Tác hại khó lường từ chiếc điện thoại thông minh bạn nên biết

Không ai có thể phủ nhận rằng điện thoại thông minh giúp đỡ rất nhiều cho đời sống của con người. Thế nhưng, bạn có nhận ra bản thân đang phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị điện tử ấy?

Việc sử dụng điện thoại thiếu kiểm soát sẽ mang lại không ít tác hại đến cuộc sống hằng ngày.

1. Thiếu tập trung

Điện thoại giúp chúng ta dễ dàng liên lạc, tìm kiếm thông tin, hỗ trợ trong lúc làm việc hoặc học tập, nhưng đồng thời là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tập trung. Chắc hẳn không ít lần vì mải mê lướt mạng xã hội, trả lời tin nhắn mà bạn không kịp hoàn thành công việc của mình. Đôi khi, bạn cũng chẳng thể tập trung 100% để làm việc vì bị phân tán sự chú ý từ những thông báo hay mãi đợi chờ tin nhắn của nhóm bạn, đồng nghiệp hoặc là “crush”.

Điện thoại thông minh
Đôi khi, vì mải tập trung trả lời tin nhắn mà bạn bị chậm tiến độ làm việc

Chính vì vậy, đừng để sự tập trung của bản thân bị những chiếc điện thoại thông minh “cướp” chỗ. Trong lúc làm việc, bạn có thể chỉnh điện thoại ở chế độ im lặng, đặt chúng cách xa tầm tay hoặc sử dụng một số ứng dụng giúp bạn tăng cường sự tập trung hơn.

2. Giảm trí nhớ

Chúng ta không thể phủ nhận cuộc sống dần trở nên tiện lợi hơn rất nhiều khi các thiết bị thông minh xuất hiện. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào chúng cũng mang đến những tác hại mà bản thân cần phải chú ý, chẳng hạn như việc giảm trí nhớ.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà khoa học thần kinh Veronique Bohbot và nhóm của cô đã tiết lộ, việc dựa dẫm quá nhiều vào các thiết bị sẽ làm giảm chức năng của hồi hãi mã – một phần của não trước, là cấu trúc của thùy thái dương, đảm nhiệm hoạt động lưu giữ thông tin và khả năng định hướng không gian. Đồng thời, việc xem facebook quá nhiều hay những chương trình trên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm trí nhớ. Bởi chúng ta thường lướt điện thoại trong vô thức, với cơ chế liên tục tiếp nhận những thông tin mới dẫn đến việc dễ quên đi những tin tức vừa xem qua.

Điện thoại thông minh
Bạn đừng nên phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại thông minh

Chính vì vậy, chúng ta nên sử dụng điện thoại có chủ đích, không nên lạm dụng “người bạn thông minh“. Tất nhiên, việc để điện thoại giúp bộ não lưu trữ không hề sai, nhưng bạn có từng nghĩ một ngày nào đó, “vật bất ly thân” bị mất đi hoặc hư hỏng, những ghi chú quan trọng, số điện thoại trong danh bạ sẽ ra sao? Chính vì vậy, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ thông minh, bạn có thể tập ghi nhớ vài số điện thoại hoặc lưu ý quan trọng. Cùng với đó, hãy chuẩn bị cho mình một cuốn sổ tay để lưu trữ những thông tin cần thiết. Việc viết lại những lưu ý cũng là phương pháp ghi nhớ hữu hiệu và đồng thời, bạn có thể trang trí cuốn sổ tay theo “style” của mình như một cách để thư giãn.

Bạn có thể đưa ra một số nguyên tắc cho mình khi sử dụng điện thoại thông minh như để xa tầm tay khi làm việc, tập dần với việc ghi nhớ số điện thoại của những người mình thường xuyên liên lạc nhất và tự gõ chúng ra chứ không phải “nhờ vả” danh bạ, xem lại những ghi chú trong điện thoại để nhắc nhở bản thân. Bạn cũng đừng lo lắng não bộ của mình không đủ “bộ nhớ”, thực tế thì khả năng ghi nhớ của con người rất lớn. Chỉ cần não bộ của chúng ta “siêng năng”, chúng sẽ càng nhớ được nhiều thứ hơn.

3. Xa rời thực tế

Những trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều và chúng ta dường như đang dần thoát ly khỏi thực tế. Việc cứ đắm chìm trong thế giới ảo khiến chúng ta mải mê theo đuổi hình mẫu xa vời, ao ước cuộc sống màu hồng mà người khác đắp nặn mà đôi khi quên đi cuộc sống thực tại.

Điện thoại thông minh
Thay vì đắm chìm trong thế giới ảo, bạn hãy quan tâm đến những điều gần gũi quanh mình

Thay vì bận tâm những điều xa vời, chúng ta hãy dành sự chú ý cho những điều gần gũi bên cạnh mình. Khi bạn thôi bận tâm đến thế giới ảo trước mắt, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng hơn nhịp sống xung quanh, thêm yêu đời và mang đến những điều tốt đẹp hơn nữa.

4. Trở nên thụ động

Theo một thống kê của CNN, 1/3 người Mỹ thích nhắn tin hơn gọi điện trò chuyện với nhau. Tuy nhiên, những tin nhắn văn bản chẳng thể phát ra âm thanh và người nhận có xu hướng dự đoán, giả định cảm xúc của đối phương, đôi khi dẫn đến sự hiểu lầm không đáng có. Facebook Messenger, Instagram, Viber, Zalo là những công cụ liên lạc hằng ngày, giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách. Thế nhưng, việc để các mối quan hệ duy trì bằng tin nhắn không phải là phương pháp tối ưu.

Việc chúng ta cứ ở nhà và liên lạc với nhau qua màn hình di động, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài sẽ khiến bản thân dần trở nên ngại giao tiếp hơn, từ đó khó hòa nhập với đám đông và kết bạn. Những cuộc gặp mặt trực tiếp rất cần thiết để duy trì kết nối với thế giới xung quanh.

Điện thoại thông minh
Việc liên lạc với nhau qua điện thoại sẽ khiến chúng ta ngại giao tiếp trực tiếp

5. Ít thời gian để suy ngẫm

Ngày nay, chúng ta dường như mải mê bận rộn với “vật bất ly thân” của mình mà ít dành thời gian để suy ngẫm về cuộc sống. Dù không thể phủ nhận tính năng giải trí từ “người bạn thông minh” nhưng chúng ta cũng không nên dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi của mình cho chúng. Bạn đã từng thử gác lại chiếc điện thoại, suy nghĩ và quan sát nhiều hơn những sự vật, sự việc đang diễn ra xung quanh mình chưa? Bạn sẽ nhận ra cuộc sống này còn rất nhiều điều khiến chúng ta vui vẻ và hạnh phúc.

Điện thoại thông minh
Thế giới bên ngoài còn nhiều điều thú vị cần bạn khám phá

Bên cạnh những trò chơi, phim ảnh trên mạng xã hội, bạn có thể tham gia những hoạt động khác như dạo phố với bạn bè, đọc sách, tập thể thao… Thế giới bên ngoài điện thoại còn rất nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá, đừng để điện thoại thông minh “thống trị” niềm vui cuộc sống của bạn.

Nguyên Vy t/h