công nghiệp còn lớn; Thu nhập bình quân, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong các khu công nghiệp còn thấp và nghèo nàn.

Mặc dù trong giai đoạn 2016-2009, vùng KTTĐ Bắc Bộ có tốc độ tăng trưởng lao động trong công nghiệp cao, tuy nhiên lao động vẫn tập trung chủ yếu trong nông nghiệp với 32,8% năm 2019. Công nghiệp trong vùng chỉ chiếm chưa đến 30% lực lượng lao động, trong khi đó, tỷ lệ lao động trong công nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam chiếm 32,6%. Đặc biệt, giai đoạn 2015-2019 là thời kỳ phát triển rất mạnh của các KCN ở rất nhiều địa phương thuộc vùng KTTĐ Bắc Bộ, nhất là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hà Nội, nhưng sự phát triển của lao động trong khu vực công nghiệp chưa thực sự tạo ra ấn tượng cho bức tranh di chuyển lao động của vùng. Xét trong nội bộ ngành công nghiệp, lao động trong vùng KTTĐ Bắc Bộ tập trung rất đông vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, đặc biệt là các ngành như Dệt may, Da giày, Chế biến gỗ, Chế biến thực phẩm - đồ uống, số lao động tập trung trong các ngành này luôn chiếm khoảng 54% tổng lao động công nghiệp của vùng. Trong khi đó, chi có 10% lao động của vùng làm việc trong những ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử, vi tính.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một ha đất nông nghiệp giải quyết việc làm cho 13 - 15 lao động và mỗi hộ bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp sẽ có 1,5 người thất nghiệp. Như vậy, việc lấy đất phát triển các khu công nghiệp của vùng hiện nay đang gây ra tình trạng thất nghiệp lớn ở nông thôn. Nguyên nhân là do KCN yêu cầu lao động có kỹ thuật, có tay nghề, trong khi nông dân và con em họ lại chưa được đào tạo nghề. Do đó, việc đào tạo, tuyển dụng người dân vào làm việc trong các KCN cũng gặp nhiều khó khăn. Tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, có 73,75% số người bị thu hồi đất không có trình độ chuyên môn. Trong đó, số người được đào tạo tay nghề sau khi bị thu hồi đất chỉ chiếm 0,22%. Trong đó, Nhà nước đào tạo 0,03%; đơn vị nhận đất đào tạo 0,03%; gia đình tự đào tạo 0,16%. Tỷ lệ thất nghiệp trước và sau khi thu hồi đất tăng từ 5,22% lên 9,1%; làm thuê, xe ôm tăng từ 4,76% lên 8,4%; buôn bán tăng từ 10,88% lên 13,6% và số người bị thu hồi đất được nhận vào làm trong các khu công nghiệp chỉ có 2,79%.

Tuy mức lương tối thiểu tăng liên tục trong thời gian qua nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, thì mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người lao động. Theo tính toán của nhiều nhà nghiên cứu, mức chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của một lao động độc thân khoảng 2,058 triệu đồng/tháng, còn lao động nuôi con nhỏ khoảng 3,49 triệu đồng/tháng. Tiếp cận bằng cách khác cũng cho kết quả tương tự: tiền lương tối thiểu theo vùng chỉ mới đáp ứng được 40 - 60% mức chi tiêu của người lao động. Trong giai đoạn các loại chi phí sinh hoạt tăng cao như hiện nay, mức thu nhập trung bình là 2,43 triệu đồng/tháng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu cơ bản về đời sống của người lao động, nhất là với lao động là người nơi khác đến và phải thuê nhà trọ.

Theo khảo sát chuyên sâu về cuộc sống của công nhân may ở Việt Nam do Tổ chức Oxfarm và Viện Công nhân - Công đoàn tổ chức năm 2018, có tới 99% người lao động có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Sàn lương châu Á; và 74% có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu.

Vì lương không đủ sống, 37% công nhân được phỏng vấn cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm, để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng; 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng. Trong số này, 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn; và 6% cho biết vào cuối tháng, họ chỉ ăn cơm chan canh suông.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong các khu công nghiệp ở vùng KTTĐ Bắc Bộ Việt Nam còn khá thấp và nghèo nàn. Đa số lao động trẻ trong các khu công nghiệp phải đi thuê nhà trọ, thiếu thời gian và các địa điểm vui chơi giải trí.

Những khó khăn, thiếu thốn trên chính là một nguyên nhân quan trọng khiến khá nhiều lao động sau một thời gian làm việc trong các KCN trong vùng đã trở về nơi cư trú hoặc về gần nhà làm việc để đổi lấy một điều kiện ăn ở tốt hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp công nghiệp bị xáo trộn nhiều về lao động và tăng chi phí đào tạo, tuyển dụng lao động mới, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, đe dọa tính bền vững về xã hội ở trong phát triển công nghiệp của toàn vùng KTTĐ Bắc Bộ.

4. Đề xuất một số giải pháp

Trước yêu cầu phải phát triển công nghiệp, làm tiền đề phát triển bền vững toàn vùng KTTĐ Bắc Bộ, thực trạng phát triển công nghiệp trong những năm qua đòi hỏi cần nhanh chóng có các giải pháp cho các vấn đề xã hội liên quan đến phát triển công nghiệp trong vùng, đảm bảo sự tác động lan toả tích cực của phát triển công nghiệp đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân công nghiệp, tạo nhiều công ăn việc làm và giảm thất nghiệp cho lao động trong vùng. Thực tế phát triển công nghiệp ở nhiều nước đã cho thấy, khi các vấn đề xã hội trong công nghiệp, nhất là vấn đề việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân không được đảm bảo sẽ nhanh chóng trở thành rào cản, phá vỡ sự ổn định, bền vững trong phát triển công nghiệp. Vấn đề phát triển công nghiệp gắn với giải quyết các vấn đề xã hội trong vùng KTTĐ Bắc Bộ cũng được đặt ra trong điều kiện Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định mỗi bước tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với việc thực hiện với tiến bộ và công bằng xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch, đầu tư, 2011, Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội.
  2. Nguyễn Bình Giang (2012), Tác động xã hội vùng của các khu công nghiệp nghiệp Việt Nam, NXb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Nam, Ngô Thắng Lợi, 2010, Chính sách phát triển bền vững các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
  4. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê (2000-2011), Nxb Thống kê, Hà Nội.
  5. Tô Hiến Thà (2014), Phát triển công nghiệp vùng KTTĐ Bắc Bộ Việt Nam theo hướng bền vững, Luận án tiến sĩ Kinh tế, HVCT.
  6. Http://www.izabacninh.gov.vn. Vũ Đức Quyết (12/11/2010). “Lao động và công tác đào tạo nghề tại các khu công nghiệp Bắc Ninh”. Khu công nghiệp Bắc Ninh.

 

THE IMPACT OF INDUSTRIAL DEVELOPMENT ON SOCIAL ISSUES IN THE NORTHERN KEY ECONOMIC REGION

Master. VU CANH LAM

Military Technical Academy

Ph.D TO HIEN THA

Military Technical Academy

Ph.D TRINH XUAN VIET

National Academy of Politics

ABSTRACT:

In the recent years, the industry sector of Northern Vietnam key economic region, which is considered the dynamic economic engine of Northern Vietnam, has made remarkable progress and positively affected social issues in the region. However, besides the achieved results, the industrial development in the Northern key economic region still has many limitations in terms of social sustainability. This paper clarifies the current situation of the impact of industrial development on social issues in the Northern key economic region and recommends solutions to this situation.

Keywords: Key economic region, Northern Vietnam, industrial development, social issues.