Tác động của truyền thông mạng xã hội đến tài sản thương hiệu của Lazada

ThS. NGUYỄN VĂN TÂM (Phó trưởng bộ môn, phụ trách bộ môn Marketing, Khoa Thương mại, Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm mục đích phân tích tác động của việc sử dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội và các chức năng của nó đến tài sản thương hiệu Lazada. Cụ thể, phân tích trang mạng xã hội Instagram của thương hiệu này. Ngoài ra, nghiên cứu đồng thời kiểm tra tác động của việc sử dụng truyền thông mạng xã hội và các chức năng của nó đến các thành phần của tài sản thương hiệu.

Kết quả cho thấy, việc sử dụng các cuộc hội thoại, danh tính và chức năng của nó có tác động tích cực đến nhận biết thương hiệu; chia sẻ, sự hiện diện và các chức năng có tác động đến sự liên tưởng thương hiệu; danh tiếng và chức năng của nó có tác động đến chất lượng cảm nhận; và mối quan hệ và chức năng của nó có tác động có ý nghĩa đến lòng trung thành thương hiệu.

Từ khóa: Truyền thông mạng xã hội, tài sản thương hiệu, Lazada.

1. Đặt vấn đề

Năm 2019, dân số Việt Nam đạt xấp xỉ 97 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 36%. Trong đó, 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017. Ngày nay, mạng xã hội đang là công cụ truyền thông phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam [7].

Theo Bộ Công Thương, doanh số thương mại điện tử bán lẻ ngành hàng tiêu dùng (B2C) năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với mức tăng trưởng ổn định được duy trì qua các năm, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2020 dự tính sẽ đạt mốc 13,6 tỷ USD. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị hàng hóa, dịch vụ đạt trung bình 600 USD/người/năm. Từ đó, doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đồng thời, khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với các địa phương khác cũng được kỳ vọng thu hẹp lại [5].

Thị trường bán hàng trực tuyến tại Việt Nam ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, Lazada là công ty bán hàng trực tuyến lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á với rất nhiều chi nhánh ở Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore. Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba, là một sàn giao dịch thương mại điện tử lớn thứ hai (sau Shopee) tại Việt Nam, cung cấp sản phẩm của nhiều ngành hàng khác nhau như: Nội thất, điện thoại, máy tính bảng, thời trang và phụ kiện, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, đồ chơi và đồ dùng thể thao. Trang Instagram của Lazada tại thời điểm tháng 11/2020 có hơn 93.500 lượt theo dõi [6].

Ngày nay, các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh bằng sản phẩm, giá cá, phân phối và truyền thông, mà còn cạnh tranh bằng thương hiệu. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, truyền thông marketing có tác dụng tích cực đến tài sản thương hiệu và các thành phần của nó, trong đó có truyền thông mạng xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nghiên cứu về sự tác động của truyền thông mạng xã hội đến tài sản thương hiệu, đặc biệt là nghiên cứu về mạng xã hội Instagram rất ít. Đó chính là lý do nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài này [16].

  1. Cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu sử dụng mô hình tổ ong được phát triển bởi Smith (2007) làm nền tảng để phân tích việc sử dụng truyền thông mạng xã hội và các chức năng của nó đến tài sản thương hiệu và mô hình tài sản thương hiệu của David A. Aaker (1996) được sử dụng như là các biến phụ thuộc [17, 1].

Mô hình tổ ong được sử dụng để phân tích cách thức hoạt động của phần mềm mạng xã hội bao gồm 7 khối: Identity (Danh tính), Presence (Sự hiện diện), Relationships (Mối quan hệ), Reputation (Danh tiếng), Groups (Các nhóm), Conversations (Cuộc hội thoại) và Sharing (Sự chia sẻ). 

Hình 1: Mô hình tổ ong

mo_hinh_to_ong

Nguồn: Smith (2007)

Khối thứ nhất - Danh tính (Identity) cho biết mức độ người sử dụng tiết lộ danh tính hoặc thông tin cá nhân của mình như tên, tuổi, giới tính, nghề nghiệp… trên nền tảng mạng xã hội. Theo đó, họ cũng có xu hướng bộc lộ cảm xúc, ý kiến cá nhân, thích hoặc không thích... [13]. Việc sử dụng danh tính và các chức năng của Instagram có thể được tìm thấy thông qua hồ sơ cá nhân và các nội dung được chia sẻ. Trong trường hợp của Lazada, có một bản tóm tắt về Lazada bao gồm: Tên thương hiệu, website và địa chỉ trên hồ sơ Instagram. Ngoài ra, Lazada còn cho thấy đặc điểm nổi bật mình là một nơi mua sắm có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn thông qua xu hướng thể hiện các nội dung, hình ảnh trên mạng xã hội, như dòng trạng thái “SALES TO NHẤT NĂM” [9].

Khối thứ hai - Sự hiện diện (Presence) cho thấy xu hướng người dùng có thể nhận ra người khác truy cập. Trong trường hợp của mạng xã hội, sự hiện diện có thể được nhìn thấy thông qua dòng trạng thái của họ và/hoặc từ việc cập nhật vị trí thông qua một tính năng gọi là “check in” [10]. Instagram cho phép những người dùng khác nhìn thấy vị trí của mình sau khi họ đăng một tấm hình trên dòng thời gian, đồng thời sử dụng tính năng “check in”. Điều này cho thấy, họ đang ở một nơi đặc biệt [2].

Khối thứ ba - Mối quan hệ (Relationships) cho thấy mức độ người dùng mạng xã hội có thể liên hệ với những người dùng khác [2]. Trong bối cảnh của Instagram, mối quan hệ có thể được xây dựng thông qua việc theo dõi lẫn nhau (follow). Một người dùng Instagram có thể theo dõi một tài khoản xác định để có thể thấy những cập nhật, cũng như chấp nhận yêu cầu theo dõi của người khác để kết nối với họ. Ngoài ra, thông qua việc tag (gắn thẻ) và thực hiện regram những người dùng khác cũng có thể duy trì mối quan hệ với nhau [2, 14, 8]. Trong trường hợp của Lazada, họ duy trì mối quan hệ với khách hàng và mở tài khoản ở chế độ công khai (public), theo đó họ theo dõi các tài khoản có liên quan đến kinh doanh của họ.

Khối thứ tư - Danh tiếng (Reputation) cho thấy mức độ người dùng mạng xã hội trong việc xác định hành vi của người khác thông qua lịch sử của họ [18]. Tuy nhiên, danh tiếng được xây dựng dựa trên các ý kiến truyền miệng thông qua mạng internet (truyền miệng điện tử). Nếu doanh nghiệp nhận được lời truyền miệng điện tử tốt, danh tiếng của họ sẽ tăng [13]. Truyền miệng điện tử được thể hiện thông qua hình thức bình luận và chứng thực bởi những người dùng mạng xã hội khác, những người theo dõi, và ý kiến của những người dẫn đầu. Danh tiếng cũng có thể được nhìn thấy thông qua số lượng người thích (like) và số lượng người theo dõi trên Facebook, Twitter, và Instagram cũng như số lượng ngón tay chỉ lên hoặc chỉ xuống và số lượng lượt xem trên Youtube [13]. Trong bối cảnh của Instagram, chức năng danh tiếng có thể nhìn thấy thông qua các bình luận tích cực, số lượng người theo dõi và số lượng thích (like). Ngoài ra, số lượng người theo dõi và thích có thể được xem như là yếu tố đo lường danh tiếng, ngược lại thì những bình luận của người dùng và người theo dõi sẽ là yếu tố đo lường chất lượng của danh tiếng [2, 14, 8].

Khối thứ năm - Các nhóm (Groups) cho thấy mức độ những người dùng mạng xã hội có thể tạo các cộng đồng trên nền tảng này. Mạng xã hội đã phát triển chức năng này và cung cấp công cụ để quản lý thành viên những người dùng mạng xã hội. Nhóm có thể có 2 hình thức: Nhóm tự tạo và Nhóm riêng tư. Nhóm tự tạo là một nhóm mà nó được tạo bởi một người dùng, chẳng hạn như danh sách các thành viên trong gia đình, những người hâm mộ và nhóm bạn bè trên tài khoản của họ. Mặt khác, nhóm riêng tư thì thường được liên kết với thế giới thực, trong đó cần có sự chấp thuận hoặc được mời bởi thành viên quản trị của nhóm. Xuyên suốt chức năng này, người dùng mạng xã hội có thể chia sẻ nội dung xác định với chỉ những thành viên nhóm và lựa chọn để được hiện diện chỉ một nhóm xác định [13]. Đối với Instagram, chức năng nhóm là một hình thức của Instameet - nơi mà người dùng Instagram có thể gặp nhau tại một thời điểm thực và đối mặt với nhau [8].

Khối thứ sáu - Cuộc hội thoại (Conversations) cho thấy xu hướng người dùng mạng xã hội giao tiếp (đối thoại) hai chiều với người dùng khác trên nền tảng mạng xã hội [19]. Người sử dụng tham gia vào các cuộc đối thoại với nhiều mục đích khác nhau. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả muốn đo lường việc sử dụng cuộc hội thoại và các chức năng của nó trên Instagram, trong đó có tính đến các ý kiến, đề cập đến và các tính năng trực tiếp. Cuộc hội thoại có thể được thực hiện thông qua những người dùng khác trong một bình luận và sử dụng Instagram trực tiếp để giao tiếp với những người được lựa chọn [2]. Trong trường hợp của Lazada, chức năng hội thoại cũng được sử dụng thông qua việc trả lời các bình luận, những đề cập, các thương hiệu và các tài khoản Instagram của khách hàng.

Khối thứ bảy - Chia sẻ (Sharing) cho thấy xu hướng người dùng chia sẻ, nhận và chuyển nội dung qua lại với nhau trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội [10]. Về cơ bản, việc sử dụng mạng xã hội và các chức năng của nó là do tất cả các hoạt động trên nền tảng này liên quan đến việc chia sẻ, những nội dung chia sẻ cụ thể chẳng hạn như: Văn bản, liên kết, hình ảnh, âm thanh, các đoạn phim. Instagram chủ yếu cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh, phim với các hashtags trong các ghi chú [2].

Theo David A. Aaker, tài sản thương hiệu là yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo ra những điểm khác biệt làm tăng lợi thế cạnh tranh, được đo lường bởi bốn thành phần chính: Nhận biết thương hiệu, Liên tưởng thương hiệu, Chất lượng cảm nhận, và Lòng trung thành thương hiệu. Tài sản thương hiệu có thể làm gia tăng hiệu quả marketing cũng như giảm chi phí bởi thương hiệu đã được sự chấp nhận của khách hàng [1]. Nghiên cứu này sẽ sử dụng mô hình tài sản thương hiệu của Aaker gồm 4 thành phần trên để phân tích.

Theo Keller, mức độ nhận biết thương hiệu là khả năng nhận biết và gợi nhớ của khách hàng về các thành phần của thương hiệu (tên, dấu hiệu, logo…) trong trí nhớ của họ về các thành phần của một sản phẩm hay dịch vụ xác định nào đó của công ty [12]. Ngoài ra, nhận biết thương hiệu là sức mạnh của thương hiệu trong trí nhớ của khách hàng trong một khoảng thời gian liên tục. Nhận biết thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua sắm của khách hàng, khi mức độ nhận biết thương hiệu cao hơn thì sản phẩm hoặc thương hiệu đó sẽ là một trong những lựa chọn được cân nhắc[15].

Liên tưởng thương hiệu là bất kỳ sự liên kết nào giữa trí nhớ của một cá nhân với một thương hiệu cụ thể [1]. Theo Keller, có 3 loại liên tưởng thương hiệu như: Thái độ, lợi ích, đặc tính [12]. Thái độ được xác định qua sự đánh giá tổng thể của thương hiệu. Lợi ích được chia thành 3 loại: Lợi ích chức năng (những nhu cầu vật lý cơ bản, chẳng hạn như thực phẩm, quần áo), Lợi ích về biểu tượng (nhận thức của khách hàng về thương hiệu), và Lợi ích trải nghiệm (những cái mà khách hàng cảm nhận khi sử dụng sản phẩm). Trong khi đó, đặc tính thì được chia thành 2 loại: Đặc tính có liên quan đến sản phẩm (chẳng hạn như thành phần, hương vị…) và Đặc tính không liên quan đến sản phẩm (giá cả, bao bì…) [12]. Liên tưởng thương hiệu giúp khách hàng nhận ra và gợi nhớ thông tin về một thương hiệu, duy trì lý do mua, tạo cảm xúc tích cực và thái độ cho khách hàng [1].

Theo David A. Aaker, chất lượng cảm nhận ám chỉ sự suy nghĩ hay cảm nhận của khách hàng về chất lượng của một thương hiệu xác định so với những thương hiệu khác trong cùng một lĩnh vực. Chất lượng cảm nhận có thể được xây dựng thông qua sự cảm nhận về uy tín và tính ưu việt của sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh [1]. Chúng tác động đến sự lựa chọn của khách hàng hơn so với các thương hiệu khác [21]. Chất lượng cảm nhận có được dựa trên kinh nghiệm sử dụng của người tiêu dùng liên kết trực tiếp đến sự thỏa mãn của khách hàng đối với chất lượng thực sự của sản phẩm.

Lòng trung thành thương hiệu được xác định là khía cạnh cuối cùng của sự cộng hưởng thương hiệu khách hàng tượng trưng cho mối quan hệ cuối cùng của khách hàng và mức độ nhận biết thương hiệu [12]. Ngày nay, lòng trung thành thương hiệu được chấp nhận rộng rãi như là hành vi mua hàng thường xuyên về một sản phẩm hoặc dịch vụ xác định của thương hiệu [1]. Dựa trên cách tiếp cận tổng hợp, lòng trung thành thương hiệu đề cập đến mức độ khách hàng cam kết và mua hàng lặp lại đối với một thương hiệu cụ thể.

Dựa vào mô hình tổ ong của Smith (2007) và mô hình tài sản thương hiệu của Aaker (1996), nhóm nghiên cứu xây dựng được các giả thuyết như sau:

H1: Có sự tác động có ý nghĩa của việc sử dụng danh tính trên Instagram của Lazada và các chức năng của nó đến sự nhận biết thương hiệu.

H2: Có sự tác động có ý nghĩa của việc sử dụng cuộc hội thoại qua Instagram của Lazada và các chức năng của nó đến sự nhận biết thương hiệu.

H3: Có sự tác động có ý nghĩa của việc sử dụng sự chia sẻ qua Instagram của Lazada và các chức năng của nó đến sự liên tưởng thương hiệu.

H4: Có sự tác động có ý nghĩa của việc sử dụng sự hiện diện qua Instagram của Lazada và các chức năng của nó đến sự liên tưởng thương hiệu.

H5: Có sự tác động có ý nghĩa của việc sử dụng danh tiếng qua Instagram của Lazada và các chức năng của nó đến chất lượng cảm nhận thương hiệu.

H6: Có sự tác động có ý nghĩa của việc sử dụng mối quan hệ qua Instagram của Lazada và các chức năng của nó đến lòng trung thành thương hiệu.

H7: Có sự tác động cùng lúc có ý nghĩa của việc sử dụng danh tính và sự đàm thoại qua Instagram của Lazada và các chức năng của nó đến sự nhận biết thương hiệu.

H8: Có sự tác động cùng lúc có ý nghĩa của việc sử dụng sự chia sẻ và sự hiện diện qua Instagram của Lazada và các chức năng của nó đến sự nhận biết thương hiệu.

Không giống như các nền tảng của mạng xã hội khác như Facebook, Zalo, tính năng “nhóm” trên nền tảng Instagram không được sử dụng phổ biến nên nhóm tác giả loại ra khỏi mô hình nghiên cứu này.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp nhân quả để phân tích sự tác động của việc sử dụng mạng xã hội và các chức năng của nó đến các thành phần của tài sản thương hiệu, nhằm kiểm tra mối quan hệ giữa các biến độc lập và các biến phụ thuộc.

Để thu thập dữ liệu, nghiên cứu đã sử dụng cả dữ liệu thứ cấp và sơ cấp. Đầu tiên, nhóm tác giả đã tìm kiếm dữ liệu thứ cấp làm cơ sở cho nền tảng lý thuyết và các nghiên cứu có liên quan. Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua bảng câu hỏi khảo sát trực tuyến người tiêu dùng đang theo dõi Instagram của Lazada. Số mẫu khảo sát là 300 được thực hiện bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Kết quả nhận được là 286 mẫu hợp lệ và đưa vào sử dụng.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Nghiên cứu sẽ được phân tích với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính đơn và hội quy bội để phân tích dữ liệu. Kỹ thuật OLS được dùng để phân tích nhằm kiểm tra tính hợp lệ và độ tin cậy của dữ liệu, bằng cách kiểm tra các biến quan sát đã điều chỉnh với tương quan tổng (r value) và kiểm tra hệ số Cronbach’s Alpha.

Ngoài ra, để có được kết quả hồi quy tuyến tính, nghiên cứu cho chạy mô hình hồi quy tuyến tính cổ điển “BLUE”. Mô hình này được sử dụng để đảm bảo rằng không có sự đa cộng tuyến của các biến độc lập, không có tương quan trong sai số và không có phương sai của sai số thay đổi cũng như cho thấy sai số bình thường [20].

Nghiên cứu sau đó sử dụng các hệ số của những nhân tố để kiểm tra sự phù hợp của mô hình bằng cách điều chỉnh hệ số R2 và F-test. F-test được tiến hành để kiểm tra các biến độc lập có tác động đồng thời trên các biến phụ thuộc hay không. Sau cùng, T-test được sử dụng để phân tích sự tác động riêng lẻ của các biến độc lập lên các biến phụ thuộc. 

 Bảng 1. Kết quả kiểm tra độ tin cậy

ket_qua_kiem_tra_do_tin_cay

Theo Bảng 1, tất cả các biến quan sát - biến độc lập và biến phụ thuộc - đều có hệ số Cronbach’s Alpha > 0,7, cho thấy chúng đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy [4, tr24]. Ngoài ra, tất cả các thang đo trong các biến quan sát đều hợp lệ cho thấy giá trị của tương quan biến tổng đã điều chỉnh hợp lệ.

Các giả thuyết cổ điển được kiểm tra trong 4 mô hình hồi quy tuyến tính như sau:

Kiểm định giả thuyết thứ nhất được thực hiện là kiểm tra đa cộng tuyến. Nhóm nghiên cứu sử dụng 2 phương pháp, đó là phương pháp phân tích hệ số tương quan, phân tích dung sai và hệ số phóng đại phương sai (VIF). Với phương pháp thứ nhất, đa cộng tuyến được xác định khi hệ số tương quan > 0,9. Trong khi đối với phương pháp thứ hai, giá trị dung sai nhỏ hơn < = 0,10 và hệ số phóng đại dung sai (VIF) > = 10, điều này cho thấy có một sự đa cộng tuyến [3]. Theo đó, không có hồi quy tuyến tính bội nào có hệ số tương quan trên 0,9, giá trị dung sai nhỏ hơn hoặc bằng 0.10 và hệ số VIF lớn hơn hoặc bằng 10. Vì vậy, không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra giữa mô hình hồi quy tuyến tính bội thứ nhất và thứ hai. Đối với mô hình hồi quy tuyến tính đơn thứ nhất và thứ hai, việc kiểm tra đa cộng tuyến là không cần thiết. Đa cộng tuyến chỉ ra khi có sự tương quan giữa các biến độc lập. Trong hồi quy tuyến tính đơn, chỉ có một biến độc lập, do đó không thể xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến [3].

Kiểm định giả thuyết thứ 2 là kiểm tra tự tương quan, điều này được phân tích bằng cách xem kết quả từ kiểm tra Durbin-Watson. Kiểm tra này nhằm mục đích có được kết quả dU<d<4-dU, điều này có nghĩa là không có sự tương quan tích cực lẫn tiêu cực xảy ra [3]. 

Bảng 2. Kết quả kiểm tra tự tương quan

ket_qua_kiem_tra_tu_tuong_quan

Từ giá trị của hệ số Durbin-Watson cho thấy, không có hiện tượng tự tương quan xảy ra cả tích cực lẫn tiêu cực trong phần còn lại của mô hình hồi quy tuyến tính bội thứ nhất và thứ hai.

Để kiểm tra thống kê, phương pháp kiểm tra Park được tiến hành. Nguyên tắc quyết định của kiểm tra Park là khi hệ số không đáng kể so với mức ý nghĩa trên 0,05. Khi mức ý nghĩa trên 0,05 thì phương sai của sai số thay đổi không xảy ra [3]. 

Bảng 3. Kết quả kiểm tra Park

ket_qua_kiem_tra_park

Các chỉ số ở Bảng 3 cho thấy, không có phương sai của sai số thay đổi xảy ra. Mức ý nghĩa của các biến độc lập đều trên 0,05. Phương sai của sai số thay đổi cũng không xảy ra đối với tất cả mô hình hồi quy tuyến tính còn lại.

Từ việc kiểm tra thống kê có thể thấy rằng, không có phương sai của sai số thay đổi xảy ra trong tất cả các mô hình hồi quy tuyến tính còn lại.

Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích thống kê để kiểm tra thông thường đối với 2 mô hình hồi quy tuyến tính đơn và 2 mô hình hồi quy tuyến tính bội. Kiểm tra Kolmogorov-Smirnov được sử dụng để phân tích thống kê. Nguyên tắc quyết định của kiểm định Kolmogorov-Smirnov là nếu mức ý nghĩa dưới 0,05 (2-tailed) hoặc có ý nghĩa [3]. 

Bảng 4. Kết quả kiểm định Kolmogorov-Smirnov

ket_qua_kiem_dinh_kolmogorov-smirnov

Bảng 4 cho thấy, tất cả các giá trị của mức ý nghĩa đều không dưới 0,05. Theo đó, tất cả các mô hình hồi quy tuyến tính còn lại đều có phân phối chuẩn. Tất cả các mô hình hồi quy tuyến tính đều được chứng minh về mặt thống kê để cho thấy phần còn lại đều có phân phối chuẩn.

Sau khi tạo ra mô hình kiểm định giả thuyết cổ điển, dữ liệu được xử lý trong suốt quá trình phân tích hồi quy tuyến tính. Trong phần này, hệ số R2 đã điều chỉnh, kiểm định F và kiểm định t cũng được tiến hành đối với các mô hình hồi quy tuyến tính bội. Tuy nhiên, đối với hồi quy tuyến tính đơn, hệ số R2 đã điều chỉnh, kiểm định F đã được sử dụng [3]. 

Bảng 5. Kết quả điều chỉnh R2

ket_qua_dieu_chinh_r2

Bảng 5 cho thấy, tất cả hệ số tương quan đều có giá trị 0,00 - thấp hơn 0,05. Vì vậy, có thể kết luận rằng, danh tính, cuộc hội thoại và các chức năng có nó như là những biến độc lập tác động có ý nghĩa cùng lúc với nhận biết thương hiệu. Các biến độc lập như sự chia sẻ và danh tiếng tác động có ý nghĩa lên biến chất lượng cảm nhận. Biến độc lập mối quan hệ tác động có ý nghĩa lên biến lòng trung thành thương hiệu.

Với hệ số R2 đã điều chỉnh cho giá trị là 0,956 đối với mô hình hồi quy tuyến tính bội lần thứ 1. Nghĩa là, 95,6% của biến quan sát nhận biết thương hiệu có thể được xác định bởi biến danh tính và cuộc hội thoại, trong khi 4,4% còn lại được giải thích bởi những biến quan sát khác hơn là 2 biến độc lập này. Đối với mô hình hồi quy tuyến tính bội lần thứ 2, hệ số R2 đã điều chỉnh cho ra giá trị 0,786. Nghĩa là, 78,6% của biến quan sát liên tưởng thương hiệu có thể được xác định bởi biến sự chia sẻ và sự hiện diện, trong khi 21,4% còn lại được giải thích bởi các nhân tố khác.

Dựa vào số liệu Bảng 5, hệ số R2 đã điều chỉnh của mô hình hồi quy tuyến tính đơn lần thứ nhất là 0,664. Nghĩa là, 64,4% của biến quan sát chất lượng cảm nhận có thể được xác định bởi biến danh tiếng, 35,6% còn lại được giải thích bởi các nhân tố khác. Ở mô hình hồi quy tuyến tính đơn lần thứ hai, hệ số R2 đã điều chỉnh là 0,763, có nghĩa là 76,3% của biến quan sát lòng trung thành thương hiệu có thể được xác định bởi biến mối quan hệ, 23,7% còn lại được giải thích bởi các nhân tố khác.

Bảng 6. Kết quả hồi quy

ket_qua_hoi_quy

Số liệu của Bảng 6 cho thấy, giá trị của các hệ số tương quan đều dưới 0.05. Nghĩa là, các biến độc lập đều có tác động có ý nghĩa đối với các biến phụ thuộc. Do đó, có thể rút ra được các phương trình hồi quy truyến tính bội và đơn như sau:

  • BA (nhận biết thương hiệu) = β­0 + 0,634ID (danh tính) + 0,385CV (hội thoại) + ε
  • BAS (liên tưởng thương hiệu) = β­0 + 0,278SH (chia sẻ) + 0,605PR (hiện diện) + ε
  • PQ (chất lượng cảm nhận) = β­0 + 0,812RP (danh tiếng) + ε
  • BL (trung thành thương hiệu) = β­0 + 0,808RL (mối quan hệ) + ε

Sơ đồ 1: Hệ số Beta chưa chuẩn hóa của mô hình hồi quy

he_so_beta_chua_chuan_hoa_cua_mo_hinh_hoi_quy

5. Kết luận

Trong môi trường kinh doanh ngày nay, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt. Để tồn tại và phát triển doanh nghiệp không những từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, giám giá thành, mở rộng kênh phân phối, đẩy mạnh truyền thông mà còn phải nâng cao uy tín thương hiệu. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, muốn nâng cao uy tín, giá trị tài sản thương hiệu các doanh nghiệp cần phải đầu tư cho công tác quảng bá và truyền thông. Một thương hiệu mạnh phải là một thương hiệu được nhiều người biết đến, liên tưởng đến những giá trị tích cực, được cảm nhận vượt trội về chất lượng và có được nhiều khách hàng trung thành.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự phát triển nhanh của Internet và mạng xã hội, các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng đầu tư nhiều ngân sách truyền thông cho hoạt động quảng bá thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… Kết quả của nghiên cứu này đã chứng minh, truyền thông qua mạng xã hội (Instagram) góp phần tích cực nhằm gia tăng giá trị tài sản thương hiệu và các thành phần của nó. Tuy rằng sự tác động của từng khối trong mô hình tổ ong đến các thành phần thuộc tài sản thương hiệu là khác nhau nhưng nhìn chung đều cho thấy kết quả khả quan và mang tính tích cực.

Mặc dù nghiên cứu này cũng có những giới hạn về không gian và thời gian nhưng kết quả nghiên cứu cũng góp phần chỉ ra rằng, việc sử dụng mạng xã hội Instagram để quảng bá thương hiệu có tác dụng tích cực đến tài sản thương hiệu Lazada. Tại Việt Nam, Instagram là nền tảng mạng xã hội được sử dụng chưa phổ biến như Facebook nhưng tính hiệu quả của nó cũng khá cao. Kết quả của nghiên cứu này giúp các doanh nghiệp có thể áp dụng vào thực tế kinh doanh của mình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aaker, D. A. (1996). Measuring brand equity across products and markets. California Management Review, 38(3), 103.
  2. Babac, R. (2011). Impact of social-media use on brand equity of magazine brands: A qualitative study of Vogue Turkey. Retrieved from http://www.diva-portal.org/smash/get/diva2:430935/FULLTEXT01.pdf
  3. Ghozali, I. (2013). Aplikasi analisa multivariate dengan program IBM SPSS 25. Semarang: Badan Penerbit Unversitas Diponegoro.
  4. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Tp.HCM: NXB Hồng Đức. Tập 1.
  5. Thanh Tùng (2020). Việt Nam là thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất khu vực. <http://vietq.vn/viet-nam-la-thi-truong-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-nang-dong-nhat-khu-vuc-d179839.html>
  6. Linh Nguyễn (2018). Top 15 Trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam 2019. <https://giamgiahapdan.com/15-trang-thuong-mai-dien-tu-lon-nhat-viet-nam>
  7. Các số liệu thống kê Internet Việt Nam 2019. <https://vnetwork.vn/news/cac-so-lieu-thong-ke-internet-viet-nam-2019>
  8. https://www.instagram.com/
  9. https://www.instagram.com/lazada_vn
  10. Jokela, R. (2013). Social media-Brand building tool. VAASAN AMMATTIKORKEAKOULU, University of Applied Sciences: International Business. -
  11. Karadeniz, M. (2010). The importance of customer based strategic brand equity management for enterprises. Journal of Naval Sciences and Engineering, 6(2), 117-132.
  12. Kevin Lane Keller, (2013). Strategic Brand Mangement: Building, Measuring and Managing Brand Equity. USA: Pearson, 4th edition.
  13. Kietzmann, J. H., Hermkens, K., McCarthy, I. P., & Silvestre, B. S. (2011). Social media? Get serious! Understanding the functional building blocks of social media. Business Horizons, 54(3), 241-251.
  14. Liuski, E. (2012). The Main Social Media Outlets Used in Business to Business Marketing. VAASAN AMMATTIKORKEAKOULU, University of Applied Sciences: International Business. -
  15. Moisescu, O. I. (2009). The Importance of Brand Awareness in Consumers’buying Decision And Perceived Risk Assessment. Management & Marketing-Craiova, (1), 103-110.
  16. Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Thị Bích Nguyên (2017), Tác động của truyền thông marketing đến giá trị thương hiệu xe gắn máy: Trường hợp thương hiệu Honda, Tạp chí khoa học Đại học Văn Lang (3), 116-125, ISSN 2525 – 2429.
  17. Smith, G. (2007). Social Software Building Blocks, Retrieved April 4.
  18. Tresna, L., & Wijaya, J. C. (2015). The impact of social media towards brand equity: An empirical study of mall X. iBuss Management, 3(2).
  19. Webb, M. (2004). On social software consultancy. Retrieved November 5, 2010. -
  20. Wooldridge, J. M. (2016). Introductory econometrics: A modern approach. - Nelson Education.
  21. Yoo, B., Donthu, N., & Lee, S. (2000). An examination of selected marketing mix elements and brand equity. Journal of the academy of marketing science, 28(2), 195-211.

 

THE IMPACT OF SOCIAL MEDIA ON LAZADA’S BRAND EQUITY

NGUYEN VAN TAM, MBA

Deputy Head, Department of Marketing

Faculty of Commerce, Van Lang University

ABSTRACT:

This study aims to analyze the impact of social media and its functions on Lazada’s brand equity. Specifically, Lazada's instagram account is examined in this study. In addition, this study also examines the impact of social media use and its functions on the brand equity elements in general.

This study’s results indicate that the use of conversations, identities and functionalities have significant impacts on the brand awareness. Sharing, presence and functionalities have significant impacts on the brand association. Reputation and its functionality have significant impacts on the perceived quality while relationships and its functionality have significant impacts on the brand loyalty.

Keywords: Social media, brand equity, Lazada.